Sáng ngày 14/5, tại xã Phước Mỹ, trạm kỹ thuật dịch vụ tổng hợp nông nghiệp tổ chức hội thảo về chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), kết hợp làm phân hữu cơ vi sinh bón ruộng lúa cho đông đảo các học viên và bà con nông dân 6 xã, thị trấn. Đại diện phòng NN&PTNT, hội nông dân, hội phụ nữ và huyện đoàn cùng tham dự. Kinh phí thực hiện chương trình thâm canh lúa cải tiến lần này do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ.
Theo đó, trong thời gian triển khai chương trình thâm canh lúa cải tiến , kết hợp làm phân hữu cơ vi sinh bón cho ruộng lúa từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch tại các xã thuộc vùng dự án trên địa bàn huyện ta đến nay mô hình này thu hút 16 hộ tham gia với diện tích khoảng 24 sào, 13 hộ làm phân hữu cơ bón ruộng với số lượng là 4.500kg. Nhìn chung cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe. Hạn chế được sâu bệnh. Năng suất trung bình đạt 55-65 tạ/ha, tăng 20 đến 30 tạ/ ha so với diện tích cấy thông thường. Ngoài ra, qua việc triển khai mô hình tại các địa phương đã chuyển giao được kỹ thuật sản xuất lúa cải tiến đến người nông dân, từng bước cải tiến tập quán canh tác lúa truyền thống và đào tạo được đội ngũ giảng viên cộng đồng có kiến thức cơ bản hướng dẫn lại cho bà con nông dân trong thôn, khối . Tại hội thảo, các học viên và các đại biểu đã tham quan mô hình trồng lúa mẫu tại cánh đồng thôn 3 xã Phước Mỹ, trao đổi những vấn đề xung quanh phương pháp thâm canh lúa cải tiến.
Phương pháp cấy cải tiến là phương pháp mới với những ưu điểm như:gieo mạ khay, mạ nền và mạ khô. Lượng giống chỉ cần 0,8-1kg đối với 1 sào. Cây mạ non từ 10 đến 12 ngày tuổi, cấy mật độ thưa, bụi cách bụi khoảng 20 cm, cấy nông và cấy 1 dảnh. Không phun thuốc trừ cỏ và chỉ làm cỏ bằng tay 2 lần lúc phá váng và sục bùn lúc lúa đẻ nhánh. Bón phân vô cơ NPK cân đối. Lượng nước điều tiết hợp lý, đặc biệt là giai đoạn lúa đẻ nhánh.
Đây là phương pháp giúp bà con nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm lượng giống, tăng năng suất. Tiết kiệm được 80 – 90% giống, phân bón. Giảm 100% thuốc trừ sâu gây hại môi trường và 40% nước tưới. Tận dụng cỏ, rơm rạ, phân chuồng, cây xanh làm phân hữu cơ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thanh Thúy