1. Mẹ lên thành phố thăm con. Chưa được tuần, mẹ lại khăn gói về quê. Mẹ nói ở nhà thì nhớ các cháu, nhưng khi lên đây rồi, mẹ lại nhớ nhà và nhớ khu vườn, không ngủ được.
Trong vườn chỉ có vài luống cải cùng mấy cây cà. Cải thì mẹ không đem chợ bán, ăn cũng không bao nhiêu. Mẹ lui hui trồng và chăm bón cả ngày. Đến khi cải mọc kín đất, mẹ kêu cô Ba qua nhổ về nấu canh. Cuối xuân, những luống cải trổ hoa vàng rung rinh trong nắng. Những cây cà thì đơm hoa kết trái từ mùa này sang mùa khác, mưa lũ mới lụi tàn.
Trong ngôi nhà của mẹ, chẳng có vật dụng gì đắt giá. Vậy mà ở trên này mẹ vẫn cứ lo. Các cháu còn nhỏ. Mẹ tất bật với chúng cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Đầu tuần mới, các cháu lại đi học lớp bán trú. Chúng con đi làm cả ngày, cuối giờ chiều mới đón các cháu về. Mẹ quanh quẩn ở nhà một mình, làm việc gì cũng lóng ngóng. Có hôm mẹ lấy khăn lau nhà, nền lát gạch rất trơn nên bị trượt chân té ngã, bong cả gân tay. Biết mẹ ở nhà một mình buồn nên chúng con mua những băng đĩa hát tuồng, cải lương về để mẹ xem. Mẹ bảo xem một mình cũng chán, đừng mua nữa mà tốn tiền.
Người già vốn hay lam hay làm. Trên thành phố, chuyện nấu nướng, giặt giũ khá đơn giản. Nấu cơm thì chỉ cần vo gạo đổ vào nồi, bật công tắc điện; áo quần bẩn thì cho vào máy giặt, nhấn nút là xong... Nhiều hôm con về sớm, thấy mẹ ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Nhà còn ít trầu cau, mẹ gói đem sang nhà hàng xóm. Bên ấy cũng có một bác ở quê lên thành phố trông nom nhà cửa cho người con trai. Mỗi khi rỗi, mẹ cùng bác ấy thường hay ngồi ăn trầu, nói chuyện. Một buổi chiều, con gái bác ấy vào viện sinh nên bác về quê gấp. Tối hôm đó, mẹ cũng chuẩn bị khăn gói về quê. Chúng con nói thế nào mẹ cũng không ở lại...
2. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, hai chị em mẹ nương nhau tháng ngày. Năm mười bảy tuổi, mẹ lấy chồng. Bảy lần mang nặng đẻ đau, giờ còn năm đứa con. Khi con tròn một tuổi thì cha bệnh nặng, chết. Mẹ gạt nước mắt nuôi mấy chị em con. Đời mẹ quen chịu cực nên sướng khổ có là gì.
Năm Thìn lụt to, em trai mẹ - cậu của chúng con - làm du kích, bị kẻ xấu dẫn giặc thù về giết hại. Bên mẹ thế là không còn ai ruột cật. Phía cha cũng “môn đăng hộ đối” không kém! Bởi vậy, mẹ là người lo hương khói cho cả hai bên nội, ngoại. Gian thờ trong ngôi nhà của mẹ bày la liệt bình nhang, bát nước; cái to, cái nhỏ, cái trên, cái dưới, lớp lang đàng hoàng. Những năm quá khó khăn, phải xin ông bà cho “giỗ gộp”, nhưng nhà cũng có tới... mười bốn cái đám giỗ! Tính ra, mỗi tháng hơn một đám. Mà giỗ nào mẹ cũng lo tươm tất.
Có người khuyên mẹ nên giỗ mỗi năm hai lần, bên nội giỗ một ngày, bên ngoại giỗ một ngày. Nhưng mẹ không làm thế. Mẹ thường nói, còn sống ngày nào thì việc thờ cúng, giỗ quẩy ông bà không thể quên.
Gần đây, cuộc sống của các con khá hơn, tất cả ngôi mộ đều cải táng về một khu đất, xây cất tương đối khang trang. Chuyện giỗ chạp cũng không còn chạy vạy vay mượn tiền như trước. Mẹ tuổi cao sức yếu nhưng vẫn lo giỗ chu đáo. Chúng con ham công tiếc việc, năm ba đám lớn mới thu xếp về. Nhớ ngày giỗ thì làm mâm cơm, thắp nén nhang với tấm lòng thành... Rồi anh em hàng xóm láng giềng uống với nhau chén rượu, cốt là đối đãi với người sống. Mẹ thường nhắc: Anh em xa không bằng láng giềng gần. Ở nơi đất khách quê người, cố mà sống sao cho có tình có nghĩa.
3. Trong ngôi nhà của mẹ, mọi thứ vẫn như xưa. Nhà có quạt điện, nhưng mẹ vẫn thích cắt quạt mo cau, mo tre. Đó là thói quen không thể thay đổi. Cũng như bây giờ, bếp dầu, bếp ga, thậm chí củi đun cũng có con cháu mang về. Nhưng mẹ vẫn thích nấu cơm bằng lửa rơm. Mỗi khi nhóm bếp, khói mù trời. Cái “đít” nồi thì cháy đen, nhưng khi mở vung ra, mùi cơm gạo mới bay lên thơm ngát. Mỗi khi con về, nhà không thiếu gì thịt cá, nhưng bữa cơm mẹ nấu bao giờ cũng có dĩa rau luộc chấm với mắm cái dằm ớt xanh.
Trong ngôi nhà của mẹ, những bình hương lúc nào cũng đầy tăm nhang. Ngày có giỗ, cháu con về đông vui hơn. Khoảng sân trước nhà, cây bông trang bốn mùa nở những chùm hoa đỏ. Khu vườn vẫn có vài luống rau với mấy cây cà. Giậu mồng tơi trước ngõ mơn mởn lên xanh... Tất cả vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức tuổi thơ con. Và, con hiểu rằng, ngôi nhà và khu vườn ấy đã gắn bó máu thịt với cả cuộc đời của mẹ. Đó là lý do mẹ không thể xa rời nó, dù mẹ sống một mình, nhỡ khi trái gió trở trời...
Sâu thẳm từ trong trái tim con, ngôi nhà của mẹ là nơi chở che bình thường, giản dị nhưng rất đỗi bao dung. Đó là nơi những đứa con tìm lại ký ức tươi nguyên thời thơ ấu. Đó là nơi chốn, là quê hương để nhớ về. Xuân này, hoa cải trước sân nhà vẫn rung rinh trong gió. Còn mẹ thì lưng đã còng...
Trịnh Ly Lan