Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 16/04/2013 .Lượt xem: 1065 lượt.

Sáng 15-4-2013, tại quê hương Tiên Phước, UBND tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức lễ Truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng -Nguyên Quyền Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam) đã có công lao to lớn đặc biệt xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã về dự và trao Huân chương cao quý này. Cùng dự về phía tỉnh Quảng Nam có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh; đại diện TP Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Ngãi, đại diện gia tộc của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đây là sự ghi  ơn công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhà nước ta.


Cách đây 137 năm, tại làng Thạnh Bình (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước - Quảng Nam), cụ Huỳnh Thúc Kháng - một bậc đại khoa, một trong những người lãnh đạo phong trào Duy Tân, một chí sỹ hết lòng yêu nước thương dân, Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chào đời.

Sinh ra và lớn lên trong thời buổi đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân ta sống trong cảnh lầm than, cụ Huỳnh nuôi chí lớn. Năm 1904, sau khi đỗ tiến sĩ Hán học, cụ Huỳnh cùng các chí sĩ Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp giương cao ngọn cờ Duy Tân: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Năm 1908, cụ Huỳnh bị thực dân Pháp bắt và đày ra đảo Côn Lôn. Sau hơn 13 năm sống bị giam cầm, ra tù cụ Huỳnh vẫn tiếp tục mưu việc lớn. Năm 1927, Cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo báo Tiếng Dân - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ. Gần 16 năm tồn tại, báo Tiếng Dân phản ánh tiếng nói của dân, bênh vực quyền lợi cho dân, đã tập hợp được những nhà trí thức của hai trường phái Tân học và Nho học. Năm 1943, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa Báo Tiếng Dân, khi bấy giờ tình hình chính trị - xã hội nước ta cũng đã có những biến động.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời như một luồng sinh khí mới đủ sức làm chuyển biến trong nhận thức và cả hành động của chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và giao cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) kiêm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, cụ Huỳnh được giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thời điểm này, cụ Huỳnh đã trực tiếp lãnh đạo phá tan vụ bạo loạn lật đổ chính quyền non trẻ ở phố Ôn Như Hầu, thu phục nhân tâm, nâng cao uy tín của “Chính phủ Cụ Hồ”. Đó là công lao to lớn đặc biệt xuất sắc của cụ Huỳnh.


Ngày 21-4-1947, trong khi làm đại diện Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đi kinh lý tỉnh Quảng Ngãi, cụ Huỳnh mất tại thị trấn Chợ Chùa, H. Nghĩa Hành và được an táng trên núi Thiên Ấn theo tâm nguyện của cụ. Trong bức thư gửi quốc dân đồng bào ngày 29-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”. Năm 1990, nhà lưu niệm cụ Huỳnh tại xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước - Quảng Nam) và ngôi mộ cụ tại núi Thiên Ấn (huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia...

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một nhân vật lịch sử đặc biệt đã có những đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Nhiều nhà lãnh đạo và các nhà nghiên cứu đã viết về cụ Huỳnh Thúc Kháng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn hóa Đào Duy Anh, nhà thơ Cù Huy Cận, các giáo sư Văn Tạo, Trần Văn Giáo, Vũ Ngọc Khánh…  đã khẳng định về thân thế, sự nghiệp của cụ. Hai cuộc hội thảo do UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức (vào các năm 1993, 2012) đã đánh giá ghi nhận cụ là người thông minh, hiếu học, vượt khó thành tài. Cụ Huỳnh là một nhà chí sĩ cách mạng kiên cường, suốt đời vì dân, vì nước. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là người có nhân cách lớn, có chí khí và hoài bão, học cao, biết rộng nhưng vô cùng giản dị khiêm tốn, gần gũi, thân thiết với mọi người. Cụ Huỳnh còn là nhà báo vĩ đại, tâm sáng, lòng trong, bút sắc. Ở cụ đã thể hiện những tinh hoa bản sắc của con người Việt Nam, con người Quảng Nam.

Huỳnh Thúc Kháng - người con ưu tú của đất Quảng, người mà tên tuổi và sự nghiệp mãi mãi gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta. Hôm nay, tại quê hương Tiên Phước anh hùng, Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam trao cho thân thế và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng, là minh chứng sinh động nhất ghi nhận và tri ân về những thành quả cụ Huỳnh đã đóng góp cho nước nhà.

Tại buổi lễ, các vị lãnh đạo, đại biểu và nhân dân tham dự lễ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Quyên Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếp đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng cho cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Nam và gia tộc cụ Huỳnh Thúc Kháng. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu lên những ghi nhận và đáng giá rất cao công lao, ý chí, trí tuệ tài năng đức độ của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã suốt cuộc đời vì nước vì dân, hy sinh vì sự độc lập tự do của dân tộc. Cụ là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay noi theo. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Noi gương cụ Huỳnh, toàn Đảng toàn dân toàn quân ta tăng cường đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiếp tục giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ngay sau lễ, Chủ tịch nước cùng các đại biểu đã đến Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh tiến hành dâng hoa, thắp hương tưởng niệm cụ Huỳnh.


Huỳnh Thúc Kháng - người con ưu tú của đất Quảng, người mà tên tuổi và sự nghiệp mãi mãi gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta. Tại quê hương Tiên Phước anh hùng, Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam trao cho thân thế và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng, là minh chứng sinh động nhất ghi nhận và tri ân về những thành quả cụ Huỳnh đã đóng góp cho nước nhà.

                                                                                                                  Bài và ảnh: Trịnh Ly Lan

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Hội thảo khoa Học chiến thắng Khâm Đức ý nghĩa và bài học lịch sử
Sôi nổi ngày hội quần chúng khu dân cư năm 2013
Khi văn hóa đọc trở nên cô độc …
HƯỞNG ỨNG NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28/6
Lang thang cùng phở khô phố núi
Huyện Phước Sơn đạt giải Ba toàn đoàn hội thi kể chuyện, tuyên truyền sách hè 2013
Bài thơ sông núi
Tiếp nối những mùa Hoa phượng đỏ xứ Quảng
Hội diễn Hoa phượng đỏ tỉnh Quảng Nam thành công tốt đẹp
Thăm mộ Cụ Huỳnh trên núi Thiên Ấn
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Phước Sơn ngày tôi về
Mùa xuân – “Mùa kể chuyện” của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam
Ký ức về những ngày tráng bánh Tết …
Kết quả thực hiện Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ chính trị trên địa bàn P/Sơn
Bác Hồ trong trái tim bạn bè năm châu
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Ghi nhận ở một tờ báo huyện
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Phong tục ăn tết nương rẫy của người Bhnoong
“Vấn đề đầu tiên phải là miệng nói tay làm”
    
1   2  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO