Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 18/06/2012 .Lượt xem: 2098 lượt.

        I. Sự ra đời của ngày Thương binh -  Liệt sĩ:

        Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, “ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống bọn xâm lược để bảo về Tổ quốc. Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, đổ máu trên các chiến trường. Theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống “ nhân ái, thủy chung” của dân tộc, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

 

        Đầu năm 1946, “ Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời ở Thuận Hóa ( Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành “ Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở Trung ương có Tổng Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.       

 

        Chiều ngày 28/5/1946 tại nhà hát Lớn Hà Nội, “Tổng Hội” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương. Để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” được tổ chức trong cả nước, mở đầu bằng buổi lễ xung phong “ Mùa đông binh sĩ do Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức chiều ngày 17/11/1946 tại Hà Nội. Khi cuộc Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, Theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn.

 

        Trước yêu cầu bức xúc đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc Lệnh số 20/SL “ Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Để chỉ đạo công tác này trong cả nước, ngày 26/2/1947, Phòng Thương binh (thuộc Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam) được thành lập, đến đầu tháng 7/ 1947, Bác Hồ đã đồng ý cho thành lập Ban vận động tổ chức “ Ngày Thương binh toàn quốc”.

 

        Cũng trong thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục, Quân đội nhân dân Quốc gia Việt Nam, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 hằng năm làm “ Ngày Thương binh toàn quốc”.

 

        Chiều ngày 27/7 1947, “ Ngày Thương binh toàn quốc” mở đầu bằng cuộc mít ting lớn được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đến tháng 7/1955, “ Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “ Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

 

        Năm 1970, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định lấy ngày 01/12 hằng năm làm ngày “ Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Theo đó, hằng năm đến ngày 01/12, cùng với việc cử các đoàn đại biểu đến tặng quà, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều có thư động viên, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở quân dân các địa phương quan tâm, săn sóc, giúp đỡ anh, chị em.

 

        Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm  chính thức trở thành “ Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.

 

        Sáu mươi lăm năm qua, với các tên gọi khác nhau và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng mỗi năm đến “ Ngày Thương binh - Liệt sĩ” ngày 27/7 trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm tích cực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “ hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống bình yên của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.

 

        II. Sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác thương binh liệt sĩ và người có công:

        Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, sinh thời, Chủ tịch Hồ chí Minh đã nói:“ Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào.Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”.Người còn nói: “ Máu đào của các liệt sĩ đã làm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời  ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ truyền lại cho chúng ta”. Sau đó, Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp tục khẳng định: “ Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy khó khăn, gian khổ nhưng vô cùng vinh quang, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, phần lớn là thanh niên đã ngã xuống hoặc mang thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người vợ và những đứa con mãi mãi không thể gặp lại người thân nhất của mình. Phần mộ và hài cốt của một số liệt sĩ cho đến nay vẫn chưa tìm thấy. Một bộ phận gia đình chính sach còn khó khăn trong cuộc sống, nhiều anh chị em thương binh, bệnh binh hằng ngày phải đối mặt với thương tật, ốm đau, một số đồng chí còn bị chất độc da cam hành hạ. Đó là những hy sinh và mất mát lớn lao, những cống hiến vô giá mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ”.

 

        Với những lời dặn dò ấy, Đảng và Chính phủ ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách với quyết tâm: “ Nhất thiết không để một gia đình quân nhân nào không được chăm sóc, không một gia đình quân nhân nào có khó khăn mà không được giúp đỡ thích đáng...nhất thiết không để vợ quân nhân nào có khả năng lao động mà không có việc làm...”

 

        65 năm qua, hàng trăm văn bản, sắc lệnh, pháp lệnh, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thông tư hướng dẫn của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với nước đã được ban hành là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng chính sách qua từng thời kỳ phát triển của đất nước. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện. Số người hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các nội dung ưu đãi người có công với cách mạng được pháp luật Nhà nước bảo vệ, trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống xã hội có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần.

 

        Trong sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc, các chính sách ưu đãi của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, miễn giảm thuế trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên giao đất sản xuất, cải thiện về nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe..., các chương trình lồng ghép như xóa đói giảm nghèo, việc làm...đã thiết thực hổ trợ người có công với cách mạng ổn định đời sống, nổ lực vươn lên trong cơ chế mới.

 

        Ngày nay, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã phát triển rộng khắp cả nước, với nhiều chương trình (nhà tình nghĩa, quỹ đền ơn đáp nghĩa; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng...) với mục tiêu và trách nhiệm rỏ ràng, nội dung cụ thể và những đảm bảo cần thiết và thật sự mang lại những kết quả to lớn. Hầu hết các địa phương trong cả nước đã làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, xây dựng hàng nghìn công trình tình nghĩa với giá trị nhiều tỷ đồng. Đến nay cả nước có gần 3000 nghĩa trang liệt sĩ, nhiều nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành những công trình văn hóa – lịch sử; nhiều công trình tưởng niệm liệt sĩ đã được xây dựng, củng cố trong đó đã có hơn 2000 nhà bia tưởng niệm ghi tên liệt sĩ.

 

        Sự phát triển của công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với nước trong 65 năm qua là hết sức to lớn. Đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ từng bước được cải thiện, bảo đảm phần lớn gia đình chính sách có mức sống trung bình ở khu dân cư hiện tại.

 

        III. Quảng Nam với công tác thương binh liệt sĩ và người có công:

        Quảng Nam là tỉnh có số lượng đối tượng chính sách khá đông, chiếm tỷ lệ trên 20% dân số. Toàn tỉnh đã được Nhà nước công nhận trên 6,4 vạn liệt sĩ, trên 7 nghìn bà mẹ Vịêt Nam anh hùng và hàng chục vạn thương bệnh, binh và người có công. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp và việc làm thiết thực đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, đặc biệt quan tâm việc chỉnh trang mộ chí, nghĩa trang liệt sĩ. Đây là những hoạt động có ý nghĩa “ đền ơn đáp nghĩa”, “ uống nước nhớ nguồn”...

 

        Hằng năm, nhân kỷ niệm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7) và vào các dịp lễ, tết, ngành Lao động - Thương binh xã hội cùng chính quyền địa phương các cấp đã phát động nhiều phong trào, nhiều hoạt động thiết thực. Những việc làm như thăm viếng, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, chăm sóc các phần mộ nơi nghĩa trang; dọn vệ sinh, viếng hương nghĩa trang liệt sĩ... Việc làm đó đã góp phần tạo không khí ấm cúng, đã góp phần động viên cho các gia đình thương binh, liệt sĩ.

 

        Về công tác cải thiện nhà ở cho người có công, Quảng Nam đã chính thức trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “ Hổ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng có khó khăn đặc biệt về nhà ở trên địa bàn tỉnh, giai  đoạn 2011- 2015”.

 

        Đối với công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng ( VNAH), hiện nay, 100% Bà mẹ VNAH trên địa bàn được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời ( hiện có 518 mẹ còn sống ). Hiện nay tỉnh đang tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị nâng mức phụng dưỡng đối với Bà mẹ VNAH nhằm giúp các mẹ có cuộc sống đảm bảo tốt hơn.

 

        Công tác chăm sóc mộ và nghĩa trang liệt sĩ, từ năm 2002, Quảng Nam đã có đề án xây dựng, sửa chửa, cải tạo nâng cấp mộ nghĩa trang liệt sĩ ( giai đoạn 2002 – 2010). Đến nay bằng nhiều nguồn kinh phí của Trung ương và nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa của địa phương, từ tỉnh đến cơ sở đã nâng cấp sữa chửa trên 51.700 mộ liệt sỹ, 120 tường rào, cổng ngõ ở 121 nghĩa trang, 119 đài tưởng niệm, 52 nhà bia ghi danh liệt sĩ với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa trên lĩnh vực mộ, nghĩa trang liệt sĩ, tỉnh Quảng Nam cũng vừa mới ban hành đề án “ Xây dựng, sữa chửa, cải tạo, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ giai đoạn 2010-2015” với tổng kinh phí hơn 190 tỷ đồng theo hướng xã hội hóa mạnh mẽ hơn nửa để huy động nguồn lực đầu tư.

 

        Một điều phấn khởi và đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Nam thời gian qua đã được người dân hưởng ứng rất tích cực. Ngoài nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh, huyện và xã, thì nguồn vận động trong nhân dân cũng góp một phần không nhỏ trong xã hội hóa lĩnh vực công tác này. Nhiều xã, thôn, khu dân cư, tổ đoàn kết còn huy động sức người, sức của xây dựng được hàng chục nhà bia, đài tưởng niệm, đền thờ ghi danh các anh hùng liệt sĩ. Có thể nói, với sự đóng góp nầy của người dân không chỉ tạo thêm một nguồn lực lớn để các địa phương đang còn gặp nhiều khó khăn của Quảng Nam chăm lo tốt hơn nơi yên nghỉ cho các anh hùng liệt sĩ mà thông qua đó còn là việc làm thiết thực nhằm giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng của địa phương.

 

        Với truyền thống “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc và với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng, công tác thương binh liệt sĩ sẽ phát triển hơn nửa nhằm an ủi, sẻ chia nỗi đau thương, mất mát của thương binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng.

 

        Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng ta càng biết ơn sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với đất nước, vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, thời gian đến sẽ tiếp tục làm tốt hơn nửa công tác thương binh, liệt sỹ./.

                                                                                                                        Lê Văn Thực

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Phong tục ăn tết nương rẫy của người Bhnoong
“Vấn đề đầu tiên phải là miệng nói tay làm”
TẾT SỚM TRÊN VÙNG CAO HUYỆN PHƯỚC SƠN
PHƯỚC SƠN CON ĐƯỜNG NỐI NHỮNG NIỀM VUI
Lãnh đạo huyện cùng các vị lão thành cách mạng thăm và làm việc tại 5 xã vùng cao
Họp lãnh đạo xã chuẩn bị cho các hoạt động lớn trong tháng 5
Kể chuyện những người kiên trung bất khuất xứ Quảng
Hội thảo khoa Học chiến thắng Khâm Đức ý nghĩa và bài học lịch sử
Dân dã món cháo ốc đá
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO