Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
"Luyện thép" cho bạn trẻ
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 26/11/2012 .Lượt xem: 1537 lượt.
Vượt qua vòng xét tuyển cam go, với tỷ lệ chọi gần như là 1:1, hơn 20 bạn trẻ trúng tuyển bày tỏ hy vọng “lò luyện” từ thực tế cuộc sống sắp tới sẽ cho họ cơ hội trưởng thành.


Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Sáng - Chủ tịch Hội đồng xét tuyển công bố kết quả xét tuyển Dự án 600.

So tài

Sáng đầu tuần, nhiều gương mặt sinh viên trẻ măng đã có mặt từ rất sớm ở Sở Nội vụ, nơi sẽ diễn ra cuộc phỏng vấn xét tuyển các cá nhân ưu tú cho Dự án 600 (Dự án của Chính phủ tuyển chọn 600 tri thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 62 huyện nghèo). Cuộc so tài sắp tới sẽ gay go khi Hội đồng tuyển chọn trí thức trẻ của tỉnh chỉ chọn ra 21 ứng viên trong tổng số 40 hồ sơ nộp về.

        La Thị Thanh Thủy (trú phường An Sơn, Tam Kỳ) vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, chuyên ngành Giáo dục Chính trị, tuy rất hồi hộp chờ đến lượt mình vào phỏng vấn nhưng vẫn tỏ ra khá tự tin bắt chuyện với chị Thu Lan - Bí thư Tỉnh Đoàn. Thủy cũng thẳng thắn đặt câu hỏi với ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng vụ Thanh niên, Giám đốc Dự án 600 ngay bên lề cuộc xét tuyển về những thắc mắc mà các bạn chưa rõ xung quanh chính sách đào tạo, sử dụng nếu các bạn trúng tuyển. Những giải đáp cụ thể, rõ ràng và động viên của chính vị giám đốc dự án làm nhiều bạn thấy tự tin hẳn lên… Cánh cửa phòng khẽ mở, nghe một cán bộ trong ban phỏng vấn gọi tên mình, La Thị Thanh Thủy tự tin bước vào phòng phỏng vấn. Trực tiếp phỏng vấn các bạn trẻ đăng ký Dự án 600 ngoài cán bộ của Ban xét tuyển còn có ít nhất 2 lãnh đạo của các huyện cần tuyển dụng. Ông Hồ Văn Ny - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đơn vị cần đến 10 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND các xã khó khăn nhất của huyện đã đặt hàng loạt câu hỏi liên quan về cách ứng xử với đồng bào trong những tình huống hết sức cụ thể khiến không ít các bạn trẻ bối rối. Tuy nhiên, khá nhiều bạn đã có sự chuẩn bị và đã vượt qua cuộc phỏng vấn… Khoảng 20 phút sau, La Thị Thanh Thủy bước ra khỏi phòng phỏng vấn với nụ cười tươi tắn, đây là ứng viên có số điểm phỏng vấn cao nhất (96,6 điểm) trong số các gương mặt được hội đồng quyết định tuyển chọn.

        Lúc bấy giờ, Thủy mới mạnh dạn kể về bản thân mình. Vừa tốt nghiệp đại học xong, Thủy quyết định tìm việc tại huyện miền núi Nam Trà My, trước đó thông tin về Dự án 600 cũng đã được bạn chú ý. Nộp đơn xin việc xong, Thủy được Phòng GD-ĐT huyện nhận về công tác tại trường THCS Trà Don, điểm trường mà Thủy được phân công về dạy phải đi bộ hơn 3km. Làm cô giáo được khoảng 1,5 tháng thì Thủy nhận được thông báo về Sở Nội vụ tham gia đợt xét tuyển. “Nếu không được tuyển dụng vào Dự án 600 em vẫn còn cơ hội công việc ở Nam Trà My… Với em, nếu về làm phó chủ tịch UBND xã chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn chờ đón, nhưng em tin mình vượt qua được” - La Thị Thanh Thủy tâm sự.

Cơ Lâu Hiếu (trú xã A Tiêng, huyện Tây Giang) vừa tốt nghiệp khoa Luật Đại học Vinh kể, đời sống đồng bào Cơ Tu còn nhiều hủ tục cần xóa bỏ, làm sao để phong tục từ nghìn đời của đồng bào không bị phai nhạt mà cải biến cho phù hợp với đời sống hiện đại là việc làm rất khó. Mình là người có kiến thức pháp luật phải từng bước tuyên truyền cho đồng bào hiểu, mình sẽ dựa vào già làng… Rất nhiều tâm sự, kỳ vọng đã được các bạn trẻ bộc bạch trong cuộc phỏng vấn này. 

Lãnh đạo các địa phương Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang cho biết, ứng viên tốt nghiệp đại học các ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Lâm nghiệp, Phát triển nông thôn và khuyến nông, Công nghệ thông tin, Nông học… là những lĩnh vực rất cần cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở miền núi.

Sẽ “luyện thép” kỹ!

“Tôi sẽ theo sát quá trình đào tạo “nghề” làm phó chủ tịch UBND xã của các bạn sắp tới mở ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi đã dự kiến một chương trình cụ thể, sát thực tế, không chỉ mời chuyên gia đào tạo các bạn mà còn mời cả cán bộ huyện về để các bạn có thêm hiểu biết tình hình thực tế của địa phương. Các bạn nên chuẩn bị cho mình tâm thế đối mặt với khó khăn đó…” - ông Vũ Đăng Minh, Giám đốc Dự án 600 nói về quy trình “luyện thép” sắp tới. Theo ông Minh, có đôi điều đáng tiếc có thể thấy được từ khâu phỏng vấn, đó là kiến thức xã hội, quản lý nhà nước, về tổ chức chính trị của các bạn trẻ còn hạn chế. “Một lãnh đạo xã tương lai ngay từ lúc này có thể xưng “tôi”, thể hiện chính kiến của mình trước mặt ban xét tuyển mà không cần ngại ngần… Vì vậy, công tác đào tạo (khóa kéo dài 3 tháng) sắp tới đây chắc chắn sẽ chú ý nhiều đến vấn đề này” - ông Minh nói.

Các ứng viên trả lời phỏng vấn trước hội đồng xét tuyển.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Phạm A, đây là cơ hội tốt để huyện có được lớp lãnh đạo mới và trẻ, có thể làm được nhiều việc góp phần đổi mới bộ mặt các xã miền núi khó khăn của huyện. Tuy nhiên, điều lo ngại là thực tế cuộc sống đặt ra vô vàn những tình huống khó mà các phó chủ tịch xã tương lai sẽ phải đương đầu, do vậy huyện sẽ theo sát, giúp đỡ họ sau này.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Sáng - Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn của Dự án 600 tại Quảng Nam nói: “Vấn đề đặt ra khi thực hiện Dự án 600 là bám sát văn bản chỉ đạo của trung ương về việc triển khai, làm tốt công tác tuyên truyền và quan trọng nhất là công tác tư tưởng cho các bạn trẻ bởi các bạn còn nhiều bỡ ngỡ với thực tế ở địa phương. Qua đó, tạo cho các em an tâm công tác, đem hết khả năng phục vụ cho địa phương. Việc nữa là phối hợp với các địa phương theo dõi, giúp đỡ các bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ sở”. 

Có đến gần nửa số ứng viên của Dự án 600 không đạt được mục tiêu của mình, tuy nhiên con đường của các bạn chưa dừng lại ở đó. Dự án tuyển chọn 500 trí thức trẻ để đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (do UBND tỉnh vừa ban hành) tới đây sẽ là cơ hội rộng mở cho các bạn.

Nguồn tin: (Theo báo Quảng Nam) DOÃN HOÀNG
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Tuyển dụng 22 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã ở miền núi
Các tin cũ hơn:
Tuyển dụng trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã: Tiếng nói người trong cuộc


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO