Bài và ảnh: Mai Hồng Lâm
Ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước, mỗi khi Tết đến Xuân về đều rộn ràng tổ chức thi đấu cờ người. Đây là một trò chơi dân gian, môn thể thao trí tuệ và hấp dẫn thu hút rất đông người đến xem và cổ vũ, kể cả những người không biết đánh cờ...
Hằng năm, khi đất trời rộn rã vào xuân, nhà nhà người người tưng bừng đón Tết cổ truyền của dân tộc thì đâu đó trên khắp các miền quê đất Việt từ thành thị đến nông thôn đều rộn rã tưng bừng với những giải đấu cờ tướng đầu Xuân giữa các kỳ thủ trong vùng. Bên cạnh sau khi đã tranh ngôi cao thấp, những người tổ chức giải đấu thường tổ chức thi đấu cờ người giữa hai kỳ thủ xuất sắc nhất để đông đảo bà con được đến xem cổ động.
Qua bao hưng thịnh biến thiên của lịch sử, rất nhiều lễ hội dân gian nói chung và hội cờ người nói riêng đã ít nhiều bị mai một. Tuy nhiên trong những năm qua, cùng với chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được khôi phục, trong đó có hội cờ người.
Ngoài hai kỳ thủ chính tham gia thi đấu và người dẫn dắt cuộc chơi thì điều không thể thiếu là 32 quân cờ người, với 16 người mỗi bên để thay thế các quân cờ: Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Chốt. Xưa kia, các quân cờ người thường được tuyển chọn từ các nam thanh nữ tú là con cháu trong làng, hoặc các võ sinh của võ đường trong làng. Các quân cờ người thường mặc áo rực rỡ (thường theo hai màu truyền thống: xanh và đỏ) có thêu biểu tượng quân cờ mình sắm vai ở trước ngực và sau áo để người xem dễ theo dõi diễn tiến ván đấu.
Hội cờ người thường được tổ chức những nơi công cộng rộng rãi, thoáng mát như ở ngã ba đầu làng, sân chợ, sân đình... Bên cạnh bàn cờ dành riêng cho hai kỳ thủ ở một góc khiêm tốn thì không gian rộng rãi nhất để thiết kế một bản cờ khổng lồ vuông vức ở giữa khoảng sân rộng. Trước và trong giờ thi đấu, hội cờ người lúc nào cũng rộn rã, tưng bừng với những hồi trống, hồi chiêng, những tiếng reo hò của những người mê cờ, của những người ủng hộ kỳ thủ làng mình và đặc biệt là người thân của những quân cờ người...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở các hội cờ người kèm với việc biễu diễn võ thuật thì để tương ứng với mỗi thế di chuyển của quân cờ trong môn cờ tướng thì mỗi nước đi của các quân cờ người cũng thường được gắn liền với thế võ tương ứng, như con mã muốn sát bất cứ con quân nào khác của đối phương thì dùng thế “Hầu tiểu kiêm kê” - xoay một vòng rồi đánh ngang, hay con xe sát con pháo thì dùng thế “Thừa châu bố địa” - đánh phủ đầu từ trên xuống, quân pháo sát quân mã thì dùng “Đục pháo xuân thiên” - từ dưới đánh lên trên, quân bồ sát quân mã thì dùng thế “ngưu khai giác” - giống như cặp sừng trâu đánh qua, đánh lại... Để thực hiện được điều này đòi hỏi các võ sinh không chỉ am hiểu võ cổ truyền mà còn thành thục từng thế võ. Vì vậy, các võ sinh phải lần lượt sắm các quân cờ từ thấp đến cao. Càng thuần thục, càng nhuần nhuyễn các thế võ thì được sắm vai các quân cờ cao hơn...
Qua thi đấu cờ người, ta có thể nhận ra bản sắc văn hoá riêng của từng vùng miền khác nhau. Nếu như trong các hội cờ người ở miền Bắc, tiến trình trong hội cờ người mang đậm dấu ấn diễn xướng dân gian qua các điệu múa kèm theo những bài vè đặc trưng. Thì trong các hội cờ người ở miền Trung và miền Nam phần biểu diễn của các quân cờ người có phần sống động hơn, khi cờ trống lệnh đưa ra, quân cờ phải xuất tiến tới, tấn công quân cờ đối phương bằng các thế võ như đứng tấn, múa đao, giáo, mác, hay đi một bài quyền, hoặc giáp la cà dùng binh khí vô hiệu hoá ngã đối phương.
Khi quân của một trong hai bên bị sát hạ thì hồi trống cũng vang lên theo nhịp trống sát, còn khi một trong hai kỳ thủ rơi vào thế bí, không chịu xuất quân, khi đó hồi trống thúc giục vang lên liên hồi, nếu kỳ thủ không thể xuất quân sẽ bị xử thua... Thường thì mỗi ván đấu cờ người kéo dài trong 2 giờ, nếu sau 2 giờ vẫn chưa kết thúc, ban tổ chức cho bốc thăm để phân chia thắng bại. Vì thi đấu dưới hình thức biểu diễn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm nên cuối hội thi, đội nào cũng được trao giải nhằm động viên tinh thần các kỳ thủ.
Thật may mắn, khi người viết được chứng kiến một ván cờ người cực kỳ hấp dẫn và lôi cuốn vào dịp đầu Xuân Nhâm Thìn 2012 tại Trung tâm Văn hoá tỉnh giữa hai kỳ thủ hay nhất nhì tỉnh, một người đoạt ngôi vô địch, một người đoạt ngôi á quân giải cờ tướng đầu Xuân tỉnh Quảng Nam 2012. Mặc dầu, trình độ tướng của tôi chỉ thuộc hạng “ruồi” nhưng ván cờ người quả là có sức cuốn hút lạ thường, đã khiến tôi đứng chôn chân theo dõi hơn 1 giờ thi đấu giữa cái nắng nóng của những ngày đầu Xuân.
Có lẽ phần thu hút rất đông người xem, đặc biệt là các em học sinh nhỏ tuổi là đội hình các quân cờ người do võ sinh thuộc võ đường Kỳ Sơn của võ sư Trần Xuân Mẫn (Hội An) đảm trách. Và điều đặc biệt là chính võ sư Trần Xuân Mẫn đảm nhận vai trò điều khiển chương trình thi đấu của hai kỳ thủ, qua đó giải thích các bài biểu diễn võ thuật cổ truyền dân tộc của các quân cờ do học trò ông đảm trách. Không chỉ được chứng kiến những nước cờ tuyệt chiêu của 2 kỳ thủ tài năng nhất làng cờ đất Quảng, người xem còn thỏa mãn với màn trình diễn võ thuật nơi các võ sinh nhỏ tuổi. Các binh khí của võ thuật cổ truyền được các võ sinh sử dụng khá thuần thục, nhất là qua các pha đấu tay đôi với những màn thi triển võ thuật độc đáo sống động như một cuộc đối kháng thật sự chứ không chỉ đơn thuần là những màn biểu diễn. Sau những màn thi triển võ thuật của những quân cờ người là những tiếng võ tay tán thưởng vang lên không ngớt. Đặc biệt là màn trình diễn của võ sinh nhỏ tuổi luôn luôn nhận được những sự tán thưởng không ngớt từ những em học sinh cùng trang lứa đang theo dõi ván cờ người... Cứ như thế ván cờ trôi qua hơn 1 giờ đồng hồ bất phân thắng bại với những diễn biến hấp dẫn cả trên bàn cờ của hai kỳ thủ và cả bàn cờ khổng lồ trên sân...