Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta luôn được bầu bạn khắp năm châu ngưỡng mộ và khâm phục. Người đã chiến đấu không ngừng nghỉ không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân loại cần lao. Chính vì điều đó, Người đã được các nhà tư tưởng, nhà khoa học, nhà văn hoá, những chính khách...trên khắp thế giới ca ngợi và rút ra ở Người những tư tưởng tâm huyết nhất với thế giới. Những gia cấp tiến bộ trên thế giới đã có những cảm nhận chân thành, sâu sắc về Hồ Chí Minh không chỉ sau khi Người đã mất mà cả lúc Người còn hoạt động, thậm chí cả thời kỳ Người chưa trở thành lãnh tụ của nhân dân ta. “Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta...”. Đó là câu nói của một nhà thơ nổi tiếng người Haiti sinh sống tại CuBa, sang thăm Việt Nam và được Bác Hồ tiếp đón vào năm 1961.
Nổi bật nhất phải nhắc đến cảm nhận của O.Man-đen-xtam, nhà thơ, nhà báo Liên Xô (cũ) về Nguyễn ái Quốc vào năm 1923: “Dáng dấp con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn ái Quốc, cũng đang toả ra một cái gì đó thật lịch thiệp và tế nhị... Từ Nguyễn ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ nền văn hoá của tương lai... Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy được sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
Năm 1924, hoạ sĩ người Thuỵ Điển là E-rich Jo-han-son đã gặp Nguyễn ái Quốc lần đầu tiên tại Mátxơcơva trong dịp triễn lãm nghệ thuật tạo hình Đức và để rồi hơn 40 năm sau ông đã hồi tưởng lại: “Cử chỉ văn hoá và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người”.
Trong thời gian trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có nhiều nhân vật đại diện cho lực lượng Đồng Minh có dịp gặp gỡ và tiếp xúc với Người; trong đó có L.A.Patti - một sĩ quan tình báo chiến lược Mỹ, phụ trách tổ Đông Dương thuộc Pháp - đã có nhiều dịp gặp Hồ Chí Minh trong thời gian thi hành nhiệm vụ của mình. Năm 1980, trong cuốn sách “Why Vietnam?” (Tại sao Việt Nam?) do chính L.A.Patti viết, ông đã hết lời ca ngợi Bác Hồ của chúng ta, trong đó có đoạn viết: “...Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng lão thành, một con người thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, một con người biết điều và tinh tế, người mảnh khảnh đấy nhưng thực tế thật là bất khuất...”.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bạn bè quốc tế cũng đã viết nhiều về Hồ Chí Minh. Đặc biệt hơn cả là những lời nhận xét của đồng chí Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung uơng Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ), Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên Xô L.I.Bre-giơ-nhép: “Năm tháng sẽ trôi đi, nhưng ký ức của loài người sẽ mãi mãi ghi nhớ lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam anh hùng. Những bài học thiên anh hùng ca Việt Nam nói lên nhiều điều: nói lên sức mạnh vô địch của tư tưởng Mác-Lênin, ý nghĩa lớn lao của chính sách quốc tế triệt để của Đảng Cộng sản cầm quyền, sức mạnh không gì phá nổi của một dân tộc đấu tranh chính nghĩa của mình... Vì vậy, hoàn toàn có thể hiểu được sự quan tâm sâu sắc của tất cả những người có lương tri trên hành tinh tới lịch sử cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, trước hết là tới thân thế và sự nghiệp của con người mà suốt nửa thế kỷ lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam độc lập mà tên tuổi của người đó gắn liền với chiến công cách mạng yêu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam, với bản anh hùng ca Việt Nam - đồng chí Hồ Chí Minh...”.
Năm 1961, một nhà thơ nổi tiếng người Haiti sinh sống tại CuBa, sang thăm Việt Nam và được Bác Hồ tiếp đón. Sau khi về CuBa, nhà thơ này đã viết về Hồ Chí Minh như sau: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đem lại tự do cho Việt Nam, là nhà tư tưởng đã biết vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin và điều kiện cụ thể của đất nước mình, cũng như người còn là một nhà thơ lớn thực sự... Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta...”...
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi, để lại cho hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam muôn ngàn sự tiếc nuối. Cả nước khóc thương để tang cho Người - Vị cha già kính yêu, một đời cống hiến vì độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất nước nhà. Sự ra đi đột ngột của Người không những là một mất mát lớn đối với nhân dân Việt Nam mà còn để lại cho giai cấp tiến bộ trên toàn thế giới một sự tiếc thương vô hạn và họ đã gởi đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam những lời chia buồn đầy chân thành và sâu sắc nhất.
Trong điện chia buồn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Cu-Ba và Chính phủ cách mạng Cu-Ba, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã viết: “...Hồ Chủ Tịch “ thuộc những lớp người đặc biệt mà cái chết đã gieo mầm cho sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt...”.
Quốc trưởng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc của Vương quốc Campuchia đã viết : “...Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử các dân tộc Đông Dương và các dân tộc châu á, châu Phi và châu Mỹ-la-tinh như là tượng trưng cho cuộc đấu tranh yêu nước giành độc lập dân tộc. Được nhân dân kính mến, được các bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng, Người là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ này...”.
Nhà bác học người Anh Béc-tơ-răng Rút xen đã nói về Người:“Sự nghiệp vô tư và quên mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nền độc lập và thống nhất của Việt Nam suốt hơn nữa thế kỷ này đã làm cho Người trở thành không những là người cha của dân tộc mà còn là nhà kiến trúc nổi tiếng của thế giới đã thoát khỏi chủ nghĩa thực dân...”.
Còn Giáo sư H.Đin của Trường Đại học Bốt-xtơn (Mỹ) thì nhận xét:“Người là một trong những lãnh tụ vĩ đại của thế kỷ này. Giữa lúc ở nhiều nơi trên thế giới rất cần cách mạng thì Người đã lãnh đạo hai cuộc cách mạng Việt Nam, một cuộc cách mạng nhằm thay đổi cơ cấu xã hội đã có từ lâu ở Việt Nam, để làm sao cho nhiều người hơn nữa có thể hưởng những thành quả của xã hội, và một cuộc cách mạng nhằm lật đổ ách thống trị của nước ngoài, trước đây là Pháp, sau này là Mỹ...”.
Điện chia buồn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản i-ta-li-a gởi đến chính phủ và nhân dân Việt Nam khi hay tin người qua đời: “...ở Người có cái gì đó không thể chết được và sẽ không bao giờ chết : nó đang được tiếp tục và ngày càng được tiếp thụ nhiều hơn nữa bởi những thế hệ trẻ, bởi tất cả những ai tin tưởng vào con người, vào lòng tự hào, danh dự và lý trí của con người, bởi tất cả những ai tin rằng loài người sau này sẽ vĩnh viễn thoát khỏi những xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc và mọi hình thức bóc lột...”
Báo chí nước ngoài cũng giành những trang đặc biệt để bày tỏ sự nuối tiếc về sự ra đi đột ngột của Người; đồng thời cũng hết lời ca ngợi và khâm phục những đức tính, những đường lối, sách lược đúng đắn và những tư tưởng tiến bộ của Người đối với nhân Việt Nam nói riêng và với các lực lượng dân chủ, hoà bình trên thế giới nói chung...
Báo Ma-ni-chi Sim-bun của Nhật Bản ra ngày 5/9/1969 có đoạn viết: “Có thể nói Cụ Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra và thực tế đã để lại tư tưởng và một mẫu mực trong thời đại giải phóng thuộc địa. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện có lẽ là sự kiện quan trọng nhất trong quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân sau chiến tranh thế giới lần thứ hai...”
Báo Quan Điểm của Miến Điện ra ngày 5/ 9/1969 nhận xét về Người như sau: “Người luôn đứng về phía độc lập, công lý và phồn vinh của loài người và đấu tranh để thực hiện những mục tiêu đó. Người là hình ảnh của những đức tính khiêm tốn, giản dị và cần cù. Chủ tịch Hồ Chí Minh là gương sáng ngời của nhân dân Việt Nam, nhân dân các thuộc địa, các lực lượng dân chủ và hoà bình thế giới...”
Báo Chiến Đấu của Công-gô ra ngày 12/ 9/ 1969 viết: “Thân hình mảnh khảnh, lúc nào cũng ăn mặc giản dị, chỉ đi một đôi dép cắt bằng lốp ô-tô, ấy thế mà con người đó đã đóng góp một vai trò lịch sử vô cùng to lớn trong vòng hơn 50 năm nay. Người đã làm lay chuyển hệ thống thực dân. Người đã góp phần thay đổi bản đồ thế giới. Người đã đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ. Ba mặt nói trên đã kết tinh một trong những đường lối chiến đấu hoàn hảo nhất của thời đại chúng ta...”
Không thể nào nói cho hết được những tình cảm tốt đẹp của bạn bè thế giới dành cho Hồ Chí Minh, không chỉ khi người còn sống, còn đang đấu tranh cách mạng mà cả ngay khi Người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Người vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và trong trái tim của những giai cấp tiến bộ trên toàn thế giới, đúng như trong điện chia buồn của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản I-ta-li-a đã viết: “ở Người có cái gì đó không thể chết được và sẽ không bao giờ chết...”. Và bầu bạn khắp năm châu, những lực lượng dân chủ, yêu chuộng hoà bình vẫn tiếp tục giành cho Người sự ngưỡng mộ và khâm phục.
Trong một bài diễn văn đọc tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 9/1973, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã nói: “Đồng chí Hồ Chí Minh đã biết áp dụng một cách tài tình các nguyên lý bất tử của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và lịch sử đã chứng minh Người đã có lý, bởi vì bằng cách khác thì không có một dân tộc nào có thể viết nên những trang sử rất anh hùng và quang vinh như trang sử mà nhân dân Việt Nam đã viết nên”.
Tiến sĩ Mô-đa-gát At-mét, Giám đốc UNESCO khu vực châu á-Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO nói: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.
Trong Hội thảo Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn được tổ chức tại Hà Nội nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của Người, Sê-ra-phin Quy-sơn, Chủ tịch Viện nghiên cứu lịch sử dân tộc Man-ni-la (Phi-lip-pin) nói về Hồ Chí Minh như sau: “Khó có thể có được một người châu á khác như Người ở thời đại chúng ta cũng như trong các thế hệ mai sau. Người thực sự là một người châu á của tất cả thời đại bởi ý nghĩa đầy đủ nhất của nó”
Tiến sĩ sử học người Nga Ep-ghê-nhi Cô-bê-lép, thành viên Liên hiệp các nhà nghiên cứu Phương Đông của Liên Xô (cũ) nói: “Hồ Chí Minh đã sống và đấu tranh trong thời kỳ cách xa chúng ta hàng chục năm, nhưng Người rất hiện đại. Từ tầm cao ngày hôm nay nhìn lại hoạt động của Người thì dễ nhận thấy những yếu tố quan trọng của sự kết hợp giữa mục đích dân tộc và giai cấp, sự thống nhất hữu cơ những lý tưởng yêu nước và xã hội chủ nghĩa. Đối với nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh tượng trưng cho sự đoàn kết dân tộc...”.
Tê-shôm Kê-bê-đe, Phó Giám đốc Học viện Chính trị trường đảng Ê-ti-ô-pia, nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn kính là một nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận và hơn nữa, là một nhà chiến lược thiên tài, là một nhà lý luận mác-xít lênin-nít, Người đã kế tục và phát triển các tư tưởng của Mác và Lênin trong bối cảnh của cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và trong bối cảnh của cả quá trình cách mạng thế giới...”.
L.Ô-giun-giê-ran, Uỷ ban khoa học Mông cổ, khi nhận xét về mối quan hệ biện chứng giữa tính giai cấp và tính nhân loại trong sự nghiệp sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nói: “... Người đã vận dụng sáng tạo những tư tưởng nhân đạo của cuộc cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Người đã đem hết sức mình kết hợp những lý tưởng của nhân loại với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội”...
Khẳng định Hồ Chí Minh- con người của nhân loại, Mi-ghen Đê-xtê-pha-nô (người Cuba), Giáo sư cố vấn Viện nghiên cứu châu á, viết: “Hồ Chí Minh là tác giả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, cuộc cách mạng với bản chất của nó, trong nguồn gốc của nó, trong cuộc đấu tranh và chiến thắng của nó luôn là nguồn cảm hứng và là người chỉ đường. Và cuối cùng chữ Bác Hồ là chữ đã thể hiện đồng thời tình cảm, sự kính trọng và ý nghĩa của chữ đó. Tấm gương của Bác Hồ tiếp tục là nguồn cảm hứng để không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điều đạt được mà luôn luôn tiến lên phía trước...”...
Sự tôn vinh của UNESCO đối với Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn thế giới, không chỉ đơn thuần là sự kính trọng của cả thế giới đối với Người và đối với nhân dân Việt Nam mà chính là sự khẳng định tư tưởng của Hồ Chí Minh với những Quốc gia trên thế giới. Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một hình tượng sáng ngời, một tượng đài vĩnh cửu với thời gian của nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế. “...Đây là hình tượng mà tất cả những người Cuba, tất cả những người có lương tri trên thế giới nhìn thấy ở Nguyễn ái Quốc - người yêu nước, ở Hồ Chí Minh - người chiếu sáng , ở Bác Hồ - vị Chủ tịch kính mến”. Đây là những lời nói chân thành nhất của một người bạn tri kỷ, một người đồng chí lớn của Đảng và nhân dân Việt Nam: Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta./.
Mai Hồng Lâm
Bảo tàng Quảng Nam
* Tài liệu tham khảo:
- “Hội thảo Quốc tế về chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn” - NXB KHXH, Hà Nội - 1990.
- “Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng (Qua một số sách nước ngoài)”, Viện TTKHXH, Hà Nội-1985.
- “Hồ Chí Minh tuyển tập” - NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002.
- “Danh nhân Hồ Chí Minh” - NXB Lao Động, Hà Nội - 2000.