Còn bây giờ, Phước Sơn đang được nhắc đến như một mãnh đất giàu tiềm năng, là nhân tố đóng vai trò hạt nhân, là động lực phát triển cho toàn bộ vùng phía Tây-Nam của tỉnh..
Những thuận lợi...
Với lợi thế nằm trên các tuyến giao thông chiến lược, đường Hồ Chí Minh, đường 14E, lại là đô thị trung gian trong hệ thống các khu kinh tế quan trọng: Bờ Y, Đaklei, Cửa khẩu Nam Giang, Đà Nẵng, Tam Kỳ và khu kinh tế mở Chu Lai... không những thế, theo tuyến đường Hồ Chí Minh, Phước Sơn kết nối hai cực phát triển: Đà Nẵng, khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kết nối với Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan với vùng Tây Nguyên và cửa khẩu Bờ Y. Đặc biệt, trong mối quan hệ gần, Phước Sơn nằm tại trung điểm nối các tỉnh vùng Tây Nguyên theo tuyến Hồ Chí Minh với thành phố Đà Nẵng và thành phố Tam Kỳ, Khu kinh tế mở Chu Lai theo tuyến quốc lộ 14 E, là điểm giao kết của hai tuyến giao thông trên, Phước Sơn đóng vai trò là cửa ngõ thông thương trong quan hệ vùng Tây Nguyên với Quảng Nam nói riêng và khu vực duyên hải Miền Trung, nói chung.
Nói như vậy để thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà trong kế hoạch định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam giai đoạn năm 2006 - 2010 và tầm nhìn tới 2020, huyện Phước Sơn được xác định là trọng điểm đô thị và kinh tế vùng núi phía Tây-Nam của Tỉnh gắn với chính sách đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, nâng đô thị Khâm Đức thành đô thị loại IV vào năm 2015.
Đón thời cơ...
Trước thuận lợi đó, từ năm 2005 đến nay, huyện Phước Sơn đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nhiều nguồn vốn từ TƯ, tỉnh đã rót về Phước Sơn, với số kinh phí khổng lồ: gần 800 tỷ đồng. 236 công trình trọng điểm, mang tầm chiến lược như : dự án đường ôtô Phước Chánh - Phước Kim - Phước Thành; Phước Thành - Phước Lộc giai đoạn 1 và 2, dự án đường Phước Mỹ-Phước Công, đường Phước Công-Phước Lộc... chính hệ thống đường giao thông “xương cá” này đã tạo nên “cú huých” thật sự cho Phước Sơn trong việc thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...
Ông Phạm Thế Quyền chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nhận định “được sự quan tâm đầu tư của TƯ, tỉnh mà đặc biệt là từ hai nguồn vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn theo nghị quyết 30a, 5 năm qua, Phước Sơn đã tập trung quyết liệt cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là ở vùng cao, vùng sâu của huyện, đến cuối năm 2010 và nữa đầu năm 2011, khi hai tuyến đường Phước Chánh-Phước Kim-Phước Thành và Phước Thành-Phước Lộc, hoàn thành, lúc đó, điều kiện phát triển của 5 xã vùng cao nói riêng và huyện Phước Sơn nói chung sẽ có nhiều thay đổi đáng mừng”.
Được coi là “cây cổ thụ” giữa đại ngàn Phước Sơn, ông Hồ Văn Điều-nguyên chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, nguyên bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Phước Sơn- trong một chuyến đi thăm vùng cao đã vui mừng thốt lên “thật không thể tin được, thay đổi quá, từ con đường đi bộ, vạch rừng để đi ngày nào, nay đã được thay bắng những con đường cấp phối dài tít tắp, những mái nhà tranh, những bản làng nghèo xơ xác ngày xưa đã được thay bằng những mái nhà lợp tôn xanh, tôn đỏ của chương trình 134, 167, cảnh đèn dầu leo lắt ngày xưa giờ đã nhường chổ cho ánh điện ngời sáng...”.
Không thay đổi sao được, khi mà trong vòng 5 năm trở lại đây, tại huyện Phước Sơn, hệ thống điện lưới quốc gia đã nối được 11/12 xã, thị trấn với 58/66 thôn và trên 83% số hộ được dùng điện, 80% số hộ dùng nước sinh hoạt từ các chương trình 135, trung tâm cụm xã, huyện đã thực hiện di dời, sắp xếp ổn định cho 1.172 hộ với 5.024 khẩu, xây dựng được 1.827 nhà ở cho hộ nghèo...
Và giấc mơ đưa thị trấn Khâm Đức lên đô thị loại 4...
Được xác định là trung tâm kinh tế chính trị của huyện Phước Sơn, trong 5 năm qua, thị trấn Khâm Đức đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng : thương mại dịch vụ-tiểu thủ công nghiệp-nông-lâm-nghiệp. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, trong đó nhiều công trình trọng điểm như : công trình cấp nước sạch Khâm Đức hơn 12 tỷ đồng, có công suất 2000m3 ngày đêm, hoàn thành vào đầu năm 2010 phục vụ cho hơn 7000 hộ dân trên địa bàn, dự án công viên cây xanh đang triển khai gia đoạn 1, mở rộng hai cụm công nghiệp phía Tây Nam và cụm CN phía Đông thị trấn Khâm Đức, bước đầu đã thu hút hơn 30 doanh nghiệp đăng ký vào sản xuất kinh doanh tập trung, thêm vào đó 26 tuyến đường nội thị Khâm Đức được đầu tư xây dựng, đặt tên đường vào cuối năm 2009-và đây là thị trấn đầu tiên ở miền núi của tỉnh có tên đường-. Điều đáng mừng, cùng với sự tập trung đầu tư của nhà nước, trong 5 năm qua, nhiều cá nhân, doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại thị trấn, tạo nên một bộ mặt mới, khang trang hơn. Ông Lý Minh Tám, giám đốc công ty TNHH thương mại du lịch Lý Châu Giang, người đi đầu trong việc đầu tư mở rộng hệ thống khách sạn, nhà hàng tiêu chuẩn 2 sao lần đầu tiên tại thị trấn Khâm Đức cho biết “đối với một thị trấn vùng cao đầy tiềm năng như Khâm Đức, việc mạnh dạn bỏ hơn 50 tỷ đồng xây dựng khách sạn không phải là chuyện đầu tư không có trọng điểm, bởi lượng khách du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh, du lịch sinh thái đến với Khâm Đức-Phước Sơn ngày càng đông, nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ du lịch là hướng đi đúng, không những thế, đối với việc xây dựng khách sạn cũng là cơ hội để tạo nên một diện mạo mới cho Khâm Đức”.
Ông Đỗ Ngọc Thắng, chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức khẳng định “trong năm năm đến, thị trấn xác định tập trung đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, mở rộng thị trường, làm nền tảng để phát triển các ngành nghề khác, đảng bộ, quân và dân thị trấn Khâm Đức quyết tâm sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, sớm đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại 4 vào năm 2015”.
“Với xu thế phát triển của miền Trung-Tây Nguyên và của tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới. Đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn của Nhà nước, chương trình hổ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, sẽ tạo cho Khâm Đức- Phước Sơn nhiều thuận lợi và cơ hội tích cực trong quá trình phát triển đi lên..”-ông Đỗ Văn Xuân bí thư huyện ủy Phước Sơn khẳng định-.
Đứng trên đồi E-một trong những di tích lịch sử-quan trọng của huyện Phước Sơn, vươn tầm mắt ra xa, chúng ta sẽ nhận ra một trung tâm thị trấn Khâm Đức như một ô bàn cờ thu nhỏ, đang ngày đêm chuyển mình, hai cụm công nghiệp, với nhiều hợp phần sản xuất đang cho ra những sản phẩm đặc trưng của miền núi, cách đó không xa là những công nhân đang hối hả thi công trên công trường thủy điện ĐăkMy4, ĐăkMy2, Đăk My3, xa hơn là những phương tiện cơ giới đang gấp rút hoàn thiện tuyến đường đi 5 xã vùng cao...
Một không khí hối hả, khẩn trương, tất cả như để Khâm Đức-Phước Sơn thật sự vươn dậy, đứng lên, đóng vai trò là hạt nhân, là động lực phát triển cho toàn bộ vùng phía Tây-Nam của tỉnh..và xứng đáng là thủ phủ Tây Đô của Quảng Nam trong những năm đến.../.