Nhìn lại năm 2011, với bao khó khăn, thách thức, đặc biệt tình hình mưa lũ kéo dài, sâu bệnh phá hoại đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống kinh tế của người dân địa phương. Song với sự chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý điều hành, giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Phước Sơn đã giành được những thành tựu rất quan trọng. Cơ cấu kinh tế nông – lâm, công nghiệp –TTCN, thương mại, dịch vụ đã có những chuyển biến khá rõ nét. Trong sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu năm, huyện Phước Sơn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động bố trí cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, con vật nuôi hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đạt được kết quả khá toàn diện. Tổng diện tích gieo trồng đạt 2.943ha, tăng 126 ha so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lương thực cây có bột đạt 13.352 tấn. Trong chăn nuôi, huyện Phước Sơn đã khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi tập trung bảo đảm số lượng, chất lượng công tác vệ sinh phòng dịch trong sản xuất. Thực tiễn cho thấy, mặc dù vài năm lại đây, dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát mạnh, nhưng đàn gia súc, gia cầm ở huyện Phước Sơn vẫn phát triển ổn định và tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năm 2011, tổng đàn gia súc trên địa bàn của huyện đạt 15.862 con, gia cầm đạt khoảng 45.000 con. Diện tích nuôi thuỷ sản đến nay lên đến 27 ha.
Ngành lâm nghiệp là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương. Nhờ thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý, tái sinh rừng, gắn định canh với nhiệm vụ bảo vệ rừng nên bước đầu huyện đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng chặt phá rừng già để sản xuất lương thực. Thông qua công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, nhiều mô hình kinh tế vườn rừng, vườn đồi được hình thành theo hướng xã hội hóa lâm nghiệp. Với công tác trồng rừng, huyện ưu tiên phát triển các loại cây chiến lược, phù hợp với thổ nhưỡng của huyện như cây quế, cây cao su, mây tre... góp phần nâng cao tốc độ che phủ rừng. Riêng trong năm 2011, huyện Phước Sơn đã trồng mới 150 ha cây cao su, trong đó, vận động nhân dân các xã: Phước Hòa, Phước Hiệp, Phước Năng, Phước Xuân đã trồng 50 ha cây cao su tiểu điền. Hiện nay, trung bình mỗi năm, toàn huyện trồng được khoảng 300 ha rừng.
Cùng với phát nông -lâm nghiệp, trong năm qua, các hoạt động sản xuất công nghiệp-TTCN, xây dựng cơ bản và dịch vụ thương mại trên địa bàn huyện cũng có bước phát triển tốt. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp –TTCN, xây dựng đạt 13,6 tỷ đồng; giá trị thương mại dịch vụ đạt hơn 78 tỷ đồng. Các làng nghề truyền thống vẫn duy trì phát triển ổn định, hiện đang khai thác, tận dụng tối đa các thế mạnh của địa phương, để phát triển sản xuất như nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động tại chổ,... Hệ thống thương mại, dịch vụ buôn bán ở các trung tâm, điểm dân cư nông thôn hoạt động đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Nhiều dự án, công trình giao thông được triển khai xây dựng vào hoàn thành đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Các hoạt động văn hoá – xã hội được duy trì và phát triển theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả bền vững. Công tác giáo dục và đào tạo gặt hái nhiều kết quả. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo các bậc học được nâng lên. Hoạt động xã hội hóa giáo dục được quan tâm, tạo thêm nhiều nguồn lực, góp phần tích cực cho sự nghiệp ‘‘ trồng người’’ ở địa phương. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá mới được phát triển. Việc thực hiện an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác giải quyết việc làm cho lao động, chương trình xoá đói giảm nghèo được tập trung đẩy mạnh với nhiều hoạt động cụ thể. Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Cải cách hành chính, thực hiện dân chủ cơ sở, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm đẩy mạnh. Công tác xây dựng chính quyền không ngừng được củng cố và nâng cao chất lượng, góp phần đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Với nỗ lực quyết tâm cao, tin rằng, huyện Phước Sơn sẽ ngày càng đẹp về văn hóa, giàu về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH – HĐH quê hương, đất nước.
* Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2012 :
- Tổng sản lượng lương thực có hạt 5.100 tấn ; khai hoang 12 ha ruộng lúa nước. Tổng đàn gia súc đạt 18.000 con ; gia cầm 50.000con.
- Giao khoán QLBVR từ 9.000 -10.000ha ; trồng 500 -550ha.
- Thu ngân sách do kinh tế phát sinh trên địa bàn huyện 195,5 tỷ đồng.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-4% ; giảm tỷ suất sinh thô 0,6%0.
- Hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các xã và triển khai xây dựng nông thôn mới ở 2 xã Phước Chánh và Phước Năng.
- Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% KH
|
Phạm Thế Quyền
Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn