Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Nhớ hương sầu đông...
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 29/01/2013 .Lượt xem: 922 lượt.
Về quê ăn tết! Đó là cả niềm háo hức. Dù cho bây giờ, cái “tết quê” ở trong tôi đã bắt đầu dần phai, chỉ còn đọng lại điều gì như ký ức, sự chờ đợi, hân hoan, như những nỗi niềm đông qua rồi xuân lại đến...

Những mùa xuân vùng quê nghèo bên sông mai vàng ít nở, chỉ có những rặng sầu đông tim tím trắng, tỏa hương thơm ngát một vùng. Hoa sầu đông đúng dịp xuân nở hết mình rồi tàn phai. Có lẽ, đó là loài hoa ít được nhắc đến trong những câu ca hay những vần thơ tán tụng mùa xuân của tài tử giai nhân trong thời khắc trời đất giao mùa.

Mươi, mười lăm năm trước, ngõ nhà tôi có rất nhiều sầu đông. Mỗi mùa hoa nở thường đúng vào dịp giỗ chạp. Mấy chị, mấy cô trên phố về, mê mẩn ngắm, khen hoa đẹp, rồi gọi nó là gì ấy nhỉ? Là... hoa xoan. Đó là lần đầu tiên tôi được biết cây sầu đông mang một cái tên đẹp như tên thiếu nữ. “Xoan” chứ không phải sầu đông, lại còn không phải “thù đâu” như mẹ tôi thường gọi.

Trong các loại cây được trồng trong vườn nhà không gì lớn nhanh bằng sầu đông. Cây con như chiếc đũa, đầu xuân trồng xuống, đến hè đã cành lá xanh mướt, sum suê, thân vươn cao hai mét. Đông sang, sầu đông trụi lá trơ những cánh xương gầy chống chọi với gió mưa. Vậy mà khi gần chớm xuân, cây lại bung ra những lộc mầm nõn nà khỏe khắn để đón nắng ấm lúc giao mùa.

Một vài năm sau, nghĩa là sau hai, ba lần rụi lá, sầu đông đã lên cao, tán lá che phủ cả một góc vườn. Và khi ấy, hoa sầu đông lại tỏa hương ngan ngát mỗi sớm mai hay mỗi khi hoàng hôn tiếng chim bìm bịp kêu chiều... Đó là những gì gợi nhớ mỗi khi tôi đi xa nhớ về hay những lúc thơ thẩn dạo bước chân trên những nẻo đường quen thuộc của quê hương. Dù cho bây giờ, những con đường đã được bê-tông hóa không còn vướng víu gì bùn đất phù sa của cơn lũ cuối năm; dù cho bây giờ, ít còn ai trồng sầu đông trước ngõ nhà hay góc vườn như xưa.

Xuân nhớ sầu đông là nhớ về một loài cây thân thuộc, quê mùa nhưng thật can trường giữa gió mưa, giá rét. Mùa xuân chồi non lộc biếc, hoa nở trắng cả một vùng. Gần cuối năm, lá tàn phơi ra vô vàn những hạt mầm vương vãi trên mặt đất. Gặp khi nắng ấm, những hạt mầm ấy cựa mình rồi nhú lên những cây non. Cây dày cứ thế mà vươn thẳng lên. Chẳng mấy chốc đã thành một rừng sầu đông xanh thẳm. Dù có đốn ngang hay gãy đổ, thì chỗ cây bị đốn, bị gãy ấy những tược non vẫn nhú lên trở thành những nhành mới, cây mới. Sầu đông vẫn lên xanh nhờ nguồn nhựa sống của đất mẹ muôn thuở vĩnh hằng...

Xuân nhớ sầu đông là nhớ về một loại cây hữu ích, dễ trồng, không cần chăm bón nhiều mà vẫn mau lớn. Trồng khoảng bốn hoặc năm năm là có thể khai thác gỗ.

Gỗ sầu đông không cứng, không chịu nước hoặc môi trường ẩm cao nhưng có ưu điểm là nhẹ, vân đẹp, ít bị cong vênh, đặc biệt là không bị mọt nên phù hợp với việc làm ván sàn, trang trí, làm phần trên của ngôi nhà. Ở quê tôi, mỗi gia đình chỉ cần trồng hơn mười cây sầu đông là có thể giải quyết cơ bản gỗ cho ngôi nhà tương lai của mình.

Không hiểu từ khi nào, những rặng sầu đông của làng tôi bị người ta đốn hết. Trên nẻo đường quê mỗi dịp tôi trở về, thi thoảng vẫn còn một vài cây sầu đông lẻ loi khép mình bên đường hay bên góc sân đình.

Đình làng bây giờ được xây cất trang nghiêm. Sân đình trồng nhiều loại cây như vạn tuế, sao đen, cùng nhiều loại thảo mộc mà tôi cũng không thể biết tên. Nơi ấy ngày xưa rợp bóng sầu đông. Nơi ấy ngày xưa người lớn thường dọa con trẻ không được leo trèo lên những cây sầu đông đình làng. Hỏi vì sao thì mẹ tôi chỉ bảo là “không nên”. Khi ấy, trong tôi dâng lên một nỗi sợ hãi mơ hồ huyền bí về khu vườn đình mà bom đạn chiến tranh để lại nhiều phế tích, với những gốc cây cổ thụ và rừng sầu đông tán lá ken dày.

Nhưng lũ con nít chúng tôi còn biết sợ gì đâu. Vườn sầu đông đình làng là nơi chim về làm tổ. Nào là sáo đen, sáo nghệ, chim chèo bẻo, nào là cu đất, dồng dộc... Đến mùa làm tổ, chúng kéo nhau về cất tiếng líu lo cả một góc trời quê. Trên những ngọn sầu đông đình làng có rất nhiều tổ chim non. Những tổ dễ lấy thì có thể leo lên bắt đem về nuôi. Nhiều tổ vắt vẻo đầu cành không lấy được, đến khi chim chuyền cành, lũ con nít lại hò reo đuổi bắt làm vang động cả một vùng.

Tuổi thơ tôi có những lần đuổi bắt chim trong rừng sầu đông khu đình làng giữa trưa hè, bị mẹ bắt gặp đánh đòn đau điếng. Sầu đông ơi, nhớ lắm làm sao quên?...

Một mùa xuân nữa đã đến. Nắng xuân tràn ngập khắp đất trời. Mùa xuân cho ngàn hoa khoe sắc đua hương. Không còn những rặng sầu đông nở những chùm hoa tim tím trắng báo tin xuân, nhưng mùa xuân của nhân gian vẫn cứ đến. Riêng tôi, có một mùa xuân quê mẹ với những ký ức tuổi thơ nồng ấm hương sầu đông ngan ngát quyện cùng trầm nhang, với bánh chưng xanh nhà nhà đón tết.                                                                               Trịnh Ly Lan

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Ngày xuân, nói chuyện thư pháp
Ăn tết cùng... Thạch Lam
Thơ Trịnh Ly Lan
Bụi tre
Em đừng giận oan
Chung tay cùng làm
NHẠC SỸ TRẦN CAO VÂN: SÁNG TÁC VÌ NHỮNG ÂN TÌNH XỨ QUẢNG
Cho con mùa xuân này
Tấu hài : Chuyện ru con
“NGUYÊN TIÊU” – SÁNG BỪNG NGÀY THƠ VIỆT NAM…
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Thơ trào phúng : Loanh quanh chữ “Vàng”
Em gái Bhnoong - Huỳnh Đức Trung
Sắc Xuân (Thơ Lê Lam Giang)
Chí làm trai (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Khâm Đức xuân về (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Suy ngẫm cuộc đời (Thơ Colchichine)
Tết quê (Hoàng Chương)
Xuân về "Nghe em hát còn duyên" (Hoàng Chương)
Đọc Gia huấn ca, suy ngẫm về giáo dục con cái hiện nay (Hoàng Chương)
Nghĩa tình Phước Sơn (Thơ Lê Lam Giang)
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO