Cộng đồng người Bhnoong ở Phước Sơn đã và đang lưu giữ những nét đẹp truyền thống trong việc cưới, việc tang, lễ hội và những phong tục tập quán cổ xưa như dựng nhà, bắt vợ, bắt chồng, đâm trâu, mừng lúa mới. Trong đó tục ăn tết rẫy được coi là quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với người Bhnoong sau một năm lao động.
Chuẩn bị ăn tết
Chúng tôi đến thôn 1 xã phước Mỹ huyện Phước Sơn, khi những gùi lúa cuối cùng được đưa về nhà kho. Anh Hồ Văn Chiêu năm nay mới ngoài 30 tuổi, tuy còn rất trẻ song đã được dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, đang họp bàn định ra ngày ăn tết cho toàn thôn.
Thông thường, theo lời anh Chiêu thì trong thời gian từ 7 đến 10 ngày trước ngày quyết định ăn tết. Người đàn ông thanh niên ở từng gia đình trong làng lên rừng tìm con chim, con chuột, xuống sông, xuống suối bắt con cá. Người phụ nữ thì chọn những củ sắn ngon nhất để chưng cất rượu cần, chọn nếp, gạo baton loại ngon nhất để chuẩn bị gói bánh.
Thêm một điều thú vị thể hiện tính cộng đồng của người Bhnoong đó là mỗi hộ trong làng góp một đến 2 lon gạo tùy theo hoàn cảnh, cho gia đình người được chọn làm chủ cúng tết, khi tất cả đã chuẩn bị xong, già làng đến nhà làng đánh lên những tiếng chiêng, tiếng trống vang xa như muốn báo cho thần linh, cho bạn bè, bà con rằng làng đã bước vào mùa ăn tết rẫy.
Theo ông Hồ Văn Điều-người được coi là già làng tiêu biểu của huyện Phước Sơn, “thông thường ăn tết mừng lúa mới được diễn ra trong 10 ngày, nhưng người dân ăn tết lớn nhất là ngày đầu, ngày thứ tư và ngày thứ 9. Ý nghĩa của việc ăn tết chung với nhau, là để làm sao cho vấn đề được mùa sắp đến, mọi người được mạnh khỏe, lúa được nhiều và do đó dân làng chủ yếu cúng ông thần lúa đã phù hộ cho mình cây lúa trĩu bông trong năm qua và gia đình nào cũng được tham gia”
Ăn tết
Mới mờ mờ sáng tại nhà anh Chiêu, nghi thức cúng gói bánh rất giản đơn nhưng cũng đượm vẽ huyền bí. Bên bếp lữa, chủ cúng râm râm khấn vái với thần lữa, thần gạo, nội dung như cảm ơn và cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng một mùa bội thu. Rồi gói tượng trưng những chiếc bánh, sau đó dân làng mới lấy gạo từ lễ cúng đem về nhà và bắt đầu gói bánh ăn tết. Chiếc bánh của người Bhnoong được gọi là bánh ốc (bánh qoát), nguyên liệu là gạo Baton trộn chung với nếp, gói bằng lá dong hoặc lá đốt nhưng không có nhân.
Mâm cổ tết của người Bhnoong rất giản đơn gồm : bánh ốc, rượu cần, thịt chuột rừng, cá chua và được dọn ngay bên bếp lữa, vừa ấm cúng, vừa dân dã và theo đúng phong tục. Tuy tết rẫy của người Bhnoong diễn ra trong 10 ngày, xong chỉ trong ngày đầu tiên, ngày thứ 4 và ngày thứ 9 là người dân gói bánh và ăn to. Trong những ngày tết, bà con trong làng cùng chúc tụng nhau từ nhà này sang nhà khác, cùng ăn tết, cùng uống rượu cần, cùng bàn bạc sôi nổi về một năm lao động đã qua, say sưa hát cùng nhau những bài hát cộng đồng.
Anh Hồ Văn Bê-thôn 1 xã Phước Mỹ-cho biết “Nên phải cần lưu giữ nét đẹp của ăn tết lúa mới, bởi đây là phong tục đã có từ lâu, cũng giống như tết nguyên đán của người Kinh và đây cũng là dịp để người dân tổng kết một năm sản xuất đã qua”.
Còn theo già làng Hồ Văn Điều “đây là phong tục đã truyền giữ từ bao đời nay, cho dù hiện tại đã có cải tiến một ít nhưng dù có đi đâu người Bhnoong vẫn nhớ ngày ăn tết của mình. Sau đó rồi mới ăn chung tết âm lịch giữa người Kinh và dân tộc thiểu số. Đây là phong tục cũng là một nét đẹp văn hóa của người Bhnoong bản địa. Ông Điều khẳng định.
Có thể nói rằng, qua quá trình lịch sử lâu dài hình thành và phát triển của tộc người Bhnoong ở Phước Sơn, những nét đẹp truyền thống như ăn mùng năm, cúng lúa trăm, tết lúa rẫy đã và đang được lưu truyền trong cộng đồng làng. Song cũng đã có nhiều thay đổi phù hợp với tiến trình phát triển chung của các dân tộc anh em sống trên địa bàn huyện. Đáng chú ý là những năm qua cùng với ăn tết rẫy, đồng bào Bhnoong ở Phước Sơn cũng đã chuẩn bị đầy đủ để đón tết Nguyên Đán cổ truyền cùng đồng bào Kinh. Từ đó tình đoàn kết kinh thượng đã thêm phần thắt chặt hơn.
|