Trong một bài thơ hoài cảm với quê nhà, Nguyễn Ngọc Hạnh đã viết: “Xưa tôi sống trong làng/ Nay làng sống trong tôi”. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh sinh ra và lớn lên tại một làng quê bên dòng sông Vu Gia thuộc xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tuổi thơ anh giờ chỉ còn những ký ức về miền quê có bãi bắp, nương dâu mượt mà xanh, rộng dài theo giọng hò khoan với những chiều chăn trâu cắt cỏ khói đốt đồng cay mắt. Câu thơ đẹp chan chứa một nỗi buồn...
Tôi cũng có một làng quê ven sông. Nơi ấy, tuổi thơ tôi lặn ngụp trong nhọc nhằn đời mẹ với những câu hát ru “Chiều chiều...”. Và nơi ấy, tôi - đứa con của làng - đã sải cánh bay theo một đường bay rộng dài với việc mưu sinh. Thời gian cứ trôi đi hết ngày rồi tháng, hết tháng rồi năm. Xuân qua, Hạ đến, Thu sang, Đông về. Mới hôm nào xa làng đi học, vậy mà...!
Làng ở trong tôi là những ngày chập chững bước đầu tiên mà có lẽ bây giờ tôi cũng không nhớ rõ lắm. Trên cái nền nhà bằng đất, cứ mỗi lần nước lũ rút đi, mẹ tôi lại lấy tro bếp rải lên một lớp cho ráo nước rồi đầm chặt phẳng phiu. Lâu ngày, nền nhà ngả sang màu nâu xám láng bởi những dấu chân trần. Trên cái nền đất ấy, tôi đã nhiều lần được anh trai cho ngồi trên bẹ chuối sứ kéo rong ruổi quanh nhà.
Những năm sau này được nệm ấm chăn êm, chợt nhớ những hôm nào ngủ quên trên những tàu lá chuối mát lạnh, tay còn cầm chắc những con chim, con cào cào kết từ lá dừa non. Thế giới tuổi thơ tôi không được nghe những câu chuyện cổ tích với những bà bụt, ông tiên tóc bạc râu dài, nhưng vẫn đầy ắp những trò chơi trẻ nhỏ nơi miền quê thôn dã. Nơi ấy, tuổi thơ tôi được nuôi dưỡng bằng những lời ru trĩu nặng cánh cò...
Làng ở trong tôi là nếp nhà tranh yên bình. Những mùa gió mưa, tiếng nước từ những mo tre dọi trên mái tranh rơi bì bõm xuống những nồi, niêu, thau, chậu... hứng bên dưới. Âm thanh “tí tách” của những giọt nước cứ gí vào giấc ngủ trẻ thơ tôi suốt những ngày mưa tháng mười.
Làng ở trong tôi là cánh đồng mùa gặt tháng ba trơ gốc rạ. Trên cánh đồng ấy, những con bò, con trâu lầm lũi đi tìm cỏ, tiếng dế mèn “ri ri...” rả rích bên những bờ ruộng nứt nẻ cằn khô. Lũ trẻ chúng tôi có dịp quần nhau với trái banh bằng giẻ buộc chằng chịt dây nhợ. Có lẽ, từ khi xa làng đến giờ, tôi chẳng bao giờ được sống cùng với những “trận cầu” hồn nhiên như thế. Những năm sau này, mỗi khi đứng trước cánh đồng mùa gặt, tôi lại nhớ vạt ruộng lèn chặt những dấu chân trần. Bạn bè tôi nhiều người đã xa quê. Cái hẹn ở quê bao giờ cũng nhiệt thành nhưng ít khi nào đủ mặt.
Dòng sông đi qua làng miên man sóng vỗ mạn đò ngang. Mỗi khi sang bến, nhìn về bên sông thấy xanh thẫm bờ tre ken dày soi bóng nước. Một bên sông, những bãi bắp nương dâu ôm ấp trên những vồng đất mỡ màu. Khi lớn lên, hiểu thêm câu ca “một con mắm cái gánh mười hai quả cà” mới thấy làng đâu chỉ nhọc nhằn bạc lưng áo mẹ.
Làng nghèo lắm! Những người dân quê một nắng hai sương tảo tần sớm hôm chắt chiu cho con được đến trường. Trong niềm mơ ước ấy, chỉ số ít những đứa trẻ theo học đến nơi đến chốn thành tài rồi ra đi... Quê hương khuất lũy tre xanh, khuất bóng thị thành. “Xưa tôi sống trong làng/ Nay làng sống trong tôi”. Nhiều khi thấy lòng trống vắng một nỗi niềm khó tả. Thèm một lần đùa giỡn trên sông cho thỏa thích.
Làng ở trong tôi là những đêm cuối năm theo chị ra đầu làng gánh nước, để mong những giọt tinh khiết giếng khơi xóa đi những buồn vui năm cũ, đem đến những may mắn trong mùa xuân mới. Làng ở trong tôi là hình ảnh quen thân với cây đa bến nước. Nhưng cây đa đã trôi đi trong cơn lũ dữ, trên bến nước con đò không còn đưa khách sang sông. Chiếc cầu đã nối những bờ vui.
Làng giờ cũng đã nhiều đổi thay. Cuộc vận động xây dựng thôn văn hóa phả luồng sinh thế mới đến từng nếp nhà, từng lối xóm trong làng. Những lần về thăm quê, tôi đã nhiều lần cúi đầu trước những bậc tiền nhân khai cơ lập nghiệp. Ông cha của những tộc họ trong làng chắc đã mỉm cười nơi chín suối vì lớp cháu con đã đoàn kết gắn bó nhau, vun đắp nên những thành quả hôm nay. Đình làng rộng to và đẹp, các thiết chế văn hóa làng được dựng xây làm nức lòng nhân dân trong làng cùng những người con đã đi xa hay những ai đã từng gắn bó với mảnh đất này. Trong bảng lảng trầm nhang của ngày lễ Kỳ Yên, tôi đã thực sự trở về với quê hương chứ không phải là sự hoài niệm hay sự “trở về” của ký ức. Làng rất hiền hòa và rất đỗi bao dung với những đứa con của làng. Con sông làng ngàn đời nay vẫn chảy như đã từng chảy mãi muôn đời...
“Xưa tôi sống trong làng/ Nay làng sống trong tôi...”. Câu thơ đẹp một nỗi buồn rất đẹp! Xin cảm ơn Nguyễn Ngọc Hạnh đã nói hộ lòng tôi những hoài niệm quê nhà da diết. Làng mãi mãi là quê chốn của những đứa con của làng và làng mãi mãi ở trong tôi!...
Trịnh Ly Lan