Thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, 58/66 thôn, khu dân cư đã có Nhà làng truyền thống, Nhà sinh hoạt cộng đồng là một cố gắng lớn của chính quyền và nhân dân huyện Phước Sơn trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) phát triển ngày càng hiệu quả.
Từ năm 1998, mốc thời gian mà huyện Phước Sơn thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH”, huyện đã xác định các thiết chế văn hóa – thể thao là cơ sở vật chất quan trọng không thể thiếu trong việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Hơn nữa, nơi vùng núi cao này là nơi có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân là mục tiêu đặt tra trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2004, huyện đã thông qua và thực hiện đề án “Quy hoạch, xây dựng Nhà làng truyền thống giai đoạn 2004-2009”. Theo đó, tổng số nhà làng được xây dựng là 56 nhà với tổng kinh phí đầu tư gần 1,4 tỷ đồng và các khối 2B, khối 7 (thị trấn Khâm Đức), thôn 9, thôn 10 (xã Phước Hiệp), thôn 5 (xã Phước Đức) không nằm trong đề án do tỉ lệ người dân tộc thiểu số ít. Nhà làng được xây dựng ở khu trung tâm dân cư với diện tích tối thiểu 24m2, do nhân dân tự thi công và đóng góp thêm kinh phí tùy theo điều kiện của địa phương. Ngoài diện tích xây dựng, Nhà làng phải gắn kết với địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao ngoài trời có diện tích tối thiểu 600m2. Các xã, thị trấn, thôn có trách nhiệm vận động nhân dân chọn địa điểm xây dựng phù hợp với phong tục tập quán của cộng đồng dân cư và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Qua hai năm đầu triển khai, huyện đã bổ sung và đưa vào danh mục xây dựng Nhà làng, Nhà sinh hoạt cộng đồng thêm 6 thôn, khối phố gồm khối 2B, khối 7 (thị trấn Khâm Đức), thôn 9, thôn 10 (xã Phước Hiệp), thôn 5 (xã Phước Đức ), thôn Nước Lang (xã Phước Xuân). Những thôn, khối phố có đa số là người Kinh được điều chỉnh thành xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Mặt khác, do điều kiện địa hình đồi núi, nhiều thôn không có mặt bằng nên cho phép các thôn quyết định địa điểm xây dựng nhà làng không gắn kết với các địa điểm sinh hoạt văn hóa thể thao, nhưng phải gần trung tâm khu dân cư.
Anh Phạm Phú Vinh, Trưởng Phòng VH-TT huyện nhớ lại: Thời gian đầu, việc thực hiện đề án còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước xây dựng một nhà văn hoá, một sân chơi bãi tập rất ít nên khó thực hiện. Hơn nữa, công tác xã hội hóa ở cơ sở còn hạn chế, đời sống người dân còn nghèo và còn có tư tưởng trông chờ Nhà nước. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về vấn đề này chưa đúng mức, công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa kiên quyết, đồng bộ.... Đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở còn nhiều hạn chế”.
Để giải quyết vấn đề trên, lãnh đạo huyện và các ngành chức năng đã họp rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn. Đồng thời quy hoạch lại quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập thể thao. Từ đó, xây dựng quy hoạch, bố trí kinh phí hằng năm để tiếp tục đẩy nhanh thực hiện xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở theo hướng đồng bộ, gắn việc đầu tư xây dựng với khai thác phát huy hiệu quả của thiết chế văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH”, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa –xã hội ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi cấp, mọi ngành, đặc biệt là mọi tầng lớp nhân dân chung tay vào cuộc. Trên cơ sở tham khảo mô hình mẫu, người dân tham gia vào việc chọn mô hình xây dựng gắn với phong tục tập quán, văn hóa đặc trưng trên địa bàn dân cư. Hằng năm, huyện bố trí từ 280 - 300 triệu đồng để xây dựng từ 10 đến 12 nhà. Ngoài kinh phí Nhà nước, các xã đã hỗ trợ thêm cho các thôn 2 triệu đồng/ nhà. Tại thị trấn Khâm Đức, số kinh phí hỗ trợ bình quân từ 20 - 30 triệu đồng/ nhà, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác chỉ đạo, sớm hoàn thành chỉ tiêu như thị trấn Khâm Đức, các xã Phước Lộc, Phước Xuân, Phước Năng, Phước Chánh, Phước Công. Đến nay, qua 6 năm triển khai với tổng kinh phí hơn 2,9 tỷ đồng, toàn huyện đã xây dựng được 58 nhà làng, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây là nguồn động viên rất lớn cho bà con vì đã có “mái nhà chung” để tổ chức ngày hội đoàn kết, lễ mừng công, lễ mừng lúa mới, hội họp phổ biến chủ trương của Đảng và Nhà nước như truyền thông dân số, khoa học kỹ thuật, quản lý bảo vệ rừng ..., góp phần xóa đói giảm nghèo. Năm 2010, huyện Phước Sơn đã phân bổ hơn 200 triệu đồng tu sửa các Nhà làng truyền thống, bảo trì tốt các thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Từ đó, phong trào “TDĐKXDĐSVH” có những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua hơn 10 năm thực hiện phong trào này, toàn huyện có hơn 70% gia đình đạt chuẩn văn hóa, 50% thôn, khối phố văn hóa và 100% đã đăng ký xây dựng thôn, khối phố văn hóa ... Tại Lễ hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc lần thứ XVII của tỉnh năm 2010, huyện Phước Sơn được giải nhì toàn tỉnh với thành tích nổi bật của các môn: bắn ná (giải nhất), bóng đá (giải ba), chạy việt dã và kéo co (giải tư). Đặc biệt, kết quả này giúp họ đoạt giải nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VI khối các huyện miền núi. Đây là kết quả tất yếu của chủ trương xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa – thể thao, có sức hút mạnh mẽ với đông đảo người dân tham gia luyện tập thể thao, sinh hoạt cộng đồng …
Mới đây, qua khảo sát các Nhà làng truyền thống các huyện miền núi Quảng Nam đã cho thấy, Phước Sơn là một trong những địa phương làm tốt công tác xây dựng nhà làng, nhà sinh hoạt cộng đồng, đồng thời quản lý và phát huy hiệu quả của Nhà làng, Nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, cồng chiêng, tủ sách, phục dựng các Lễ hội truyền thống ... Vạn sự khởi đầu nan, sự quan tâm của Nhà nước và cùng với sự đồng lòng đồng sức của bà con các dân tộc cùng sinh sống trên vùng cao này đã tạo nên những “mái nhà chung” góp phần rất lớn trong việc nâng cao dân trí, sinh hoạt văn hóa – thể thao lành mạnh và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống ...
Hồ Thu