Hè sang, thu tới, đông qua, xuân lại đến theo qui luật của đất trời. Mỗi khi mùa xuân về, trong lòng ta lại rạo rực bao niềm vui sướng. Tết đến, xuân về là dịp để mỗi người tự suy ngẫm, xem một năm trôi qua mình đã làm được những gì, chưa làm được những gì.
Ngày tết cổ truyền của dân tộc bao giờ cũng là dịp để đoàn tụ gia đình. Dù đi đâu, ở đâu, nếu không gặp những trắc trở đời thường hay vì một nhiệm vụ cần thiết, mọi người luôn tìm về mái ấm gia đình, về với quê hương yêu dấu – nơi ấy có ông bà, cha mẹ, bạn bè, bà con thân thuộc để ăn tết. Đó là nét đẹp truyền thống, được lưu truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, mang tính nhân văn sâu sắc.
Đất trời vào xuân, cây cối đâm chồi nẩy lộc, muôn hoa khoe sắc thắm, lòng người cũng mở ra để hoà quyện cùng mùa xuân tươi phơi phới. Năm nay xuân lại về. Gác lại những suy tư, âu lo, toan tính giữa bộn bề công việc để bồi hồi nhớ về ngày tết ở quê.
Tết ở quê không ồn ã, nhộn nhịp như tết ở nơi phố thị. Hơi hướng ngày tết ở quê cứ âm thầm, chầm chậm len lỏi vào từng nhà, từng người. Ăn rằm tháng mười xong là tính đến chuyện chạp mã, chuyện ăn tết. Ba, bốn nhà chung nhau dặn một con heo; nhà nào cũng rấm sẵn một vài con gà, con vịt; cánh đàn ông rủ nhau lo việc đốn củi cho khô…Tầm rằm tháng chạp trở đi, không khí tết có vẻ “rõ” hơn. Cánh đàn bà chọn ngày nắng tốt để làm bánh tráng (bánh đa). Bánh tráng có loại bánh mỏng để cuốn, bánh dày để nướng. Khoảng hai mươi tháng chạp, có nhà đã cúng tất niên. Quãng thời gian sau ngày hăm ba ông Táo về trời, không khí chuẩn bị tết có vẻ khẩn trương hơn. Làng trên, xóm dưới, heo bị chọc tiết kêu eng éc. Những lúc như thế, bọn trẻ con rủ nhau, hò reo chạy ùa đến xem heo thay áo mới và tranh nhau xin cái bọng đái về xát muối, thổi lên làm trái bóng đá chơi. Đường làng ngõ xóm được sửa sang, quét dọn. Nhà nào cũng dọn dẹp trước sau tươm tất. Tiếng gọi nhau ơi ới nhờ gói bánh tét, bánh ú, bánh ít lá gai, bánh nổ, bánh da, bánh in, bánh khô khổ; đỗ bánh tổ… nghe rất vui tai. Những dịp đám giỗ, chạp mã, đám cưới người dân quê tôi thường làm bánh để dọn đãi khách; riêng dịp tết đến, nhà nào cũng làm bánh, nên không khí rất sôi động. Chính những công việc thường làm, lâu ngày trở thành nếp sinh hoạt nơi thôn dã, mà con cái trong gia đình, kể cả con trai đều biết cách làm các loại bánh.
Nguyên liệu chính để làm bánh là nếp, gạo, đậu xanh, đậu phộng, mè, đường bát và một số nguyện liệu phụ khác như thịt heo, tro mè, vôi, lá gai, gừng v.v…Tuỳ theo loại bánh mà chuẩn bị nguyện liệu và chế biến cho phù hợp. Ví như bánh tét thì ngâm nếp, vo thật kỹ, vớt ra để ráo nước, sau đó gói với nhưn đậu xanh, thành đòn; nếu nếp được ngâm với nước tro mè hoặc nước vôi sẽ ra bánh tét tro. Bánh ú cũng dùng nguyện liệu nầy, chỉ khác là gói từng cái một, sao cho đẹp, cân đối năm góc bánh với nhau. Bánh ít, bánh tổ, bánh in, bánh da đều làm bằng bột nếp rây nhỏ; bánh nổ làm bằng hạt nếp rang bung, trộn với nước đường thắng tới (đường ngào). Riêng bánh khô khổ cách chế biến hơi cầu kỳ. Trước tiên, gạo hoặc nếp được ngâm vài tiếng đồng hồ, vớt để ráo. Đem giã và sàng bột xuống những chiếc khuôn có nhiều ô bên dưới. Khi bột vừa đầy, dùng que gạt sát miệng khuôn. Giở khuôn ra, rồi đem bánh vào hấp. Bánh chín, đem sấy cho vàng. Cuối cùng, đem bánh nhúng vào nước đường ngào, rắc mè rang lên hai mặt. Bánh tết ở quê ăn rất ngon, nhiều chất dinh dưỡng, có loại để ra giêng, tháng hai vẫn dùng tốt.
“Năm hết tết đến”, “còn cũng ba bữa tết, hết cũng ba bữa mùa” là câu nói cửa miệng của người dân quê tôi trong những ngày cuối năm. Cả năm vất vả, nhọc nhằn mưu sinh; đến ngày mùa, ngày tết, dù phải chạy vạy, vay mượn nơi nầy, chỗ khác cũng phải lo cho có cái ăn, cho nên mọi người đều cố gắng sắm sửa đủ đầy. Điều gần như hiển nhiên đó được thể hiện qua các câu hát dân gian:“…Số cô không giàu thì nghèo/ Chiều ba mươi tết có thịt heo trong nhà/ Số cô có mẹ có cha/ Mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông…”. Những ngày giáp tết, người lớn vội vàng, tất bật chuẩn bị cho ba ngày tết, vì thế họ làm việc quần quật suốt ngày, có lúc sang đêm. Trẻ con thì mong sao cho tết đến thật nhanh. Và rồi, tết đến. Giờ giao thừa, các con đều được đánh thức. Mâm lễ cúng giao thừa tuy đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Cả nhà quây quần bên nhau, chúc một năm mới sức khoẻ, gặp nhiều may mắn. Sáng mồng một tết, con cháu mặc áo quần mới, thắp hương bàn thờ ông bà, xuất hành theo hướng đại lợi; thắp hương nhà thờ tộc và các phần mộ, sau đó về nhà lãnh phần đi mừng tuổi ông bà.
Tục mừng tuổi hay làm tuổi ở quê tôi vào những ngày đầu năm mới, đến nay vẫn chưa có lời giải thích chính xác. Những người lớn tuổi cho rằng, lì xì cho con trẻ những đồng bạc lẻ, gọi là mừng tuổi; còn đem nem, rượu để khấn vái ông bà gọi là làm tuổi, tức “báo” cho ông bà biết mình được thêm một tuổi (?!). Thường cha mẹ ở nhà để con cháu đến làm tuổi và tiếp khách; các con được phân công đi làm tuổi các nhà bà con trong dòng tộc. Mỗi chỗ làm tuổi, phải đem theo hai chiếc nem xâu lại, treo vào cổ chai rượu để cúng ông bà. Xong thủ tục làm tuổi mới được đi chơi xuân, thăm viếng bạn bè. Bây giờ dù có nhiều đổi thay, nhưng những nét xưa đáng yêu của ngày tết ở quê vẫn còn hiện hữu, không dễ mờ phai.
Mùa xuân, lúa trên những đám ruộng bậc thang đang thì con gái, xanh tươi mơn mởn. Tiết trời vào xuân thật dễ chịu. Không gian như rộng ra, thoáng đãng. Từng tốp người, áo quần nhiều màu sắc đi chơi xuân, làm cho phong cảnh làng quê thêm đẹp.
Ngày tết ở quê, tuy mộc mạc đơn sơ nhưng thấm đượm nghĩa tình.
Hoàng Chương