Dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Nam hiện có khoảng 120.000 khẩu thuộc 19 tộc người, tập trung ở các huyện miền núi: Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức… Trước nguy cơ mai một các giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, UBND tỉnh, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã và đang có những giải pháp tích cực để bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS trong tỉnh.
Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa của đồng bào các DTTS ở Quảng Nam có diện mạo vừa phong phú, vừa đa dạng về các hình thức biểu đạt. Mỗi dân tộc có những nét đặc trưng văn hóa của tộc người, lại vừa có sự giao thoa, ảnh hưởng qua lại, tạo nên kho tàng văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu không bảo vệ khẩn cấp hoặc không có những “cú hích” về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thì bản sắc văn hóa của các DTTS sẽ phai nhạt dần.
Nhận diện những tác động đến môi trường văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các địa phương trong tỉnh đã có những động thái tích cực, tạo ra những “điểm nhấn” để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS trên địa bàn. Tại 3 huyện tập trung đồng bào Cơtu là Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang, các đặc trung văn hóa tộc người Cơtu như nghệ thuật trang trí nhà Gươl, các điệu dân ca - dân vũ, nói lý hát lý, dệt thổ cẩm truyền thống… đã được quan tâm khôi phục và phát huy, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Trong năm 2012, các huyện Tây Giang và Nam Giang tổ chức liên hoan trống chiêng toàn huyện đã thu hút hàng trăm nghệ nhân Cơtu tham gia. Việc khôi phục làng truyền thống, phục dựng lễ hội mừng lúa mới, tổ chức các hội thi điêu khắc gỗ ở Tây Giang hay tổ chức sưu tầm chuyện cổ, xây dựng các đội biểu diễn cồng chiêng “nhí” ở Nam Giang; xây dựng làng văn hóa Bhờhôồng, khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở Tàlu, Màcooih... là chuỗi các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Cơtu ở địa phương.
Văn hóa đồng bào các dân tộc Bhnoong, Cor, Cadong, Xêđăng... ở các huyện Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My cũng chuyển động tích cực trong nhịp điệu phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Bên cạnh các nghi lễ, tập quán, nghệ thuật diễn xướng dân gian..., thì nghề dệt dồ (thổ cẩm) của người Xêđăng dưới chân núi Ngọk Linh, dệt thổ cẩm Bhnoong ở Phước Sơn, nghề ủ rượu cần của người Cadong ở Bắc Trà My cũng được khôi phục, phát triển; vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, vừa giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.
Về phía tỉnh, việc tổ chức các lễ hội văn hóa-thể thao miền núi, các hội thảo, đề tài nghiên cứu, xuất bản sách... liên quan đến văn hóa các DTTS nói chung hay từng tộc người nói riêng cho thấy sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND, các sở ngành, đoàn thể... đối với sự nghiệp phát triển văn hóa các DTTS trong tỉnh. Một trong những động thái tích cực được dư luận và người dân quan tâm là Sở VH-TT&DL Quảng Nam đã lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét công nhận điệu múa tung tung - da dá của người Cơtu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cuối tháng 11-2012, Sở VH-TT&DL tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam ”, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, lãnh đạo các địa phương miền núi, các vị có uy tín trong cộng đồng các dân tộc và những người có chuyên môn, gắn bó lâu năm với đồng bào các DTTS. Bên cạnh những suy tư, trăn trở, các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định giá trị văn hóa đa dạng và vô cùng phong phú của các DTTS ở Quảng Nam; đồng thời đưa ra những giải pháp tích cực trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, cần phải tăng cường kiểm kê tài sản văn hóa trên địa bàn, đào tạo cán bộ chuyên sâu về văn hóa. Năm 2013, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ phục dựng làng văn hóa các dân tộc, xuất bản thêm một số sách và tài liệu liên quan đến văn hóa đồng bào DTTS, đồng thời hàng năm sẽ tổ chức chuyên đề về bảo tồn văn hóa phi vật thể, bản sắc văn hóa vùng cao…
Tỉnh Quảng Nam cũng đã xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn đến năm 2020. Mục tiêu được xác định trong giai đoạn 2012-2015 là cơ bản đưa các DTTS ra khỏi tình trạng giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc; 50-60% làng, thôn của đồng bào các DTTS có nhà văn hóa tự chủ chương trình hoạt động. Kế hoạch được xây dựng cũng đặt mục tiêu 50-60% cán bộ làm công tác văn hóa tại vùng có đồng bào các DTTS là người của dân tộc mình, hoặc dân tộc anh em có thời gian sinh sống lâu trên địa bàn, hiểu biết sâu về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa đã được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành.
Kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS đến năm 2020 là bước đột phá trong việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 vào cuộc sống ở vùng đồng bào DTTS; tiếp tục phát huy các thành tựu 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Hi vọng, với nỗ lực chung của tỉnh và các huyện miền núi, cùng sự quan tâm của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương..., văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát huy, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển ở miền núi Quảng Nam.
Bài, ảnh: Trịnh Ly Lan