Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Chuyện ghi từ Plei Lao Đu
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 16/04/2013 .Lượt xem: 925 lượt.

Plei - tiếng Giẻ triêng là làng. Câu chuyện “ma rừng” đuổi người Giẻ từ xã Đăkblô, huyện Đăkglei (Kontum) sang vùng rừng đầu nguồn Đáksa, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) hơn 25 năm trước là câu chuyện buồn, nhưng kết thúc có hậu: Làng Lao Đu định cư và phát triển, trở thành khu dân cư điểm ở miền núi Quảng Nam.


 

Cách đây 10 năm, chúng tôi đã vài lần đến tác nghiệp và ở lại với dân làng Lao Đu. Những lần ấy, chẳng hiều vì quý “cán bộ” dưới Tam Kỳ lên hay thấy chúng tôi quá vất vả mà lãnh đạo thôn, các vị già làng và người dân ở Lao Đu quan tâm giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Bên bếp lửa hồng cùng chén rượu cần, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện, từ chuyện di cư “bất đắc dĩ” của dân làng Lao Đu từ xã Đăkblô, huyện Đăkglei (Kontum) sang vùng đầu nguồn thủy điện Đáksa, xã Phước Đức đến chuyện định cư, lập nghiệp trên vùng đất mới Phước Xuân, huyện Phước Sơn.  

Già làng A Mười đã ngoài tám mươi tuổi. Bao năm lăn lộn với núi rừng, ông “đặc hữu” làn da cháy nắng. Bưng bát rượu “ực” một hơi, ông bắt đầu câu chuyện: Làng Lao Đu của mình trước đây ở xa lắm, sâu trong núi rừng xã Đăkblô, huyện Đăkglei, tỉnh Kontum. Dân làng nhiều người không nhớ đường về làng cũ nữa đâu... Chuyện của già làng dân tộc Giẻ lan man như tiếng gió qua đồi cỏ tranh trên núi Xuân Mãi. Đó là câu chuyện buồn. Lớp người như A Mười không thể quên, còn lũ trẻ thì không biết gì cả.

Thập niên chín mươi của thế kỷ trước, người dân Lao Đu phải bỏ làng ra đi. Năm ấy, tai họa ập xuống làng. Một, hai, ba, rồi nhiều người chết..., dân làng nháo nhác: “Giàng không thương nữa rồi!”. Nỗi sợ hãi từ người này lan sang người khác, từ bếp nhà này lan sang bếp nhà khác. Dân làng Lao Đu âm thầm làm cuộc “hành trình” đi tìm nơi lập làng mới hun hút giữa đại ngàn Trường Sơn. Họ không thể biết dịch bệnh thương hàn ập đến cướp đi người thân của họ.

Từ Đăkglei, 34 gia đình với 128 người dân Lao Đu men đường mòn của phu làm vàng và các nhóm “điệu” trầm hương theo con nước Đáksa qua xã Phước Đức, huyện Phước Sơn. Đến khi nghĩ Giàng và con “ma rừng” không hại nữa, họ chọn vùng đất bên suối để lập làng mới. Ngày ngày, phụ nữ và trẻ con lên rừng hái rau, đào củ, ra suối bắt con cá, con ốc; đàn ông và lũ trai làng đi gùi hàng thuê cho dân đãi vàng hay các nhóm tìm trầm. Đến năm 1992, các cơ quan chức năng của huyện Phước Sơn mới phát hiện một làng mới “từ trên trời rơi xuống”, nằm trong rừng đầu nguồn thuỷ điện Đáksa.

Ông A Song Ba, cho biết: “Mình là đảng viên mà để dân di cư trái phép là không đúng. Nhưng dân làng đi, vợ con mình cũng đi theo. Đảng viên như mình vận động cũng không được đâu”. Những đảng viên như A Mười, A Song Ba, A Thơm, A Hưu... đã từng lội suối, trèo đèo, vót từng cây chông cùng du kích và Bộ đội Cụ Hồ đánh giặc Mỹ xâm lược. Họ không sợ “ma rừng”. Nhưng cũng không thể quay về làng cũ Lao Đu, vì làng nghèo lắm, heo hút lắm. Cái ăn không no, ốm đau liên miên. Khi có người đau, dân làng khiêng đi trong rừng ba, bốn ngày đường mới đến cơ sở khám chữa bệnh. Nhiều khi chưa đến nơi đã khiêng về chôn. Con “ma rừng” cứ “bắt” hết người này đến người khác.

Bí thư Chi bộ Lao Đu, ông A Mười cầm ngọn giáo cắm phập xuống đất, cương quyết: “Đồng bào quyết ra đi, đảng viên cũng phải theo dân. Trong khó khăn, người của Đảng, người của đồng bào không thể làm ngơ được”. Và, những người con trung kiên của Lao Đu năm nào đã bám dân. Họ nghĩ, dù đi đâu dân cũng cần mình, cần người chỉ dẫn cách gieo cái rẫy, cách vót cây lao, nhất là cần những người có uy tín, biết vận động đồng bào đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau trong khó khăn hoạn nạn...


Chính quyền huyện Đăkglei và huyện Phước Sơn nhiều lần vận động, nhưng dân làng vẫn quyết không về làng cũ. Để dân di cư trái phép, 11 đảng viên trong Chi bộ Lao Đu, xã Đăkblô, huyện Đăkglei bị khai trừ Đảng.

Chi bộ Lao Đu không còn nhưng người dân vẫn cần phải sống, đau phải chữa bệnh, con em họ phải được học hành và rừng phòng hộ đầu nguồn thuỷ điện Đăksa phải được bảo vệ. Phương án định canh định cư cho dân làng Lao Đu được chính quyền hai địa phương đặt ra. Đến năm 1997, làng mới Lao Đu định hình bên dòng suối Đákxman của xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Những người dân tộc Giẻ ở Lao Đu mới có chỗ ở ổn định, có ruộng để trồng lúa nước, có cái trường để con em đi học, có trạm xá để khi đau thì đến khám chữa bệnh...

Làng Lao Đu hiện có 85 gia đình với 420 người. Nhờ chăm chỉ làm ăn ở vùng đất mới mà người dân Lao Đu đã khá lên. Mỗi năm, những nà đậu đen bên suối Đákxman cho thu hoạch gần 10 tấn. Đàn bò của Lao Đu từ 15 con nay đã phát triển lên 230 con. Hầu hết các gia đình đã có nhà gỗ hoặc nhà xây, mái lợp ngói, lợp tôn. Lao Đu giờ có đường giao thông thuận tiện bên đường Hồ Chí Minh. Từ năm 2001, làng đã có điện thắp sáng. Trường tiểu học và trung học cơ sở ở giữa làng sáng ngày vang tiếng trẻ học bài. “Nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà đồng bào Lao Đu mình mới có ngày hôm nay. Người Lao Đu như con mang, con hoẵng trong rừng nay thấy được trời xanh; như con cá dưới suối Đákxman gặp dòng nước mát” - Già làng A Mười lại bưng bát rượu đưa lên miệng, nheo mắt cười.

Những người con của Lao Đu như A Thơm, A Song Ba, A Hưu, A Chươm, A Rất, Y Liên, Y Rết lại vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Họ cùng với lớp đảng viên trẻ như A Hữu, Y Dơn, Y Dút, A Thanh... quyết tâm xây dựng Lao Đu thành khu dân cư điểm ở miền núi Quảng Nam. Năm 2007, dân làng Lao Đu thêm tự hào khi làng được huyện và tỉnh công nhận là khu dân cư tiêu biểu xuất sắc. Trong ngày vui ấy, A Song Ba lại cất lên tiếng hát: “Quả núi Chưlang đã mọc lên ngôi làng. Phía đông có mặt trời hồng, phía tây ruộng lúa xanh rờn, phía bắc có dòng điện sáng, ở giữa có ngôi trường i a tiếng trẻ học bài thật là vui...”. Bài hát do A Song Ba nghĩ ra để hát mỗi khi vui; hát cho dân làng, cho “người anh em” nghe mỗi khi hội làng và hát để báo tin vui với những cánh chim ch’rao đang bay lượn trên trời xanh: Làng Lao Đu không còn... lao đao!

                                                                                                          Lao Đu - Tam Kỳ, 2003-2013

                                                                                                              Bài, ảnh: Trịnh Ly Lan

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 23 tháng 4 năm 2013
PHONG TRÀO NÔNG DÂN SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI GÓP PHẦN HOÀN THÀNH MỤC TIÊU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Thị trấn Khâm Đức học tập chuyên đề tấm gương đạo đức HCM năm 2013
Thị trấn Khâm Đức 27 năm xây dựng và phát triển
Cấy mô hình 10 sào lúa cải tiến
Đối thoại trực tiếp công dân tại Phước Đức
Giải pháp hậu tái định cư các dự án thủy điện
Hãy hành động để xoa dịu nỗi đau da cam
A Đạo một nạn nhân chất độc da cam vượt lên số phận.
Giao ban khối văn xã
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Tổng diện tích gieo trồng tăng hơn 126 ha so với năm 2010
Khắc phục khó khăn xây dựng nông thôn mới
Phước Sơn cấp hơn 25 tấn lúa giống cho bà con sản xuất vụ Đông Xuân
Năm 2011, nhiều công trình thủy lợi được tu bổ và xây dựng mới
Tiêm gần 9 nghìn liều vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc
Ra quân hưởng ứng năm an toàn giao thông 2012
Ph/ Sơn được cấp 1 tỷ 17 triệu đồng hỗ trợ Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012
Tết về sớm trên bản làng Phước Xuân
Tư vấn trợ giúp pháp lý cho nhân dân
Triển khai t/hiện KH xây dựng nhà ở cho người nghèo thuộc CT 167 GĐ2
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO