Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
DIỄN VĂN LỄ KỶ NIỆM
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 21/05/2013 .Lượt xem: 2149 lượt.

DIỄN VĂN LỄ KỶ NIỆM

45 NĂM CHIẾN THẮNG KHÂM ĐỨC – NGOK TAVAK

(12/5/1968 – 12/5/2013) VÀ 65 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN

(12/10/1948 – 12/10/2013)

----------------------

          Kính thưa Đoàn chủ tịch!

          Thưa các đồng chí lãnh đạo!

Thưa quý vị đại biểu, các đồng chí, cùng toàn thể đồng bào!

Hòa chung trong không khí của những ngày tháng Năm lịch sử, chào mừng 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975); 127 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886) và tiến tới kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890). Hôm nay, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Phước Sơn long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Khâm Đức – Ngok Tavak (12/5/1968 – 12/5/2013) và 65 năm Ngày thành lập huyện (12/10/1948 – 12/10/2013). Lời đầu tiên cho phép tôi thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Phước Sơn nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu, cùng toàn thể đồng bào, đặc biệt là những cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh đã từng hoạt động, chiến đấu trên chiến trường Khâm Đức – Phước Sơn năm xưa đã về dự buổi lễ trọng thể này.

Kính thưa các đồng chí, cùng toàn thể đồng bào!

Phước Sơn xưa kia thuộc vùng đất phía Tây của huyện Quế Sơn, địa bàn cư trú của người Bhnong và Cadong. Từ khi thực dân Pháp đặt ách cai trị lên vùng đất này, chúng đã tướt bỏ mọi quyền sống của con người, làm cho dân ta thêm cơ hàn, khổ nhục. Năm 1942, dưới sự lãnh đạo của hai ông Giang, Rẫy, nhân dân làng Cà Doạt – Mừng đã đứng lên chống quân thù, khơi dậy tinh thần yêu nước của đồng bào ta. Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhưng một lần nữa thực dân Pháp lại cướp nước ta, biến dân ta làm thân nô lệ. Để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, Trung ương Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Nam quyết định xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng, và ngày 17/3/1947, châu Trà My (bao gồm vùng Phước Sơn) được thành lập. Qua hơn một năm hoạt động, châu Trà My đã thực hiện tốt chính sách 10 điểm của Mặt trận Việt Minh và Chương trình hành động của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, vùng hậu cứ cách mạng được xây dựng; phong trào thi đua kháng chiến, kiến quốc phát triển mạnh mẽ… Tuy nhiên tình hình lúc này ở vùng đồng bằng, đô thị, quân Pháp tập trung đánh phá ác liệt, hòng xóa bỏ hệ thống chính quyền cách mạng mà nhân dân ta vừa giành được. Đồng thời chúng tăng cường kiểm soát vùng giáp ranh và miền núi.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, xây dựng vùng tự do, ngày 12/10/1948, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh quyết định tách châu Trà My để thành lập huyện Phước Sơn và huyện Trà My. Huyện Phước Sơn được thành lập trên cơ sở của tổng Cò Nhang và tổng Giang Rẫy, sáp nhập với 6 xã vùng giáp ranh huyện Quế Sơn, Thăng Bình và Tiên Phước. Sự kiện thành lập huyện và sự ra đời của Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể huyện Phước Sơn đánh dấu bước tiến quan trọng trong tổ chức đấu tranh cách mạng vì mục tiêu Chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc và thống nhất nước nhà. Đó cũng chính là con đường đưa đồng bào ta đến với cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ lãnh đạo.

Sau ngày thành lập, Huyện ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính và các đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, thực hiện đường lối kháng chiến, kiến quốc “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm”. Từ năm 1948 - 1954, quân và dân huyện Phước Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã tổ chức đánh trả trên 30 trận càn của quân địch, diệt 160 tên, làm bị thương 60 tên, gọi hàng 15 tên, thu 72 khẩu súng, 20 quả mìm và hàng ngàn viên đạn... Tiêu biểu các trận đánh ở làng Xà Riếng, Làng Gạo, Kông Năng... Các chiến công này đã làm thất bại âm mưu chia cắt vùng tự do của thực dân Pháp và bảo vệ vững chắc vùng hậu cứ cách mạng của ta, góp phần cùng toàn tỉnh, khu 5 và cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Gienève, công nhận nền hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia).

Nhưng với âm mưu thôn tính nước ta từ lâu, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, dùng miền Nam làm bàn đạp tấn công quân sự miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng giải phóng miền Nam. Tháng 3/1956, Ngô Đình Diệm tổ chức bầu cử Quốc hội ở miền Nam, biến miền Nam thành quốc gia độc lập, công khai “tố cộng”, “diệt cộng”, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, hô hào “lấp sông” Bến Hải… Trước hành động đó, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đề nghị chính quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Gienève, không tuyên truyền gây chia rẽ Bắc – Nam, cho phép các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội, phụ nữ, trẻ em được tự do đi lại... Nhưng một lần nữa chính quyền Sài Gòn thẳng thừng cự tuyệt, đẩy dân tộc ta vào cuộc chiến mới.

Ở miền núi Quảng Nam, chúng liên tục mở chiến dịch “thượng du vận”, thành lập “ngụy tề”, đưa quân đội, cánh sát, mật vụ đàn áp đồng bào, tuyên truyền chiến tranh tâm lý, bắt dân ta ca ngợi “chính nghĩa quốc gia”, suy tôn “Ngô Tổng Thống”… Để lừa mị nhân dân, chúng tổ chức lễ “ăn yên”, mua chuộc đồng bào, lôi kéo quần chúng, đến thủ đoạn bao vây kinh tế, truy lùng cán bộ để “tố cộng”, “diệt cộng”, khủng bố tinh thần yêu nước, gây chia rẽ quần chúng với Đảng, làm suy yếu khối Đại đoàn kết toàn dân và tăng cường kiểm soát lên vùng cao.

Tháng 01/1959, BCH Trung ương Đảng ta ra Nghị quyết 15 khẳng định Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân". Đón nhận Nghị quyết 15 của BCH-TW Đảng, ngày 13/3/1960, nhân dân làng Trà Nô, xã Phước Trà  bí mật khởi nghĩa vũ trang diệt gọn một tiểu đội quân ngụy, mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang toàn tỉnh Quảng Nam sau Hiệp định Gienève. Ngày 23/12/1960, Du kích làng Mậu Lăng tiến công đồn Khâm Đức, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân huyện nhà. Ngày 20/7/1962, du kích làng Kà Nang phục kích đánh địch trên đường 14 diệt hàng chục tên. Từ 1962 - 1964, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện nhà tiếp tục bẻ gãy nhiều cuộc càn quét, làm thất bại hoàn toàn chiến dịch “thượng du vận” của chúng lên vùng cao.

Bị thất bại nặng nề trong chiến dịch “thượng du vận”, Mỹ, ngụy vẫn xác định Khâm Đức – Phước Sơn là địa bàn trọng yếu về chiến lược quân sự và chính trị. Vì vậy năm 1958, Ngô Đình Diệm thành lập quận Phước Sơn. Năm 1960, cho mở đường 14, 16 để phục vụ chiến tranh. Năm 1961, xây dựng sân bay quân sự Khâm Đức để ứng cứu các cứ điểm trong vùng, Tây Nguyên và Hạ Lào. Năm 1963, Mỹ thành lập Trại Lực lượng đặc biệt Khâm Đức (Trung tâm huấn luyện biệt kích toàn miền Nam). Năm 1965, tiếp tục thành lập quận Khâm Đức, biến nơi đây thành Cụm cứ điểm quân sự liên hoàn vững chắc, có sây bay, trung tâm huấn luyện biệt kích và chi khu quận lỵ. Chúng bố trí tại Khâm Đức một lực lượng quân sự cấp trung đoàn trấn giữ, gồm: Toán A-105/Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, 7 đại đội biệt kích Lôi Hổ/Lực lượng đặc biệt Việt Nam cộng hòa, 1 đại đội quân chủ lực và một số đơn vị pháo binh, công binh… đặt dưới sự chỉ huy của các cố vấn Mỹ. Từ đây, địch thường xuyên lung suc đánh phá vùng giải phóng, sát hại đồng bào và cung cấp thông tin tình báo để máy bay, pháo binh địch ném bom, bắn phá hành lang chiến lược, cắt đứt sự chi viện của ta ra chiến trường, gây biết bao tội ác với cách mạng và nhân dân.

          Đối với ta, Khâm Đức – Phước Sơn là cửa ngõ xuống đồng bằng, cầu nối giữa khu 4, khu 5 với Tây Nguyên và Hạ Lào, là địa bàn có hành lang chiến lược (đường mòn Hồ Chí Minh) đi qua, nơi đứng chân của nhiều đơn vị quân đội và cơ quan của khu 5, tỉnh Quảng Nam và huyện Phước Sơn. Vì vậy, việc tồn tại một cứ điểm quân sự của địch trong vùng tự do như một “ung nhọt” cần phải được cắt bỏ.

Để giải quyết những vấn đề cấp bách trên chiến trường khu 5 theo (Kế hoạch X1) của Bộ Chính trị, đầu tháng 3/1968, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 giao cho Sư đoàn 2 quân khu, phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Phước Sơn tiêu diệt Cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức giải phóng huyện Phước Sơn, khai thông hành lang chiến lược và mở rộng vùng hậu cách mạng. Huyện Phước Sơn được giao nhiệm vụ điều động lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong và dân quân du kích, giúp bộ đội cơ động lực lượng, tổ chức chặn đánh quân tiếp viện và tàn quân tháo chạy; bắt, áp giải tù binh và phục vụ tuyến sau, đảm bảo cho sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ.

Trước sức tiến công của quân và dân ta Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ, ngụy nhận thấy nguy cơ cứ điểm Khâm Đức sẽ bị tiêu diệt. Vì vậy, giữa tháng 02/1968, chúng đổ xuống Ngok Tavak 1 đại đội biệt kích, 1 đại đội chủ lực và 1 trung đội pháo binh Mỹ, do 8 cố vấn Mỹ và 3 cố vấn Australia chỉ huy. Tại đây địch hình thành một cứ điểm tiền tiêu để bảo vệ Khâm Đức từ xa và ngăn chặn hoạt động của quân ta từ hướng Tây Nguyên sang. Đồng thời, gấp rút sửa chữa sân bay Khâm Đức, kéo dài đường băng để máy bay cở lớn cất, hạ cánh an toàn. Tuy cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức – Ngok Tavak được xây dựng kiên cố, hỏa lực mạnh, nhưng là cụm cứ điểm cô lập nằm sâu trong vùng hậu cứ của ta, mọi hoạt động tiếp tế hậu cần, chi viện… đều phụ thuộc vào đường không. Với thế bố trí quân địch như trên, cho thấy lực lượng chi viện cho chiến trường Khâm Đức là Sư đoàn lính thủy đánh bộ của Mỹ đóng tại căn cứ Chu Lai.

          Với tầm quan trọng của chiến dịch Hè 1968, mà Khâm Đức là mắt xích quan trọng để khai thông hành lang chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, tạo thời cơ để quân và dân ta đẩy mạnh (Kế hoạch X2) trên toàn chiến trường khu 5 giành thắng lợi. Quân khu yêu cầu: Việc kìm giữ không cho quân địch tiếp viện lên Khâm Đức, chủ động tiến công tiêu diệt địch là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi. Đồng thời phải chuẩn bị tốt mọi mặt cho tuyến sau nhằm hạn chế thương vong cho bộ đội và nhân dân khi chúng tháo chạy sẽ liều lĩnh ném bom hủy diệt.

Sau một thời gian chuẩn bị chiến trường, Tư lệnh Quân khu đồng ý cho Sư đoàn 2 tổ chức khu chiến tại Núi Ngang huyện Tiên Phước do Trung đoàn 31 nổ sung tiến công trước từ 7 – 10 ngày, nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; căn kéo, giam chân Sư đoàn Americal không cho chúng tiếp viện lên chiến trường Khâm Đức.

Để giành thế chủ động trên chiến trường, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 2 quyết định phương án giải phóng Khâm Đức theo hai bước: Bước một: Trung đoàn 1, phối hợp với bộ đội địa phương diệt cứ điểm Ngok Tavak. Bước hai: Trung đoàn 21, Tiểu đoàn Đặc công và các đơn vị khác của sư đoàn, cùng bộ đội huyện đánh “bóc vỏ” các cứ điểm ngoại vi và tiến lên giải phóng Khâm Đức.

Để thu hút Sư đoàn Americal theo “kịch bản” của ta, ngày 5/5, tiếng súng Núi Ngang của Trung đoàn 31 khai hỏa, thì đồng thời đêm Mùng 9 rạng sáng ngày 10/5, các hướng, các mũi của Trung đoàn 1 đã bất thần tấn công cứ điểm Ngok Tavak. Sau 30 phút cơ bản, quân ta đã đánh chiếm khu điện đài, trận địa pháo 105 ly và phát triển đánh chiếm khu B, tiếp tục làm chủ khu A và khu C. Đến 2h55 phút, Đại đội 1 tăng cường tiêu diệt cụm quân địch mới xuất hiện ở khu A, Đại đội 4 hỏa lực đánh mạnh vào khu B và C. Lúc này máy bay địch lên ném bom, cùng với pháo binh của chúng ở Khâm Đức bắn dữ dội vào trận địa quân ta.

Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, Trung đoàn chỉ thị củng cố công sự và đội hình đánh địch phản kích. Lúc này trời đã sáng, Chỉ huy Trung đoàn ra lệnh cho các đơn vị trở về vị trí chiến đấu ban ngày. Đến 7h địch tập trung lực lượng và hỏa lực phản công quyết liệt ở khu C và B. Bộ đội ta do công cự sơ sài nên không giữ được. Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 40 nhanh chóng tổ chức đội hình đánh địch phản công. Khoảng 8 giờ 30 phút ngày 10/5, máy bay địch tiếp tục ném bom vào trận địa quân ta. Đồng thời dùng trực thăng đổ quân tăng viện xuống Ngok Tavak, ngay lập tức lực lượng phòng không của ta bắn hạ 2 máy bay CH47; bộ đội huyện kịp thời truy kích diệt số quân tăng viện. Đến gần trưa lực lượng quân ta xung phong dũng mãnh trên toàn cứ điểm, quân địch không còn đủ sức chống trả.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Sở Chỉ huy của chúng ở Khâm Đức lệnh cho Ngok Tavak rút lui, nhưng lúc này toàn cứ điểm không còn lối thoát, một số tên sống sót chạy trốn bị quân ta truy kích, số còn lại cũng bị bom, pháo của chúng tiêu diệt. Đến 15 giờ ngày 10/5, quân ta làm chủ hoàn toàn Ngok Tavak, đánh tan rã 1 đại đội biệt kích, 1 đại đội bộ binh và 1 trung đội pháo binh Mỹ, tiêu diệt và làm bị thương gần 200 tên, bắn rơi 2 máy bay, thu 2 đại bác 105 ly, 1 khẩu pháo 106 ly và toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

          Thừa thắng xông lên, quân ta đẩy mạnh tiến công đánh “bóc vỏ” các cứ điểm ngoại vi. Và mặc dù bị Trung đoàn 31 kìm chân ở Núi Ngang, nhưng sáng ngày 10/5, quân Mỹ vẫn tăng viện Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn 196 lên Khâm Đức, nhưng quân địch không dám đánh chiếm lại Ngok Tavak. Ban Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn kết luận: Quân địch đang giao động mạnh, lực lượng phòng ngự của chúng suy yếu hoàn toàn; thế chủ động trên chiến trường hoàn toàn thuộc về ta. Tư lệnh Sư đoàn chỉ thị: Đẩy nhanh tốc độ tiến công tiêu diệt địch trên toàn chiến trường. Ngày 11/5, các mũi, các hướng quân ta thần tốc tiến công tiêu diệt các điểm ngoại vi và lần lượt san bằng các mục tiêu khu trung tâm. Lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã tiếp tục cơ động, bám sát chiến trường phục vụ chiến đấu, triển khai chốt chặn đánh tàn quân tháo chạy, bắt và áp giải tù binh, chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau.

          Đêm 11 rạng sáng 12/5, Tiểu đoàn Đặc công, Trung đoàn 1, Trung đoàn 21 và các đơn vị phối thuộc của sư đoàn cùng bộ đội huyện tiến công tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi D, E, H, I, K. Và ngay trong đêm 11/5, Tiểu đoàn Pháo nòng dài, Đại đội Pháo cao xạ, cùng các hỏa lực khác của sư đoàn đã nã pháo dữ dội vào sân bay Khâm Đức. Các mũi, các hướng nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa khu trung tâm. 6 giờ sáng ngày 12/5/1968, pháo cao xạ của quân ta đã khóa chặt bầu trời Khâm Đức, không cho máy bay địch cất, hạ cánh ứng cứu. Lúc này toàn bộ khu trung tâm bị quân ta bao vây không còn lối thoát.

          Để giải vây cho đội quân sắp bị tiêu diệt, Mỹ, ngụy cho máy bay phản lực và trực thăng vũ trang ào ạt ném bom, bắn phá dữ dội vào trận địa quân ta. Biết không cứu vãn được Khâm Đức, Tướng Westmoreland lệnh cho Bộ Chỉ huy tác chiến Sư đoàn Americal cho Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn 196 quân Mỹ và ngụy ở Khâm Đức nhanh chóng rút lui, nhưng thung lũng Khâm Đức đang trong bão lửa, các ngã đường đều bị khóa chặt, sân bay bị khống chế, Mỹ, ngụy chỉ còn một cách duy nhất là cho máy bay oanh tạc xung quanh Khâm Đức và mở đường máu trốn thoát. Lúc này trên chiến trường bộ đội ta vừa đánh trả máy bay, vừa đồng loạt tiến công vào khu trung tâm. Lợi dụng lúc khói bom mịt mù, quân địch còn lại ở khu Khâm Đức rời bỏ trận địa, xuyên rừng chạy trốn, số thì bị quân ta truy kích, số khác cũng bị B52 của Mỹ quyết định số phận.

          Như vậy, sau 4 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, đến trưa ngày 12/5/1968, quân và dân ta đã làm chủ hoàn toàn chiến trường Khâm Đức – Ngok Tavak, đánh tan rã một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ, 1 đại đội bộ binh ngụy và 7 đại đội biệt kích Lôi Hổ, tiêu diệt trên 700 tên địch, làm bị thương hàng trăm tên, bắt sống 104 tên và 1 Cố vấn Mỹ làm tù binh; bắn rơi 2 máy bay CH47, 2 máy bay C-130 và 9 máy bay trực thăng chiến đấu và thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

          Chiến thắng Khâm Đức – Ngok Tavak, là thắng lợi lớn nhất trên chiến trường miền núi Quảng Nam lúc bấy giờ. Là trận đòn chí mạng vào quân Mỹ, ngụy, xóa sổ Trại Lực lượng Đặc biệt – một căn cứ hành quân tiền phương và trung tâm thu thập tin tức tình báo của Mỹ nằm sâu trong vùng hậu cứ của ta, đánh tan kế hoạch “tìm diệt”, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở Việt Nam.

Chiến thắng Khâm Đức – Ngok Tavak, không chỉ giải phóng huyện Phước Sơn, mà còn mở rộng vùng hậu cứ cách mạng khu 5, khai thông hành lang chiến lược Bắc Nam & Đông – Tây, nối với hậu phương lớn miền Bắc với Tây Nguyên, Hạ Lào, mở ra hành lang vâ%3ḅn đô%3ḅng của quân ta xuống vùng giáp ranh đồng bằng, tạo thời cơ để quân và dân ta đẩy mạnh chiến dịch Thu năm 1968 giành thắng lợi.

Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak, là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp ba thứ quân và ba mũi giáp công, là sự hy sinh vô cùng lớn lao của lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện nhà. Chiến thắng không chỉ làm nức lòng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các dân tộc Phước Sơn mà còn cổ vũ động viên quân và dân toàn tỉnh và khu 5 quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc vùng tự do.

Kính thưa các đồng chí, cùng toàn thể đồng bào!

Sau khi mất Khâm Đức, địch điên cuồng ném bom, rải chất độc hóa học, hủy diệt sự sống của đồng bào ta và liên tục mở các cuộc tập kích bằng không quân vào hành lang chiến lược qua địa bàn. Để bảo vệ vùng hậu cứ cách mạng, quân và dân Phước Sơn phối hợp với lực lượng vũ trang quân khu và tỉnh liên tục phản kích, tấn công, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Riêng trong cuộc phản công chống tái chiếm Khâm Đức tháng 8/1970, Tiểu đoàn Đặc công 404 – quân khu đã tiêu diệt nhiều trận địa pháo, các điểm đóng quân và Sở Chỉ huy hành quân của Lữ đoàn 196 – Sư đoàn Americal, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ, ngụy, buộc chúng phải tháo chạy khỏi Khâm Đức, vùng hậu cứ cách mạng Phước Sơn tiếp tục được bảo vệ vững chắc.

Từ năm 1973 - 1975, quân và dân huyện Phước Sơn tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, góp phần cùng toàn tỉnh và cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kính thưa các đồng chí, cùng toàn thể đồng bào!

Phát huy tinh thần chiến thắng Khâm Đức (12/5/1968) và qua 65 năm thành lập huyện (12/10/1948), huyện Phước Sơn luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện bạn, cùng sự nỗ lực phấn đấu của đảng bộ, quân và dân huyện nhà. Đặc biệt qua 38 năm sau ngày đất nước thống nhất và 27 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Phước Sơn luôn phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn thử thách, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Đến nay huyện Phước Sơn nói chung và thị trấn Khâm Đức nói riêng đã có những đổi thay đáng kể: Toàn huyện đã hoàn thành định canh – định cự, giao thông được kết nối thông suốt, 11/12 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, sóng phát thanh, truyền hình và điện thoại di động được phủ đều khắp. Nguồn thu NSNN do phát sinh kinh tế trên địa bàn huyện tăng đáng kể (trên 250 tỷ đồng/năm). Văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và tiểu học đúng độ tuổi, trên 200 sinh viên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Hàng năm trên 90% cơ quan và 35 – 40% số thôn đạt chuẩn văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm trên 4%. Chính sách an sinh xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên; niềm tin của nhân dân đối với Đảng tiếp tục được củng cố.

          Từ một đảng bộ ban đầu mới thành lập chỉ vài chi bộ cơ sở và vài chục đảng viên, đến nay toàn huyện có 33 tổ chức cơ sở đảng với gần 1.300 đảng viên, đội ngũ cán bộ có trình độ đạt chuẩn ngày càng tăng; số cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, điều ấy nói lên bước trưởng thành không ngừng của đảng bộ, quân và dân huyện nhà, trong đó có sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và đồng bào. Một lần nữa đảng bộ và nhân dân huyện Phước Sơn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn về những cống hiến hy sinh to lớn của các bậc cha anh cho Phước Sơn hôm nay.

          Với những đóng góp lớn lao qua hai cuộc kháng chiến, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Phước Sơn và 7 xã trong huyện được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 3.356 Huân, Huy chương kháng chiến Nhất, Nhì, Ba. Qua 38 năm xây dựng và phát triển, huyện Phước Sơn được Chủ tịch nước tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hàng Nhì, 6 Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể và 3 Huân chương lao động hạng Ba cho các cá nhân, cùng nhiều cờ, Bằng khen của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Nam.

         

Kính thưa quý vị đại biểu, cùng toàn thể đồng bào!

          Giờ đây chiến tranh đã đi qua, nhìn lại chặng đường 65 năm thành lập và phát triển của huyện, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đảng bộ, quân và dân huyện Phước Sơn tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua thử thách, phấn đấu xây dựng quê hương không ngừng phát triển, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông thôn mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, tập trung xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thông tin. Giữ vững ổn định chính trị xã hội. Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cấp chính quyền và hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ. Tăng cường, củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo đường lối Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XX và Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Phước Sơn lần thứ XIX, vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.

          Xin kính chúc các đồng chí đại biểu và toàn thể đồng bào dồi dào sức khỏe.

          Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

          Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

          Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

          Tinh thần chiến thắng Khâm Đức – Ngok Tavak 12/5 bất diệt!

          Xin trân trọng cảm ơn./.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
43 NĂM TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC (5/8/1970-5/8/2013) Phần I
43 NĂM TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC (5/8/1970 – 5/8/2013) Phần II
Những thành tựu qua 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ
DIỆN MẠO MỚI PHƯỚC SƠN
Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo tiền đề để Phước Hiệp sớm thoát nghèo
PHƯỚC SƠN – CHẶNG ĐƯỜNG 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1975 – 2015)
Thực hiên công tác Định canh - Định cư trên địa bàn huyện Phước Sơn
CÒN ĐÓ MỘT HÀNH TRÌNH…
Các tin cũ hơn:
Chiến thắng Khâm Đức 12.5
Thư chúc Tết Xuân Nhâm Thìn năm 2012 của Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn
Thư mời viết bài
Đăng ký Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Diễn văn truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân
Hội thi thể thao miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ VII năm 2012
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS HCM huyện Phước Sơn nhiệm kì 2012-2017
Kỷ niệm 83 năm, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Thư cảm ơn của UBND huyện Phước Sơn


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO