Cha qua đời khi em vừa tròn 10 tuổi, hai năm trở lại đây Mẹ nằm một chỗ do bệnh tật hành hạ, mọi sinh hoạt trong gia đình của ba mẹ con, từ cái ăn, cái mặc đến việc học hành đều một tay em lo liệu .. . trong khó khăn đó, có lúc tưởng chừng như cô bé Hồ Thị Trang ở thôn 1 xã Phước Năng huyện Phước Sơn, không vượt qua được. Thế nhưng, nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con trong thôn và sự nỗ lực không ngừng của cô bé người Bhnoong mới 14 tuổi đầu này, ba mẹ con vẫn gắng gượng sống đến ngày hôm nay, trong đó, thành tích học tập của hai chị em Trang thật đáng khâm phục ...
Nỗi đau chồng lên nỗi đau ...
Năm 2007, khi em đang học lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, Cha em qua đời vì căn bệnh HIV/AIDS. Em còn quá nhỏ để có thể hiểu được sự ra đi vĩnh viễn của người Cha, những điều tiếng dị nghị, ánh mắt hoài nghi, xen lẫn niềm thương hại mà bà con trong thôn “ném” về phía ba mẹ con.
Năm 2009, mẹ của em là bà Hồ Thị Lê, sau nhiều lần được Hội phụ nữ xã đưa đi xét nghiệm tại Tam Kỳ, với kết quả dương tính với HIV/AIDS cùng nhiều căn bệnh phụ nữ khác. Nỗi đau mất chồng, kèm theo căn bệnh thế kỷ, người phụ nữ mới ngoài 30 tuổi này (bà Lê sinh năm 1979-PV) gần như gục ngã hẳn, chỉ nằm một chổ và không thể làm lụng bất kỳ công việc gì dù là nhỏ nhất ... Điều an ủi và may mắn lớn nhất đó là : hai chị em Trang luôn có kết quả âm tính với HIV/AIDS sau 4 lần xét nghiệm.
Trong suốt 4 năm trời, khi cha qua đời, mẹ nằm một chổ, các vật dụng có giá trị trong nhà lần lượt đội nón ra đi, tài sản lớn nhất mà ba mẹ con Trang có được lúc bấy giờ là ngôi nhà cấp 4 ọp ẹp, một tấm rẫy bỏ hoang với diện tích không quá 3 ang giống(theo cách tính diện tích của người dân địa phương, -3,5 ang giống tương đương với 1ha của người Kinh-.).
Chúng tôi tìm đến nhà bé Trang vừa lúc em từ nương rẫy trở về, trên đôi vai gầy guộc của cô bé người Bhnoong ở xã vùng trung Phước Năng này, đang nặng trĩu những buồng chuối - thành quả lao động những ngày mệt nhọc và đồng thời những buồng chuối này cũng là một thứ hàng hóa dùng để đổi lấy cái ăn của ba mẹ con Trang trong những ngày đến. Nếu không tận mắt chứng kiến, khó ai có thể hình dung ra được, chỉ mới 14 tuổi đầu, bé Trang phải đảm đương luôn cả công việc của người cha, người mẹ trong suốt hai năm qua.
Một mình Trang không đủ sức để phát nương, tĩa lúa, song với tình thương mẹ, thương em, ngoài giờ lên lớp buổi sáng, buổi chiều Trang lọ mọ đến các nhà trong thôn xin làm thuê bất kỳ công việc nào có thể, từ cắt lúa, nhổ sắn, dọn vườn keo, vườn quế, đến rửa bát, trông em ... người dân thôn 1 xã Phước Năng huyện Phước Sơn, một phần cảm thương cho hoàn cảnh éo le của ba mẹ con, một phần thương con bé Trang hiếu thảo, ngoan hiền, có việc gì họ cũng gọi em, trả công cho sức lao động của Trang là 5 đến 7 lon gạo, mấy con cá suối vài miếng thịt rừng ...khi không có ai thuê, Trang đi mót sắn ở những rẫy mà bà con trong thôn đã thu hoạch còn sót lại, đem đổi lấy gạo, cứ thế ba mẹ con Trang cũng đắp đổi qua ngày. Bà Hồ Thị Phương (55) tuổi ở thôn 1 Phước Năng nghẹn lòng cho biết “con bé tội lắm, nó làm việc từ sáng đến chiều tối, ai cho gì nó cũng để dành đem về cho Mẹ, cho em, nhà mình cũng nghèo nhưng thấy hoàn cảnh nó cũng tội quá, nên có lon gạo, con cá cũng đem cho, chỉ lo thời gian đến, lỡ Mẹ nó qua đời, rồi hai chị em nó sẽ sống thế nào”
Nỗ lực vượt khó ...
Là lao động chính trong nhà, kiếm cái ăn, cái mặc cho ba mẹ con, tuy rất vất vã và tốn khá nhiều thời gian, song Trang chưa bao giờ bỏ học, 8 năm liền Trang đều là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi của trường THCS Phước Năng, không những thế, Trang còn thay cha mẹ, dạy dỗ bé Hồ Thị Thi giành danh hiệu học sinh giỏi 3 năm liền và mới đây nhất là bé Thi đạt giải nhất cuộc thi kể chuyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp trường khối lớp 1,2,3 với mẫu chuyện “ai ngoan sẽ được thưởng”. Với những cố gắng không ngừng đó, năm học qua, Trang vinh dự được nhận học bổng của quỹ khuyến học huyện Phước Sơn phối hợp với công ty bảo hiểm Prudential trao tặng. Cô Hà Trường Nhung-giáo viên chủ nhiệm lớp bé Trang cho biết “ trong lớp Trang học rất tốt, tham gia đầy đủ các hoạt động của lớp, của trường, ước mơ được đi học của Trang lúc nào cũng thể hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt của bé, bạn bè trong lớp, trong trường đều quý mến và tin tường Trang sẽ vượt qua được khó khăn để theo học”. Chị Hồ Thị Đạt - Chủ tịch hội phụ nữ xã Phước Năng huyện Phước Sơn cho rằng “trước hoàn cảnh đáng thương tâm của ba mẹ con chị Lê, trước lòng ham học, quyết tâm đến lớp của hai em Hồ Thị Trang, Hồ Thị Thi, về phía hội phụ nữ, UBND xã Phước Năng và bà con trong thôn đều đã hết lòng, hết sức giúp đỡ, song đối với một xã còn nghèo khó như Phước Năng thì việc giúp đỡ chỉ có ý nghĩa động viên trước mắt, còn về lâu dài thì cũng khó, chỉ mong Đảng, nhà nước, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh quan tâm tạo điều kiện để hai em tiếp tục được đến trường”. Vừa dùng tay gạt đi dòng nước mắt đang lăn trên khuôn mặt hiền lành, chịu thương, chịu khó, Trang vừa nói như lời nguyện ước “con chỉ mong Mẹ hết bệnh, hai chị em con được học hết lớp ...”. Học hết lớp theo suy nghĩ của cô bé mới 14 tuổi đầu này đó là học xong chương trình phổ thông, một điều ước giản dị, đơn sơ nhưng rất hồn nhiên, trẻ thơ của một cô bé người Bhnoong tại xã Phước Năng huyện Phước Sơn ...
Ngày hè, những bạn bè đồng trang lứa đang mãi mê vui đùa, song với hoàn cảnh của gia đình mình, bé Trang vẫn cặm cụi ngày hai buổi đi nương, đi rẫy, làm thuê để có cái ăn nuôi mẹ, chăm em và để tiếp tục nuôi hy vọng vào một sự màu nhiệm cho sức khỏe của Mẹ, cho con đường học tập của hai chị em phía trước ...
Tấn Sỹ