Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
TẢN MẠN CÔ GIÁO TRẺ
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 13/03/2013 .Lượt xem: 907 lượt.

Thời gian cứ lặng lẽ, âm thầm trôi qua một cách bình thản. Tưởng như mọi thứ có thể chìm vào lãng quên, nhưng những kỷ niệm ngày đầu tiên chập chững vào đời chẳng bao giờ có thể xóa nhòa trong ký ức của tôi.

Ngày ấy, tôi là một cô bé vừa mới rời trường CĐSP và nhận công tác tại một trường ở vùng cao khó khăn. Ước mơ về ngày đầu tiên đứng lớp bỗng như sập đổ dưới chân. Cầm quyết định và đến nhận công tác tại trường, nước mắt tôi chảy dài trên má. Cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn còn rưng rưng. Ngày ấy sao mà non nớt thế! Không hiểu lúc đó mình khóc vì nhớ nhà hay khóc vì điều gì nữa…

Rời xa chốn thị thành đầy đủ tiện nghi, tôi đến với các em học trò một cách chân thành. Dẫu đã xác định tâm lý rõ ràng mà sao vẫn thấy thật buồn…

Tiếng xe máy rồ lên mang bao điều suy nghĩ của tôi theo đi. Những ngôi nhà cao tầng khuất dần sau núi, con đường tấp nập xe cộ thay bằng đường đất đỏ quanh co. Một bên đường là triền núi, bên kia là vực sâu. Phải bám chắc vào người lái xe để khỏi rơi xuống vực quả là một điều khó khăn đối với một đứa non nớt như tôi. Thị trấn xa dần, xa dần trong làn sương chiều…

Vừa đến cổng trường, một người bạn thời phổ thông đã đứng ở đấy tự bao giờ ( có lẽ nó biết tôi sẽ vào). Vừa nhìn thấy nó, không kiềm được cảm xúc, tôi òa lên khóc nức nở. Nắm lấy bàn tay tôi, nó nói: “ Thôi, cố gắng lên! Có mình đây, đừng khóc nữa! Xem vậy chứ ở đây cũng vui lắm …”

 Thầy Hiệu trưởng phân cho tôi dạy lớp bổ túc ở trong thôn, là thôn xa nhất của xã nhưng lại không có điện. Nghĩ đến những khó khăn như vậy tôi chỉ muốn theo xe và trở về nhà. Nhưng rồi đã cưỡng lại được ý định ấy, tôi theo chân thầy vào trường thôn. Chao ôi sao mà buồn. Lớp học có 9 học sinh, 3 em đã đi lấy chồng, nhà em nào cũng nghèo, thật tội nghiệp.

  Ngoài giờ học, các em còn phải lo kiếm củi, vì chúng hầu hết là những lao động chính trong gia đình. Đến từng nhà, tìm hiểu từng gia đình, từng hoàn cảnh. Tôi thấy thương các em vô cùng. Cuộc sống nghèo khó khiến các em trông già hơn trước tuổi. Khác với trẻ con thành thị chẳng thiếu thứ gì, học trò ở đây chỉ có cơm trộn bắp là sang lắm rồi. Mùa mưa đến chỉ ăn sắn thôi. Họ nghèo vậy đó nhưng tình cảm thì đầy ắp. Thấy có cô mới, mọi người đến chào cô rất vui vẻ. Trông vậy mà họ rất quý thầy cô giáo. Bẫy được con thú nào họ cũng để phần thầy, phần cô. Quả là người dân nơi đây cũng coi trọng việc học đấy chứ.        

 Tôi dần quen với cuộc sống không ồn ào, tấp nập, không ánh điện đường, dần quen với đám học trò nghèo nhưng rất dễ thương. Tôi cũng đã hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây, vui theo niềm vui của các em, buồn theo những nỗi buồn của chúng. Những buổi chiều, khi mặt trời khuất núi, tôi theo sau đàn em lên rẫy hái rau; những đêm mùa đông giá lạnh, quanh đống lửa cháy rực, cô và trò ngồi quây quần bên nhau. Tôi kể cho các em nghe những câu chuyện cổ tích, những tấm gương vươn lên trong học tập; các em nói về những mơ ước của mình. Chao ôi! Những ước mơ giản đơn ấy biết bao giờ mới trở thành hiện thưc?...

Và những tưởng mọi chuyện sẽ trôi qua êm đềm như thế …

Nhưng rồi một ngày trận bão số 9 vừa đi qua, tôi sững người và khóc nức nở khi nghe tin đứa học trò nghịch nhất lớp đã ra đi. Tôi không chứng kiến mà chỉ nghe kể lại: “Bạn ấy đi hái rau, lũ từ trên đồi xuống nhanh quá, cuốn trôi bạn mất rồi cô ơi.”

Tôi lặng người đi, nghe tim mình đau nhói .Ôi! đứa học trò của tôi ! Đứa học trò vẫn được tôi khuyên nhủ nhiều nhất giờ đây đã đi xa. Tôi khóc và cầu mong cho linh hồn em bình an, thanh thản…

Thời gian trôi đi chậm chạp. Tôi được chuyển về xuôi, mang theo bao nỗi niềm… Dù không còn ở lại bên các em, nhưng những kỷ niệm về những ngày bên đám học trò nghèo ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Ước mong một ngày, những đứa học trò nhỏ của tôi không còn bon chen với cuộc sống. Một ngày tương lai tươi sáng cho tụi nhỏ vùng cao…

                                                 

                                                                                                                                  Nguyễn Thị Lê

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Mẹ tôi
Thơ của tác giả Hồ Thị Mộng Thu
Thơ của tác giả Trịnh Ly Lan
Thơ của tác giả Trịnh Ly Lan
LAN MAN CÙNG …. HOA DẠI
Mít non - Cá chuồn xứ Quảng
Kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1989-19.5.2013):
DÂN DÃ CHẢ XÌA
NHỚ ... MƯA GIÔNG
Bánh xèo nhân dế
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9  
    
Các tin cũ hơn:
Thơ trào phúng : Loanh quanh chữ “Vàng”
Em gái Bhnoong - Huỳnh Đức Trung
Sắc Xuân (Thơ Lê Lam Giang)
Chí làm trai (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Khâm Đức xuân về (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Suy ngẫm cuộc đời (Thơ Colchichine)
Tết quê (Hoàng Chương)
Xuân về "Nghe em hát còn duyên" (Hoàng Chương)
Đọc Gia huấn ca, suy ngẫm về giáo dục con cái hiện nay (Hoàng Chương)
Nghĩa tình Phước Sơn (Thơ Lê Lam Giang)
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO