Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
45 NĂM CHIẾN THẮNG KHÂM ĐỨC - NGOKTAVAT Trận “Làng Vei thứ 2” kinh hoàng của Mỹ-ngụy
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 13/05/2013 .Lượt xem: 2329 lượt.


Ngày 10-5-2013, tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khâm Đức - Ngoktavat (12-5-1968 - 12-5-2013). Chiến thắng Khâm Đức - Ngoktavat giải phóng hoàn toàn Phước Sơn là chiến thắng lớn nhất trên chiến trường miền núi Quảng Nam lúc bấy giờ, khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây qua địa bàn, mở toan “cánh cửa thép” vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, nối hậu phương lớn miền Bắc với miền Nam và Hạ Lào, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng 30-4-1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tiền đồn của Mỹ-ngụy


Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ-ngụy tiến hành xây dựng cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức - Ngoktavat kiên cố, với hỏa lực mạnh, nằm sâu trong vùng giải phóng, hòng thực hiện kế hoạch “tìm và diệt” trong chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ ở Việt Nam. Bởi Khâm Đức có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng. Đây là một thung lũng bằng phẳng trên triền Đông của dãy Trường Sơn, dài trên 3 km, rộng trên 1,5 km, bao bọc nhiều núi cao từ 800-1.000 mét. Khâm Đức cách Đà Nẵng 135 km về hướng Tây Nam và cách TP Tam Kỳ 120 km về hướng Tây Bắc. Phía Nam giáp suối Nước Chè, bên kia là rừng già 48 có điểm cao 676 (Tà Dê); hướng Tây Nam có điểm cao 738 (Ngoktavat); phía Đông giáp suối Nước Trẻo và sông Đăk My; phía Tây là những dãy núi cao, có đường 14 huyết mạch từ Hòa Cầm qua Khâm Đức, lên Tây Nguyên nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

 Từ năm 1961 đến tháng 5-1968, Mỹ-ngụy tiến hành xây dựng cụm cứ điểm Khâm Đức - Ngoktavat kiên cố, gồm 2 sân bay cùng lực lượng hùng hậu hàng ngàn tên với trang bị hiện đại. Tại Chi khu quân sự Khâm Đức, Mỹ thiết lập Trại Lực lượng đặc biệt Khâm Đức (Trung tâm Huấn luyện biệt kích Mỹ toàn miền Nam) và bố trí trên 1.400 quân trấn giữ, gồm: A-105 Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, 7 đại đội Biệt kích Lôi Hổ (Lực lượng đặc biệt Việt Nam), nhiều đơn vị quân chủ lực và địa phương, có cả công binh, pháo binh. Cứ điểm tiền tiêu Ngoktavat xây dựng giữa tháng 2-1968, có cả sân bay trực thăng để cơ động, ứng cứu, bảo vệ Khâm Đức từ xa. Tại đây, địch bố trí 2 đại đội Biệt kích Lôi Hổ, 1 đại đội chủ lực, 1 trung đội pháo binh thuộc Trung đoàn 12 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Sân bay Khâm Đức gấp rút nâng cấp để máy bay quân sự C130, C123 cất, hạ cánh an toàn. Cụm cứ điểm Khâm Đức-Ngoktavat đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của cố vấn Mỹ và Australia.

Với cụm cứ điểm kiên cố, lực lượng mạnh được trang bị tận răng và là đầu não của Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ nên địch đã mở nhiều đợt càn quét, tung nhiều toán biệt kích, viễn thám xâm nhập vào Hạ Lào và vùng hậu cứ của ta. Chính vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Khâm Đức trong vùng hậu cứ cách mạng của tỉnh Quảng Nam và cả khu 5, có hành lang chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây đi qua địa bàn, là cửa ngõ xuống đồng bằng và lên Tây Nguyên nên Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo quyết tâm tiêu diệt cụm cứ điểm Khâm Đức-Ngoktavat trong mùa hè năm 1968, mở toang “cánh cửa thép” vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.

Mật tập Ngoktavat, giải phóng Khâm Đức

Sau thời gian chuẩn bị chiến trường, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã phê duyệt phương án tác chiến, chiều ngày 9-5-1968, Tiểu đoàn 40 (Trung đoàn I, Sư đoàn 2, Quân khu 5) phối hợp với LLVT H. Phước Sơn nổ súng tấn công cứ điểm Ngoktavat. Sau 8 phút đánh mật tập, quân ta đã làm chủ hoàn toàn trung tâm chỉ huy và trận địa pháo. Chiến trận diễn ra vô cùng khốc liệt, bộ đội ta đeo bám từng chiến hào, tiêu diệt từng mục tiêu ở vòng ngoài và tiếp tục đột phá vào bên trong. Lực lượng vũ trang huyện vừa phối hợp tổ chức đánh địch tháo chạy, vừa chuyển thương, tải đạn phục vụ tuyến sau... Sau một đêm bị đánh úp, sáng hôm sau, không quân Mỹ ào ạt ném bom vào trận địa quân ta và đổ quân tăng viện xuống Phước Năng, liền bị quân ta bắn rơi 2 máy bay CH47. Đến 15 giờ, ngày 10-5-1968, quân ta làm chủ hoàn toàn Ngoktavat.

Thừa thắng xông lên, ngày 11-5-1968, Trung đoàn I phối hợp với Trung đoàn 21, Đại đội đặc công và quân giải phóng huyện tấn công Chi khu quân sự Khâm Đức. Mặc dù Sư đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ ở Núi Ngang - Tiên Phước tăng viện Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 196 lên chiến trường Khâm Đức, nhưng trong đêm 11 rạng sáng ngày 12-5-2013, quân ta tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm ngoại vi (D, E, H, I, K) và nã pháo dữ dội vào sân bay Khâm Đức. Đến 6 giờ sáng ngày 12-5-1968, toàn bộ khu trung tâm bị quân ta bao vây không còn lối thoát. Trong thế cùng, Mỹ- ngụy ra lệnh di tản căn cứ Khâm Đức và cho pháo đài bay B52 ném bom rải thảm từ khu rừng già 48 đến các dãy núi cao dọc đường 14, khe Cà Nang... Chúng liều lĩnh dùng trực thăng và máy bay C130 đáp xuống sân bay Khâm Đức trong cảnh đạn pháo vang trời, khói lửa mịt mù để giải cứu đám tàn quân.


Kết quả sau 4 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, đến trưa ngày 12-5-1968, quân ta đã làm chủ hoàn toàn chiến trường Khâm Đức, làm tan rã 1 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ; 7 đại đội Biệt kích Lôi Hổ, tiêu diệt trên 300 tên Mỹ-ngụy; làm bị thương hàng trăm tên, bắt sống 104 tên biệt kích và 2 cố vấn Mỹ; bắn rơi 2 máy bay CH47, 2 máy bay C130 và 9 máy bay trực thăng chiến đấu; tịch thu toàn bộ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng. Ngoài ra, còn có hàng trăm quân Mỹ-ngụy bị B52 quyết định số phận khi chúng đang trên đường rút chạy về hướng cứ điểm Thượng Đức, H. Đại Lộc.

Chiến thắng Khâm Đức-Ngoktavat được các hãng thông tấn phương Tây so sánh như trận “Làng Vei thứ 2” (trận quân ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây trên đường 9 Khe Sanh - Quảng Trị, ngày 7-2-1968 – NV) kinh hoàng của Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ và Lực lượng đặc biệt Việt Nam cộng hòa, làm tiêu tan sự huyền thoại và kiêu hảnh về một lực lượng tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại nhất...

 

                                                                     Bài và ảnh: Trịnh Ly Lan

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khâm Đức - Ngok TaVat
Hội thảo khoa học lần 2 về đề tài lịch sử LLVT
Các tin cũ hơn:
Phước Sơn là một huyện miền núi vùng cao
Phước Sơn tiềm năng phát triển du lịch đường Hồ Chí Minh
Thiên nhiên, Con người và truyền thống yêu nước
KỶ NIỆM 45 NĂM CHIẾN THẮNG KHÂM ĐỨC - NGOK-TA-VAT
Đánh Ngot ta vat đòn quyết định thúc vào mạng sườn căn cứ quân sự ở Phước Sơn của Mỹ
45 NĂM CHIẾN THẮNG KHÂM ĐỨC - NGOKTAVAT (Trên quê hương Khâm Đức-Phước Sơn hôm nay)


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO