Phía Đông giáp huyện Hiệp Đức; phía Nam giáp huyện Bắc Trà My; phía Tây giáp huyện Đăk Glei - tỉnh Kun Tum và phía Bắc giáp huyện Nam Giang. Huyện lỵ Phước Sơn đóng tại thị trấn Khâm Đức, cách thành phố Tam Kỳ 130 km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 135 km về hướng Đông Nam.
Theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi và sách Đại Nam thống nhất chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn, xưa kia Quảng Nam là đất Việt Thường thị, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc Nhật Nam (châu Lư Dung tức vùng đất Quảng nam, thuộc quận Nhật Nam). Năm 192, Khu Liên nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, lập ra Nhà nước Lâm Ấp (Amaravati, một tiểu vương quốc phía bắc của Vương quốc Chămpa). Năm 605, Lâm Ấp bị nhà Tùy chiếm đóng, đổi thành quận Hải Âm (gồm 4 huyện, châu Lư Dung đổi thành huyện Tân Dung). Năm 1306, theo thỏa ước giữa Vua Chiêm Thành là Chế Mân và Vua Đại Việt là Trần Nhân Tông, Vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân , em gái Vua Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông đổi hai châu Ô, Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu, từ đó người Việt dần dần định cư tại vùng đất mới, người Chiêm Thành lùi dần về vùng đất phía Nam của Vương quốc Chămpa. Năm 1471, Vua Lê Thánh Tông thành lập Quảng Nam Thừa tuyên gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (tức Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay). Danh xưng Quảng Nam có từ đó (vùng đất Phước Sơn thuộc phủ Thăng Hoa). Thời Vua Lê Tương Dực (1510 - 1516), Quảng Nam Thừa Tuyên đổi thành trấn Quảng Nam gồm 4 phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn, hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa là Quảng Nam và Đà Nẵng ngày nay (vùng đất Phước Sơn thuộc phủ Thăng Hoa). Năm 1803, Vua Gia Long đổi trấn Quảng Nam thành Quảng Nam dinh, gồm hai phủ: Điện Bàn và Thăng Hoa. Phủ Thăng Hoa có 3 huyện: Duy Xuyên, Hà Đông và Lễ Dương. Huyện Hà Đông có 4 tổng, 2 thuộc, 153 làng, là phần đất phía Nam và Tây Nam của Quảng Nam dinh (Phước Sơn thuộc huyện Hà Đông). Năm 1827, Vua Minh Mạng đổi Quảng Nam dinh thành trấn Quảng Nam. Năm 1832, trấn Quảng Nam đổi thành tỉnh Quảng Nam. Năm 1836, nhà Nguyễn đặt thêm huyện Quế Sơn (bao gồm huyện Hiệp Đức và Phước Sơn ngày nay).
Cổng chào huyện Phước Sơn
Như vậy, trước cách mạng tháng Tám năm 1945, tỉnh Quảng Nam có 4 phủ: Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và 4 huyện: Hòa Vang, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước (Phước Sơn thuộc huyện Quế Sơn). Tháng 3/1947, châu Trà My được thành lập (gồm vùng đất Phước Sơn). Ngày 12/10/1948, tách châu Trà My, thành lập huyện Trà My và huyện Phước Sơn, danh xưng huyện Phước Sơn có từ đó. Huyện Phước Sơn thành lập gồm: tổng Cò Nhang; tổng Giang Rẫy (vùng núi Phước Sơn) và các xã: Liên Giang, Vinh Quang (huyện Quế Sơn); Song An, Phú Toàn (huyện Tiên Phước); Tráng Sơn, Thăng Phước (huyện Thăng Bình). Sau đó, sáp nhập 6 xã Liên Giang, Vinh Quang, Song An, Phú Toàn, Tráng Sơn, Thăng Phước để thành lập 3 xã mới là: Phước Giang (gồm: làng Bình Huề, Phước Sơn của xã Vinh Quang và làng Tân Thuận, An Toàn, Bình Kiều, Trà Linh của xã Liên Giang); xã Phước Mỹ (gồm: làng Mỹ Lưu, Tú Lá, Quế Mỹ và Phú Nhơn); xã Phước Hà (gồm 4 xã: Song An, Phú Toàn, Tráng Sơn, Thăng Phước). Xóa bỏ tổng Cò Nhang và Giang Rẫy, thành lập 4 xã mới: Phước Hiệp, Phước Nhang, Phước Kim và Phước Thành.
Cuối năm 1950, chuyển xã Phước Giang, Phước Mỹ về huyện Quế Sơn; xã Phước Hà về huyện Thăng Bình. Tháng 3 năm 1952, tách xã Phước Nhang thành lập xã Phước Gia, Phước Trà; tách xã Phước Kim, Phước Thành, thành lập các xã: Phước Chánh, Phước Công, Phước Năng, Phước Mỹ. Tháng 6/1953, thành lập xã Phước Lăng, sau đó nhập vào xã Phước Mỹ. Tháng 9/1953, các huyện Trà My, Phước Sơn, Hiên, Giằng được tách khỏi Quảng Nam về trực thuộc Ban Miền Tây - Khu 5. Tháng 4/1961, sáp nhập Phước Sơn và Trà My, thành huyện Trà Sơn thuộc Quảng Nam. Huyện Trà Sơn gồm: Khu I. (xã Trà Pui, Trà Đốc, Phước Gia, Phước Trà, Phước Hiệp); Khu II: (xã Trà Leng, Trà Díp, Trà Tập); Khu III: (xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Công, Phước Năng, Phước Mỹ); Khu IV: (xã Trà Nam, Nam Bền, Bắc Bền, Bần, Căng); Khu V: (xã Ray, Don, Mai, Vận) và Khu VI: (xã Giắc, Tông, Toa, Nghéo). Tháng 3/1963, giải thể huyện Trà Sơn, thành lập 3 Khu hành chính trực thuộc tỉnh gồm: Khu I (Phước Sơn); Khu II: (Nam Trà My) và Khu III (Bắc Trà My). Cuối năm 1965, tách xã Phước Kim, thành lập thêm xã Phước Xuân. Sau ngày 30/4/1975, Khu I đổi thành huyện Phước Sơn. Tháng 7/1976, giải thể xã Phước Xuân, sáp nhập vào Phước Kim. Tháng 3/1986, xã Phước Gia, Phước Trà chuyển về huyện Hiệp Đức theo Nghị quyết 389/HĐBT, ngày 25/02/1986 của Hội đồng Bộ trưởng. Hiện nay, Phước Sơn có 12 đơn vị hành chính gồm: xã Phước Hiệp; Phước Kim; Phước Thành (thành lập tháng 10/1948); Phước Chánh; Phước Công; Phước Năng; Phước Mỹ (thành lập tháng 3/1952); xã Phước Đức (thành lập tháng 3/1981); thị trấn Khâm Đức (thành lập tháng 5/1986); xã Phước Xuân; Phước Lộc (thành lập tháng 3/2002) và xã Phước Hòa (thành lập tháng 4/2008).
Địa lý hành chính theo cách phân chia của địch: Ngày 24/6/1958, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định 335-NĐ/CP, thành lập quận Phước Sơn([1]). Ngày 31/7/1962, Tổng thống Diệm ký sắc lệnh 162-NV tách tỉnh Quảng Nam, thành hai tỉnh: Quảng Nam và Quảng Tín. Tỉnh Quảng Nam, từ sông Ly Ly (Hương An) trở ra gồm 9 quận: Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc, Hiếu Nhơn (thành phố Hội An ngày nay và một số xã của Điện Bàn), Hiếu Đức (huyện Đông Giang, Tây Giang ngày nay và một số xã miền núi của Hòa Vang), Thượng Đức (huyện Nam Giang ngày nay và một số xã miền núi của Đại Lộc) và quận Đức Dục (một số xã miền núi của huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Duy Xuyên, nay là huyện Nông Sơn). Dân số lúc ấy 585.540 người; tỉnh lỵ đóng tại Hội An thuộc quận Hiếu Nhơn.
Tỉnh Quảng Tín, từ sông Ly Ly vào đến Dốc Sỏi (ranh giới tỉnh Quảng Ngãi), gồm 5 quận: Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Hậu Đức (nay là huyện Nam Trà My và Bắc Trà My) và Hiệp Đức (quận Phước Sơn cũ). Dân số lúc ấy 353.752 người; tỉnh lỵ đóng tại Tam Kỳ. Năm 1964, chính quyền Sài Gòn tách các xã phía Nam của quận Tam Kỳ, từ xã Kỳ Hưng (nay là xã Tam Xuân I và Tam Xuân II), đến xã Kỳ Liên (nay là xã Tam Nghĩa), thành lập quận Lý Tín. Ngày 08/3/1965, Mỹ đổ quân chiếm đóng Đà Nẵng. Ngày 07/5/1965, Mỹ chiếm đóng Chu Lai, tiến hành Kế hoạch "tìm diệt", biến Quảng Nam thành chiến trường nóng bỏng. Đầu năm 1966, chính quyền Sài Gòn tách vùng núi quận Hiệp Đức, thành lập quận Khâm Đức (thực chất là chi khu quân sự), tồn tại đến ngày 12/5/1968, thì ta giải phóng và trở thành vùng hậu cứ cách mạng cho đến ngày 30/4/1975([2]).
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Lễ ngăn sông Đakmi
Về giao thông: Phước Sơn có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua địa bàn huyện như: Đường Hồ Chí Minh dài 3.167 km, đi qua địa bàn 30 tỉnh, thành phố, từ Pác Bó - Cao Bằng, đến vùng Đất mũi tỉnh Cà Mau, đây là con đường chiến lược nối Bắc - Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 5/ 4/2000, Chính phủ khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến tỉnh Bình Phước. Đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Phước Sơn có chiều dài 56 km, đi qua thị trấn Khâm Đức và các xã Phước Xuân, Phước Đức, Phước Năng, Phước Mỹ. Đoạn đường này trước kia là quốc lộ 14, kết nối từ quốc lộ 1A, Ngã ba Hòa Cầm - thành phố Đà Nẵng, lên Thượng Đức, Bến Giằng, Đăk Nhẽ (Khâm Đức) rồi sang Tây Nguyên do quân Pháp mở ra trong những năm 1947 - 1950, nhằm phục vụ chiến tranh. Sau năm 1968, miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành vùng hậu cứ cách mạng, đoạn đường này được kết nối vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, là mạng lưới giao thông chiến lược chạy từ miền Bắc đi qua miền Trung, sang Hạ Lào, Camphuchia, rồi vào miền Nam Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường mòn Hồ Chí Minh là hệ thống giao thông chiến lược, cung cấp binh lực, lương thực, khí tài chi viện cho Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Quốc lộ 14 E dài 80 km, được xây dựng tháng 4/2000, kết nội từ quốc lộ 1A, Ngã ba Cây Cốc huyện Thăng Bình, lên Việt An, Hiệp Đức, rồi qua địa bàn xã Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Xuân của Phước Sơn, chiều dài 27 km, tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh tại Ngã ba Play Lao Mưng. Con đường này dưới thời Mỹ - ngụy là tỉnh lộ 16, do ngụy quyền Sài Gòn mở ra trong những năm 1960 - 1963, với mục đích phục vụ chiến tranh, đánh chiếm vùng hậu cứ cách mạng. Sau năm 1968, trên tuyến đường này, đoạn từ Khâm Đức xuống Làng Hồi, một nhánh rẽ sang Trà Linh - Đức Dục (nay là huyện Nông Sơn), tuyến chính xuống Tân An - Hiệp Đức đều nằm trong vùng tự do, được kết nối với hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh và trở thành hành lang chiến lược Đông - Tây, cữa ngõ xuống đồng bằng, góp phần quan trọng vào chiến dịch giải phóng Nông Sơn (quận lỵ Đức Dục năm 1969), giải phóng Hiệp Đức (năm 1972), Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ (tháng 3 năm 1975).
Đường Đông Trường Sơn, là tuyến quốc lộ mới xây dựng, chạy giữa đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1A, chiều dài gần 700 km, qua địa bàn 7 tỉnh, là tuyến huyết mạch quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội địa bàn miền Trung và Tây Nguyên, khởi công ngày 05/9/2005, có điểm tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh, tại thị trấn Thạnh Mỹ - huyện Nam Giang, đi qua địa bàn huyện Nông Sơn, cắt ngang xã Phước Hiệp - huyện Phước Sơn 10 km, chạy qua huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam, lên Sơn Tây - Quảng Ngãi, rồi qua địa bàn các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đăklắc, điểm cuối tại cầu Suối Vàng huyện Lạc Dương - tỉnh Lâm Đồng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều đoạn trên đường Đông Trường Sơn thuộc tuyến đường Z114, phục vụ chiến lược quân sự của ta. Sau năm 1975, nhiều đoạn trên tuyến đường này bị hư hỏng nặng, không còn dấu vết.
Các tuyến đường huyện: Tuyến (ĐH) lên vùng cao dài 44,6 km, có điểm tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh tại Nước Xa - xã Phước Đức, lên các xã Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc; tuyến (ĐH) từ Nước Non - Phước Chánh lên xã Phước Công dài 7 km. Trước đây, tuyến Thống Nhất, nối từ đường mòn Hồ Chí Minh, lên các xã vùng cao Phước Sơn, qua huyện Bắc Trà My, phục vụ chiến lược quân sự của ta. Hiện nay các tuyến đường này được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp V miềm núi, đã kết nối các trung tâm xã với huyện, vào hệ thống đường quốc gia, tạo nên hệ thống giao thông khá thuận tiện cho vận tải hàng hóa, đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Ngoài ra trong những năm chiến tranh, Phước Sơn còn có các tuyến đường 15 từ Bắc Trà My, qua Làng Hồi - Phước Sơn, xuống Trà Linh - Đức Dục (nay là huyện Nông Sơn). Tuyến đường từ Phước Công qua Phước Mỹ, lên Kon-Tum; tuyến từ Phước Mỹ qua Sông Thanh xuống Bến Giằng...Qua nhiều năm không sử dụng, hiện nay không còn nữa.
Về địa hình: Nằm trên triền Đông của dãy Trường Sơn đại ngàn, uy nghi, hùng vĩ và bị chia cắt mạnh bởi nhiều núi cao và sông sâu, độ dốc lớn. Đồng thời chảy thấp dần từ Tây sang Đông, tạo nên hai vùng cao và vùng thấp khá rõ rệt. Vùng cao có 9 xã và thị trấn, chiếm 3/4 diện tích toàn huyện, độ cao trung bình trên 1.000 mét, có nhiều núi cao trên 1.500 mét; cao nhất là ngọn Poltăm Heo (Ngok Lum Heo) 2.045 mét, ngọn Ngok-Ti-On 2.032 mét và ngọn Pol Gơlê Zang (Xuân Mãi) 1.834 mét. Địa hình vùng núi cao được kiến tạo trên đá nền granit và đá biến chất granitnai, paranai... Vùng thấp là địa hình chuyển tiếp từ Tây sang Đông, có hai xã Phước Hòa và Phước Hiệp chiếm 1/4 diện tích, độ cao trung bình dưới 500 mét, độ dốc từ 20 - 250, địa hình tương đối bằng phẳng và được kiến tạo trên nền đá granit, granitnai và paranai. Với địa hình núi non hiểm trở, vùng thấp là cửa ngõ tiếp giáp với đồng bằng. Vùng cao có ranh giới chung với tỉnh Kon Tum và sát biên giới Lào, là địa bàn chiến lược quan trọng về quân sự. Đây chính là điều kiện khách quan để Phước Sơn, cùng các huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Nam tạo thành vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Về khí hậu, thời tiết: Phước Sơn là một trong những vùng của tỉnh Quảng Nam có lượng mưa trung bình từ 3.150 - 3.500 mm, lượng mưa nhỏ nhất 1.857 mm, lớn nhất 5.337 mm, tạo nên nguồn nước dồi dào đổ ra các sông suối lớn như: Sông Đăk My dài 56 ki-lô-mét, phát nguyên từ núi Ngok Lum Heo và các phụ lưu suối Đăk Sa, Đăk Chè; rộng bình quân 200 mét, lòng sông hẹp và sâu. Vào mùa mưa lũ nước sông dâng nhanh, lưu tốc lớn, hiện nay trên dòng sông Đăk My được khai thác làm các nhà máy thủy điện có công suất từ 100 - 200 MGW. Sông Trường phát nguyên từ núi Pol Gơlê Zang (xuân Mãi) chảy ra sông Gia và sông Trà Nô đổ về sông Thu Bồn. Ngoài ra còn có sông Đắk Mét, suối Đăk Glon, Đăk Xa Oa, Đăk Xe...tạo nguồn nước dồi dào đổ ra các sông lớn chảy về vùng đồng bằng. Các sông, suối Phước Sơn, ngoài việc cung cấp nguồn lợi thủy sản, còn tích trữ nguồn thủy năng dồi dào để phát triển công nghiệp điện và cung cấp nước sinh hoạt phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Khí hậu Phước Sơn quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm 21,8 0C, cao nhất là 39,4 0C và thấp nhất là 160C. Do địa hình bị chia cắt mạnh bởi núi cao và xa biển, nên biên độ nhiệt giữa bốn mùa cũng như ngày và đêm thay đổi lớn. Mùa khô từ tháng 02 đến tháng 8; mùa hè chịu tác động bởi hướng gió Nam, thường có mưa giông, sấm sét, nhưng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển các loại cây trồng. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 năm trước và kéo dài đến tháng 01 năm sau, nhưng ít chịu ảnh hưởng của bão. Hướng gió thịnh hành vào mùa đông là gió mùa Đông Bắc với mức độ nhẹ. Ẩm độ trung bình 90%, lượng bốc hơi trung bình 800 mm. Sương mù thường xuất hiện từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau.
Về thổ nhưỡng gồm: Đất phù sa sông suối (Pj) có 1.570,26 ha, phân bổ dọc theo các sông suối. Đất nâu tím trên đá paranai (Fe) có 310,03 ha, phân bổ ở địa hình núi cao. Đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp) có 435,05 ha, phân bố ở vùng thấp và Khâm Đức. Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất (Fs) có 40.573,02 ha, phân bố hầu hết các xã trong huyện. Đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính (Fk) có 2.230,34 ha, phân bố ở các xã vùng trung. Đất vàng đỏ trên đá macma axit (Fa) có 34.100 ha phân bố đều ở các xã trong huyện. Đất mùn đỏ trên đá paranai (Hs) 3.350,23 ha, phân bố ở các xã Phước Kim, Phước Thành. Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất (Ha) 21.700,71 ha, phân bố trên địa hình các xã vùng cao. Đất dốc tụ (D) 535,12 ha, phân bố ở các xã vùng thấp và thung lũng Khâm Đức ([3]).
Phước Sơn có 4.784,98 ha đất nông nghiệp, 21,12 ha đất nuôi trồng thủy sản, 1,22 ha đất nông nghiệp khác; đất phi nông nghiệp 3.105,15 ha; đất chưa sử dụng 32.280,5 ha. Đất đai Phước Sơn màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thích nghi với sự phát triển các loại cây lương thực (lúa, bắp, sắn...), cây công nghiệp (quế, trẩu, cao su) và cây nguyên liệu (keo, giang, nứa...). Đất lâm nghiệp có 74.287,34 ha, trong đó có 20.787,38 ha rừng sản xuất, 35.830,96 ha rừng phòng hộ (bao gồm 25.154 ha rừng phòng hộ nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh) và 17.669 ha rừng đặc dụng. Rừng Phước Sơn có nhiều loại gỗ quí: lim, gõ, dỗi, chò, sến...; lâm sản khác: trầm hương, dầu rái, song, mây và các loại cây dược liệu quí có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, rừng Phước Sơn có nhiều loại động vật quí hiếm và hoang dã: hổ, voi, nai, gấu, voọc, công, trĩ, trăn, rắn, rùa...Trong lòng đất có nhiều tài nguyên quí: vàng gốc, vàng sa khoáng, đá garanic, đá bazan...([4]).
Thung lũng Khâm Đức có diện tích trên 450 ha, độ cao trung bình trên 400 mét so với mặt nước biển, xung quanh bao bọc bởi các dãy núi cao. Trước năm 1945, Khâm Đức là địa bàn cư trú, sinh sống của người Bh'noong, có 2 làng: Đăk Nhẽ Mừng và Đăk Nhẽ Keo, nhưng do tập tục "trả đầu", "giặc mùa" và dịch bệnh nên 2 làng này không còn nữa([5]). Năm 1959 - 1962, ngụy quyền Sài Gòn cho xây dựng ở đây một cứ điểm quân sự, năm 1965 - 1968, Mỹ - ngụy tiếp tục xây dựng Khâm Đức và Ngok-Ta-Vat thành cụm cứ điểm quân sự liên hoàn, biến Khâm Đức thành Chi khu quân sự, bố trí ở đay một Trung tâm huấn luyện Biệt kích, có sân bay quân sự. Từ Khâm Đức, địch thường xuyên đánh phá các cơ sở cách mạng và hành lang chiến lược của ta. Để giải quyết những vấn đề cấp bách của chiến trường, ngày 12/5/1968, Sư đoàn 2 Quân khu 5, lực lượng vũ trang và nhân dân Phước Sơn tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm quân sự này, giải phóng hoàn toàn huyện Phước Sơn. Hiện nay thị trấn Khâm Đức là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện.
Kể từ sau năm 1975, đặc biệt từ khi có đường lối đổi mới đến nay, trên địa bàn huyện Phước Sơn có nhiều công trình kinh tế kỹ thuật được đầu tư xây dựng, như: Đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn 5 xã và thị trấn, dài 56 km; quốc lộ 14 E, qua địa bàn 2 xã, dài 27 km; đường huyện (ĐH) từ thị trấn Khâm Đức lên các xã vùng cao, dài 44,6 km. Theo Đề án phát triển giao thông của tỉnh Quảng Nam, con đường này sẽ được kết nối đến huyện Bắc Trà My, xuống Tiên Phước, Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ. Trên địa bàn huyện còn có lưới truyền tải điện siêu cao áp 500 Kv Bắc - Nam; hệ thống lưới điện quốc gia được kết nối đến các xã, thôn trong huyện. Nhà máy thủy điện Đăk My 4 và 4a,b,c với công suất 210 MGW; nhà máy thủy điện Đăk My 1,2,3 với công suất trên 200 mgw; hồ thủy lợi Nước Dút và nhiều công trình kinh tế kỹ thuật khác đã, đang và sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng. Phước Sơn có tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa và lịch sử. Đây là những yếu tố quan trọng để Phước Sơn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đường lối Đại hội IX và X của Đảng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân.
II. THÀNH PHẦN DÂN TỘC VÀ ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở PHƯỚC SƠN.
Kết quả điều tra dân số ngày 01/4/2009, Phước Sơn có 22.490 người, gồm 15 dân tộc (Bh'noong, Kinh, Ca Dong, Giẻ, Tày, Nùng, Mường, Sán Dìu, Cơ Tu, Bru-Vân Kiều, Pacô, Giá Rai, Hơ Rê, Co và Ve). Người Bh'noong chiếm 59%, người Kinh 32%, các dân tộc khác 9%. Xưa kia, người Bh'noong sống trên vùng đất Phước Sơn rất đông đúc, họ cư trú từ thượng nguồn sông Đăk My giáp vùng Đăk Glei - tỉnh Kun Tum xuống giáp vùng Nam Giang; tập trung dọc suối M'túa, xuôi dòng sông Đăk My và suối Ka Lỡ đổ qua sông Thanh, hình thành nhiều bản làng, dân cư đông đúc. Nhưng do tập tục trả đầu, giặc mùa, đã làm cho 30 làng bị diệt vong, gồm: Làng Đăk Lác tại Nước Ama, A Gố; làng Đăk Plúa tại Nước Acay, Nước Vàng; làng Đăk Êc tại suối Si Tường; làng Nước La tại Nước La Mê; làng Đăk Mlang tại suối Nước Xa; làng Đăk Nhẽ Mừng và làng Đăk Nhẽ Keo tại Khâm Đức; làng Đăk Pau Mơu tại Nước Dút, Nước Chum; làng Đăk Tình tại Ngok-Ta-Vat; làng Lúa Rẽ tại ngã ba Làng Hồi; làng Cà Do tại Nước Lang; làng Cà Giang tại Nước Mtan; làng Don Nhẽ tại thượng nguồn Nước Mtan; Làng Lône tại Nước Non; làng Ta Le tại Nước Xa Tin; làng Cà Doạt Ô Xe tại Nước Poóc; làng Cà Lô Rưa tại Phước Năng cũ; làng Mnen tại thượng nguồn Nước Tà Pui; làng Triềng Lvai và làng Ta Kim tại thượng nguồn Nước Xa Loa; làng Xích tại khe đôi Nước Xa Loa; làng Tráo, làng Công Văn Lơ Dẽ; làng Công Văn KXao; làng Lú tại địa bàn Phước Hòa; làng Cà Đoan tại Khe Xeng; làng Dai tại Khe Xơ Man; làng Mtía tại Khe Mtía; làng Mừng tại Khe Tre và làng Hàn tại Khe Gia Từng([6]).
Hiện nay người Bh'noong Phước Sơn, có 13.152 người, là một bộ phận thuộc dân tộc Giẻ-Triêng, có nguồn gốc từ dân tộc Ta Lieng cư trú ở dãy Tây Trường Sơn thuộc vùng Hạ Lào, do tập quán du canh - du cư, người Giẻ - Triêng dần dần di cư sang phía Đông Bắc tỉnh Kun Tum, một bộ phận di chuyển xuống phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, cư trú ở vùng Trà My, Hiệp Đức, nhưng số đông cư trú ở Phước Sơn. Trong tiến trình lịch sử lâu dài, người Bh'noong sống đông đúc ở Phước Sơn và dần dần hình thành nên những dị điểm về ngôn ngữ, văn hóa và tập quán, phân hóa khỏi dân tộc chủ thể của mình, gần như trở thành một nhóm dân cư chủ thể, đóng góp nhiều công sức tạo dựng cơ đồ, sự nghiệp trên vùng đất Phước Sơn mà họ đang sinh sống. Hiện nay tiếng nói của người Bh'noong Phước Sơn thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), trên 90% tiếng nói giống với nhóm Gié-Triêng ở Kon Tum và tương đối gần gũi với tiếng Xơ Đăng, Ba Na. Năm 2000, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Huyện ủy Phước Sơn chủ trương biên soạn bộ chữ viết tiếng Bh'noong và qua nhiều năm nghiên cứu, hợp tác với Viện Ngôn ngữ học, Viện Dân tộc học và Đại học Đà Nẵng, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Phước Sơn đã biên soạn bộ sách chữ viết tiếng Giẻ Triêng (nhóm Bh'noong), được Hội đồng Khoa học huyện Phước Sơn nghiệm thu tháng 12/2007, đánh dấu bước phát triển mới về văn hóa của người Giẻ-Triêng (nhóm Bh'noong), bộ chữ viết Giẻ-Triêng (nhóm Bh'noong) được cấu tạo bộ vần bằng chữ cái La-tinh.
Lễ hội Đâm Trâu tại Huyện Phước Sơn
Về lịch sử người Bh'noong, là cư dân sinh sống lâu đời trên vùng đất Phước Sơn, tập quán sản xuất của họ là phát rừng làm nương rẫy, trồng cây lương thực. Cách thức canh tác của người Bh'noong cũng giống như các dân tộc thiểu số khác sinh sống ở miền núi trong vùng. Công cụ chủ yếu: dùng rìu, rựa để phát dọn; gậy đẽo nhọn đầu để chọc lỗ khi gieo tỉa; cà veo là công cụ để làm cỏ. Tất cả các loại cây trồng đều được gieo trồng trên nương rẫy. Con vật nuôi gồm: trâu, heo, gà, ngan, chó... chỉ giết mổ vào các dịp lễ, tết để cúng thần linh và tổ tiên, ông bà. Ngoài tập quán sản xuất nương rẫy, người Bh'noong có sở trường đan đát, trồng quế, rèn nông cụ. Xưa kia xã Phước Công có một số người biết dệt thổ cẩm nhưng kỹ thuật còn thấp, sau này bị mai mọt. Quan hệ hàng hóa: trước kia người Bh'noong dùng vật đổi vật, ngày nay dùng tiền để mua bán hàng hóa. Người Bh'noong ở Phước Sơn ăn cơm ngày 3 bữa (bữa sáng và tối ăn ở nhà, bữa trưa thường ăn nhẹ ở nương rẫy); nguồn thức ăn hàng ngày kiếm được nhờ săn bẫy thú rừng, đánh bắt cá dưới sông suối và hái lượm hoa, quả, rau, nấm ở rừng; thức ăn ưa thích là các món nướng đối với cá, thịt và canh rau cũng thường có trong bữa cơm. Trước kia người Bh'noong có tập quán ăn bốc, uống nước lã, rượu cần (rượu cần được chế biến từ củ sắn), ngày nay dùng bát, đũa, ly, tách khi ăn uống trong gia đình và tiếp khách; người Bh'noong còn có thói quen hút thuốc lá (cả nam, nữ, người lớn và trẻ em).
Nhà ở của người Bh'noong trước kia làm theo kiểu nhà sàn dài, được chia thành các gian nhỏ cho mỗi hộ "mơn vác", ở giữa ngôi nhà có một hành lang chạy suốt chiều dài ngôi nhà, hai nửa ra vào hành lang là cửa đi chung của các thành viên trong nhà. Vật liệu chủ yếu làm bằng cây, lá, với kỹ thuật lắp ghép, chằng buộc rất tinh xảo, đây là lối kiến trúc truyền thống khá phổ biến. Mỗi làng của người Bh'noong chỉ có từ một đến hai ngôi nhà. Hiện nay người Bh'noong làm nhà trệt theo kiểu nhà ở của người Kinh, trừ những nhà làng truyền thống được kiến trúc theo kiểu nhà sàn, cao, to và đẹp; có bài trí các hoa văn, họa tiết, trong nhà làng có trưng bày đầu thú rừng và sừng trâu...một biểu tượng về nét văn hóa riêng của người Bh'noong.
Về y phục truyền thống: Nam giới quấn khố, ở trần, mùa lạnh thì choàng thêm tấm dồ cho ấm. Nữ giới mặc áo, quấn váy, nhưng có nơi dùng loại váy ống dài để che từ ngực trở xuống; phụ nữ thường đeo trang sức bằng cuờm đá nhiều màu sắc và cả các loại vòng bạc, đồng ở cổ và tay, chân. Hiện nay y phục theo kiểu người Việt được người Bh'noong sử dụng khá phổ biến ở mọi lứa tuổi. Phương tiện người Bh'noong dùng để vận chuyển lương thực, đồ dùng hàng ngày, hoặc sử dụng khi đi nương rẫy là các loại gùi. Gùi được đan bằng mây, hoặc cây lùng với nhiều kích cở và kiểu dáng khác nhau: gùi đan thưa, đan dày, gùi có ngăn và gùi không ngăn; gùi đeo theo người hàng ngày, gùi để chứa đựng đồ dùng tại nhà, gùi có hoa văn nan nhộm màu đen, đỏ và gùi có hoa văn nhưng nan không nhộm màu, gùi dùng cho người lớn, gùi dùng cho trẻ em, gùi dùng cho nam giới...
Quan hệ xã hội: Người Bh'noong chưa phân hóa giai cấp, tuy trong làng có phân chia thành ba lớp người: hạng giàu (pan gioong phi), hạng đủ ăn (tó cha) và hạng nghèo (tôi pa), song nhìn chung, họ có quan hệ cộng đồng khá chặt chẽ. Mặc dù trong làng cũng có họ hàng khác nhau, nhưng họ có quan niệm chung về truyền thuyết và cội nguồn, nên rất yêu thương, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau trong cuộc sống. Già làng "Piku" là người lớn tuổi, có uy tín cao, hiểu biết nhiều kinh nghiệm và thường là người có công tạo lập làng, Già làng là người điều khiển công việc chung của làng theo tinh thần dân chủ, dựa vào phong tục, tập quán mang tính thần quyền có từ thời xa xưa. Trong làng còn có "Càm trồng" là người trông coi công việc phòng thủ bảo vệ dân làng, hoặc tổ chức cho dân làng tấn công kẻ thù, hoặc thú rừng một khi cuộc sống của dân làng bị đe dọa. "Con rét" là người trông coi công việc nương rẫy, trồng tỉa của dân làng; tổ chức ngày tết theo phong tục cổ truyền. Ngoài ra, trong làng còn có thầy cúng "bjâu"", là người bày vẽ cách cúng tế thần linh, ma quỉ, mang tập tục mê tín, dị đoan, "bjâu" không được coi là người có vị trí lớn trong xã hội và không được dân làng ưu tiên về các quyền lợi như Già làng "Piku", hoặc "Càm trồng", "Con rét".
Về hôn nhân: Khi trai, gái lớn lên họ tự tìm hiểu bạn đời (có thể trong làng, hoặc ở làng khác), cha mẹ thường chấp nhận nếu không vi phạm phong tục, tập quán, song cũng có nhiều trường hợp do hai bên gia đình quyết định. Việc cưới xin phải trải qua nhiều bước, nhưng bao giờ cũng có lễ kết gắn cô dâu, chú rể bằng cách trai, gái đưa cơm với gan gà cho nhau và cùng ăn, cùng uống rượu cần, hoặc trùm chung tấm chăn. Trước khi cưới, cô gái phải chuẩn bị 100 bó củi đẹp để đem đến nhà trai; nhà trai tặng nhà gái các vật dụng đan đát đẹp nhất (thường là chiếc gùi 3 ngăn, có nắp đậy); và nhà gái cũng tặng lại cho nhà trai những sản phẩm đồ dệt: dồ, váy... Sau khi cưới, đôi vợ chồng phải ở luân phiên nhà cha mẹ chồng và cha mẹ vợ mỗi đợt vài ba năm, cho đến khi một trong hai bên cha mẹ có người qua đời thì đôi vợ chồng mới có quyền tạo lập cuộc sống riêng. Cũng theo phong tục trước đây, khi người vợ sinh đẻ, người chồng phải làm lều ngoài rừng để cho vợ sinh nở và sản phụ tự lo một mình trong việc sinh nở của mình, sau 10 ngày mới được mang con về nhà. Đứa bé được coi là thành viên của gia đình cũng sau khi được gia đình tiến hành một nghi thức cúng thần linh, xin cho đứa bé gia nhập cộng đồng của những người thân thuộc trong nhà và trong làng.
Về ma chay, người Bh'noong khi chết được chôn trong một quan tài độc mộc, đẽo gọt rất tinh xảo, có tạc hình đầu trâu phía trên đầu của cổ quan tài. Người chết được mai táng ở khu rừng ma (nghĩa địa), nhà mồ làm đơn giản, có rào xung quanh đề phòng chim, thú đào bới. Đồ vật đem theo cho người chết có thể là chiêng, ché, gùi, rìu, rựa, cà veo...Khi trong làng có người chết, thì cả làng đều kiêng cữ suốt 10 ngày không vào rừng và không đi xa nhà, cho đến khi tang gia tổ chức lễ cúng "nhắc nhở" linh hồn người chết ở yên bãi mộ thì gia đình và dân làng mới hết kiêng cữ. Sau một năm, gia đình tổ chức một lễ thức đoạn tuyệt với mộ người chết, cầu cho linh hồn người chết về với tổ tiên và từ đây gia đình cũng không còn quan tâm đến ngôi mộ của người đã chết nữa.
Về tín ngưỡng tâm linh, người Bh'noong quan niệm mọi vật cũng như con người, con thú đều có linh hồn ẩn trú, các thần linh gồm: thần mặt trời, thần đất, thần nước, thần làng, thần lúa, thần đá, thần cây... được người Bh'noong thờ cúng. Mỗi làng của người Bh'noong đều có vật "thiêng" làm bùa hộ mệnh, được cất dấu ở rừng và giữ bí mật với người ngoài. Mỗi gia đình, dòng họ cũng có vật "thiêng" để cầu cho mùa màn tươi tốt và các thành viên trong gia đình không có người ốm đau... Người Bh'noong quan niệm thần linh và con ma là thế lực siêu nhiên chi phối cuộc sống của họ. Vì vậy họ có rất nhiều lễ thức cúng bái theo tín ngưỡng riêng; mỗi khi cúng bái đều có vật hiến tế, máu con vật hiến tế là quan trọng nhất. Trong lễ tết cổ truyền của người Bh'noong (tết lúa rẫy được tổ chức riêng theo từng làng), thường có đâm trâu, và các lễ trọng như: khi chuyển làng đến nơi ở mới, khi chọn vùng đất rẫy mới, khi hạ chói, gieo tỉa, hoặc khi hạn hán, khi mở đầu tuốt lúa, đưa lúa lên kho, khi được 100 gùi lúa trở lên...đều có tổ chức lễ thức cúng bái. Gắn với chu kỳ của đời người, cũng có các lễ thức trong thời kỳ mang thai, sau khi đẻ, khi đặt tên, khi cưa răng, khi kết hôn, hoặc khi bị ốm đau, khi chết đều có các lễ thức cúng bái thần linh.
Lịch của người Bh'noong xưa kia căn cứ vào chu kỳ của mặt trăng, theo đó tên gọi của mỗi ngày trong tháng có trùng lặp, nhưng người Bh'noong có cách gọi riêng biệt ngày của nửa tháng đầu và ngày của nửa tháng cuối khác nhau. Mỗi một năm, người Bh'noong cũng tính 12 tháng, mỗi tháng có những công việc trọng tâm nhất định, và thường là khi kết thúc thu hoạch mùa lúa rẫy, người Bh'noong tổ chức ăn tết cổ truyền. Xưa kia tuổi của con người cũng được tính theo mùa lúa rẫy. Người Bh'noong còn có kinh nghiệm xem thời tiết theo chu kỳ thay lá, ra hoa của một số loại cây, hoặc cách thức hoạt động của một số loài con trùng mà đoán được thời tiết nắng mưa, hạn hán, bão lũ...
Về văn hóa, văn nghệ: Người Bh'noong có các vũ điệu dân gian và nhiều làn điệu dân ca, hát lý, truyện cổ tích và truyền thuyết về giống nòi được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Nhạc cụ quý giá nhất là cồng chiêng (cồng chiêng mỗi làng cũng khác nhau, có làng sử dụng bộ cồng chiêng gồm 3 cồng, 7 hoặc 9 chiêng; có làng chỉ sử dụng 3 cồng với 4 hoặc 6 chiêng). Có nơi cồng chiêng tấu cùng với trống, bộ gõ, nhưng có nơi không sử dụng trống và bộ gõ tấu với cồng chiêng. Các làn điệu dân ca, vũ điệu dân gian, hát lý, hát đối của người Bh'noong rất khỏe mạnh, phản ánh trung thực về cuộc sống lao động, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh trí thanh bình và tình yêu thương của con người.
Phụ nữ Giẻ-Triêng tại lễ hội Đâm Trâu
Người Cadong ở Phước Sơn thuộc dân tộc Xơđăng (hiện nay người Xơđăng cư trú ở các huyện Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei tỉnh Kon Tum; các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức và Phước Sơn tỉnh Quảng Nam; huyện Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi...). Do tập quán du canh - du cư, một bộ phận người Xơđăng ở Kon Tum di chuyển sang hướng Tây Nam tỉnh Quảng nam và cư trú ở địa bàn Nam - Bắc Trà My; nhóm khác di chuyển xuống vùng thấp Phước Sơn, cư trú dọc sông Trà Nô và sông Gia, hình thành nên nhóm người Cadong ở Phước Sơn (năm 1986, xã Phước Gia và Phước Trà chuyển về huyện Hiệp Đức). Người Cadong khi đến cư trú ở Phước Sơn, họ sống thành từng làng (plei). Mỗi làng của người Cadong có một phạm vi đất đai, rừng núi riêng của mình, ranh giới được đánh dấu bằng những địa hình của con suối, dòng sông, đỉnh núi, hoặc cây cổ thụ. Những thành viên trong làng được toàn quyền sử dụng đất đai, rừng núi trong phạm vị của làng mình. Các gia đình cũng tự thỏa thuận với nhau về phạm vị nương rẫy khi muốn khai phá, mỗi gia đình đều có một diện tích nương rẫy đương canh tác và một diện tích nương rẫy dự trử. Nếu vì lý do nào đó trong làng có gia đình đi nơi khác thì họ cũng mất luôn quyền sở hữu đối với mãnh đất của mình. Theo tập quán của người Cadong, mỗi làng bao giờ cũng có một máng nước (lang-tak), là nơi để dân làng tổ chức các lễ thức cúng thần nước (Karát-langták) cầu xin cho mưa thuận gió hòa, nương rẫy được mùa, dân làng no đủ, đoàn kết và bình yên. Làng của người Cadong thường có từ 5 - 6 nóc (spôk), mỗi nóc có thể từ 20 - 30 bếp (gia đình), nóc của người Cadong làm theo kiểu nhà sàn, mái thấp, lợp bằng lá cọ hoặc lá mây, các nóc thường ở gần nhau, bên cạnh nóc có các kho thóc của từng gia đình.
Mỗi làng của người Cadong có một nhà làng, là nơi vui chơi cũng như để dân làng tiến hành các nghi thức cổ truyền, nhất là lễ hội đâm trâu và các lễ hội truyền thống của cộng đồng liên quan đến tín ngưỡng thần linh, phong tục tập quán và ma chay, cưới hỏi... Về sản xuất, người Cadong có tập quán phát rừng làm nương rẫy, thông thường họ xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích nương rẫy, nhưng chủ yếu là cây lương thực: lúa nếp, lúa tẻ, khoai, sắn... Về y phục truyền thống, người Cadong đàn ông đóng khố, cởi trần, mùa lạnh thì khoát thêm tấm choàng; phụ nữ mặc váy ống, đeo đồ trang sức bằng cườm đá nhiều màu sắc ở thắt lưng, cổ tay, cổ chân, đeo vòng đồng, vòng bạc trên cổ và khuyên tai. Trai, gái Cadong đến tuổi trưởng thành đều có quyền tự do tìm hiểu, yêu thương mà không bị sự ràng buộc của gia đình, sau khi hai bên tìm hiểu và ưng thuận, cha mẹ bên trai tìm người mai mối (bla), và họ tiến hành các lễ thức như: lễ dạm hỏi (la ích), tiếp theo là lễ ăn hỏi (la xúi), rồi đến lễ cưới (la giok k di). Người Cadong không thách cưới, hôn nhân một vợ, một chồng bền vững và rất ít trường hợp vợ chồng bỏ nhau. Gia đình người Cadong có truyền thống đoàn kết theo huyết thống, trong một gia đình có nhiều thế hệ chung sống và con trai hay con gái đều được thương yêu như nhau.
Người Cadong ở Phước Sơn chưa phân hóa giai cấp. Già làng thường là người lớn tuổi, có uy tín cao, được các gia đình trong làng cử ra làm người đại diện cho cả làng để chăm nom, bảo vệ địa giớí của làng, bàn bạc và quyết định việc tranh chấp hay hòa giải, đôn đốc dân làng bảo vệ khi có giặc; có trách nhiệm giữ gìn các phong tục tập quán, bàn bạc xử lý những vi phạm theo luật tuc... Đại diện cho dân làng trong các lễ thức tôn giáo, hay trong việc tiếp khách quí của làng. Người Cadong khi quyết định một công việc gì của làng, đều được Già làng bàn bạc kỷ với dân làng một cách dân chủ và khi dân làng nhất trí, thì Già làng là người có trách nhiệm đôn đốc thực hiện. Người Cadong cho rằng, nếu mọi việc trong làng xử sự đúng đắn, giữ gìn tục lệ nghiêm minh thì được các thần linh phù hộ và như vậy thì mọi viêc đều thành công tốt đẹp. Ngược lại nếu làng làm việc gì sai trái, các thần linh trừng phạt, mà biểu hiện của nó là mùa màn thất bát, dân làng ốm đau dịch bệnh, nắng hạn mưa lũ, cháy nhà, sét đánh... Và mỗi khi có hiện tượng không tốt đó xảy ra, thì tất cả dân làng phải chịu trách nhiệm, mà trách nhiệm lớn nhất là của Già làng, nên khi mùa màn thất bát, dân làng ốm đau thì Già làng phải đứng ra cúng bái, tế lễ để xin thần linh buông tha. Nếu đã cúng, nhưng năm sau lại tiếp tục mất mùa hoặc dịch bệnh xảy ra, thì dân làng phải cúng xin thần linh để cử ra một Già làng khác lên trông coi công việc của làng.
Nhìn chung, hiện nay quan hệ hôn nhân, gia đình và xã hội của người Bh'noong, Cadong và các tộc người thiểu số khác ở Phước Sơn đã có nhiều biến đổi. Người dân biết làm chủ lấy cuộc sống của bản thân mình, họ ra sức học tập, rèn luyện cầu tiến bộ. Hôn nhân một vợ một chồng, sinh đẻ có kế hoach, gia đình ít con, chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng gia đình bền vững. Đối với cộng đồng và xã hội, họ luôn coi trọng tình làng nghĩa xóm, sống đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, có ý thức trách nhiệm cao trong viêc xây dựng thôn bản văn hóa, như cộng đồng không có người đói, không có người vi phạm pháp luật, không sinh con thứ ba... nhiều tập tục lạc hậu được đấu tranh xóa bỏ. Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, tôn trọng pháp luật...
Người Kinh (người Việt), ở Phước Sơn có 7.134 người; trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người Kinh đến Phước Sơn chủ yếu là thương lái, hành nghề trao đổi, mua bán các sản vật giữa đồng bằng với miền núi, nhưng chưa hình thành nên cộng đồng người Kinh trên vùng đất này. Từ năm 1946 - 1954, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Nam quyết định xây dựng miền núi Quảng nam thành vùng hậu cứ cách mạng để tổ chức kháng chiến. Trong thời gian này nhiều cán bộ người Kinh được phân công lên hoạt động ở vùng núi Phước Sơn, họ là những cán bộ Viêt Minh, bộ đội Cụ Hồ được đồng bào các dân tộc Bh'noong, Cadong hết sức tin tưởng, đùm bọc và chở che. Họ đã góp phần cùng với cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận nền độc lập chủ quyền của Việt Nam và Đông Dương. Song, đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai Ngô Đình Diệm cố tình chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, dùng miền Nam làm bàn đạp để đánh phá miền Bắc, hòng ngăn chặn phong trào Cộng sản đang mở rộng xuống các nước Đông Nam Á. Do vậy nhiệm vụ mới của cách mạng nước ta là tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ năm 1955 - 1975, Phước Sơn đã trở thành vùng hậu cứ vững chắc của cách mạng, có các cơ quan của Khu ủy V, của Tỉnh ủy, Huyện ủy và nhiều đơn vị quân đội đứng chân, đội ngũ cán bộ người Kinh lúc này tăng lên đáng kể. Đặc biệt sau năm 1975, do yêu cầu phát triển của địa phương cùng với chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, nên cộng đồng người Kinh nhanh chóng được hình thành trên địa bàn huyện, đông nhất là ở thị trấn Khâm Đức và xã Phước Đức.
Hiện nay người Kinh ở Phước Sơn sống đoàn kết với cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, họ tích cực lao động sản xuất, hoạt động kinh doanh và công tác trong các cơ quan nhà nước, góp phần cùng với cộng đồng các dân tộc anh em xây dựng huyện nhà từng bước phát triển với mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công hằng, dân chủ, văn minh".
III. PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC PHƯỚC SƠN
Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân, phong kiến chưa bao giờ quan tâm đến sự tồn vong của các dân tộc thiểu số trong vùng. Cuộc sống của người Bh'noong và Cadong ở Phước Sơn hết sức tăm tối. Với tập quán du canh - du cư, kinh tế - xã hội kém phát triển, đói cơm, lạt muối, ốm đau, dịch bệnh, mù chữ... thêm vào đó là tục lệ "trả đầu", nạn "giặc mùa" ([7]), đã làm cho nhiều bản làng bị diệt vong, cộng đồng dân tộc bị ly tán, nhất là từ khi chế độ thực dân phong kiến đặt ách cai trị lên vùng đất này, chúng bắt đồng bào ta đi phu phen, tạp dịch, nộp xâu, đóng thuế... làm cho đời sống của đồng bào càng lâm vào cảnh đói rét, bần hàn, khổ nhục, quyền sống và phẩm giá của con người không được tôn trọng.
Cũng như nhân dân cả nước, không chịu khuất phục trước quân thù, đồng bào các dân tộc Bh'noong và Cadong ở Phước Sơn đã ý thức được vấn đề sống còn của tộc người mình, họ bất hợp tác với chính quyền thực dân và luôn nêu cao tinh thần thượng võ, vận động dân làng đấu tranh bảo vệ cuộc sống và quê hương núi rừng... Từ truyền thống ấy, tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc được khơi dậy, nhất là từ khi Vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, hô hào "thần dân" phò vua cứu nước. Hưởng ứng hịch Cần Vương, tháng 9/1885, các thủ lĩnh: Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Trần Đỉnh, Nguyễn Thành, Nguyễn Hanh, Ông Ích Thiện đã thành lập Nghĩa hội Quảng Nam và cử Trần Văn Dư làm Hội chủ, đưa nghĩa quân chiếm tỉnh thành La Qua (Điện Bàn), Sơn Phòng, Dương Yên và thành lập Tân Tỉnh ở Trung Lộc (Quế Sơn). Nhưng sau đó thực dân Pháp đưa quân đánh chiếm La Qua; cuối năm 1885 Dương Yên và Sơn Phòng thất thủ, Trần Văn Dư bị địch bắt và giết chết, Nhĩa hội Quảng nam cử Nguyễn Duy Hiệu làm Hội chủ, tiếp tục lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp, phong trào Cần Vương tiếp tục lan rộng khắp các vùng nông thôn và giành thế chủ động ở nhiều địa phương trong tỉnh. Cuối năm 1886, thực dân Pháp mở đợt tấn công vào Trung Lộc, để bảo toàn lực lượng, Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu và các thủ lĩnh, cùng nghĩa quân rút về vùng núi Phước Sơn, khi nghĩa quân đi qua vạn Phước Sơn, thì được nhân dân trong vùng tiếp đón, đóng góp lương thảo, khí giới và tuyển mộ trai tráng để bổ sung lực lượng, ủng hộ phong trào kháng chiến chống Pháp của Nghĩa hội.
Tiếp theo phong trào Nghĩa hội của Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu (1885 - 1887); phong trào Đông Du và Duy Tân của Phan Bội Châu (1904 - 1908) và phong trào Chống thuế của nông dân Quảng Nam (năm 1908), thì Cuộc vận động khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội (năm 1916) do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo, được Vua Duy Tân ủng hộ. Phong trào phát triển mạnh mẽ khắp các tỉnh Trung kỳ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, kể cả một số nhà tư sản, quan lại, phú hào có tinh thần yêu nước tham gia, mạnh nhất là ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Công cuộc khởi nghĩa được chuẩn bị khá chu đáo và chặt chẽ, có kế hoạch nội ứng bên trong. Ở Quảng Nam, khắp nơi trong tỉnh đã thành lập các đội nghĩa binh, đội dân binh võ trang, tổ chức rèn đúc vũ khí, huấn luyện nghĩa quân và quyên góp lương thảo..., Phước Sơn là một trong những nơi được chọn xây dựng lò rèn đúc vũ khí cho nghĩa quân ([8]). Song cuộc khởi nghĩa chưa kịp nổ ra thì kế hoạch bị bại lộ, thực dân Pháp ra lệnh giới nghiêm, thu giữ vũ khí của binh lính người Việt, Vua Duy Tân rời khỏi Hoàng Thành trong đêm, nhưng ngày hôm sau bị Pháp bắt cùng với Thái Phiên và Trần Cao Vân.
Với các phong trào yêu nước nói trên có tác động tích cực đến nhận thức của đồng bào, một khi tinh thần yêu nước được khơi dậy đúng thời điểm miền núi bị địch o ép, thì càng làm cho phong trào yêu nước của đồng bào dâng cao, họ đã mạnh dạng đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù. Nổi bật nhất là mùa rẫy năm 1920, khi quân lính Pháp từ đồn ĐăK Glei tỉnh Kom Tum càn xuống các làng Lố Lố, Công Năng, Xà Riếng, Cà Doạt bắt đồng bào cống nộp heo, gà, lương thảo và các vật phẩm quý cho quan Tây. Trước sự bạo ngược của quân thù, được các Già làng lãnh đạo, các dân làng nói trên đã đồng loạt nổi dậy đóng cổng làng, rào đường lên nương rẫy, tổ chức bạo động không cho chúng lùng sục và đòi bãi bỏ các loại cống nộp, xâu thuế... Cuộc đấu tranh của các dân làng diễn ra dưới hình thức chính trị và bạo lực quần chúng kéo dài hàng chục ngày, lan rộng khắp các xã vùng cao, buộc quân lính Pháp phải nhượng bộ và cuối cùng cuộc đấu tranh của các dân làng nói trên đã giành được thắng lợi, gây tiếng vang lớn trong vùng.
Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ tỉnh (1931) đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, thì ở vùng Nam Trung Bộ trong những năm 1935 - 1940, cũng nổi lên phong trào "Nước Xu"([9]), một phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp do ông Sam Bram (người Chăm) ở Phú Yên khởi xướng, phong trào lan rộng khắp núi rừng Tây Nguyên và miền tây Quảng Nam, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống đồng bào các dân tộc Bh'noong và Cadong ở Phước Sơn, đồng bào các xã vùng cao đã cử người băng rừng sang Kon Tum, để mua "nước phép" và học thần chú ([10]), về truyền lại cho dân làng nhằm trừ dịch bệnh đậu mùa và tránh được đạn Tây. Vì quá tin vào "nước phép" nên nhiều gia đình đã bán cả chiêng, ché, vật phẩm quý giá... để mua "nước thần" về sử dụng, nhằm tăng sức mạnh cho đồng bào để đấu tranh chống giặc giữ làng. Tuy phong trào "nước xu" trong giai đoạn này mang tính mê tín dị đoan, nhưng nó đã khơi dậy được ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc Bh'noong và Cadong ở Phước Sơn, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ hơn.
Trong những năm 1939 - 1941, với âm mưu đánh chiếm vùng căn cứ địa cách mạng, thực dân Pháp cho mở đường 14 từ Tây Nguyên xuống Phước Sơn, chúng đẩy mạnh các cuộc càn quét vào bản làng, tiến hành bắt lính, đôn phu, buộc đồng bào ta đi làm tạp dịch cho chúng. Đồng thời chúng tổ chức điều tra dân số và quản thúc mọi hoạt động của nhân dân ta. Để làm thất bại âm mưu của địch, ông Đinh Xấu - người làng Lố Lố vận động các Già làng đứng ra thành lập "Hội dấu dân" với mục đích bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc và kiên quyết chống địch không cho chúng nắm dân. Với tinh thần đó, nhân dân làng Xe, làng Lum, làng Cà Dũ, làng Xuân Mãi, Xà Riếng, La Gầm...nhất loạt đứng lên đấu tranh chống địch, kiên quyết không cho chúng đôn phu, bắt lính, làm đường, làm xâu và tuyệt đối không cho con em rời khỏi làng.
Tiêu biểu trong giai đoạn này là cuộc đấu tranh của dân làng Cà Doạt Mừng do hai ông Giang và Rẫy lãnh đạo, các ông đã tập họp trai tráng trong làng thành đội chiến đấu, trang bị giáo mác, cung tên, huy động dân làng cắm chông, thò có tẩm thuốc độc để chủ động đánh Tây ([11]). Khi quân Pháp ở đồn Đăk Glei hay tin dân làng Cà Doạt Mừng chuẩn bị bạo động, chúng huy động lực lượng kéo đến vây làng, thì bị "nghĩa quân Giang - Rẫy" và dân làng Cà Doạt Mừng đánh trả quyết liệt. Song do chưa có kinh nghiệm tổ chức chiến đấu, nên cuộc đấu tranh vũ trang của "nghĩa quân Giang - Rẫy" và dân làng Cà Doạt Mừng thất bại, hai ông Giang, Rẫy bị giặc Pháp bắn chết tại chỗ, phần lớn "nghĩa quân" và dân làng bị chúng tàn sát hết sức dã man, nhà cửa, bản làng bị chúng đốt phá, trâu bò, tài sản bị chúng cướp sạch. Tuy cuộc chiến đấu vũ trang của "nghĩa quân Giang - Rẫy" và dân làng Cà Doạt Mừng thất bại. Song ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Phước Sơn tiếp tục dâng cao. Cuộc đấu tranh vũ trang của dân làng Cà Doạt Mừng do hai ông Giang, Rẫy lãnh đạo không những gây được tiếng vang lớn trong đồng bào các dân tộc Phước Sơn, mà còn đề cao ý thức dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của tất cả các dân tộc để bảo vệ quê hương, bản làng và mong muốn cho đất nước được độc lập tự do, các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Đó cũng chính là nguyên nhân đưa đồng bào các dân tộc Bh'noong, Cadong ở Phước Sơn nhanh chóng đến với con đường cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo.
Từ khi trở thành vùng hậu cứ cách mạng và trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Phước Sơn là địa bàn có hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông - Tây đi qua, có đường ống dẫn xăng dầu và đường dây thông tin tải Ba từ Bắc vào Nam, nơi đặt cụm kho dự trữ chiến lược của chiến trường Khu V, nơi đóng quân của Binh đoàn 773, Sư đoàn vận tải 471, Sư đoàn công binh 472 và nhiều Trung đoàn pháo cao xạ. Phước Sơn cũng từng là địa bàn đặt Bản doanh của Khu ủy V và Bộ chỉ huy tiền phương Bộ đội Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt... Và cũng với vị trí chiến lược quan trọng như vậy, nên Mỹ - ngụy cũng thành lập trên vùng đất này một đơn vị hành chính cấp quận, xây dựng Khâm Đức và Ngok-Ta-Vát thành cứ điểm quân sự liên hoàn vững chắc, bố trí hỏa lực mạnh, với nhiều tiểu đoàn quân chủ lực, địa phương quân, pháo binh và cố vấn Mỹ. Ở khu trung tâm, địch bố trí Chi khu quân sự, Trung tâm huấn luyện biệt kích và nhiều đơn vị chiến đấu...Từ đây địch tung quân lùng sục các bản làng, làm hoa tiêu, chỉ điểm để máy bay và pháo binh địch ném bom, bắn phá vào vùng hậu cứ cách mạng và hành lang chiến lược của ta.
Để giải quyết vấn đề chiến trường sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Khu ủy V ra mệnh lệnh tiêu diệt cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức, nhằm làm thất bại kế hoạch "tìm và diệt" của Mỹ - ngụy, đồng thời bảo vệ vững chắc vùng đất tự do và đảm bảo khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông - Tây đi qua địa bàn này. Mệnh lệnh được giao cho Sư đoàn 2 - Quân khu V và lực lượng vũ trang huyện Phước Sơn. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị chiến trường, đúng 18 giờ 30 phút ngày 9 tháng 5 năm 1968, bộ đội ta từ các hướng, các mũi đã đồng loạt nổ súng tiến công quân thù, sau 3 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, đến 16 giờ ngày 12/5/1968, cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức - Ngok-Ta-Vat bị quân ta tiêu diệt, huyện Phước Sơn được giải phóng hoàn toàn, ngõ vào hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông - Tây được mở toan, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nguyễn Tường Vân
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy
sưu tầm, biên soạn.
([1]) Quận Phước Sơn được thành lập trên cơ cơ nâng cấp khu hành chính khu III do ngụy quyền Sài Gòn thành lập năm 1954, gồm vùng Sơn Mỹ (huyện Hiệp Đức ngày nay) và miền Phước Sơn (huyện Phước Sơn ngày nay).
([2]) Hồi đó Mặt trận Giải phóng và Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng theo cách phân chia địa lý hành chính như trên của ngụy quyền Sài Gòn, nhưng gọi địa danh tỉnh Quảng Tín là tỉnh Quảng Nam và có thêm huyện Quế Sơn. Còn tỉnh Quảng Nam là tỉnh Quảng Đà (vì nó bao gồm cả Đà Nẵng, nhưng không có huyện Quế Sơn). Một số địa danh quận, huyện giữa địch và ta cũng gọi khác nhau như: Phía địch gọi quận Hiếu Đức, ta gọi là huyện Thống Nhất (là phần đất một số xã phía tây của Hòa Vang và Bến Hiên, nay thuộc hai huyện Đông Giang và Tây Giang); địch gọi quận Thượng Đức, ta gọi huyện Hải Nam (bao gồm phần đất một số xã phía tây của Đại Lộc và Bến Giằng, nay là huyện Nam Giang); địch gọi quận Hậu Đức, ta gọi huyện Trà My (nay thuộc hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My); địch gọi quận Hiệp Đức, ta gọi huyện Quế Tiên (tháng 7 năm 1969, tỉnh Quảng Nam thành lập huyện Quế Tiên, bao gồm một số xã của Quế Sơn, Thăng Bình và Tiên Phước); phía địch gọi quận Khâm Đức, ta gọi huyện Phước Sơn; phía địch gọi quận Lý Tín, ta gọi huyện Nam Tam Kỳ.
([3]) Báo cáo Quy hoạch Tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Viên Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam.
([4]) Báo cáo tình hình sử dụng đất đai năm 2008 của Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn.
([5]) Những sự kiện lịch sử Đảng bộ huyện Phước Sơn.
([6]) Trang 69 những sự kiện lịch sử Đảng bộ huyện Phước Sơn.
([7]) Giặc mùa là một tập tục lạc hậu có từ lâu đời của các dân tộc thiểu số cư trú ở miền núi Quảng nam. Theo tập tục này, khi chuẩn bị vào mùa rẫy mới, thì đồng bào ở làng này tổ chức đi giết người ở làng khác để lấy máu làm vật tế thần linh, vì cho rằng làm như vậy thần linh sẽ phù hộ cho lúa rẫy tươi tốt, được mùa. Nhưng cũng chính tập tục này mà xảy ra các cuộc chém giết giữa các làng và các dân tộc với nhau. Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, thì tập tục này mới được đấu tranh xóa bỏ.
([8]) Quảng Nam - Đà Nẵng 30 năm chiến đấu và chiến thắng. Tập I, trang 22, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, năm 1985.
([9]) Nước Xu là tên ghép của các chữ nước phép và xu đồng. Những người tham gia phong trào này họ tin rằng nếu uống được nước phép thì tránh được dịch bệnh đậu mùa và đạn Tây bắn không trúng. Vì vậy muốn có nước phép thì phải góp một xu tiền đồng, (có lẽ các thủ lĩnh phong trào Nước Xu muốn dùng đồng xu để biết số lượng người tham gia phong trào).
([10]) "Đăk Đhuôn Đăk Lin, Tây Pên này me tró, Tró loong tró Kxê, Tró Bh'ri tró Đăk, Doan Prê Đăk này, Me tró con Bhnong, Doan Prê Đăk này, Me nhau pri Tây, Me nhau Đăk Tây..." Tạm dịch là: "Nước đủ nước xu, Tây bắn mình không trúng, trúng cây trúng dây, trúng rừng trúng nước, không trúng người Bhnong, núi rừng sông suối mình, không phải núi rừng của Tây, không phải nước của Tây..."
([11]) Tài liệu những sự kiện Lịch sử Đảng bộ huyện Phước Sơn, trang 31 ghi: Nhân một lần đi săn trên núi Phước Công, hai ông Giang và Rẫy bắt gặp một máy bay của Nhật bị rơi, hai ông liền tháo khẩu súng đại liên và rất nhiều đạn mang về làng lau chùi rồi bắn thử, thấy súng nổ to, xuyên cây mạnh hơn dao chém. Vui mừng vì có vũ khí tốt, hai ông tập họp thanh niên trong làng thành đội chiến đấu để chủ động đánh địch.