Chiếc ô tô Nissan 7 chỗ của huyện Phước Sơn đưa chúng tôi lao vun vút trên con đường từ trung tâm huyện đến xã Phước Thành. Chạy giữa con đường cấp phối, trên những km đường bê tông, đường thảm nhựa, bao quanh là những tán rừng còn xanh thẳm, những bản làng ẩn hiện trong mây rừng...một khung cảnh nên thơ và hiền hòa.
Ai đã từng đến 5 xã vùng cao Phước Sơn gồm: Phước Chánh-Phước Công-Phước Kim-Phước Thành và Phước Lộc cách đây chừng 10 năm, nay quay trở lại, chắc hẳn sẽ không tin vào mắt mình với những đổi thay quá lớn nơi đây. Trước đây, nơi vùng cao xa xôi của huyện miền núi Phước Sơn này, mùa nắng chỉ có những chiếc Zin31 mới có thể đến được trung tâm xã, còn mùa mưa, 2 phương tiện duy nhất được chọn lựa là Xe Mink và đi bộ. Mỗi khi mùa mưa lũ về, hơn 4000 đồng bào Bhnoong ở 5 xã vùng cao Phước Sơn phải chịu cảnh chia cắt, cô lập hàng tháng trời. Trẻ em không thể đến trường học cái chữ, các thầy giáo, cô giáo cắm bản buồn lòng trước lớp học vắng bóng học sinh. Bà con bất lực nhìn nương rẫy lụn tàn, có tay mà như bị trói, nên bữa ăn gia đình chỉ là sắn cộng muối sống. Hàng ngàn đồng bào Bhnoong rơi vào cảnh thiếu đói do tắc đường. Đã có không ít những cái chết thương tâm, uất hận khi không kịp đưa về trung tâm y tế huyện cứu chữa...
Tôi vẫn còn nhớ như in hai mùa bão lũ 2007 và 2009, khi mà mọi tuyến đường về vùng cao bị chia cắt, lãnh đạo huyện Phước Sơn lúc bấy giờ đã chọn phương án thành lập đoàn công tác, cắt rừng, lội bộ, vượt thác cao, ghềnh sâu để nắm tình hình thiệt hại, rồi thuê nhân công và vận động nhân dân ra trung tâm huyện cõng lương thực, thực phẩm về làng để cầm cự qua ngày. Cô giáo Võ Thị Ánh Nguyệt-giáo viên trường Mầm non Phước Kim, nói : “Là một giáo viên dạy ở vùng cao xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, trước đây con đường chưa làm thì rất khó khăn, mỗi khi cuối tuần muốn về quê, hoặc những ngày lễ tết muốn về quê thì đường đi rất khó”. Còn ông : Ông Phạm Hoàng Linh-Bí thư Đảng ủy xã Phước Chánh , nhớ lại : “ Chính bản thân tôi đi họp từ 2 tiếng đồng hồ đến 3 tiếng đồng hồ đều không tới”.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Phước Sơn lần thứ 19 xác định “để thúc đẩy sự phát triển, thì một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định là đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã. Giao thông thuận tiện sẽ đẩy nhanh thông thương hàng hoá, nâng cao giá trị của các mặt hàng nông thổ sản của địa phương; giao lưu văn hoá và góp phần nâng cao dân trí...”. Chủ trương ấy đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân… Chừng 10 năm trở lại đây, và đặc biệt là trong năm 2012, từ nhiều nguồn đầu tư của TW, tỉnh, ngân sách huyện và đóng góp ngày công, hy sinh quyền lợi đất đai, hoa màu, công trình kiến trúc của nhân dân..., các tuyến đường về trung tâm 5 xã vùng cao, đến từng thôn đã cơ bản hoàn thành, với 80% được rãi đá cấp phối, 40% hoàn thành thảm nhựa, 30% hoàn thành mặt đường bê tông vĩnh cữu. Có đường, những công trình hạ tầng mới cũng có điều kiện được đầu tư xây dựng: như hệ thống điện đã đến được các bản làng xa xôi nhất ở Phước Thành, các công trình nước sạch, trường học, trạm xá, trụ sở UBND xã… Hàng loạt công trình như vậy đã được xây dựng mới khang trang và bề thế hơn. Ông Hồ Văn Bắp-thôn 1 xã Phước Chánh, hồ hởi : “ Trước chưa có đường đi lại khó khăn, nay có đường vui lắm, đẹp lắm, đi xe máy, không đi bộ nữa, cảm ơn Đảng, nhà nước”. Cũng ông Phạm Hoàng Linh-Bí thư đảng ủy xã Phước Chánh, như được trút bỏ mỏi mệt : “ Đến bây giờ sáng sớm tôi dậy đi 30 phút là tới trung tâm huyện để họp kịp thời gian, thuận tiện cho giao thông đi lại 5 xã vùng cao rất là dễ dàng, bà con mình rất là hứng thú phấn khởi. Trước đây là khó khăn, giờ là thuận lợi về đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa, thậm chí bà con trồng keo dễ vận chuyển. Cái đường này Đảng nhà nước bỏ hàng nghìn, hàng tỷ đồng để đầu tư cho mình đi, trước đây mình không có đi bộ đi dép su không, từ khi có đường này dân Phước Chánh 100% không đi bộ nữa, đi ra trung tâm huyện toàn đi xe, không có xe thì bỏ ít tiền đi xe thồ, đi trong ngày về trong ngày, rất khỏe:. Theo ông Phạm Thế Quyền-chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, thì : “ Các tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông lên vùng cao và nhất là 5 xã vùng cao có thêm tuyến mới từ Phước Mỹ vào Phước Công, Phước Công vào Phước Lộc, những năm trước đây đi lại rất là khó khăn, hiện nay các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Công buổi sáng đi họp vẫn ra Khâm Đức kịp họp, những năm trước thì rất khó phải đi trước một ngày, việc giao lưu mua bán hàng hóa, sản phẩm cũng thuận lợi hơn, hàng hóa vận chuyển giá cước cũng rẽ hơn, nó cũng có tác động tích cực đến đời sống của nhân dân)
Gần 2h đồng hồ vừa tác nghiệp, vừa đến xã xa xôi nhất huyện Phước Sơn, đoàn làm phim chúng tôi đã về lại trung tâm thị trấn Khâm Đức. Một khoảng thời gian mà trước đây, chính bản thân tôi đã có hơn 10 năm công tác tại Phước Sơn cũng không dám nghĩ đến. Nói như vậy, để có thể thấy rằng, con đường huyết mạch đi năm xã vùng cao Phước Sơn đã thực sự mở ra một hướng đi, một vận hội mới cho chính quyền và người dân nơi đây.
Ở thị trấn Khâm Đức bây giờ, đường sá có thua gì ở phố đâu. Bà Đặng Thị Minh khối trưởng khối 2a thị trấn Khâm Đức, nói : “Nhiều hộ gia đình trước thì cũng không thống nhất nhưng mà khi cuộc vận động giữa chính quyền cấp trên, cấp dưới, cấp cơ sở, gặp dân, bàn bạc và đi đến thống nhất thì người dân đã thống nhất và hiến một phần nào đó để có con đường hôm nay. Qua con đường này làm lên thì nhiều nhà đã sửa sang lại nhà cửa, bộ mặt đô thị cũng như khối 2a ngày một phát triển, người dân có chỗ buôn bán sạch, đẹp, đi lại dễ dàng hơn, các cháu được vui chơi và đi trên con đường này, nhất là việc đi học của các cháu ở trường cấp 2 Lý Tự Trọng, cấp 1 Nguyễn Bá Ngọc đi lại tốt hơn trong mùa mưa vừa rồ”.
Gần 1000 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 3 con đường huyết mạch, hàng chục cây cầu mới đi 5 xã vùng cao, hàng chục km đường bê tông nông thôn, 2 con đường quanh nội thị Khâm Đức, cộng vào đó là hơn 100km quốc lộ Hồ Chí Minh và tỉnh lộ 14E đi qua địa bàn…tất cả đã “xé toang” thế độc đạo vào trung tâm huyện lỵ Phước Sơn và đặc biệt là vào các bản làng vùng cao xa xôi nơi đầu nguồn sông Đăk My. Những con đường đã tạo điều kiện thuận tiện cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Phước Sơn đẩy mạnh hoạt động, trong đó phải kể đến nhà máy tuyển luyện Vàng Phước Sơn đi vào hoạt động định kỳ, nhà máy thủy điện Đăk My4 chính thức hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6.2012, nhiều doanh nghiệp đã được bố trí sắp xếp vào các cụm công nghiệp... Tất cả đã góp phần thay đổi diện mạo miền núi Phước Sơn và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách huyện trong năm 2012. Đó cũng chính là câu trả lời cho tổng mức thu ngân sách trên địa bàn huyện Phước Sơn trong năm qua đạt hơn 255 tỷ, vượt 130% kế hoạch tỉnh giao và là huyện đứng thứ 3 trong toàn tỉnh về thu kinh tế phát sinh.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến đường mang tính “huyết mạch” nói trên là tiền đề, là khâu “đột phá” góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi cao Phước Sơn. Điều quan trọng hơn nữa là lòng tin của người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa Phước Sơn vào Đảng và nhà nước sẽ càng được củng cố thông qua những công trình vốn là ước mơ ngàn đời của nhiều thế hệ người dân... Giờ đây, những đứa trẻ không còn phải chịu cảnh lội bùn hàng tiếng đồng hồ mới có thể đến trường. Các chị, các mẹ cũng không còn phải chịu cảnh vượt rừng, vượt suối mới tìm được nước sạch, bà con sẽ có điều kiện tốt hơn để tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Có điện, đường, trường trạm, có nước sạch về đến thôn, có không gian văn hóa ngàn đời, cuộc sống của đồng bào Bhnoong vùng cao Phước Sơn đã thật sự bước sang một trang mới. Và những mô hình Nông thôn mới theo tiêu chí Tam nông bền vững của đồng bào Bhnoong giữa đại ngàn Trường sơn đang từng bước định hình…
Tấn Sỹ