Nhà văn Thạch Lam (1910 - 1942) là một trong những cây bút nổi tiếng của nhóm Tự lực văn đàn, là tác giả của Gió lạnh đầu mùa (truyện ngắn), Hà Nội băm sáu phố phường (ký sự) và nhiều phóng sự mang tính văn chương được đăng tải trên các báo. Phóng sự Trước tết, tết và sau tết của Thạch Lam, ký bút danh là Việt Sinh, đăng trên báo Phong Hóa (số 31, tháng 1-1933) và được in trong tập Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 (NXB Văn học, năm 2000). Nhân dịp tết đến xuân về, chúng ta cùng “ăn tết” với nhà văn Thạch Lam qua… phóng sự này.
Mở đầu phóng sự Trước tết, tết và sau tết, Thạch Lam viết: “Tôi không như các ngài văn sỹ, họ là những người nhớn khi nghe tiếng pháo kêu mới ngẩn người ra “kìa tết” hay khi thấy hoa đào nở mới “úi chà xuân”. Không, tôi không như các ông ấy trầm tư mạc tưởng mà quên cả tết đến. Trái lại, tôi mong tết như mong tết nghĩa là mong từ tháng một mong đi, lần tính từng ngày...”. Trong niềm man mác ấy, Thạch Lam biết mình không còn là con trẻ, nhưng vẫn mong đến tết có quần áo đẹp, được đốt pháo đi chơi, được thưởng thức hương hoa cúc và thấy như còn trẻ thơ. “Tôi thích tết, vì tết vui lắm cái vui. Có lẽ vui vì xác pháo để rải rác trước thềm nhà, vì rượu mùi, vì hoa cúc hay vì gió lạnh làm cho người ta gần gũi bên ngọn lửa mà kể chuyện tết năm ngoái năm xưa. Có người bảo tôi là trẻ con: nếu có thật thế thì tôi nay đã lớn tuổi (nhưng chưa có vợ) mà vẫn còn là trẻ thơ đấy”.
Thời điểm “trước tết” trong phóng sự của Thạch Lam tràn ngập không khí chuẩn bị tết. Nào là quét dọn, trang trí nhà cửa cho đẹp hơn mọi ngày, nào là “giồng nêu”, “nấu bánh trưng”... Tết đến gần thật hân hoan nhưng cũng là nỗi lo cơm áo trong gia đình. “Gạo tháng giêng, tiền tháng chạp”, những năm tháng ấy, bao nhiêu gia đình như gia đình Thạch Lam đón tết trong sự thiếu thốn, nợ nần: “Giồng cây nêu lên để báo rằng tết đến hay để báo giờ hỏi nợ thì không biết. Chỉ biết rằng nêu vừa giồng xong thì thấy các chủ nợ ở đâu lò rò đến. Thôi thì hết van đến lạy họ cũng chả chịu nghe. Còn ít nhiều tiền tiêu tết, đành bớt xén một hai để trả họ cho xong tội. Họ đi rồi mình đếm lại số tiền mà ứa nước mắt thở dài...” (Giồng nêu - Đây là một trong các phần của phóng sự - L.P.T) . Mặc dù vậy nhưng cái tết vẫn đến, nhà nhà vẫn vui tết. Từ đêm hai mươi chín tháng chạp, nồi bánh chưng sì sục sôi thơm mùi lá chuối, lá dong. Những năm cuối đông trời rét đậm, trong nhà có lò bánh chưng đỏ lửa thật ấm lòng. Theo Thạch Lam, “trong mấy đêm ngày tết, chỉ có đêm nấu bánh trưng là vui”. Và ông viết: “Ai có linh hồn thơ như tôi, tất cũng biết cái thú vị của ngọn lửa những đêm đông. Trời rét mà ngọn lửa ấm như giữ không muốn cho ta đi xa, giữ ta lại để hưởng cái thú êm ấm trong gia đình, trong khi cả nhà ngồi sây quanh, nghe tiếng nước nóng reo mà kể chuyện cũ...” (Nấu bánh trưng).
Bao nhiêu lo toan, chờ đợi rồi giao thừa cũng đã điểm. Niềm vui tràn ngập căn nhà. Đèn nến được thắp lên sáng choang. Trên bàn thờ tổ tiên trầm hương nghi ngút, hoa đào, hoa cúc dường như tươi tắn hơn. Giao thừa đến nghĩa là năm cũ qua đi, năm mới đã sang. Trong thời khắc đất trời giao mùa ấy, Thạch Lam như đứa trẻ háo hức chờ nghe tiếng pháo nổ vang khắp xóm: “Xa xa nghe tiếng pháo đưa lại ngay bên cạnh nhà, tiếng pháo nổi lên rồi tất cả cửa nhà chung quanh có tiếng pháo nổ ran không dứt: tết đã bắt đầu. Mọi người đã bắt đầu vui mừng năm mới, trong nhà ấm cúng, sáng sủa đầy những hoa, những khói trầm thơm và xác pháo đỏ ” (Giao thừa).
Vậy là tết đã đến! Từ ngày mồng một tết, trẻ con và người lớn đã lộng lẫy áo mới chuẩn bị du xuân. Ai cũng hớn hở, vui vẻ. Trong niềm vui tết chung của mọi người, Thạch Lam tinh tế nhận ra rằng: tết với trẻ thơ thật là thú vị. Chúng không chỉ có áo mới, có pháo hồng, có quà bánh mà còn có một “đặc ân” của ngày tết: “Ngày hôm nay chúng nó không bị ai chửi mắng như mọi ngày mà còn lại được tiền mừng tuổi” (Mồng một). Trong ngày tết đầu tiên, Thạch Lam đã viết khá kỹ về chuyện mừng tết, tục sông nhà (xông nhà). Mừng tết là mừng tuổi, chúc phúc nhau. Sông nhà còn có nơi gọi là “đạp đất”, nghĩa là người đầu tiên bước vào nhà mình trong dịp tết. Thạch Lam viết: “Người sông nhà tất phải là người nhiều tiền mừng tuổi, mà phải là người can đảm mới được, vì nếu không giông cả năm thì người ta trách cứ. Nhưng nói vậy mà thôi, chứ ai cũng kiêng như vậy thì ai đến sông đất nhà ai?” (Sông nhà). Như tập quán tốt đẹp của người Việt, tết đến mọi người mừng tuổi nhau, đi thăm họ hàng, bà con lối xóm, chúc nhau năm mới tốt lành, sống lâu, khỏe mạnh, phát tài phát lộc “cái gì cũng bằng năm bằng mười năm ngoái cả”!
“Tết” trong phóng sự Trước tết, tết và sau tết thật háo hức nhưng cũng tẻ nhạt, nhiều khi không biết làm gì… cho hết tết: “Rượu, cỗ bàn rồi quây quần vào đánh bài: hết tam cúc lại bất hết bất lại tam cúc”, “Tam cúc, bất rồi lại rượu, lại cỗ bàn”, “Cỗ bàn, rồi lại rượu, lại tam cúc” (Mồng ba, Mùng bốn, Mùng năm). Có lẽ, vì những ngày tết dần đi qua đơn điệu như vậy nên Thạch Lam không nhắc đến ngày mùng sáu mà lấy ngày mùng bảy để kết phóng sự. Người đọc cũng có thể hiểu ngày mùng sáu cũng lại tẻ nhạt với rượu, tam cúc rồi lại bất. Và, sự đơn điệu ấy là dấu hiệu báo cái tết đã dần tàn.
Thời gian bắt đầu chuyển sang giai đoạn “sau tết”. Lòng người cũng man mác nỗi niềm khi cái tết đi qua: “Hôm nay hạ cây nêu, thế là hết tết. Quần áo mới xếp lại vào hòm để dành đến tết sang năm mới giở ra. Trong nhà lại lặng lẽ dần dần, rượu hết... cỗ bàn hết. Mấy giò thủy tiên, mấy chậu cúc đã dần tàn, tuy cành đào vẫn nở hoa tươi, nhưng cũng không đủ giữ lại cái tết nữa. Cái vui của ngày tết đã theo với xác pháo người ta quét mà đi, không trở lại. Thế là một năm đã qua” (Mùng bảy).
Hòa với niềm vui chung của mọi người, trong phóng sự Trước tết, tết và sau tết còn có những đoạn viết về cô hàng xóm tên Lan thật giản dị và cũng thật đáng yêu. Cuối phần Giồng nêu của phóng sự, “cô Lan” xuất hiện vào thời điểm trớ trêu, gần đến tết mà nhà có chủ nợ đến đòi: “Cô Lan bên hàng xóm chạy sang, ý hẳn thấy nông nỗi vậy mà cám cảnh, nên cô nhìn tôi cũng rơm rớm nước mắt, mà cô lại cố gượng cười nên trông cô lúc bấy giờ đáng yêu quá đi mất”. Đoạn viết về “cô láng giềng” cùng ngồi chung bên cạnh canh nồi bánh chưng là đoạn văn bàng bạc chất thơ, nhẹ nhàng ý vị mà sâu lắng: “Cô ngồi bên tôi, sửa lại mấy bông hoa thủy tiên rồi ngẩn nhìn se sẽ nói: “Tết năm nay thế là anh thêm một tuổi rồi đấy nhỉ?”. “Ừ... Nhưng em cũng thêm một tuổi”. “Thành 18 tuổi, người nhớn rồi đấy!”. Lan cười, tôi cũng cười. Ngọn lửa lung lay chiếu, má Lan thêm hồng, môi Lan thêm đỏ, mà Lan thêm tươi, thêm đẹp hơn lên” (Nấu bánh trưng). Cái tết năm ấy với Thạch Lam còn đẹp hơn vì chút tình xuân (chưa phải tình yêu) với cô thiếu nữ phơi phới tuổi xuân thì: “Cô Lan tươi cười chạy đến, tôi rót chén rượu, rồi mừng: “Chúc em năm nay đắt chồng nhé!”. Cô Lan đỏ mặt, rồi cười mà đáp: “Còn em chúc anh sang năm - chỗ này Lan ghé tai tôi nói nhỏ - lấy được vợ đẹp, rõ đẹp... đẹp như Lan nhé!” (Sông nhà).
Phóng sự Trước tết, tết và sau tết được nhà văn Thạch Lam viết theo cách ghi nhật ký từ ngày hai mươi chín tháng chạp năm cũ đến ngày mùng bảy tháng giêng năm mới. Những sự việc, những cảm nhận về tết trong phóng sự diễn tiến theo thời gian, gồm có ba phần cụ thể: trước, trong và sau tết. Tuy là phóng sự nhưng Trước tết, tết và sau tết vẫn bàng bạc chất thơ và thấm đượm tính nhân văn. Đó là những cảm nhận tinh tế về cái tết cổ truyền dân tộc vừa ấm áp, rạo rực của lòng người trong lúc giao mùa, lại vừa man mác những nỗi niềm hoài cổ. Đọc lại phóng sự này, ta như được thả tâm trí về những cái tết cổ truyền dân tộc vừa thiêng liêng vừa gần gũi, thuần hậu những nét quê...
Trịnh Ly Lan