Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 11/03/2013 .Lượt xem: 2313 lượt.

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYN

NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

LỄ HỘI VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch hằng năm là ngày giỗ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là ngày giỗ của một gia tộc, một dòng họ, một làng, một xã, một vùng mà là ngày giỗ cụ Tổ chung của cả nước.

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ ĐỀN HÙNG VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY QUỐC LỄ

Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh còn có tên là núi Cả, núi cao nhất (175m) trong quần thể 100 ngọn núi ở Vĩnh Phú. Đền Hùng gồm Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và Lăng vua Hùng. Từ dưới đi lên qua cổng Đền cao 8,1m, nóc cổng hình dáng tám mái, hai bên là phù điêu hình 2 võ sĩ cầm đao và chùy bảo vệ đền. Bước lên 225 bậc đá lên đến đền Hạ. Tương truyền nơi đây mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng sau nở thành trăm người con. Bước thêm 168 bậc thang đá là đến Đền Trung tọa lạc ngang sườn núi Nghĩa Lĩnh, theo tương truyền thì đây là nơi Lang Liêu đã gói bánh dày, bánh chưng dâng vua cha để cúng tiên tổ nhân ngày Tết. Chính tại nơi đây, vua Hùng thường hội các Lạc Hầu, Lạc Tướng để bàn việc nước.

Đền Trung thờ phượng các vua Hùng và dòng dõi, có cả bệ thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Ngay ở gian giữa Đền Trung treo bức đại tự “Hùng Vương Tổ miếu” nghĩa là miếu thờ Tổ Hùng Vương, gian bên phải treo một bức đại tự “Triệu Tổ Nam bang” nghĩa là Tổ muôn đời của nước Nam, gian bên trái treo bức “Hùng Vương Linh tích” nghĩa là Huyền tích linh thương của vua Hùng.

Bước thêm 132 bậc thang đá nữa là tới đền Thượng. Đền Thượng có 4 nếp nhà: Nhà chuông trống, nhà Đại Bái, nhà Tiền Tế, Cung thờ. Trên vòm cung cửa chính ra vào được trang trí phù điêu hình 2 vệ sĩ phương phi làm nổi bật bậc hoành phi 4 chữ “Nam Việt Triệu Tổ” nghĩa là Tổ muôn đời của nước Việt Nam. Trong nhà Đại bái có câu đối bất hủ:

Thác thủy khai cơ, Tứ cố sơn hà qui bản tịch...

Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn...!”

Mở lối đắp nền bốn hướng non sông về một mối...

Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con...”

Trong nhà Tiền tế đặt một Hương án trên để tráp thờ bên trong đặt một triện gỗ hình vuông có khắc 4 chữ: “Hùng Vương tứ phúc”. Đặc biệt có treo một bức hoành phi trong đó có câu: “Quyết sơ dân sinh” nghĩa là cuộc sống của nhân dân là điều quyết định đầu tiên của người lãnh đạo. Ngay từ thời vua Hùng đã lấy dân làm gốc “Tất cả vì dân, do dân và của nhân dân” còn giá trị mãi đến muôn đời. Bên phải Đền Thượng là cột đá thề của An Dương Vương, bên trái Đền Thượng Lăng vua Hùng nhìn về hướng Đông Nam, kiến trúc theo hình khối vuông, trên có cổ diêm tám mái, đỉnh chóp đắp hình rồng uốn lượn nổi lên 3 chữ khắc chìm “Hùng Vương Lăng”. Trên mỗi mặt tường đều đắp mặt hổ phù, thành bậc đắp kỳ lân, cửa chính của Lăng nổi lên 2 câu đối tri ân Quốc Tổ Hùng Vương:

“Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà, non nước vẫn

quay về đất Tổ...

Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn

biết nhớ mồ ông...!”

Theo dòng lịch sử ngày Giỗ Tổ Hùng Vương dù được tổ chức dưới hình thức sơ khai nhất cũng đã cách ngày nay hơn 2.000 năm có lẻ. Bắt đầu từ An Dương Vương - Thục Phán dựng cột trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thề: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giã giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.

Thời Hồng Đức, năm thứ nhất (1470); Bằng việc Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyên Cố soạn: “Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời Thánh Vương Triều Hùng” thì vị thế Đền Hùng thờ các vua Hùng được xác lập vững vàng trên nền tảng pháp lý của Nhà nước quân chủ phong kiến Việt Nam.

Đầu thế kỷ XX, dưới triều Nguyễn, năm 1917, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 - 3 âm lịch hằng năm được chính thức hóa bằng luật pháp, thay vì ý thức hệ tâm linh và truyền thống văn hóa dân tộc.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 18.2.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 22/SL-CTN, cho công chức nghỉ ngày 10.3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày giỗ Tổ năm Bính Tuất - 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1945 - 1954) đã gây cản trở cho việc thực hiện Sắc lệnh 22/SL-CTN; nước chưa bình yên, dân chưa hạnh phúc, công chức chưa được nghỉ lễ trong ngày giỗ Tổ.

Ngày 2.4.2007, Quốc hội khóa XI (kỳ họp thứ 11) đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung điều 73 của Bộ Luật Lao động: Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Từ nay, ngày 10.3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa, thể hiện được thần thái QUỐC HỒN của dân tộc. Trong ngày này nhân dân cả nước nói chung và người lao động nói riêng có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được tổ chức trọng thể tại Đền Hùng tại làng Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (nay là xã Hy Cương, thành phố Việt Trì), tỉnh Phú Thọ. Dưới thời phong kiến, năm chẵn do quan Thượng thư bộ Lễ đại diện cho triều đình; năm lẻ do quan Tuần phủ Phú Thọ làm chủ tế; Tri huyện Lâm Thao và Tri huyện Phù Ninh làm bồi tế. Dân sở tại Hy Cương được cấp 3 quan tiền và 5 đấu gạo nếp làm lễ vật cúng tế vua Hùng. Lễ vật gọi là lễ “Tam sinh” gồm nguyên một con heo, một con bò và một con dê. Bánh chưng và bánh dày là lễ vật không thể thiếu được cũng như khi cử hành tế lễ phải có đầy đủ bộ nhạc cụ đặc biệt là chiếc trống đồng độc đáo của Việt tộc.

Sau phần tế lễ là phần lễ hội với “cuộc rước bánh dày, bánh chưng và rước cỗ chay”, “rước voi” và cuối cùng là lễ “Rước kiệu bay” truyền thống của dân gian các làng xung quanh vùng đất Tổ. Mỗi làng đều đem theo kiệu riêng của làng mình từ các làng do vị bô lão dẫn đầu rồi đến thanh niên trai trẻ mặc võ phục thuở xưa tay cầm đủ loại cờ quạt sắc màu rực rỡ. Tất cả tề tựu dưới chân đền chờ cử hành tế lễ tạo nên một rừng người, rừng cờ hoa với đủ sắc màu. Mọi người nô nức dự lễ hội, già trẻ rộn rã tiếng cười nhưng khi tiếng chiêng tiếng trống khai lễ thì không khí trang nghiêm u mặc bao trùm cả một vùng đất Tổ.

Sau phần tế lễ rước kiệu là phần hội hè với đủ mọi trò vui chơi cho nam thanh nữ tú tham dự thưởng ngoạn. Mở đầu là cuộc thi đua thuyền truyền thống của các đội thuyền Rồng của các làng trong hồ Đá Vao ngay cạnh chân núi. Dọc bờ hồ vòng quanh ven chân núi đủ các trò vui chơi nào là những rạp tuồng chèo, những cây đu tiên, những trò chơi dân gian như đánh cờ người, trò “tung còn” giữa thanh niên thiếu nữ ngày xuân, những phường “hát xoan” của các nơi về tụ hội tổ chức hát Xoan với những làn điệu dân ca truyền thống mỗi độ xuân về.

Việt tộc là cư dân nông nghiệp nên thường tổ chức lễ tết hội hè quanh năm suốt tháng, nhưng lễ hội Đền Hùng mang một ý nghĩa hết sức cao đẹp. Dự lễ hội Đền Hùng chính là cuộc hành hương trở về nguồn cội dân tộc trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Lễ hội Đền Hùng không đơn thuần là cuộc chơi xuân với những hội hè đình đám mà để chúng ta hướng vọng về Quốc tổ Hùng Vương, người truyền thừa sự sống và khai mở đất nước Văn Lang cho tất cả chúng ta. Trên thế giới ngày nay, có lẽ chỉ có dân tộc Việt Nam có Quốc tổ để tôn thờ và có một huyền thoại Rồng Tiên đẹp như áng sử thi để chúng ta có quyền tự hào gọi nhau là đồng bào, là anh em ruột thịt cùng một mẹ sinh ra:

“Nhớ xưa Quốc Tổ dựng nền,

Truyền thống văn hiến sử thiên Việt Hùng...

Bọc điều trăm họ thai chung,

Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam”

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức giỗ Tổ, có đại diện Nhà nước về dâng hương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19.9.1954 và 19.8.1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Văn An, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng vv... và nhiều đồng chí khác đã nhiều lần đến Đền Hùng thắp hương tưởng nhớ Tổ Hùng và trồng cây lưu niệm trong khu rừng quốc gia Đền Hùng.

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - BIỂU HIỆN CAO ĐẸP UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN, LỄ HỘI VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam, sự khẳng định một nền đạo lý Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nói theo cách khác, ý thức cộng đồng đã được vun đắp ở thời kỳ Hùng Vương dựng nước, từ trong gia đình, thân tộc láng giềng, làng xóm và mở rộng ra cả nước theo quan hệ huyết tộc: Dòng máu Lạc Hồng, Vua Hùng là biểu tượng thiêng liêng nhất, cao cả nhất trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam.

Đến ngày Giỗ Tổ, đến với Đền Hùng là đến với hồn đất nước, là cuộc hành hương về cội nguồn dân tộc với tâm tưởng “Uống nước nhớ nguồn”, với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên, không chỉ của mình mà của cả dân tộc, với ý thức “trăm con một bọc”, biểu hiện cao đẹp nhất của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gắn bó cộng đồng các dân tộc, dù Nam hay Bắc, dù miền ngược hay miên xuôi, dù người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Sự thiêng liêng và đức tin là hai yếu tố cơ bản của tín ngưỡng. Nhưng sự thiêng liêng ở Đền Hùng không làm người ta sợ hãi như khi đến các nơi thờ cúng khác, mà đến với Đền Hùng như đến bàn thờ tổ tiên trong gia đình với ý nghĩa lớn lao gắn nhà với nước: cha - mẹ trong gia đình và cha - mẹ dân tộc. Đạo thờ cha - mẹ chính là bản sắc văn hóa Việt Nam. Người Việt thường có xu hướng tôn vinh con người - con người thật cũng như con người huyền thoại. Người ta đặt niềm tin và cầu mong những điều giản dị không chỉ cho mình mà cả cho cộng đồng dân tộc: Đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, vạn sự như ý, sức khỏe dồi dào... Ước nguyện riêng của từng người cũng là ước nguyện chung của cả cộng đồng.

Hiện nay, đồng bào ta ở khắp mọi miền đất nước, cả người Việt Nam sống ở nước ngoài đều có nguyện vọng được xây đền thờ Tổ Hùng Vương. Dù chỉ để thờ vong song ai cũng mong muốn ngôi đền phải có được sinh khí: “QUỐC HỒN” trong đó. Vậy nên phong trào hành hương về Đền Hùng viếng Tổ và xin chân hương, đất núi Hùng, nước giếng Ngọc và cây con rừng Nghĩa Lĩnh đang dần trở thành một phong tục văn hóa riêng biệt - đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Đền Hùng còn là sự hội nhập có tính xã hội trong đời sống đương đại, mang giá trị văn hóa tiêu biểu. Ở đấy cộng đồng các dân tộc biểu dương sức mạnh cộng đồng, các giá trị văn hóa truyền thống với bản chất dân tộc, nhân văn và dân chủ thể hiện trong các hình thức rước sách, trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ...

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng dù trong lúc đất nước thái bình hay cả trong khi vận mệnh cam go nhất, Vua Hùng vẫn hiển hiện như một nguồn sáng xuyên suốt cả thời gian lẫn không gian đến với từng người dân Việt Nam, từng gia đình người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trong nước hay ngoài nước, như một động lực tinh thần cổ vũ niềm tin và sức mạnh cho toàn dân tộc tiến lên phía trước phát triển và hội nhập văn hóa toàn cầu trên cơ sở giữ gìn bản sắc dân tộc.

                      “Dù ai buôn bán ngược xuôi

             Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

                        Dù ai buôn bán gần xa

               Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba thì về”

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Thư cảm ơn của UBND huyện Phước Sơn
DIỄN VĂN LỄ KỶ NIỆM
43 NĂM TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC (5/8/1970-5/8/2013) Phần I
43 NĂM TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC (5/8/1970 – 5/8/2013) Phần II
Những thành tựu qua 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ
DIỆN MẠO MỚI PHƯỚC SƠN
Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo tiền đề để Phước Hiệp sớm thoát nghèo
PHƯỚC SƠN – CHẶNG ĐƯỜNG 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1975 – 2015)
Thực hiên công tác Định canh - Định cư trên địa bàn huyện Phước Sơn
CÒN ĐÓ MỘT HÀNH TRÌNH…
Các tin cũ hơn:
Chiến thắng Khâm Đức 12.5
Thư chúc Tết Xuân Nhâm Thìn năm 2012 của Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn
Thư mời viết bài
Đăng ký Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Diễn văn truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân
Hội thi thể thao miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ VII năm 2012
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS HCM huyện Phước Sơn nhiệm kì 2012-2017
Kỷ niệm 83 năm, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO