Hướng mở Phước Sơn
Phạm Thế Quyền
Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn
Với những thế mạnh về tài nguyên du lịch mà thiên nhiên ban tặng, Phước Sơn hiện tại và tương lai có ưu thế phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ cùng với các lễ hội truyền thống vô cùng phong phú của người Bh'nong nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phước Sơn từ lâu nổi tiếng với vùng đất có nhiều lâm sản quí hiếm. Nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế cao, trữ lượng lớn như: gõ, dổi, xoan đào… cùng các lâm sản đặc sản có giá khác như: mây, ươi bay, đỗ trọng, quế…Không chỉ vậy, Phước Sơn còn là vùng đất có tiềm năng khoáng sản, đặc biệt vàng, đá granit….Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp khai khoáng phát triển mạnh trong thời gian đến. Về thủy điện, trên địa bàn của huyện Phước Sơn có ba công trình được quy hoạch là ĐăkMi 2, ĐăkMi 3, ĐăkMi 4 với công suất 380MW, đến nay có 3 công trình đã khởi công xây dựng, riêng thủy điện ĐăkMi 4 với công suất 210 MW đã phát điện. Hoạt động thương mại- du lich và dịch vụ của huyện Phước Sơn phát triển mạnh góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương thông qua việc cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông lâm, công nghiệp với các ngành, nghề chủ yếu như kinh doanh xăng dầu, lương thực, dịch vụ vận tải, khách sạn, nhà hàng…Trong năm 2012, tổng giá trị thương mại – du lịch và dịch vụ của huyện Phước Sơn đạt gần 100 tỷ đồng, chiếm 40% GDP của huyện. Các cơ sở du lịch, thương mại, dịch vụ phát triển mạnh ở thị trấn Khâm Đức và một số xã dọc dường Hồ Chí Minh.
Phước Sơn có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Là địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua huyện dài gần 60 km và quốc lộ 14 E qua huyện dài 27km. Thị trấn Khâm Đức nằm ở vị trí trung tâm từ các tỉnh Bắc Tây Nguyên đi qua các thành phố Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An. Trên địa bàn huyện Phước Sơn có nhiều di tích lịch sử như đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đường Đông Trường Sơn, chiến thắng Khâm Đức, Ngok Ta Vat….Cùng với các di tích lịch sử, các hoạt động lễ hội cồng chiêng, đâm trâu của người Bnong và các thắng cảnh thiên nhiên như các khu rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, thác Nước, khu lòng hồ thủy điện ĐăkMi và các điều kiện phục vụ dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng sẽ mở hướng phát triển du lịch trong tương lai.
Tuy vậy, những năm gần đây, sự phát triển năng động của nền kinh tế thị trường cùng với sự tác động của môi trường tự nhiên, sự ứng xử tùy tiện của con người đã làm cho các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện ít nhiều bị xâm hại. Để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và phát huy các giá trị đó trong phát triển kinh tế, đối với huyện Phước Sơn cần xác định một số giải pháp sau. Trước hết, cần đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các hoạt động thông tin tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về bảo tồn di sản văn hóa trong nhân dân tạo nhận thức xã hội đúng đắn, làm cho người dân thấy được việc bảo tồn và phát huy không gian văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong môi trường giao lưu văn hóa mở rộng như hiện nay. Từ nhận thức được vấn đề, được sự hướng dẫn giúp đỡ của các cơ quan chức năng người dân sẽ tự nguyện tham gia vào quá trình bảo tồn và tìm hướng đi mới cho chính họ trong việc phát huy giá trị di sản, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương
Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các phong tục tập quán tốt đẹp của các cộng đồng dân cư.Việc bảo tồn văn hóa phi vật thể cần quán triệt quan điểm bảo lưu những vốn quí, những gía trị văn hóa tích cực theo hướng gạn đục khơi trong và đưa những giá trị đó trở lại với mỗi người dân. Đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa khác làm phong phú cho bản thân và tạo ra những điều kiện phát triển cao hơn. Trên cơ sở đó hình thành phòng trưng bày văn hóa của đồng bào dân tộc huyện Phước Sơn. Đồng thời vận động nhân dân phục hồi lại một số phong tục, tập quán tích cực lồng ghép trong cuộc vận động xây dựng thôn bản văn hóa, gia đình văn hóa.
Phát triển kinh tế ở Phước Sơn, trên cơ sở thiết lập và dựa vào khai thác giá trị không gian văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên, làng sinh thái là một chủ trương đúng đắn.Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Phước Sơn có đủ các điều kiện để đầu tư xây dựng điểm du lịch cộng đồng lý tưởng, có khả năng kết nối đi vào hành trình không gian các tuyến – các tour du lịch miền núi của tỉnh. Từ đó mở ra hướng đi mới, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Phước Sơn đã và đang tạo dụng cho thế và lực tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện và bền vững, đưa Phước Sơn trở thành huyện vùng cao phát triển kinh tế năng động của tỉnh Quảng Nam trong tương lai.