MAI VĂN NGHIỆP (BÌNH AN - THĂNG BÌNH, CỬ NHÂN ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN): “Đây là cơ hội mà cũng là thách thức”
Chúng tôi, những trí thức trẻ rất phấn khởi và đồng tình với dự án này. Tôi muốn đem sức trẻ, sự nhiệt huyết, năng động và những kiến thức của mình để xây dựng, phát triển đất nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa khó khăn. Dự án này là cơ hội và cũng là thách thức để những người trẻ như chúng tôi thể hiện tài năng, là môi trường để rèn luyện ý chí, sự quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn. Với chuyên ngành công nghệ thông tin, tôi sẽ vận dụng kiến thức của mình để phát triển mảng giáo dục cũng như tìm kiếm và hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Ngoài ra, tôi tin mình có thể tìm hiểu và tư vấn lãnh đạo địa phương về cơ sở hạ tầng, giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
TRẦN THỊ DIỆU HƯNG (ĐIỆN PHƯƠNG - ĐIỆN BÀN, CỬ NHÂN ĐẠI HỌC NÔNG LÂM HUẾ): “Mong muốn được cống hiến sức trẻ”
Nếu được tuyển dụng vào “Dự án 600”, điều tôi băn khoăn là có được bố trí công việc vào đúng chuyên ngành của mình hay không. Bởi chúng tôi nhận thức rất rõ những khó khăn của bản thân mình khi được tuyển dụng về các xã nghèo miền núi, đó là rào cản ngôn ngữ, phong tục tập quán, điều kiện khắc nghiệt, kinh nghiệm chưa có nhiều… Dự án cũng cho biết sẽ dành 3 tháng đào tạo, liệu thời gian đó có quá ngắn để chúng tôi được trang bị kỹ năng làm việc. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ này, liệu tôi có phải bị “trục xuất”? Dù lo lắng như vậy, chúng tôi vẫn mong muốn được cống hiến sức trẻ, sự nhiệt huyết và nhất là lĩnh vực chuyên môn về quản lý đất đai của mình giúp đồng bào miền núi có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
PHAN VĂN TỊNH (TAM THÁI - PHÚ NINH, KỸ SƯ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG): “Sẽ ra sức học hỏi để làm một cán bộ tốt”
Với chuyên ngành quản lý tài nguyên rừng và môi trường đã học, tôi mong muốn mình được tuyển dụng vào “Dự án 600” để cống hiến cho miền núi, giúp người dân có phương thức trồng và quản lý rừng hợp lý và làm giàu từ rừng. Bên cạnh việc lấy lâm nghiệp làm chủ đạo, kinh tế miền núi cần chú trọng phát triển hệ thống giao thông bởi hiện nay các tuyến đường trên các xã miền núi là rất kém. Là một sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm cũng như kỹ năng còn hạn chế, nhưng với sức trẻ cũng như nguyện vọng mong muốn đất nước ngày càng phát triển, tôi sẽ ra sức học hỏi kinh nghiệm của các cán bộ công chức lớp trước, lắng nghe những ý kiến phản ánh của người dân để làm một cán bộ tốt.
“Với vị trí tuyển dụng này, tôi xác định đây là công việc không đơn giản, nhất là với những người trẻ, chưa có kinh nghiệm. Nếu được tuyển dụng, tôi sẽ phát huy hết sức mình trong cương vị công tác được giao. Ngoài những quy định của dự án, tôi có một lợi thế là người dân tộc thiểu số nên có thể hòa nhập tốt trong môi trường làm việc”. (Ứng cử viên Bớt Xớp, Tà Bhing - Nam Giang, cử nhân Đại học Sư phạm giáo dục chính trị Nha Trang) |