Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
10 năm một chữ ...Nghề!
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 21/06/2011 .Lượt xem: 1695 lượt.

        Những chuyến đi nhớ đời...

        Bão số 9 và số 11 năm 2009, tuyến đường đi 5 xã vùng cao của huyện Phước Sơn gồm : Phước Chánh - Phước Công - Phước Kim - Phước Thành và Phước Lộc, hoàn toàn bị cô lập, cầu treo bắc qua sông Đăk My gãy đỗ, hệ thống điện thắp sáng, thông tin liên lạc tại 5 xã xa nhất huyện này hoàn toàn tê liệt, cái đói đang treo lơ lững trên đầu hơn 4000 người dân nơi đây.

Huyện Phước Sơn thành lập đoàn công tác với 8 thành viên, do Chủ tịch UBND huyện Phạm Thế Quyền dẫn đầu đi thị sát vùng cô lập. Mùa nắng, mưa, phương tiện duy nhất có thể đến được các xã vùng cao Phước Sơn là xe Mink với những tay xe ôm lão luyện, song bão lũ làm cho đường không còn, cầu gãy đỗ, phương tiện duy nhất này cũng chào thua. Và phương án được huyện Phước Sơn đưa ra là: đi bộ ! thời gian đi là ngày 5.10, còn ngày về : chưa tính được, còn tùy thuộc mức độ thiệt hại, vào đường sá và thời tiết. 

        Với một ba lô bộ đội, bên trong là máy quay phim, pin, band, vài bộ quần áo và vật dụng cá nhân, tôi bắt đầu hành trình đi bộ của mình theo đoàn công tác của huyện vào các xã vùng cao. Hơn 5h đồng hồ lội bộ, men theo những đoạn đường bị vùi lấp, leo qua những đám cây rừng bị ngã đỗ do bão lũ gây ra, thử thách lớn nhất, nguy hiểm nhất mà đoàn công tác cũng như bản thân tôi gặp phải đó là : vượt qua cây cầu khỉ dài hơn 10m bắc qua đoạn suối chảy xiết giáp ranh giữa hai xã Phước Công và Phước Lộc, chỉ hai cây rừng nhỏ có đường kính bằng cổ tay được buộc chặt bằng dây mây rừng làm thân cầu, bên trên là 1 cây rừng cũng không to là mấy, dùng làm tay vịn, và chỉ vừa cho từng người một đi qua, nếu trượt chân rơi xuống dòng nước đang chảy xiết là coi như ... không cứu được!

        6 ngày ròng rã đi bộ từ xã này qua xã kia, từ thôn này qua thôn khác, tôi kịp ghi lại những thiệt hại kinh hoàng do hai cơn bão số 9 và số 11 gây ra tại địa bàn 5 xã vùng cao của huyện Phước Sơn, chứng kiến nỗi thất vọng, lo lắng của người dân khi mùa màng đến kỳ thu hoạch, chỉ trong một phút đã trôi theo dòng nước lũ. Ngày 11.10, khi đoàn công tác về đến cầu treo Đăk My, nhìn hai trụ cầu gãy đỗ nằm một góc sông Đăk My, ai cũng nhận rasự thiệt hại khủng khiếp. Thực tế tại bờ sông Đăk My cho thấy, muốn qua sông lúc này chỉ có một cách duy nhất, là ngồi trên những chiếc “rọ sắt” (được làm bằng 4 sợi sắt nhỏ đan lại thành hình cái gióng, bên dưới có 1 tấm ván đủ cho một người ngồi), buộc vào một con lăn và nhờ sự trợ giúp bằng cách kéo tời của người dân, con sông Đăk My có bề rộng hơn 100m và khi hình dung ra cảnh đó, những người yếu bóng vía, yếu tim chắc sẽ không dám thử.

        Cuối cùng, những thông tin về thiệt hại ghê gớm này cũng được tôi  chuyển tải về đài PT-TH Quảng Nam, báo Quảng Nam, điều vui mừng lớn nhất là: Tỉnh ủy, UBND tỉnh QN đã cho phép huyện Phước Sơn khẩn trương khắc phục sự cố gãy đỗ cầu treo Đăk My theo phương châm “vừa xây dựng, vừa thiết kế, vừa lập dự toán” và sau đó là hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn thùng mì tôm đã chuyển kịp thời lên vùng cao ... và chủ trương không để một người dân nào đói, đau sau lũ của huyện Phước Sơn đã được thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả.

        Niềm vui ...

        Một sáng tháng 4.2010, trên đường đến cơ quan, vô tình tôi phát hiện ra hai chiếc xe ô tô hiệu Ford Transit loại 16 chỗ ngồi, mang biển kiểm soát ở Kom Tum, đang dừng tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, trên xe là 1 cổ quan tài và hàng chục thanh niên nam nữ người Bhnoong, linh tính mách bảo tôi “chắc là có chuyện gì đây”. Dò hỏi, thì được biết đây là số thanh niên của xã Phước Chánh huyện Phước Sơn đi lao động tại huyện Đăk Glong tỉnh Đăk Nông và bị coi là “mất tích” gần 4 tháng qua và mới được công an huyện Phước Sơn tìm thấy để đưa về nhà, trong đó có một người do quá lam lũ, sinh bệnh và chết. Với những thông tin ban đầu, một mặt tôi điện về tòa soạn báo Quảng Nam, một mặt tôi bám sát hiện trường, thu thập thêm thông tin và trực tiếp đến Phước Chánh, từ đó loạt bài “ngày về của những lao động nghèo” được đăng tải độc quyền trên báo Quảng Nam. Trước sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, cơ quan công an và công luận, ngày 7.5.2010, xí nghiệp nguyên liệu giấy Đăk Lăk - đơn vị chủ quản trong việc trồng cây nguyên liệu tại Đăk Glong tỉnh Đăk Nông đã đến Phước Chánh, trực tiếp hỗ trợ 20 triệu đồng cho gia đình người chết, cam kết với xã Phước Chánh và huyện Phước Sơn sẽ buộc các đối tượng trực tiếp đứng ra thuê lao động trả tiền dứt điểm cho công nhân là người dân tộc Bhnoong của huyện Phước Sơn trước ngày 31.12.2010 và đến đúng thời điểm đó, 120 lao động của huyện Phước Sơn gồm 3 xã Phước Chánh - Phước Năng và thị trấn Khâm Đức đã nhận toàn bộ số tiền công theo hợp đồng đã ký kết.

        Kết thúc loạt bài “ngày về của những lao động nghèo”, niềm vui nhất đối với tôi là : người dân đã được nhận đủ số tiền phù hợp với công lao động và thức tỉnh được việc quản lý nhân khẩu, quản lý địa bàn của chính quyền xã Phước Chánh huyện Phước Sơn, làm gương cho các xã, thị trấn khác trong huyện … vui thật!

        Tai nạn ...

        Đau nhất đối với tôi từ lúc cầm bút đến bây giờ là vụ phát hiện “người rừng” Đinh Văn Huy (1992) (quê xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) trốn trong hang đá tại xã Phước Công huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam. Lúc đó, khi có thông tin từ chính quyền xã Phước Công về phát hiện một người lở loét đầy mình, sống chui nhũi trong hang đá, lập tức tôi tiếp cận, hiện ra trước mặt tôi là một thân thể di động chứ không thể gọi là người, tóc dài bù xù, tay chân lỡ loét, bốc mùi hôi thối. Anh này khai trước chính quyền xã Phước Công, công an phụ trách xã của huyện Phước Sơn tên, tuổi, quê ..., do bị phu vàng đánh đập nên bỏ trốn vào hang đá ở 29 ngày, chừng đó thông tin ban đầu cũng đủ để cho tôi viết một bài 400 chữ ... Thế nhưng, sau đó, hàng loạt các tờ báo lớn trong cả nước cùng theo đuổi vụ việc, qua sự chỉ đạo của công an tỉnh, công an huyện Phước Sơn đã tiến hành xác minh và sự việc thật là, người này  không phải : Đinh Văn Huy mà là Đinh Văn Diết, những lời khai của anh không đúng với những gì anh đã trải qua. Sau vụ “người rừng” đó, tuy không phải giải trình nhiều như anh bạn đồng nghiệp ở Bắc Trà My, song tôi cũng thấy đó là một bài học khá đắt giá, kinh nghiệm rút ra “phải kiểm chứng thông tin”. Cũng từ vụ đó, mà tôi có thêm tên “NGƯỜI RỪNG”.

        10 năm theo nghiệp cầm bút, không quá dài cũng không quá ngắn, không quá ít cũng không quá nhiều với những vui buồn nghề nghiệp. Tôi chỉ nhớ như in lời tựa của nhà báo lão thành Hữu Thọ (trong cuốn sách “Nghĩ về nghề Báo”) “điều quan trọng trong suốt cuộc đời làm báo của mỗi người là phải chăm chú dồn tâm sức mà viết báo, làm báo. Viết chưa hay, chưa sắc thì phải cố gắng để viết cho hay, cho sắc. Trong các bài viết, qua sự kiểm nghiệm trong cuộc sống, có sự kiện đúng lại có sự kiện chưa thật đúng, có lý lẽ đúng nhưng cũng có lý lẽ chưa thật đúng, song trong tất cả mọi trường hợp đều được viết từ lòng tin và sự trung thực. Chính vì vậy mà phải rèn nghề, rèn bút suốt đời, chẳng dám chủ quan...” Và tôi chỉ xin 3 cụm từ “ lòng tin, sự trung thực và chẳng dám chủ quan” ... để rèn mình!

                                                                                                      Phước Sơn, ngày 8 tháng 6 năm 2011

                                                                                                                                   Tấn Sỹ

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Giải Việt dã truyền thống Thanh niên huyện lần thứ VI năm 2012
H/thảo quy hoạch phát triển Nông-Lâm-Ngư nghiệp & bố trí dân cư GĐ 2011-2020
Chi cục Lâm Nghiệp Quảng Nam - K/tra thực tế, đánh giá hiện trạng KV rừng 48
Tổ chức Tết trung thu sớm cho các em thiếu nhi
Ma túy- Nhìn từ một vụ án
Giao ban công tác an ninh tư tưởng quý 3, nhiệm vụ quý 4 năm 2012
Giải Việt dã truyền thống thanh niên năm 2012
Tổng kết phong trào TĐKT Cụm các huyện miền núi
Tiếp 44 lượt công dân, giải quyết 18 đơn khiếu nại
Họp công bố kết quả kiểm toán năm 2012 của huyện
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO