Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Tùy bút: CÓ LÀ CỎ TRANH...?
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 26/11/2012 .Lượt xem: 1244 lượt.
Có lẽ với mỗi một đời người, bao giờ ký ức ký ức tuổi thơ cũng đẹp và đậm nét son trong trẻo nhất của biết bao lát cắt trong cuộc đời.
Cái đẹp ấy, sự trong trẻo ấy theo tôi, trước hết là ở nét hồn nhiên, thơ ngây của thời thơ dại, như những câu thơ trong bài thơ “Quê hương” của Giang Nam: “Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…”. Và rồi theo dòng chảy bất tận của thời gian, những kỷ niệm buồn vui của thưở ấy lại một đi không trở lại, mãi mãi vùi sâu trong ký ức quê nhà. Để mai này, có thể một khi gặp trắc trở hay sự may mắn nào đó trên đường đời, thì bất chợt bừng tỉnh nhớ lại giấc mơ phù hoa xưa, quay gót tìm về chút hơi ấm tình quê như một nơi trú ẩn bình yên cho tâm hồn trước những sóng gió của cuộc đời…. 

Với riêng mình, nhiều khi tôi tự nhủ mình đang ở phố thị ồn ào náo nhiệt, cuộc sống mưu sinh tất bật thường ngày nhưng sao lòng cứ vương vấn hoài về quê nhà. Nơi ấy, tôi đã được sinh ra và lớn lên, đã để lại bầu trời tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm. Tôi bây giờ là kẻ xa quê và cứ mỗi lần về lại quê nhà, làng Văn Thánh bên tả ngạn của sông mẹ Thu Bồn xứ Quảng yêu thương thì bao giờ lòng vẫn cứ nôn nao khó tả lạ thường. Chốn ấy là cánh đồng lúa đang thì con gái mượt mà, là bến sông Đò Gặp í ới tiếng cô bác chòm xóm ra bãi ven sông mỗi ngày. Và hơn cả là những mái nhà tranh đơn sơ nếp mình bình yên dưới bóng tre xanh um mát rượi…  Nhớ sao là nhớ, cảnh cũ người xưa một thời dãi gió dầm mưa khó nhọc nơi quê nghèo, hạt gạo củ khoai trong từng ngày nuôi ta lớn khôn. Để hôm nay, mỗi khi về lại, làm sao không chạnh lòng vấn vương những kỷ niệm xưa…

Đã biết bao lần về lại quê nhà, là bấy nhiêu lần bước chân tôi háo hức, có lúc thấy mình như con trẻ sao quá ngày ngô. Mỗi lần về là trong tôi cảm nhận biết bao sự đổi thay của quê nhà dấu yêu. Từ con đường sụt sùi bùn đất ngày xưa bây giờ đã được bê tông hóa phẳng phiu, từ hàng rào chè tàu xanh mượt được cắt xén thẳng tắp đã được thay bằng hàng rào trụ xi măng. Đất đồng bờ bãi thu hẹp dần, nhà cửa mọc lên san sát nhau. Từ bến Đò Gặp qua làng Vạn Buồng bên kia sông không còn đò ngang nữa, mà thay bằng chiếc cầu vững chải bắc qua sông…  Cảnh vật đã đổi thay, đó là điều đáng mừng cho cuộc sống người dân quê bớt đi sự nhọc nhằn vất vả trong cuộc sống thường ngày. Ba tôi nay đã bảy mươi sáu tuổi, nhưng nói vui rằng, giờ quê mình đèn điện sáng trưng, sao có lúc ba lại nhớ cái đèn dầu tù mù thưở trước con ngồi học bài quá… Chao ôi, ngần ấy thôi nhưng sao tôi nhớ quay quắt nếp sống bình yên trong căn nhà tranh của tôi ngày xưa, nơi ấy mấy chị em tôi cùng lớn lên trong vòng tay nâng niu dạy dỗ của ông bà cha mẹ, nơi ấy có “Mái tranh ơi hỡi mái tranh/ Thấm bao nhiêu nắng mà thành quê hương” (thơ Trần Đăng Khoa). Mùi hương cỏ tranh ngày nắng ngày mưa ấy vẫn cứ nồng nàn, dẻo dai bám víu lấy tâm khảm tôi. Ơi cỏ tranh tuổi thơ tôi, cả ngôi làng nhỏ ven sông Thu Bồn vẫn thấp thoáng hiện về trong ký ức. Ngôi làng bên con sông hiền hòa uốn lượn qua những bờ bãi dâu xanh ngắt, và sông cũng dữ dằn trong mùa lũ cho làng tôi nơm nớp âu lo, nhưng sau đó trả lại lớp phù sa màu mỡ cho mùa màng tươi tốt. Ba tôi hay liên tưởng đến sông dòng sông và dạy bảo con cái rằng, chính “tính cách” vừa “trữ tình” vừa “hung bạo” ấy của sông cũng như sự chân chất, bộc trực và tình thâm nghĩa trọng của người dân quê mình. “Dù mai này các con có đi đâu về đâu cũng cố giữ lấy gốc gác con người quê nhà”, lời dạy ấy tôi mãi khắc sâu trên hành trình cuộc đời…

          Còn nhớ những năm sau ngày giải phóng, làng mạc quê tôi bị tàn phá đến một ngôi nhà cũng không còn nguyên vẹn. Nhà tôi cũng như bà con trong làng dắt díu nhau từ vùng hậu chiến về lại quê cũ. Một căn nhà tre mái tranh được hoàn tất để có nơi ăn chốn ở cho cả nhà. Có nhà trong làng tôi không lợp cỏ tranh mà lại lợp rơm, mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Nhưng tranh rơm thì chỉ một năm là hỏng rồi, chứ cỏ tranh thì bền hơn, được hai hoặc ba năm. Tôi còn nhớ bàn tay chai sần và phồng rộp của ba mẹ mỗi lần đi cắt tranh về lợp nhà, hay vỡ đất khai hoang trồng lúa, trồng khoai trước hết phải cắt xén cỏ tranh, cắt xén đến đâu đào rễ cỏ đến đó. Đặc biệt với loài cỏ này đào chỉ sót vài mấu rễ là ít hôm sau lập tức cỏ tranh mọc lên và sức lan của nó rất nhanh. Hơn ai hết, mẹ tôi vẫn cần mẫn dẫu mệt nhọc đến mấy sau mỗi buổi làm cũng lại ngồi nhặt nhạnh chọn những rễ cỏ tranh to bóng đem về phơi khô nấu nước uống giải nhiệt. Rễ cỏ tranh tính bình lại mát nên không riêng gì nhà tôi mà chòm xóm nhiều người cũng dùng nước uống bằng rễ cỏ tranh. Nước cỏ tranh ngày ấy thấm sâu vào tâm thức tôi bởi cái hương vị ngòn ngọt hơi khay khay mùi nồi đất sao vàng khử thổ...

Ngày tôi đi học xa nhà, bước chân ra ngõ tôi như thấy cỏ tranh dọc hai bên đường làng níu chân tôi và thì thầm trong lời của gió, rằng đó là cội nguồn của quê hương yêu thương. Sau này, vào những dịp lễ tết hay giỗ chạp, hương khói ông bà, tôi lại quay về làng dẫy cỏ, tu bổ mộ phần ông bà tổ tiên. Những lúc ấy, dường như cỏ tranh lại tỉ tê với tôi về câu chuyện của đất quê lề thói, về gốc gác tổ tiên gia tộc mình. Tôi càng thấm thía hơn lời nhạc Trịnh qua hình ảnh rất đời thường nhưng mang triết lý nhân sinh sâu xa “Như loài cỏ tranh yêu nhau ngoài đồng...” Hơn hai mươi năm trời tôi đã xa quê, và đã biết bao lần về lại quê nhà, trong tôi vẫn nguyên vẹn hình ảnh mái nhà tranh đầm ấm, gáo nước uống mẹ sắc cỏ tranh, những vạt tranh xanh thắm ven đường.... Tìm một chốn bình yên trong tâm hồn mình giữa chốn bình sinh hôm nay, tôi đã có lúc bấu víu vào... cỏ tranh, để từ đó ngẫm nghĩ về đời người với sự được mất, sẻ chia, hàm ơn... Lúc này, lại tự hỏi chính mình, rằng mình có là... cỏ tranh? Để trong thăm sâu tâm khảm, đứa con của ba mẹ vẫn nhớ mãi quê nhà Văn Thánh dấu yêu.....      

                                                                                                                                             

Nguồn tin: Ly Ly
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Cô ơi ! Em cảm ơn cô nhiều lắm
Người thầy giáo ấy
Cô giáo hiền phố núi
Tặng cô giáo vùng cao
Thơ và nhạc Huỳnh Đức Trung
Mùa xuân của ba nhà thơ tên Xuân
Biết rồi - khổ lắm - nói mãi
DANH NHÂN TUỔI TỴ XỨ QUẢNG
THI ĐẤU CỜ NGƯỜI – NÉT ĐẸP NGÀY XUÂN
KỶ NIỆM MỘT THỜI QUÂN NGŨ
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Thơ trào phúng : Loanh quanh chữ “Vàng”
Em gái Bhnoong - Huỳnh Đức Trung
Sắc Xuân (Thơ Lê Lam Giang)
Chí làm trai (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Khâm Đức xuân về (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Suy ngẫm cuộc đời (Thơ Colchichine)
Tết quê (Hoàng Chương)
Xuân về "Nghe em hát còn duyên" (Hoàng Chương)
Đọc Gia huấn ca, suy ngẫm về giáo dục con cái hiện nay (Hoàng Chương)
Nghĩa tình Phước Sơn (Thơ Lê Lam Giang)
    
1   2   3   4   5   6   7   8  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO