Ốc đá là loài ốc “đặc hữu” trên những khe suối vùng thượng nguồn. Ốc có màu đen, vỏ rất cứng, thường bu bám dày trên những gờ đá hoặc bò trên cát. Khi tiết trời sang xuân ấm áp, ốc đá sinh sôi nảy nở nhiều và cũng ngon hơn. Ốc đá được chế biến thành những món ngon miệng như: um, nấu canh rau rừng..., nhưng “món ngon nhớ lâu” vẫn là cháo ốc đá.
Món cháo ốc đá chế biến cũng đơn giản. Ốc bắt (mua) về rửa sạch, đem ngâm với nước vo gạo (nước cơm) vài tiếng đồ hồ cho ốc nhả hết chất nhờn và bùn đất ra. Hoặc theo kinh nghiệm, cho ốc vào chậu nước có giã và trái ớt cay rồi khoáy đều rồi ngâm chừng 15 phút. Sau đó đem chà sạch bằng nước lạnh vài ba lần rồi dùng kềm, dao chặt bỏ trôn ốc. Rửa lại lần nữa rồi vớt ốc ra rổ để cho ráo nước.
Ướp đều ốc bằng các gia vị như mì chính, tiêu bột, muối, nước mắm... Bắt chảo dầu, phi hành thơm thì đổ ốc đá đã ướp vào, cho thêm ít nước và um nhỏ lửa cho đến khi ốc chín rồi bỏ vào nồi cháo gạo đã nấu nhuyễn, còn nghi ngút khói và dùng đũa trộn đều.
Cháo ốc đá nên ăn nóng mới ngon. Khi ăn múc cháo ra bát, rắc lên ít lá chanh non thái mỏng, nhúm hành lá và một ít tiêu bột. Dùng muỗng múc cháo ăn và dùng tay đưa ốc lên miệng hút “chụt” một cái, nhấn nhá nhai kèm với muỗng cháo nữa. Khi ấy, sẽ nghe hương vị đậm đà của ốc, vị ngọt của cháo và mùi thơm của lá chanh non...
Cháo ốc đá - món ăn dân dã làng quê mộc mạc ở Quảng Nam giờ đã vào các nhà hàng, quán nhậu. Mỗi tô cháo cho 3-4 người ăn được bán với giá 50-70 ngàn đồng đồng. “Mẹ ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ…”. Ăn tô cháo ốc đá, nghĩ đến câu ca xưa mà lòng nao nao nhớ quê nhà da diết.
Bài, ảnh: Trịnh Ly Lan