Nông dân học trồng lúa - chuyện thật mà tưởng như đùa này đang diễn ra tại huyện Phước Sơn trong hơn 4 tháng qua. Lần đầu tiên, 16 lão nông đến từ 8 xã, thị trấn của huyện được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây lúa, bảo bệ môi trường, nâng cao sức khỏe ... lớp học không những mang lại kiến thức có ích cho bản thân họ, mà còn có tác dụng tuyên truyền rộng trong đại bộ phận nông dân ở Phước Sơn.
Đứng trước cánh đồng tương đối rộng của khối 2a thị trấn Khâm Đức, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra 400m2 ruộng học tập theo mô hình IPM. Điểm khác biệt của chân ruộng này với các chân ruộng khác đó là : một màu vàng tươi trên những bông lúa nặng trĩu, xen lẫn các ruộng lúa đã được cắt gọn là bảng hướng dẫn chi tiết ở từng giai đoạn sinh trưởng, cũng như các quy trình bảo vệ thiên địch, các loài côn trùng có ích. Từng loại phân bón đối với cây lúa, cách bón phân cân đối ... Qua tìm hiểu, với 400m2 ruộng học tập, 1,7ha ruộng nhà, được áp dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa, 16 nông dân đã tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ sâu, gieo sạ thưa theo quy trình 1kg giống/1 sào ... kết quả, không những năng suất lúa đạt cao, gần 60 tạ/ha, mà còn tiết kiệm được hơn 2,3 triệu đồng. Đối với người nông dân, trên cùng một diện tích canh tác, vừa giảm chi phí, vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe lại vừa cho năng suất cao ... quả là không có gì vui hơn. Bà Lê Thị Thọn - nông dân khối 2a thị trấn Khâm Đức nói.
Nhìn những bông lúa trĩu nặng, không riêng gì 16 lão nông mà ngay cả đối với cán bộ trạm kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện, chi cục bảo vệ thực vật tỉnh đều tỏ ra rất vui mừng. Ông Trần Hồng - chi cục trưởng chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Nam - thông tin : việc đưa mô hình IPM vào huyện miền núi Phước Sơn là một việc làm thiết thực, không những giúp người nông dân thay đổi một phương thức sản xuất, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, mà qua mô hình này còn giúp người nông dân tích cực, chủ động trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, đáng chú ý trong chương trình này, có mô hình "cấy mạ non mật độ thưa"-được coi là một tiến bộ khoa học kỹ thuật lớn trong ngành nông nghiệp và được áp dụng ở nhiều nơi trong cả nước.
Toàn huyện ta có hơn 442ha lúa nước - đó có thể coi là diện tích tương đối lớn đối với địa bàn một huyện miền núi cao - song diện tích ruộng không tập trung, phân tán ở nhiều vùng, chính vì vậy việc áp dụng mô hình IPM và cấy mạ non mật độ thưa rất phù hợp đối với các chân ruộng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, phần đông nông dân ở huyện ta lại quen với một phương thức canh tác có phần lạc hậu, khả năng tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Trước thực tế này, ngoài nguồn tài trợ hơn 80 triệu đồng cho lớp học, Ban quản lý dự án chương trình phát triển vùng huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí để 16 học viên của lớp tập huấn đem những kiến thức, kinh nghiệm đã học về mở thêm nhiều lớp ở địa phương mình ngay trong vụ hè thu đến. Chị Hoàng Thị Thảo - cán bộ hội nông dân xã Phước Đức - khẳng định “sau khi học xong lớp IPM, hội nông dân xã sẽ mở 5 lớp IPM tại 5 thôn cho bà con học tập, làm theo, mô hình này vừa ít tốn chi phí sản xuất, lại vừa không ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe người nông dân, nên tin chắc bà con sẽ rất phấn khởi”
16 lão nông đã có hơn nửa đời người gắn bó với đồng ruộng theo kiểu “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, với những kinh nghiệm “đầy mình” trong gieo cấy, chăm sóc cây lúa, thế nhưng, lớp học "trồng lúa" lần này, họ đã nhận ra rằng “kinh nghiệm không thể đảm bảo cho một vụ mùa bội thu, mà phải cần có kiến thức, khoa học kỹ thuật mới có thể đem lại cho cái ruộng, cái nương xanh tốt, cho cây lúa trĩu bông, cho kho thóc đầy tràn...”. Hy vọng, những thành công từ lớp học sẽ tiếp tục được nhân rộng ra trên phạm vi toàn huyện./.
Tấn Sỹ