Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đây là việc làm thường xuyên, lâu dài và có ý nghĩa chính trị rất lớn, việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp...".
Qua các kỳ đại hội, Đảng ta luôn coi trọng và đề cao việc học tập đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đôi với giáo dục, nâng cao ý chí chiến đấu và đạo đức, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân viên Nhà nước trong tất cả mọi cấp, mọi ngành. Mỗi người trong chúng ta cần phải suốt đời học tập, noi gương đạo đức, tác phong của Bác.
Nói phong cách của Bác là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả, vừa thiết thực.
Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ không trộn lẫn được. Phong cách tư duy, phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh...
Năm 2013, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn và hướng dẫn học tập chuyên đề: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp" trong sinh hoạt chi bộ, đoàn thể và tại các cơ quan, đơn vị, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Trên cơ sở Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Bộ phận giúp việc 03 Huyện ủy Phước Sơn đã có hướng dẫn cho các cơ sở đảng cần tập trung triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chuyên đề 2013: đó là
Về phong cách quần chúng, phong cách dân chủ và phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện xuyên suốt mọi hành động trong cả cuộc đời cách mạng, phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của Người.
Về phong cách quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có lòng tin vô tận đối với quần chúng. Người luôn luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Phong cách quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và được thể hiện bằng phong cách sâu sát quần chúng, vì lợi ích của quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng và của những người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước là suy nghĩ nhất quán, thường trực trong con người của Người. Phong cách quần chúng của Bác Hồ, một lần nữa khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức "suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân".
Về phong cách dân chủ, từ thực hành dân chủ cho nhân dân, đến thực hành dân chủ trong Đảng, trong cơ quan, tổ chức, phong cách dân chủ của Bác Hồ là sự thể hiện nhất quán của tư tưởng, đạo đức vì dân, vì nước, như Người từng khẳng định 5 điểm đạo đức mà người đảng viên phải giữ gìn cho đúng, đó là:
Tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.
Ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng.
Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu.
Vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.
Hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.
Hồ Chí Minh là người thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí để không ngừng thực hành dân chủ cho dân. Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, nhận trách nhiệm cá nhân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, lắng nghe ý kiến của tập thể, luôn luôn tranh thủ bàn bạc với tập để xin ý kiến trong tổ chức thực hiện công việc.
Về phong cách nêu gương, theo Bác Hồ, trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cần nêu gương trên cả ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc "dĩ công vi thượng" (để việc công lên trên, lên trước việc tư). Triết lý sâu xa của Hồ Chí Minh là, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu mà dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ dân, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng đạo đức ấy đã tạo nên một phong cách nêu gương, tự giác gương mẫu của Hồ Chí Minh, người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị, người mà cả cuộc đời là một tấm gương lớn cho các thế hệ con cháu mãi mãi noi theo.
Để triển khai và thực hiện có hiệu quả nội dung các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013, các cơ sở đảng và từng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cần nhận thức rõ:
Một là, việc tổ chức học tập phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là cơ sở để cho bản thân mỗi cán bộ, đảng viên có được nhận thức đúng đắn về yêu cầu phải giữ gìn, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tính kỷ luật, dân chủ trong tập thể, tinh thần đó phải luôn thể hiện đối với cấp dưới, với quần chúng nhân dân; luôn có ý thức trau dồi phẩm chất chính trị, tư tưởng, phải thật sự là công bộc của dân, có quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân; đồng thời, có ý thức nghiêm túc khắc phục những khuyết điểm trong phong cách làm việc, phong cách sống, lối sống, thói quen làm việc, thói quen sinh hoạt...
Hai là, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập trung vào phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, gắn với chủ đề xuyên suốt toàn khóa: “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”.
Ba là, đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ tiếp tục đi vào nền nếp trong sinh hoạt chi bộ; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Bốn là, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc học tập và làm theo phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao dân chủ và kỷ luật, và chính Người là một mẫu mực về tinh thần dân chủ, tôn trọng tập thể, tôn trọng quần chúng nhân dân, luôn luôn quan tâm đến mọi người, gắn bó với nhân dân. Người luôn luôn phê phán thói "quan cách mạng", phê phán những biểu hiện quan liêu, coi thường quần chúng, coi thường tập thể, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là những căn bệnh khác nhau của chủ nghĩa cá nhân.
Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, hay ngược lại, dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ để "kéo bè, kéo cánh", để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi, hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên pháp luật, làm cho nhân dân bất bình, cần phải bị lên án và loại bỏ.
Học tập đạo đức Hồ Chí Minh, tất cả vì nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Phải trăn trở và thấy trách nhiệm của mình khi dân còn nghèo, đói. Không chỉ sẻ chia và đồng cam, cộng khổ với nhân dân, mà còn phải biết tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, tổ chức, động viên, lãnh đạo nhân dân phấn đấu thoát khỏi đói, nghèo. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để không ngừng tiến bộ và phát triển.
Đình Cuối