Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
DANH NHÂN TUỔI TỴ XỨ QUẢNG
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 16/01/2013 .Lượt xem: 1264 lượt.

MAI HỒNG LÂM

                                                                                                                       (Tổng hợp)

“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” (Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi).  Nhân năm Quý Tỵ, xin giới thiệu một số nét tiểu sử tiêu biểu của các danh nhân Quảng Nam tuổi con Rắn...

 

Trần Thuyết - sinh năm Đinh Tỵ, 1857

Trần Thuyết (hay còn gọi là Mục Thuyết) sinh vào năm Đinh Tỵ 1857 trong một gia đình nghèo gần mỏ vàng Bông Miêu, thuộc làng Phước Lợi, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).

Những năm đầu của thế kỷ XX, phong trào chống thuế xảy ra ở Quảng Nam mà xuất phát điểm là ở huyện Đại Lộc vào ngày 11/3/1908, khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đều tích cực hưởng ứng. Riêng tại phủ Tam Kỳ, phong trào cũng được phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Nhân dân phủ Tam Kỳ từ lâu đã chịu cảnh sưu cao thuế nặng, cảnh hà hiếp, phải chịu nổi thống khổ của cảnh sưu đi đắp đường Tam Kỳ - Bông Miêu để phục vụ cho thực dân Pháp triệt để khai thác vàng ở Bông Miêu. Để đàn áp nhân dân và phu làm đường, thực dân Pháp đã phái tên Trần Tuệ (hay còn gọi là Đề đốc) đến giám sát việc làm đường này. Trần Tuệ là một tên tay sai ác ôn, tham lam và tàn nhẫn; nếu thấy điều gì không vừa ý liền kiếm chuyện hạch sách, đánh đập nhân dân rất tàn nhẫn. Đặc biệt là tên Trần Tuệ rất căm ghét phong trào duy tân, thấy ai cắt tóc ngắn thì tra hỏi, thậm chí bắt bỏ tù. Nhân dân phủ Tam Kỳ rất căm phẩn tên ác ôn này, họ ngấm ngầm tìm cơ hội để loại bỏ tên Đề đốc Trần Tuệ, trừ hại cho dân… Và lịch sử đã giao sứ mệnh này cho Trần Thuyết trong cuộc biểu tình chống sưu cao, thuế nặng tại Tam Kỳ.

Khi phong trào đấu tranh chống áp bức và chống sưu cao thuế nặng ở Tam Kỳ đã lên đến đỉnh điểm và được nhân dân nhiệt tình tham gia, Trần Thuyết đã đứng ra hô hào, tập hợp nhân dân và dẫn đầu một đoàn biểu tình tiến về bao vây phủ đường Tam Kỳ (nay là trụ sở UBND phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ). Ngày 30/3/1908, hơn 3.000 người từ khắp nơi trong phủ do Trần Thuyết dẫn đầu đã tiếp cận bao vây phủ đường Tam Kỳ. Đoàn biểu tình đòi Tri phủ Tam Kỳ là Từ Thiệp trao tên Đề đốc Trần Tuệ cho nhân dân hỏi tội và xử lí. Trước khí thế đấu tranh hừng hực của nhân dân, Tri phủ Tam Kỳ đành nói dối là Trần Tuệ không có mặt ở phủ đường nhưng đoàn biểu tình không tin. Dưới sự lãnh đạo của Trần Thuyết, đám đông biểu tình bao vây phủ đường Tam Kỳ suốt ngày và suốt đêm hôm đó.

Tri phủ Tam Kỳ thấy tình thế như vậy bèn cầu cứu đồn Đại lý Tam. Tên Đại lý Pháp, đồn trưởng đồn khố xanh Tam Kỳ sáng hôm sau đi trên một chiếc xe kéo và kéo theo một chiếc xe khác đến phủ đường Tam Kỳ để tìm cách giải nguy cho Đề đốc Trần Tuệ. Cuộc biểu tình bao vây phủ đường Tam Kỳ sau đó bị bọn lính khố xanh đàn áp bằng roi vọt và súng đạn, làm nhiều người chết và bị thương. Nhiều người lãnh đạo và tích cực tham gia cuộc biểu tình đã bị quan lại địa phương và Đại lý Pháp phủ Tam Kỳ truy bắt, trong đó có Trần Thuyết. Sau đó, Trần Thuyết bị xử chém đầu tại đầu cầu Tam Kỳ vào ngày 16/04/1908.

Nhân dân phủ Tam Kỳ hết sức thương tiếc trước cái chết của Trần Thuyết và họ đã gọi ông là “người anh hùng thảo dã”. Thi hài không đầu của Trần Thuyết được nhân dân đem về chôn cất ở một nơi gần nơi xử chém và mãi đến năm 2007, thi thể không đầu của “người anh hùng thão dã xứ Quảng” mới được một nhóm công nhân tình cờ phát hiện được khi đang thi công tuyến đường Nam Quảng Nam. Hiện nay, ngôi mộ của Trần Thuyết nằm trên địa bàn phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ. Ngôi mộ đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng và cấp bằng di tích Văn hoá - Lịch sử cấp tỉnh vào tháng 02 năm 2005.

Lê Đình Dương - sinh năm Quý Tỵ, 1893

          Lê Đình Dương sinh vào năm Quý Tỵ 1893* tại làng Đông Mỹ, tổng Phú Khương Thượng huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn). Thân sinh của ông là cụ Lê Đĩnh, một bậc đại khoa, từng làm quan đến chức Tổng đốc và là một người có khí phách yêu nước thương dân.

          Vốn xuất thân trong một gia đình khoa bảng, ông được cha mình dạy dỗ, ông cùng với người em Lê Đình Thám từ nhỏ đã nổi tiếng trong vùng vì sự thông minh, hiếu học.

          Năm 1908, ở Quảng Nam nổ ra cuộc đấu tranh chống sưu thuế rầm tộ và lan rộng khắp Trung Kỳ. Ở Huế, phong trào nông dân cũng nổ ra, ông và những chí sĩ yêu nước khác dùng vốn kiến thức về Pháp ngũ của mình để đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho nhân dân và chống sự đàn áp, bắt bớ, khủng bố của giặc. Sau lần tham gia đó, ông và một số chí sĩ yêu nước khác bị đuổi học.

          Bị gián đoạn việc học một thời gian, sau đó ông lại tiếp tục theo đuổi con đường học vấn của mình. Đến năm 1915, ông đỗ bằng y sỹ Đông Dương với thứ hạng thủ khoa và được bổ về làm việc tại bệnh viện Hội An. Trong thời gian này ông tham gia tổ chức Việt Nam Quang Phục hội để mưu tính việc giải phóng dân tộc.

          Lê Đình Dương được giao trọng trách tiếp xúc và vận động tên Đại tá người Đức, chỉ huy một trung đoàn lê dương đóng ở Mang Cá, nhằm làm cho binh lính đóng quân ở đồn này án binh bất động khi cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội nổ ra…

          Với tài năng và đức độ của mình, ông được đại hội Việt Nam Quang Phục hội tín nhiệm cử làm Tổng trấn Quảng Nam khi cuộc khởi nghĩa thành công. Nhưng tiếc rằng, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội không thành, vua Duy Tân bị bắt và đưa đi đày ở đảo Réunion; Thái Phiên và Trần Cao Vân bị xử chém ở An Hòa (Huế), nhiều người bị bắt, tỳ đày. Riêng Lê Đình Dương bị bắt giam ở Khánh Hòa và bị đầy đi Buôn Ma Thuột.

          Trong lao tù, để chống lại chế độ hà khắc của bọn thực dân và giữ vững khí tiết của một người yêu nước chân chính, ngày 13/6/1919 ông đã dùng độc dược tự tử, lúc đó ông mới tròn 26 tuổi. Thi hài ông được mai táng ngay trong khuôn viên bệnh xá Buôn Ma Thuộc và hai năm sau (1921), gia đình ông lên cải táng đem về chôn cất tại quê nhà tại Phần Nhứt, làng Đông Mỹ (Na Kham), Điện Bàn, Quảng Nam. Mộ Lê Đình Dương đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng và cấp bằng di tích Văn hoá - Lịch sử cấp tỉnh vào tháng 02 năm 2005.     

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
THI ĐẤU CỜ NGƯỜI – NÉT ĐẸP NGÀY XUÂN
KỶ NIỆM MỘT THỜI QUÂN NGŨ
Đèn dầu “thức” cùng tết quê
Nhớ hương sầu đông...
Ngày xuân, nói chuyện thư pháp
Ăn tết cùng... Thạch Lam
Thơ Trịnh Ly Lan
Bụi tre
Em đừng giận oan
Chung tay cùng làm
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Thơ trào phúng : Loanh quanh chữ “Vàng”
Em gái Bhnoong - Huỳnh Đức Trung
Sắc Xuân (Thơ Lê Lam Giang)
Chí làm trai (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Khâm Đức xuân về (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Suy ngẫm cuộc đời (Thơ Colchichine)
Tết quê (Hoàng Chương)
Xuân về "Nghe em hát còn duyên" (Hoàng Chương)
Đọc Gia huấn ca, suy ngẫm về giáo dục con cái hiện nay (Hoàng Chương)
Nghĩa tình Phước Sơn (Thơ Lê Lam Giang)
    
1   2   3   4   5   6   7   8  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO