Thôn Kađhub thuộc xã Phước Lộc nằm phía Tây Bắc của huyện Phước Sơn. Toàn thôn có 31 hộ với hơn 132 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Bhnoong sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Đa số bà con lấy sản xuất nương rẫy làm phương thức canh tác chủ yếu, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu thả rông... Chính vì vậy, để phát triển kinh tế ở thôn bản và nâng cao chất lượng về cuộc sống về mọi mặt cho đồng bào là điều không dễ đối với các cấp, các ngành.
Những năm qua, nhằm tạo cuộc sống ổn định cho đồng bào thiểu số và từng bước phát triển nâng cao kinh tế, được sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể các cấp, các chương trình, dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc ở đây đã phát huy được tác dụng và đem lại hiệu quả thiết thực. Ở đây chưa có điện lưới quốc gia kéo về nhưng bà con đã ngăn dòng nước từ các suối khe, làm thủy điện nhỏ và đã có 100 % số hộ đã sử dụng điện thắp sáng. Các công trình trường học, trạm y tế không ngừng được nâng cấp và phát huy hiệu quả. Ý thức của người dân về chăm lo sức khỏe, vệ sinh môi trường của đồng bào dân tộc ngày càng được nâng cao. Việc triển khai các chương trình y tế cộng đồng như phòng chống sốt rét suy dinh dưỡng, tiêm phòng văc-xin, các dịch bệnh ở trẻ em, kế hoạch hóa gia đình... được đồng bào hưởng ứng tích cực.
Nhiều chương trình, dự án dành cho đồng bào được áp dụng đúng mục đích và đối tượng sử dụng. Đến nay, toàn thôn đã triển khai xây dựng nhà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và neo đơn từ chương trình 134 với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, bản làng khang trang hơn với những ngôi nhà được xây kiên cố. Nhờ sự kết hợp giữa các chương trình dự án, đến nay toàn thôn đã có hàng chục ha rừng cho thu hoạch có hiệu quả. Diện tích phủ xanh đất trống đồi trọc được bà con áp dụng năm sau cao hơn năm trước. Tuy cuộc sống của đồng bào được cải thiện, những ứng dụng khoa học đời sống đã về đến thôn, bản nhưng nhận thức của đồng bào chưa đồng đều, tập quán và tín ngưỡng đã ăn sâu trong cách nghĩ, cách làm của bà con. Vì vậy, thời gian qua, các cấp ủy Đảng luôn chỉ đạo kịp thời nhằm cải thiện kinh tế và phát triển văn hóa tinh thần giúp đồng bào nâng cao cuộc sống. Từ năm 1999, toàn thôn đã phát động phong trào xây dựng đời sống văn hóa và đến năm 2004, thôn được công nhận là “Thôn văn hóa” và luôn giữ vững danh hiệu này đến nay. Đây là một tín hiệu đáng mừng của quá trình vận động trực tiếp của Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa. Có được kết quả đó, Ban chỉ đạo đã đến tận các khu dân cư, hộ gia đình hướng dẫn những Nghị quyết, chủ trương của Đảng để đồng bào nắm bắt và thực hiện.
Đặc biệt, từ khi thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh” thì bản làng càng có nhiều sự đổi thay hơn. Những buổi nói chuyện về tấm gương đạo đức của Bác được tổ chức thường xuyên mỗi tuần một lần, đồng bào càng hăng hái xây dựng đời sống mới. Bây giờ, nhà nào của thôn Kađhub cũng treo trang trọng hình của Bác trong nhà. Sau hơn 10 năm phát động xây dựng đời sống văn hóa, bộ mặt của thôn có những chuyển biến tích cực. Nếu trước đây lối sống, nếp nghĩ của người dân bó hẹp trong khuôn phép “lệ làng” thì đến nay, đồng bào đã có cách làm mới, tư duy mới và có những tiến bộ rõ rệt. Nếu năm 1999, toàn thôn có tỉ lệ đói nghèo khá cao, chiếm 70% thì đến nay, qua hơn 10 năm đã hạ dần xuống đáng kể, đến nay chỉ còn 30% hộ nghèo, cái đói cơ bản đã được đẩy lùi. Sự thay đổi về kinh tế làm cho đời sống tinh thần của đồng bào phát triển hơn. Trong đó dân trí được nâng cao, 100% con em trong độ tuổi đều được đi học, trường học các cấp được xây dựng khang trang. 100% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn được người dân chú trọng để nắm bắt thông tin, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và nhu cầu đi lại. Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên luôn hoạt động thường xuyên và lồng ghép, tuyên truyền có hiệu quả. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức vào những ngày lễ lớn, tết....Thôn có đội văn nghệ để tuyên truyền những ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh, thôn có đội bóng đá, bóng chuyền thường xuyên hoạt động và thi đấu giao lưu... Ngôi nhà chung của thôn là một nhà rông - công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” luôn mở cửa vào những dịp hội hè như mừng lúa mới, vào mùa…. Tiếng nói tiếng cười với những nhịp cồng chiêng vang lên giòn giã.
Văn hóa tinh thần ngày một phát triển lành mạnh đã làm thay đổi nhận thức và tiến bộ của bà con trong việc loại bỏ những tín ngưỡng và hủ tục lạc hậu như thách cưới, tảo hôn... không còn xảy ra trên địa bàn. Đồng bào đã biết đăng ký kết hôn thep đúng pháp luật, biết thực hiện hôn nhân một vợ một chồng, đến trạm y tế để khám chữa bệnh. Đặc biệt, thôn đã vận động được 100% số cặp vọ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, 100% cam kết không sinh con thứ 3 trở lên. Đến nay, 100% số hộ đã dăng ký xây dựng gia đình văn hóa và đã có 90% số hộ được công nhận danh hiệu này.
Về với thôn Kađhub xã Phước Lộc hôm nay, màu xanh của rừng và hoa màu đang phủ dần những vùng đồi bỏ hoang năm nào. Bộ mặt quê hương ngày một khởi sắc, nhiều ngôi nhà kiên cố được mọc lên kiên cố. Cơ sở hạ tầng được Nhà nước quan tâm đầu tư đã làm nên diện mạo mới của một thôn miền núi xa xôi. Thiết nghĩ “xóa nghèo” về kinh tế và “xóa đói” về văn hóa cho đồng bào dân tộc Bhoong nơi đây đã đem lại hiệu quả thiết thực, đánh dấu sự đổi thay của một thôn vùng cao của huyện Phước Sơn.
Hồ Thu