Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Cảm nhận Phước Sơn trên con đường phát triển
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 27/11/2012 .Lượt xem: 4136 lượt.
Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, cách Thành phố Tam Kỳ 130 km về hướng Tây, cách thành phố Đà Nẵng 145 km về hướng Tây Nam. Có diện tích theo ranh giới hành chính 1.144 km2, trong đó 65% là đất đồi núi và rừng tự nhiên.
Rừng ở Phước Sơn phần lớn là rừng giàu nằm giữa dãy Trường Sơn Đông, thuộc loại rừng mưa nhiệt đới. Vì vậy hệ sinh thái rất đa dạng và phong phú.

Động vật và thực vật rừng dồi dào về chủng loại và qui mô sinh tồn. Phần lãnh thổ của huyện nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh rộng 25.000 ha, gần như nguyên sinh; đang được Nhà nước quản lý bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt có khu rừng 48 rộng 1.700 ha tương đối bằng phẳng; trong chiến tranh là căn cứ hậu cần cách mạng, hiện nay cây rừng đang tái sinh tự nhiên. Bên cạnh đó là ngọn núi Xuân Mãi cao trên 1.884 m, quanh năm mây mù bao phủ, trong lòng núi còn ẩn chứa nhiều huyền thoại chưa được khám phá. Đó là những địa danh có thể phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.

Nguồn tài nguyên khoáng sản trong lòng đất rất phong phú. Qua tài liệu điều tra có các loại như: Vàng mỏ, Vàng sa khoáng, Đồng, Chì, Cao lanh, Ti tan, Đá granít... đang còn nhiều ở dạng tiềm năng. Hiện nay Nhà nước cấp phép tổ chức khai thác Vàng với khối lượng trên 01 tấn/ năm. Về lâu dài có thể khai thác nhiều loại khoáng sản quí hiếm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.         

Nguồn nước mặt cũng rất dồi dào, nhất là ở các dòng sông lớn. Trong đó sông Đăk Mi khởi nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum đổ về sông Vu Gia, đoạn qua huyện dài khoảng 60 Km. Khi các dự án thủy điện ĐăK Mi 1,2,3,4 với tổng công suất trên 350 MW trên dòng sông này hoàn thành, sẽ có diện tích lòng hồ rộng hàng nghìn ha, với trữ lượng nước hàng tỷ m3. Tạo ra hướng khai thác giao thông đường thủy và tổ chức dịch vụ du lịch, thăm quan phong cảnh thiên nhiên rất thuận lợi.

Đất rộng, nhiều nguồn tài nguyên, nhưng dân cư thưa thớt, mật độ dân số chỉ có 19 người/ Km2. Tổng dân số của huyện hiện có 22.690 người. Bao gồm nhiều thành phần dân tộc sống cộng đồng trên lãnh thổ hành chính của 11 xã và 01 thị trấn.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Công trình thủy điện Đakmy4 năm 2009

Trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đồng bào Phước Sơn một lòng tin theo Đảng theo Bác Hồ. Mặc dù cuộc sống còn đói cơm, lạt muối, ốm đau, dịch bệnh hoành hành. Song vẫn không tiếc công sức, máu xương đóng góp ủng hộ cách mạng và trực tiếp tham gia đấu tranh giành độc lập, tự do đến ngày thắng lợi cuối cùng. Khởi đầu từ phong trào Nước Xu, với niềm tin của dân làng là vào Tây Nguyên mua nước thần về uống có thể chống được đạn của giặc Pháp. Tuy mang màu sắc thần thánh, mê tín dị đoan; nhưng đã khơi dậy được tinh thần yêu nước của đồng bào, tập hợp được quần chúng đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Tiếp đến là phong trào tự vũ trang trước Cách mạng tháng 8 năm 1945. Tiêu biểu là phong trào vũ trang của nhân dân làng Kadoat Mừng, do hai ông chủ làng Giang và Rẫy lãnh đạo; đã đi tìm vũ khí từ máy bay của Nhật bị rơi, tự vũ trang đánh trả lại quân Pháp trong các cuộc bao vây trấn áp dân làng. Tuy thất bại, nhưng đã thể hiện được tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí quật khởi và khát vọng sống độc lập  tự do của đồng bào dân tộc thiểu số, mong muốn được bình yên giữa rừng núi đại ngàn.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhất là sau khi Đảng bộ huyện Phước Sơn được thành lập tháng 12 năm 1948. Phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm được tổ chức chặt chẽ và có hướng đi vững chắc hơn. Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân huyện nhà đoàn kết một lòng, kháng chiến giành thắng lợi trên khắp các mặt trận. Những chiến công lừng lẫy của quân và dân huyện Phước Sơn vẫn còn vang mãi cho đến hôm nay. Điển hình là sự kiện ngọn lửa Trà Nô, Làng ông Tía do đồng chí Đề chỉ huy; đã dùng dao Rựa chặt đầu 5 tên địch vào mùa hè năm 1960. Thể hiện lòng dũng cảm xuất thần của tổ du kích xã Phước Trà ( hiện nay đã tách về huyện Hiệp Đức ). Tiếp đến là trận bẫy đá, Cung tên, Nõ của tổ du kích Làng Ka Nang xã Phước Hiệp do ông Đinh Văn Xọp chỉ huy tháng 7 năm 1962, đã đánh phá làm thất bại được cuộc hành quân bằng xe cơ giới của địch trên đường Quốc lộ 14. Ghi một chiến công mới của lòng dũng cảm, mưu trí, quyết tâm tiêu diệt địch bằng vũ khí thô sơ.        

Tiếp đến là hàng trăm trận đánh lớn nhỏ của quân và dân huyện Phước Sơn, phối hợp với bộ đội chủ lực để chống càn, chống biệt kích…bảo vệ căn cứ cách mạng, bảo vệ sự an toàn của lãnh đạo Đảng các cấp. Chiến công nối tiếp chiến công; mà đỉnh cao là chiến thắng Khâm Đức ngày 12 tháng 5 năm 1968; huyện Phước Sơn được hoàn toàn giải phóng. Từ đó nhân dân toàn huyện ta ra sức xây dựng và cũng cố chính quyền hậu cứ; đẩy mạnh sản xuất tăng gia và tiếp tục đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Góp phần làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng dân tộc, thống nhất đất n­ước vào mùa xuân năm 1975.

 Với những thành tích đạt được trong 2 cuộc kháng chiến. Huyện Phước Sơn và 08 xã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân “. Nhiều cán bộ, đảng viên được tặng thưởng hàng ngàn huân, huy chư.


Thị trấn Khâm Đức 1985

Sau ngày đất nư­ớc được hoàn toàn giải phóng. Do hậu quả của chiến tranh để lại khá nặng nề, nên đời sống cán bộ và nhân dân trong toàn huyện vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cán bộ công nhân viên Nhà nước từ huyện đến xã, sống và làm việc đơn sơ không khác gì lúc còn chiến tranh. Từ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất của nhân dân, cho đến phương tiện phục vụ công tác của các cơ quan Đảng và Nhà nước đều tạm bợ. Nhà cửa trụ sở làm việc bằng tranh, tre, nứa, lá. Nền kinh tế của huyện phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách bao cấp của Nhà nước. Cán bộ phải thường xuyên lao động, tăng gia sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm mới đủ ăn. Các bếp ăn tập thể cũng chỉ có cơm độn sắn, cá khô và rau rừng. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống theo cộng đồng làng; từng nhóm hộ cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt trong một nhà sàn như­ toa xe lửa. Sản xuất nông lâm nghiệp chủ yếu là phát rừng già làm nương rẫy và săn bắn, hái lượm các sản phẩm tự nhiên của rừng, tự cung tự cấp để giải quyết nhu cầu đời sống hàng ngày. Tài sản quí giá nhất của người dân là  sức lao động của đôi cánh tay trần, với công cụ thô sơ là chiếc Rìu Sắt, con Dao Quắm và cái Cầu Veo. Ngày lại qua ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trên các triền dốc núi. Nay ở cánh rừng này, mai đến ngọn đồi kia, đầy gian nan vất vả.



Thanh niên Chi đoàn UBND huyện 1979

Đảng bộ và chính quyền huyện Phước Sơn nhận thức được những khó khăn, gian khổ như đã nêu trên. Đã ra sức vận động nhân dân đoàn kết một lòng, tin theo Đảng thực hiện cuộc cách mạng Định canh định c­ư. Quyết tâm đưa toàn dân thoát ra khỏi cuộc sống nghèo nàn và lạc hậu. Nhiều lớp các bộ đàn anh, đàn chị đã từng gắn bó với đồng bào trong những năm kháng chiến, lại tiếp tục mang ba lô, khăn gói lên đường về với bản làng xưa để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Vận động bà con dời làng xuống thấp, làm nhà ở riêng. Khai hoang phục hóa, vỡ ruộng làm nà, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xây dựng trường học, trạm xá, làm thủy lợi, giao thông. Lấy ngắn nuôi dài, từ nhỏ đến lớn. Từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.


Thi cờ ở hội chợ năm 1985

Qua hơn 35 năm nổ lực xây dựng và cũng cố, nhất là từ khi đổi mới phương thức quản lý lãnh đạo nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có định hướng XHCN. Đến nay nhận thấy rõ ràng trên địa bàn huyện có sự đổi thay toàn diện. Nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đã dần đi vào ổn định, một số lĩnh vực được cải thiện. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá xã hội đạt nhiều kết quả khả quan. Hệ thống chính trị, nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân đ­ược đảm bảo vững chắc.           

Cụ thể nền kinh tế liên tục tăng trưởng khá, năm sau luôn cao hơn năm trước, đạt bình quân 13,1%/ năm. Tổng giá trị sản xuất hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn đến cuối năm 2010 đạt trên 700 tỷ đồng. Thu Ngân sách Nhà nước do kinh tế phát sinh trên địa bàn huyện đạt trên 110 tỷ đồng, là 01 trong 05 huyện tự cân đối ngân sách và có nguồn thu lớn điều tiết cho ngân sách NS tỉnh. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh được xây dựng đều khắp trên địa bàn huyện; 05 năm qua tổng nguồn vốn đầu tư trên 650 tỷ đồng. Nhiều công trình đang phát huy hiệu quả tốt, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư. Điển hình là gần 100 Km đường giao thông từ huyện đến các xã được đầu tư nâng cấp. Hơn 50 Km đường nội bộ của 03 trung tâm cụm xã và 25 tuyến đường nội thị của Thị trấn Khâm Đức được thảm nhựa họăc bê tông xi măng. Hầu hết các đường qua sông suối đều có cầu đi lại thuận tiện, trong đó có 15 cầu treo bằng bê tông kiên cố. Đặc biệt Quốc lộ Hồ Chí Minh rất hiện đại đi qua trung tâm huyện, nối liền với nhiều tỉnh thành. Đây là con đường huyết mạch, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, kết hợp với quốc phòng an ninh. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu giữa các vùng, miền trong cả nước. Quốc lộ 14E nối liền giữa huyện với trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ cũng rất thuận lợi, là cầu nối lưu thông hàng hoá thông suốt giữa vùng đồng bằng với miền núi. Mạng lưới điện quốc gia đã đến được 11/12 xã phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Có 40 công trình cấp nước sinh hoạt kiên cố, phục vụ được 90% tổng số hộ trên địa bàn huyện. Đã có 100% trụ sở xã được xây dựng cơ bản và trang bị điều kiện làm việc tương đối đầy đủ. Có 100% trường tiểu học và trung học cơ sở kiên cố đủ phòng học. Bệnh viện huyện được xây dựng mới khang trang, đủ sức tiếp nhận và chữa trị tốt bệnh nhân tại chỗ. Hầu hết các trạm y tế xã đ­ược nâng cấp và xây dựng mới. Chấm dứt hoàn toàn tình trạng tranh, tre, nứa, lá. Đời sống tinh thần của nhân dân cũng được nâng lên về nhiều mặt. Đã xây dựng được 08 trạm bưu điện văn hoá xã, 11 trạm truyền thanh, 03 đài phát lại truyền hình khu vực, 65 nhà làng truyền thống và nhà sinh hoạt cộng đồng; sách báo và các dịch vụ thông tin đã đến được với đồng bào ở vùng cao. Hiện nay nhiều công trình, dự án kinh tế lớn của các thành phần kinh tế đang được tiếp tục đầu tư, với tổng nguồn vốn trên 10 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ 19 đã xác định phát triển nền kinh tế bền vững theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, với cơ cấu kinh tế "Lâm -Nông - Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ". Với những thời cơ thuận lợi như hiện nay, thì xu hướng phát triển của huyện nhà rất khả quan.

Ẩm thực tại Lễ hội Văn hóa - du lịch tỉnh Quảng Nam được tổ chức tại Khâm Đức năm 200

Ai đã từng đến Phước Sơn trên hai m­ươi năm về trư­ớc; nay trở lại sẽ không khỏi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, khi chứng kiến những thay đổi như hôm nay. Nhiều bản làng mới xây dựng theo mô hình vườn nhà, vư­ờn rừng được hình thành và nhân rộng. Mái tranh, mái lá, vách nứa năm xưa được thay bằng nhà gỗ lợp tôn; xen kẽ giữa những ngôi nhà ngói khang trang. Sản phẩm nông lâm nghiệp do đồng bào sản xuất ra đã giao lưu được với nhiều nơi. Nhiều hộ gia đình đã mua sắm được xe máy vận chuyển hàng hóa, hành khách; phục vụ sản xuất và sinh hoạt thay sức người. Những buồng chuối, gùi sắn, mớ bắp, không còn bỏ lăn lóc trên sàn bếp như ngày xưa. Một số hộ gia đình khá giả đã mua sắm được ti vi, xe máy. Số hộ nghèo giảm dần, số hộ khá giàu đang tăng lên qua từng năm. Trẻ em đư­ợc đến trường đúng tuổi, người nghèo được chăm sóc sức khỏe miễn phí.         

Đặc biệt là sự phát triển rõ nét nhất của Phố núi Khâm Đức. Nhớ lại ngày mới được thành lập, thị trấn hoang vắng đầy cỏ tranh và bom mìn còn rãi rác khắp nơi. Mùa hè khô rát bỏng, thường xuyên xảy ra cháy rừng, mùa đông lầy lội, bùn ngập ống chân. Bước đầu xây dựng được vài căn nhà tập thể đơn sơ, với mái tôn vách ván; dành cho cán bộ vừa làm việc, vừa ăn ở sinh hoạt tại chỗ. Ngoài cửa hàng Bách hóa tổng hợp và cửa hàng ăn uống của ngành Thương mại, không có một dịch vụ nào khác. Bây giờ Khâm Đức đã trở thành một thị trấn sầm uất và tấp nập. Tất cả các hoạt động sản xuất, th­ương mại, dịch vụ đều phát triển mạnh. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh được xây dựng nhanh chóng với qui mô ngày càng lớn. Đường sá đang được nâng cấp khang trang, thẳng tắp ô bàn cờ. Nhà cao tầng nối nhau mọc lên thành những dãy phố dài, đan xen với những ngôi nhà nhỏ xinh xắn, nép mình trong các vườn cây xanh đầy hoa trái. Mỗi đêm về, nhìn ánh điện sáng lung linh xuyên qua màn sương phủ, như muôn ngàn vì sao lấp lánh; tạo nên khoảng không gian sống động giữa núi rừng trùng điệp, đẹp như một bức tranh. Hiện nay Khâm Đức là thị trấn phát triển nhất miền núi và tương lai sẽ là thị xã phía Tây của tỉnh Quảng Nam.

Thưởng thức rượu cần

Là một công dân, hơn 33 năm công tác và sống gắn bó với huyện Phước Sơn. Tôi đã thường xuyên tiếp cận, cảm nhận sâu sắc đ­ược những khó khăn thách thức, những thăng trầm qua bao năm tháng của huyện nhà. Ngày xư­a khi mỗi lần đi công tác từ trung tâm huyện lên tỉnh hoặc xuống cơ sở xã, phải đi bộ vượt qua hàng trăm cây số. Vai ba lô, chân dép lốp và mang theo lĩnh kỉnh đủ thứ vật dụng sinh hoạt. Hàng ngày đếm bước trên khắp các nẻo đường mòn, giữa núi rừng hoang vắng. Nhiều lúc gò l­ưng mỏi gối, mình đổ mồ hôi leo lên đồi dốc giữa trưa hè nắng gắt; hoặc gồng mình chịu rét, liều chết bơi qua sông suối trong m­ưa lũ mùa đông. Chúng tôi luôn ao ước có một ngày đường thông, cầu nối, để cán bộ và nhân dân bớt khổ. Bên cạnh những thiếu thốn về vật chất, lại thường xuyên phơi mình đối mặt với nạn ruồi vàng, bọ mắc và vắt lá. Dịch sốt rét rừng cứ đeo bám triền miên theo con người, như một nổi ám ảnh khó vượt qua trong cuộc đời. Nhất là đối với những bạn trẻ, mới tham gia công tác cách mạng, lần đầu tiên phải xa gia đình. Đêm đêm nằm võng bên những tán rừng, lắng nghe tiếng chim Từ qui gọi bầy tìm me,̣ kêu thảng thốt mà chạnh lòng nhớ quê vô hạn. Trong những năm tháng ấy, nhờ có nhận thức sâu sắc về mục tiêu lý tưởng cách mạng. Được nung nấu bởi bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân; với ước mơ hoài bão là được cống hiến hết mình cho đất nước thì mới đủ sức để vượt qua được mọi khó khăn thử thách. Bên cạnh đó, nhờ có sự đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau rất chí tình của tập thể; mới tạo được niềm khích lệ động viên mạnh mẽ, để mọi người yên tâm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Lấy nhiệt tình hăng say lao động làm thước đo mức phấn đấu. Lấy phong trào hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt ca múa hát tập thể làm niềm vui. Lúc rảnh rỗi thì ngồi quanh bếp lửa hồng, nghe các anh chị lớn tuổi kễ lại những kỷ niệm sâu sắc thời chiến tranh. Thỉnh thoảng ngồi đọc báo cũ hoặc nghe đài bán dẫn là cảm thấy đời mình đầy đủ và hạnh phúc lắm rồi.

Bù lại, môi trường sống ngày đó thật lý tưởng, đã thu hút mọi người lưu trú lại lâu dài với đất Phước Sơn. Núi rừng tuy còn hoang vu nhiều bí ẩn, song thiên nhiên rất trong lành. Mỗi độ xuân về đầy hoa thơm bướm lượn; tiếng suối reo, hòa lẫn với tiếng chim kêu, vượn hú rộn rã giữa rừng cây; tạo nên khúc nhạc giao hưởng đồng quê rất sống động. Đó là bài ca muôn thuở của tự nhiên, là hồn thiêng sông núi, là linh khí của đất trời; có sức quyến rũ tuyệt vời, thôi thúc gọi mời lữ khách dừng chân. Cảnh sắc đó làm cho con người luôn cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn trong cuộc sống. Giảm bớt một phần lo toan về những nổi cực nhọc đang đè nặng lên đôi vai.             

Thời gian cứ mãi dần trôi như dòng sông phẳng lặng. Thỉnh thoảng đôi lúc cũng xuất hiện một vài đợt sóng cồn. Rồi cuộc sống mới đã thật sự đến trên quê hương này; điều mà tr­ước đây ít người hình dung đến. Đó là thành quả thực hiện những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đã quan tâm đem đến cho nhân dân huyện Phước Sơn.  Là tất cả tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ và nhân dân huyện nhà, không phân biệt Kinh hay Thượng; đã đổ bao mồ hôi và nư­ớc mắt góp sức xây dựng nên. Nhiều người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để đến với núi rừng, với đồng bào từ những ngày đầu khó khăn, gian khổ nhất. Trong đó có những người đã dành cả cuộc đời theo cách mạng phục vụ đồng bào. Có những người khi về hưu vẫn còn tích cực tham gia công tác xã hội. Có những người đã vĩnh viễn ra đi, không kịp nhìn được thành quả sự đổi thay hôm nay. Cũng có những ng­ười không đủ bản lĩnh chịu đựng gian khổ, đã bỏ cuộc giữa chừng; hoặc vì một lý do khách quan nào đó, không còn gắn bó lâu dài với huyện nhà, không được cùng chia ngọt xẻ bùi với đồng bào và đồng đội. Tôi bỗng nhớ lại câu nói rất tâm đắc của một ngư­ời bạn thời trai trẻ, khi đối diện với cuộc sống quá khó khăn lúc đó "nếu lòng ta cứ mãi sợ m­ưa rơi, thì đâu thấy bầu trời xanh nắng đẹp ". Quả đúng là nh­ư vậy, sự đổi thay hôm nay là cả một quá trình phấn đấu liên tục của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện. Đó là qui luật; có mất mát, có hy sinh; tất yếu sẽ có được những thành quả tốt đẹp. Bản thân tôi rất tự hào là một công dân ở nơi đây. Huyện Phước Sơn sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa. Thị trấn Khâm Đức sớm hay muộn cũng trở thành thị xã. Các dự án thủy điện lớn, khai thác khoáng sản, cụm công nghiệp, khu du lịch tiếp tục được hình thành; sẽ tạo đà cho nền kinh tế huyện nhà tăng trưởng và phát triển. Thật hạnh phúc biết bao, khi chúng ta có dịp dạo bước trong những cánh rừng đại ngàn của Trường Sơn hùng vĩ. Được đứng trên các đỉnh núi cao, tự do ngắm hoa rừng và nghe tiếng chim hót líu lo. Hoặc thỏa thích ngồi câu cá và tắm mát trên các dòng suối trong xanh, bên thác nước. Cũng có thể chúng ta sẽ dành một chút thời gian nhàn rỗi, dừng chân ghé lại bên những ngôi nhà sàn, để thưởng thức chén rượu cần mừng lúa mới; cùng múa theo nhịp cồng chiên mùa lễ hội với Già làng và các cô gái Bhnong xinh xắn. Những ai có tâm hồn thơ mộng hơn, thì thả hồn suy tư cùng với cảnh đẹp của mây trời in bóng nước bên bờ hồ thủy điện Dăk Mi. Rồi bất chợt một lúc nào đó, ngẩng đầu lên nhìn đỉnh núi Xuân Mãi thấp thoáng ẩn hiện trong làn khói núi; khi tỏ khi mờ, lúc có đó lúc mất đi. Chúng ta không khỏi bâng khuâng, xao xuyến suy nghĩ về giá trị của cuộc sống đời thường; hoài niệm về những ký ức xa xăm của một thời trai trẻ đã trôi qua. Nhớ về bạn bè, đồng chí và những mối quan hệ đầy cảm xúc đã đi vào quá khứ. Có đủ nước mắt lẫn nụ cười, có cả ngọt bùi và cay đắng. Để khẳng định cho rõ ràng, không nhầm lẫn mục đích sống, quan niệm sống, cũng như­ nhân cách sống của mỗi con người chúng ta. Nhìn nhận khách quan và trung thực những gì có được và mất đi của ngày hôm qua, những gì hiện hữu hôm nay và hoài bão về một ngày mai tràn đầy nhựa sống. Nhằm củng cố niềm tin, góp phần giáo dục cho con cháu thế hệ mai sau biết sống có lý tưởng, nghị lực, đạo đức và nhân nghĩa hơn trong xã hội mới.

                                                                                                                                      

      

Nguồn tin: Huỳnh Đức Trung ( Phòng TC-KH )
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Hướng mở Phước Sơn
13/15 TIÊU CHÍ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2014 ĐẠT VÀ VƯỢT KẾ HOẠCH
TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA HUYỆN PHƯỚC SƠN SAU 40 NĂM GIẢI PHÓNG
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, hạn chế nợ đọng kéo dài
Các tin cũ hơn:
Chỉ tiêu tổng quát phát triển KT-XH 05 năm ( 2011-2015 )
Tạo động lực phát triển kinh tế
Tạo bước đột phá mới
Phước Sơn : Dấu ấn qua một năm tăng trưởng kinh tế


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO