Trong những năm gần đây, có thể nhận thấy tình hình trật tự ATGT ở nước ta nói chung, Tỉnh Quảng Nam nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Tai nạn giao thông và những thiệt hại do tai nạn gây ra đang là nỗi lo và vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Đó là thiệt hại về sinh mạng, thiệt hại về nhân lực, trí tuệ, gây tổn thương về tinh thần xã hội, về vật chất, tiền của và cả nỗi đau thể xác, tinh thần dai dẳng. Điều ấy đã và đang đặt ra cho toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, hơn bao giờ hết phải nêu cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm để chung sức kiềm chế, đẩy lùi những nguy cơ về TNGT.
Một số yếu tố sau đây có thể giải thích được tình trạng tai nạn giao thông ở mức cao trong Thanh thiếu niên và trong toàn dân đó là: Sự hiểu biết còn hạn chế về an toàn giao thông đường bộ. Sự hiểu biết còn hạn chế về quy định khi tham gia giao thông. Sự hiểu biết còn hạn chế về các hành vi lái xe an toàn. Đặc biệt là những người thiếu ý thức, văn hóa giao thông, đó là những thanh niên đua đòi cùng với sự rủ rê của bạn bè, họ sẵn sàng đánh cược với tính mạng của mình. Nhìn những chiếc xe máy phi như bay hay đang biểu diễn những trò mạo hiểm ghê rợn, rùng mình hoặc những pha lạng lách trên những con đường…ta không khỏi xót xa cho chính thế hệ trẻ. Chính hành động của họ sẽ gây ra nguy hiểm cho chính họ và những người xung quanh vô tội, những cô cậu thiếu niên vì muốn khẳng định mình nên đã đua nhau lạng lách, “biểu diễn” tài năng trên đường phố, những gã say rượu không làm chủ tốc độ, những người không tuân theo Luật giao thông đường bộ…Những hình ảnh đó luôn xuất hiện hàng ngày, ở mọi nơi và nó trở thành tệ nạn xã hội. Vậy mà có người lại cho rằng đó là điều bình thường. Biết bao gia đình đã tan vỡ hạnh phúc vì mất đi người thân, bao giọt nước mắt tiếc thương cho những con người vô tội, bao người phải chịu tật nguyền suốt cả cuộc đời….Mặc dù các cấp các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông như: Đặt biển báo giới hạn tốc độ, đèn tín hiệu giao thông, vạch dành cho người đi bộ ở khu vực có đông trẻ em. Tổ chức các cuộc thi an toàn giao thông cho mọi người đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên. Hỗ trợ người dân thực hiện các hoạt động thông tin truyền thông phù hợp với điều kiện địa phương…Nhưng hàng năm số vụ tai nạn giao thông vẫn không hề suy giảm, ngược lại nó còn tăng lên, các vụ tai nạn hấu hết ở độ tuổi thanh thiếu niên. Nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn phần lớn là do ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân: uống rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu…
Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ Luật giao thông đường bộ thì sẽ không có những điều thương tâm và đáng tiếc xảy ra. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành Luật giao thông đường bộ, vì sự an toàn của bản thân và xã hội. Là một công dân, mỗi chúng ta phải xem xét lại mình đã bao giờ vi phạm lỗi khi tham gia giao thông chưa, có bao giờ gây tai nạn giao thông chưa. Tất nhiên là có, không ai nói là chưa bao giờ vi phạm lỗi giao thông dù đó chỉ là một lỗi nhỏ, nhưng qua mỗi lần như vậy chúng ta phải biết nhìn nhận và rút kinh nghiệm để lần sau không tái phạm và mỗi chúng ta phải tự giác thực hiện đúng các nguyên tắc an toàn giao thông. Có như thế tuổi trẻ hôm nay hưởng ứng tốt phong trào “tuổi trẻ với văn hóa giao thông” và góp phần vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông, một vấn nạn mà xã hội đang tìm cách khắc phục.
Đình Cuối