“…Ngày con đã biết chơi biết chạy,
Đừng cho chơi gậy trèo cao.
Đừng cho chơi búa chơi dao,
Chơi vôi chơi lửa chơi ao có ngày.
Lau cho sạch không hay dầm nước,
Ăn cho vừa đừng ước cao lương.
Mùa đông tháng hạ thích thường,
Đừng ôm ấp quá đừng suồng sã con.
Dạy từ thuở hãy còn trứng nước,
Y êu cho đòn bắt chước lấy người.
Trình thưa vâng dạ đứng ngồi,
Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên...”
Gia huấn ca, tương truyền của Nguyễn Trãi. Nhưng có nhiều người không đồng ý, cho rằng không phải. Đối với tôi, cho dù tác giả là ai thì những câu ca ấy đã thấm đượm vào lòng như mật ngọt; những câu ca ấy đã giúp tôi hiểu, yêu, xác định bổn phận đối với gia đình, tộc họ, với cộng đồng xã hội, và điều quan trọng hơn, những câu ca ấy đã giúp tôi giáo dục con cái trưởng thành.
Đọc những câu ca giản dị, mộc mạc trong Gia huấn ca ta thấy rất gần gũi, dễ nhớ. Ai đã đọc bài ca ấy sẽ nhớ mãi. Gia huấn ca đã đi vào lòng người qua nhiều thế hệ. Càng đọc, càng suy ngẫm ta càng thấy sự thâm thuý, uyên bác của những câu ca mộc mạc chân chất ấy. Và, những giá trị của bài học đạo đức là không thể phủ nhận, nhất là trong thời buổi hiện nay.
Như chúng ta đã biết, con người sinh ra phải được giáo dục mới trở thành con người có ích cho xã hội. Ông bà ta đã đúc kết “ tiên học lễ, hậu học văn ”. Con người sống cần có lễ nghĩa và nhân đức. Do đó phải học lễ nghĩa trước nhất . Nhưng không phải đợi đến trường mới học lễ nghĩa, mà lễ nghĩa phải học ngay ở trong nhà, và con cái phải được học ngay từ thời mới biết ăn biết nói. Với hơn mười câu ca trong Gia huấn ca mà tác giả đã nêu lên hàng loạt những điều giáo huấn cho con cái. Xem ra, cách giáo dục con cái hiện nay của một số gia đình - nhất là gia đình trẻ, ta thấy còn nhiều việc cần phải luận bàn. Đành rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ hiện đại. Nhưng đâu phải cứ hiện đại là phủ định sạch trơn những giá trị giáo dục truyền thống; quên đi những điều răn dạy gần gũi, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Trước tiên nói về chuyện chơi của trẻ.
Trẻ con vốn rất hiếu động, thích đùa nghịch, chạy nhảy…Trách nhiệm của người lớn là phải bày dạy cho trẻ tránh xa những trò chơi có độ nguy hiểm cao. Thế nhưng, hiện nay một số bậc cha mẹ vì quá nuông chiều con đã tiêu tốn quá nhiều tiền để mua đồ chơi cho trẻ. Bên cạnh những đồ chơi dễ thương như: gấu bông, búp bê, bộ xếp hình, trống ếch…còn có các loại đồ chơi mang tính bạo lực cao như: dao găm, mã tấu, kiếm, súng, xe tăng, đại bác. Một số cháu còn được cha mẹ mua cho những chú Robot chạy bằng đá pin. Khi hoạt động, Robot vừa di chuyển, vừa bắn xối xả . Hiện đại hơn một số gia đình lắp hệ thống máy vi tính, cài đặt các trò chơi điện tử vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn như: đua xe tốc độ cao, lạng lách; rồi chiến tranh bom rơi, đạn nổ như thật…Ngay từ bé các cháu đã tiếp xúc nhiều với những đồ chơi có cảm giác mạnh; lớn hơn các cháu sẽ đến các quầy Internet để thoả mãn nhu cầu bằng những trò chơi trực tuyến trên mạng ( Game Online). Đó là hệ quả không thể tránh khỏi và hậu quả kéo theo là bỏ bê việc học, trộm cắp để có tiền “ngao du” với cao thủ trên Game Online; gặp gỡ, tán tỉnh làm quen nhau qua chat. Dần dần các cháu sẽ trở thành những con người hung bạo, dữ dằn và hiếu chiến.
Chuyện sinh hoạt hằng ngày của trẻ
Chuyện sinh hoạt hằng ngày như: tắm rửa, ăn uống, đi lại, nói năng…chúng ta cần phải chú ý và phải uốn nắn từng li từng tí một. Ông bà ta đã dạy:“ Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi ”, còn trong Gia huấn ca thì: “dạy từ thuở hày còn trứng nước, yêu cho đòn bắt chước lấy người, trình thưa vâng dạ đứng ngồi ”. Điều đó không bao giờ lỗi thời. Có người cho rằng, nếu quá nghiêm khắc, quá xét nét sẽ không phù hợp với lối sống hiện đại và lạc hậu với thời cuộc.
Mỗi người có một quan niệm sống và chuyện đúng, sai là việc của các nhà nghiên cứu. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến những cậu ấm cô chiêu xuất thân trong những gia đình ít quan tâm, ít để ý - hay nói cách khác, còn hời hợt với việc giáo dục con cái. Đừng nghĩ con còn quá bé, từ từ để cháu lớn rồi sẽ dạy dỗ. Nên nhớ rằng, trẻ từ 2-3 tuổi đã biết nhận thức; 10-15 tuổi tính cách của trẻ đã định hình rõ ràng và giai đoạn này gần như quyết định lối sống của đứa trẻ sau nầy khi bước vào đời. Cho nên phải uốn nắn, nhắc nhở thường xuyên, thưởng phạt rõ ràng và đừng quên động viên khích lệ trẻ khi cháu làm được một việc tốt gì đó.
Thực tế, nhiều gia đình do quá bận bịu cho việc làm ăn; một số ông bố bà mẹ bị cuốn theo công việc của cơ quan, nên ít có thời gian chăm sóc, dạy bảo con cái. Ở những gia đình này, ít có không khí đầm ấm của bữa cơm gia đình. Sáng dậy, phát mỗi đứa con ít tiền, phần ai nấy ăn, thích gì ăn nấy; trưa, tối bố mẹ bận tiếp khách, con cái mua cơm hộp hoặc ra quán ăn. Đừng xem thường những bữa cơm gia đình, vì ở đó hội đủ những yếu tố để hình thành nhân cách, tạo dựng tình cảm của những người trong gia đình. Còn gì vui hơn khi công việc bếp núc mỗi người mỗi việc, cả nhà sum vầy bên mâm cơm nghi ngút khói, con cháu dành thức ăn ngon cho ông bà, cha mẹ. Còn hạnh phúc nào bằng khi cả nhà bên mâm cơm, râm rang chuyện trò vui vẻ.
Hằng ngày, đôi lúc chúng ta bắt gặp những cách cư xử, nói năng cộc lốc, thiếu lễ phép của một số đứa trẻ xuất thân từ các gia đình thiếu gia giáo, không nền nếp, thiếu qui củ. Đó là điều tệ hại. Nghĩ xa hơn chúng ta cảm thấy lo lắng, bởi vì với cách dạy dỗ “kiểu mới” của một số gia đình, xã hội sẽ hình thành một lớp người vô cảm, lạnh nhạt, thờ ơ với mọi người xung quanh và như vậy làm gì có sự thông cảm, chia sẻ buồn vui với người thân, bè bạn.
Chuyện học hành, lao động “gái trong kim chỉ trai ngoài bút nghiêng” cũng là vấn đề cần bàn thảo.
Ai cũng biết việc học là vô cùng quan trọng nhưng học thế nào, học ở đâu là vấn đề cần quan tâm. Đành rằng việc dạy chữ cho các cháu là trách nhiệm của nhà trường, của ngành giáo dục; các cháu đến trường đã có thầy cô lo, nhưng đừng quên rằng, môi trường giáo dục là sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Còn chuyện dạy con tự làm những việc nhỏ nhặt cũng nên để ý. Con gái, con trai đều phải biết quét dọn nhà cửa, giặt giũ, khâu vá quần áo, nấu nướng, sắp xếp đồ đạc trong gia đình. Thời nay nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế, mọi việc trong nhà đều do người giúp việc làm hết. Cho nên từ việc ăn uống, giặt một cái khăn, chuẩn bị sách vở đi học, giày dép, áo quần, mũ nón… đều có người lo chu tất. Vì thế, nhiều em lớn tồng ngồng nhưng không biết làm việc gì cả. Với cách suy nghĩ thương con, không muốn con “khổ cực” nghĩa là phải cung phụng và làm hết mọi việc cho con là cách nghĩ sai lầm. Đó cũng là điều tệ hại. Thử hỏi, với cách răn dạy như thế, làm sao hình thành cho trẻ đức tính tự tin, ý thức tự lập và làm sao con cái có thể tổ chức tốt cho cuộc sống tương lai của chính gia đình nhỏ sau nầy của mình. Đừng tưởng chăm bẵm cho con tất cả mọi thứ là tốt.
Vẫn biết, chuyện dạy dỗ con cái là việc hết sức khó khăn, không ai giống ai, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng lòng vẫn cứ băn khoăn, ray rứt.
Hoàng Chương