Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Lệ xả đập Nà Bò
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 23/05/2011 .Lượt xem: 1847 lượt.

        Đập Nà Bò thuộc thôn Mậu Long 1, xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Hằng năm cứ vào ngày mồng 10/8 âm lịch là ngày nhân dân tập trung về đây để xem xả đập. Đây là một tục lệ có từ những năm đầu của thế kỷ XX và còn duy trì mãi đến ngày nay.

        Cũng như bao làng quê khác, thôn Mậu Long 1 là một miền quê hiền hòa, yên bình, thơ mộng. Đây là nơi hội tụ giữa dân bản địa và những cư dân đến từ nhiều miền quê khác nhau. Dù có kẻ đến trước, người đến sau nhưng người dân ở đây đều có một nét chung là rất mến khách, hồn hậu, thật lòng, mộc mạc chân quê.

        Theo những bậc cao niên như cụ Xuân, cụ Hải, cụ Quí … thuở khai thiên lập địa nơi đây là vùng đất hoang vu, vắng vẻ, rừng rậm, nhiều thú dữ. Tuy vậy, do là vùng đất trù phú, địa thế đẹp, hợp phong thủy, đất đai màu mỡ nên dân cư ngày càng đông đúc.

Thời kỳ thuộc Pháp, vùng đất Mậu Long đời sống nhân dân còn rất khó khăn do phần lớn ruộng đất đều nằm trong tay các nhà giàu có.

        Ban đầu, đập Nà Bò chỉ là con đập bổi, chặn dòng Khe Nhóm, lượng nước rất hạn chế. Dần về sau ông Cửu Bốn -một nhà giàu có trong thôn- đã huy động lực lượng lao động rất đông để vận chuyển đất đá xây đập tại nơi hợp lưu của Khe Nhóm và Khe Cái. Con đập thời ấy được kè bởi đá hộc. Người ta dùng vôi, nước đường và nước nhớt từ cây bời lời trộn chung làm vữa, xây kè 2 bên, đắp đất ở giữa, rất vững chắc.

        Đập Nà Bò được xây dựng và hoàn thành vào khoảng năm 1904. Việc xây đập thành công đã tạo nên một hồ nước lớn, tưới tiêu được rất nhiều diện tích lúa. Những thửa ruộng được tưới nước của đập Nà Bò phải trả “phí” lúa nước cho ông Cửu Bốn theo tỷ lệ nhất định. Ngoài việc có thêm nguồn thu, ông Cửu Bốn còn tạo ra sự phụ thuộc, ràng buộc giữa các nhà địa chủ khác và các nông dân đối với gia đình ông. Và có lẽ giai đoạn ấy, nhà ông Cửu Bốn giàu có nhất vùng.

        Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đập Nà Bò bị đánh bom nhiều lần nên bị hư hỏng, nhân dân phải sửa đi, sửa lại để duy trì nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Bọn Mỹ và tay sai luôn tổ chức những cuộc càn quét, bắt bớ, bắn giết, đốt phá nhà cửa, ruộng vườn nhằm hủy diệt vùng căn cứ địa cách mạng- hậu phương lớn của quân và dân ta. Khó khăn là thế, ác liệt là thế nhưng tinh thần cách mạng, ý chí đấu tranh, lòng căm thù giặc luôn trỗi dậy trong mỗi con người nơi đây. Giặc đến, nhân dân thực hiện chiến thuật “vườn không nhà trống”. Giặc đi rồi, nhân dân bám trụ, tăng gia sản xuất, phục vụ cho tiền tuyến.

        Sau ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, đập Nà Bò được đầu tư xây dựng lại bằng bê-tông cốt thép. Với hệ thống kênh mương nối dài, hiện nay đập Nà Bò đã tưới tiêu cho hơn 100 ha lúa, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương này.

        Trải qua hơn một thế kỷ, lệ xả đập Nà Bò vẫn còn duy trì. Sau lễ cúng do Tổ thủy lợi và các bậc cao niên tổ chức, các tấm ván của “vỏ khổ” được các thanh niên khỏe mạnh kéo lên. Nước trong hồ tuôn chảy rất mạnh, tung bọt trắng xóa. Dân bản địa cứ men theo các nhánh khe đã cạn nước để bắt cá. Nước rút tới đâu, người dân bắt cá tới đó. Dụng cụ đánh bắt của người dân ở đây rất đa dạng như: tủ (rớ), xăm (tấm lưới buộc vào 2 thanh tre, do 2 người kéo), nơm, đó, rỗ, nhủi, lưới v.v…

        Vui và sôi động nhất là khi nước rút đến gần khu vực con đập. Mọi người bắt cá từ 2 nhánh khe dồn về, đông nghìn nghịt. Trên thân đập và xung quanh bờ khe người xem cũng đông vô kể. Họ đến đây từ rất sớm và chờ đến thời khắc này. Vùng lòng hồ chỉ còn rộng chừng vài chục mét vuông. Nước cạn dần. Cá, tôm các loại bị gom lại. Mọi người hò reo, vây bắt thật khẩn trương. Nơi này bắt được cá to, tiếng reo hò vang dậy, mọi người ùn ùn kéo tới xem; đằng kia lại có tiếng reo hò, đám đông lại đưa đẩy, chen lấn. Cứ như vậy, cảnh vui nhộn cứ kéo dài mãi đến tận trưa mới dứt.

        Tuy là vùng hồ không rộng lớn, nhưng các loại thủy sinh nơi đây rất phong phú, đa dạng. Nào là cá chình, cá bông lau, cá lóc, cá rô, cá gáy, cá trắm cỏ; rồi ốc bươu, ốc hút, ốc đá; đến tôm, ba ba, rùa, hon (giống như ba ba nhưng thường vùi mình dưới cát)…Với quan niệm vui là chính, nên người dân đến đây không quan tâm việc được nhiều hay ít; họ đem các “sản phẩm” đánh bắt được về nhà, tổ chức gặp mặt anh em, bà con chòm xóm, nhâm nhi ly rượu mừng một vụ mùa bội thu, đầy hứng khởi; chờ đến đầu tháng Chạp lại xán kén (đóng đập), lấy nước cho vụ Đông Xuân.

        Về với Nông Sơn vùng đất nghĩa tình, có suối nước nóng Tây Viên, vườn cây trái Đại Bình; ngược dòng Thu Bồn lên Hòn Kẽm-Đá Dừng, mời bạn dành chút thời gian đến với miền quê thân thương Mậu Long để xem lệ xả đập Nà Bò.

                                                                                                                                Hoàng Chương

 

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Giải Việt dã truyền thống Thanh niên huyện lần thứ VI năm 2012
H/thảo quy hoạch phát triển Nông-Lâm-Ngư nghiệp & bố trí dân cư GĐ 2011-2020
Chi cục Lâm Nghiệp Quảng Nam - K/tra thực tế, đánh giá hiện trạng KV rừng 48
Tổ chức Tết trung thu sớm cho các em thiếu nhi
Ma túy- Nhìn từ một vụ án
Giao ban công tác an ninh tư tưởng quý 3, nhiệm vụ quý 4 năm 2012
Giải Việt dã truyền thống thanh niên năm 2012
Tổng kết phong trào TĐKT Cụm các huyện miền núi
Tiếp 44 lượt công dân, giải quyết 18 đơn khiếu nại
Họp công bố kết quả kiểm toán năm 2012 của huyện
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO