Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Ngược xuôi qua những bến đò
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 20/06/2013 .Lượt xem: 1244 lượt.

Một ngày mới trên dòng sông Mẹ Thu Bồn. Những chuyến đò qua lại ngược xuôi. Người thì sang bến người đang trở về. Ông lái đò ngày ngày nhẫn nại đưa đón khách… Những hình ảnh thân thuộc ấy vẫn diễn ra trên khắp các bến đò sông Thu ở Đất Quảng miền Trung.


Trước kia, giao thông đường bộ chưa phát triển, việc đi lại trên sông bằng những chuyến ghe bầu khắp các tỉnh miền Trung thường bắt đầu từ cửa biển lên non và ngược lại, muốn đi đến tỉnh khác phải vươn ra biển. Hệ thống sông ngòi ở đất Quảng vừa ở thông lệ ấy, vừa do “tạo hóa” và do tiền nhân để lại, được lưu thông với các nơi trong vùng. Dù rằng, qua mỗi nơi dòng sông ở Quảng Nam có tên gọi khác nhau như sông Tranh, Tam Kỳ, Ly Ly, Bà Rén, Vu Gia, Trường Giang, sông Hoài… nhưng chung quy chỉ một nguồn Thu Bồn.

Nhận xét trên của nhà báo Phan Thanh Minh, tạp chí Văn hiến miền Trung, không phải là không có lý. Bởi, hầu hết các bến đò trên sông nước Thu Bồn đều có điểm chung là bến đò ngang cũng là bến đò dọc. Bến đò nằm trên tuyến giao thông quan trọng của các làng xã trong vùng. Bến đò cũng gắn liền với bến chợ ven sông, một thời trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập như Trung Phước, Bến Dầu, Phú Thuận - Thu Bồn, Kiểm Lâm - Giao Thủy, sông Hoài - Hội An v.v… Trong “Phủ Biên tạp lục” năm 1774, nhà bác học Lê Quý Đôn viết rất nhiều về các địa danh, sông suối, bến đò, bến chợ ở Quảng Nam. Trong đó, có đoạn viết về cảnh trao đổi hàng hóa ở Hội An như sau: “Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, từ Thuận Hóa về chỉ mua được hồ tiêu, còn từ Quảng Nam về thì mua hàng hóa thứ gì mà không có. Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Bình Khang và Nha Trang, đường thủy bộ, đi thuyền đi ngựa đều hội tụ ở phố Hội An. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù một trăm chiếc thuyền to chở một lúc cũng không hết”.  

Lưu vực rộng lớn nhưng tên sông Thu Bồn được “định danh” từ khu vực thác Lim tại xã Hiệp Hòa - Hiệp Đức, chảy qua các huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và cuối cùng là ra Cửa Đại - Hội An. Ngọn nguồn Thu Bồn tại Thác Lim là nơi hợp lưu giữa sông Trường và sông Tranh. Bến đò Trà Linh là một trong những điểm cuối hành trình đò dọc từ miền xuôi lên miền ngược, nơi dòng sông Thu Bồn quặn mình qua Hòn Kẽm Đá Dừng trước khi xuôi ra biển. Lâm thổ sản miền thượng theo đò dọc từ bến Trà Linh về miền xuôi, còn những sản vật, mắm muối, dụng cụ sản xuất từ biển và các vùng đồng bằng lại theo ghe thuyền ngược nguồn để trao đổi, bán mua. Ca dao xứ Quảng có câu: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”.


Cảnh sắc Trà Linh núi non hùng vĩ và thơ mộng nhưng cũng hiểm yếu như nơi thâm sơn cùng cốc. Chính địa thế núi non, sông nước hiểm trở mà bến đò Trà Linh nói riêng, sông nước Hiệp Hòa nói chung đã gắn chặt với những bước thăng trầm của lịch sử. Cùng với những chuyến đò xuôi ngược Thu Bồn, bến Trà Linh là nơi đặt chân của những khách thương hồ. Tương truyền, vào đầu thế kỷ trước, ông tú Hoàng Trung quê ở tận Phú Yên, vì tội “quốc sự” mà phải bôn tẩu về Quảng Nam. Ông đã nhiều lần qua lại bến Trà Linh. Cũng từ dòng sông Thu Bồn nuôi nấng, chở che mà ông đã để lại những vần thơ đẹp trên cuộc hành trình của mình: “Lúc lắc đò qua Tý, Sé, Kẽm/ Gập ghềnh chân bước Râm, Ri, Liêu…. Người làm thơ có tâm hồn phóng khoáng nhưng cũng đầy chất tráng sỹ hề trước thời cuộc.

“Ngó lên Hòn Kẽm-Đá Dừng/ Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Sau khi vượt qua Hòn Kẽm Đá Dừng, con nước Thu Bồn tiếp tục chảy qua các bến Phú Gia - Dù Chiêng, Cà Tang rồi đến bến đò Trung Phước - Đại Bình, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Bên này là chợ Trung Phước một thời sầm uất, trên bến dưới thuyền tấp nập cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa. Ai qua Trung Phước - Đại Bình, chuyến đò chở nặng ân tình thủy chung. Làng Đại Bình, chợ Trung Phước, bến nước sông Thu với những chuyến đò ngang cùng những chuyến đò dọc tại Trung Phước, Đại Bình đã trở thành cảm hứng của thơ ca, nhạc họa, đi vào tâm thức của mỗi người dân xứ Quảng về một bến đò, một ngôi chợ và một làng ven sông nổi tiếng khắp Quảng Nam.

Từ bến Trung Phước xuôi thuyền hơn một giờ lênh đênh sông nước là đến bến đò Phú Thuận - Thu Bồn. Cả hai bên bến đò đều là bến chợ cùng tên với làng là chợ Phú Thuận thuộc làng Phú Thuận, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc và chợ Thu Bồn thuộc làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên.

Theo truyền thuyết và những di chỉ văn hóa, bến Thu Bồn xưa kia là cửa ngõ dẫn vào Mỹ Sơn - kinh đô Chămpa xưa. Dấu tích còn lại là “con đường tượng đá” ở làng Thu Bồn ngày nay. Và Lễ hội Bà Thu Bồn còn lưu truyền, khôi phục và phát triển cho thấy khu vực bến đò Phú Thuận - Thu Bồn chứa nhiều trầm tích văn hóa.

Bến đò Phú Thuận xưa kia là nơi tập kết hàng hóa và trung chuyển khách dọc ngang sông nước Thu Bồn. Những nông thổ sản từ thượng nguồn theo đò dọc xuống có chuối, mít, chè, khoai lang, dầu rái...; hàng hóa từ dưới xuôi lên có muối, mắm, tôm cá biển, chiếu Bàn Thạch... Sản vật của cư dân địa phương cũng phong phú đa dạng, có thể kể đến như nón lá Giảng Hòa, sản phẩm nghề đan đát tre Xuân Tây, mây gióng Mỹ Nam... Nhờ lợi thế đường thủy mà chợ Phú Thuận buôn bán phát đạt, trở thành điểm giao thương quan trọng trong vùng. Từ chợ Phú Thuận, hàng hóa tỏa đi tám phương tứ hướng, phục vụ như cầu đời sống của người dân. Buôn mau bán đắt, làm ăn thuận lợi giàu có mà cái tên Phú Thuận được người dân đặt cho bến đò - bến chợ nơi đây.

Những người theo đò dọc sông Thu trước kia thường nghe bài ca dao về những bến đò và địa danh từ Quảng Huế đến Hội An, trong đó có những câu: “Ghe xuôi qua bến Phó Thừa/ Hội An đến đó trời vừa sáng ra/ Hỡi người hoa nguyệt, nguyệt hoa/ Rạng ngày mai đến Phố đôi ta trao lời”. Hội An - vùng đất hội nhân hội thủy, nơi dòng sông Mẹ Thu Bồn trước khi ra biển lớn đã hình thành nên thương cảng Hội An vang bóng một thời. Sản vật khắp nơi theo ghe thuyền dồn về phục vụ giao thương ở đô thị cổ Hội An. Những chuyến đò từ Cẩm Kim sang, từ Cù Lao Chàm về hay từ Chợ Bà, chợ Được, Duy Nghĩa, Câu Lâu xuống... làm cho phiên chợ sớm bên sông Hoài thêm nhộn nhịp. Không gian sông nước nơi hạ nguồn Thu Bồn cùng những chiếc ghe bầu từ Hội An đi khắp các miền quê trong và ngoài tỉnh đã gắn liền với với thương cảng nổi tiếng từ nhiều thế kỷ trước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, làm nên tính cách của cư dân phố Hội sông Hoài trong suốt chiều dài lịch sử vùng đất mở Quảng Nam.


Trên hành trình từ Hòn Kẽm Đá Dừng xuôi ra Cửa Đại, dòng Thu Bồn còn có những bến đò bến nước được nhắc đến như Phú Gia - Dùi Chiêng, Tĩnh Yên, Quảng Đại - Mỹ Lược, Kiểm Lâm - Giao Thủy, Ông Đốc - Vân Ly, Lệ Trạch, Long Hội, Câu Lâu, Duy Nghĩa, Thanh Hà, Phó Thừa... với những câu chuyện đẹp, cả những khổ đau và hạnh phúc, mang nhiều dấu ấn kỷ niệm của người ở bên này sông với người bên kia sông. Những vạn ghe, bến nước, con đò đã đi vào truyền thuyết, ca dao dân ca, gắn liền với ký ức của cộng đồng cư dân các làng quê sông nước Thu Bồn.

 “Ngó lại quê mình/ Bởi em chèo thuyền trên sông cái/ Em ngó lại quê mình/ Chim trên cành còn đủ cặp huống chi mình lẻ đôi/ Vì đâu đây với đó đã hai nơi/ Chiếc đò ngang bằng chiếc đũa không lời nhắn đưa/ Cây đa bến cũ đò xưa/ Người thương có nghĩa nắng mưa ta vẫn chờ". Xin mượn lời cô gái trách cứ chàng trai trong câu hò chèo thuyền trên sông Cái để nhắn gửi với những lữ khách đã một lần sang sông, rằng, những chuyến đò sông Thu ngày ngày vẫn qua lại, ngược xuôi, như con nước trên dòng sông Mẹ Thu Bồn vẫn miệt mài ra biển lớn. Trong tâm thức của mỗi người, chuyện về những bến đò với những buồn vui, khổ đau và hạnh phúc vẫn còn nhắc nhớ. Những câu chuyện ấy như phù sa sông Mẹ Thu Bồn mãi đắp bồi, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bao thế hệ người dân Đất Quảng miền Trung thân yêu.

                                                                                                          Bài và ảnh: Trịnh Ly Lan

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Nhân viên khách sạn nhặt được của rơi trả lại người mất
Trao 20 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin trên địa bàn thị trấn Khâm Đức
Sơ kết công tác khuyến học
Bạo lực gia đình- Nhìn từ các vụ án
Hội nghị giao ban trực tuyến về chính sách nhà ở người có công
Đại hội Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Phước Sơn lần thứ 2 nhiệm kỳ (2013-2018)
NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI HUYỆN - 10 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN (13/8/2003 – 13/8/2013)
Năm 2013, Phước Sơn làm mới, sữa chữa 121 nhà ở người có công
HỘI THI RUNG CHUÔNG VÀNG VÙNG NÚI CAO HUYỆN PHƯỚC SƠN
TẬP HUẤN BỒI DƯỠNG TUYÊN TRUYỀN CÁC VĂN BẢN CHÍNH SÁCH VỀ CÔNG TÁC DS-KHHGĐ TẠI HUYỆN PHƯỚC SƠN
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Đất mới Kađhub
Thăm tặng quà đối tượng chính sách khó khăn
Phước Sơn trao tặng quà cho đối tượng nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.
Huyện ta với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Đoàn mặt trận, đoàn thể huyện Duy Xuyên thăm làm việc tại huyện Phước Sơn
Cuộc chiến bảo vệ rừng trong mùa mưa bão
Ra mắt Câu lạc bộ " Gia đình hạnh phúc "
Sạt lở gây ách tắc giao thông nghiêm trọng tại địa bàn xã Phước Mỹ
1233 đối tượng được hưởng chính sách Bảo trợ xã hội
Phước Sơn: Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2011
    
1   2   3  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO