Năm nào cũng vậy, nghỉ hè, các trường phố thông thường phát cho mỗi học sinh một giấy giới thiệu sinh hoạt hè tại địa phương. Đây là dịp các em được giao về địa phương quản lý, sinh hoạt vui chơi bổ ích sau 9 tháng học tập ròng rã. Thế nhưng, gần một tháng mùa hè đã trôi qua, những buổi sinh hoạt hè ngày càng vắng vẻ ở rất nhiều địa phương... Lý giải vấn đề này, có nhiều lí do. Ngoài việc tham gia các trò chơi theo sở thích cá nhân, nhiều em muốn hòa mình vào các hoạt động xã hội của cộng đồng. Nội dung sinh hoạt hè thường địa phương giao cho tổ chức Đoàn, Hội thanh niên. Đến hẹn lại lên, các em được sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, dã ngoại... Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có sự đầu tư về việc này. Có nơi, năm nào cũng chừng ấy trò chơi và bài hát vốn đã quá quen thuộc với các em trong nhà trường. Có em lại than phiền: “Gọi là sinh hoạt hè nhưng cũng chỉ là mấy cuộc họp tập trung các bạn thanh thiếu niên ở địa phương. Chưa có những hoạt động thiết thực, sinh động lôi cuốn”. Thực tế, ở nhiều nơi, nhất là ở các thành phố, mùa hè đối với nhiều học sinh lại là học kỳ thứ ba căng thẳng. Gọi là ba tháng hè nhưng hầu như các em chỉ được nghỉ khoảng hai tuần, sau đó lại lo chuẩn bị học hè, học thêm, nhiều em học đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi. Và tất nhiên với những em này, việc tham gia sinh hoạt hè là điều không thể. Một phụ huynh bày tỏ thẳng thắn “Lịch sinh hoạt hè của phường trùng với lịch học thêm của con, nên nhiều khi cũng muốn cho con đi xem sinh hoạt hè có gì hấp dẫn hay không cũng không thể đi được”. Xem ra, việc sinh hoạt hè còn lắm lý do để thấy rằng, sân chơi này đang ngày một xa rời với các em. Phải thừa nhận rõ ràng rằng: Dù khách quan hay chủ quan thì một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho học sinh chán sinh hoạt hè là do việc tổ chức hoạt động hè còn quá đơn điệu, hình thức chưa linh hoạt còn nội dung thì nghèo nàn, không hấp dẫn để thu hút các em, kỹ năng tổ chức sinh hoạt của nhiều anh chị phụ trách còn yếu.
Việc đưa học sinh vào các hoạt động Đoàn, Đội tại địa phương trong dịp hè là cần thiết. Tuy nhiên khi bế giảng năm học, nhiều trường cấp cho mỗi học sinh một tờ giấy sinh hoạt hè coi như bàn giao trách nhiệm quản lý các em cho địa phương, yêu cầu sau ba tháng hè các em phải nộp lại giấy cho nhà trường có xác nhận của địa phương “đã tham gia sinh hoạt hè” là được, không cần biết học sinh đó tham gia sinh hoạt thật hay không và hiệu quả ra sao. Do đó, nhiều em học sinh bằng cách này, cách khác để nhờ Đoàn thanh niên địa phương xác nhận là có đi sinh hoạt nhưng thực tế thì chẳng đi ngày nào cả. Để việc sinh hoạt hè tốt hơn thì nhà trường nên phối hợp với Đoàn thanh niên cơ sở. Nhà trường cũng có một phần trách nhiệm đối với học sinh trong những ngày hè. Và để các em không lẩn tránh sinh hoạt hè, nhà trường có thể đưa kết quả sinh hoạt hè vào việc xét hạnh kiểm của học sinh. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là Đoàn thanh niên cơ sở cần tổ chức hoạt động hè một cách thiết thực, sinh động hơn để lôi cuốn các em tham gia. Cần hướng các em vào những hoạt động mang tính giáo dục truyền thống, giáo dục đạo lý, tình cảm tương thân tương ái, thông cảm chia sẻ với mọi người như: giúp đỡ các gia đình chính sách, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tổ chức những buổi lao động tại nghĩa trang liệt sĩ, vệ sinh môi trường. Có thể cho các em đi tham quan danh lam thắng cảnh, các khu di tích lịch sử… để qua đó giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương đất nước...Về phía gia đình, các bậc phụ huynh nên nhận thức một cách đầy đủ hơn về sự cần thiết cho con em mình tham gia vào các hoạt động hè ở địa phương. Suốt chín tháng miệt mài học tập, thì đây là thời gian để cho các em được nghỉ ngơi, vui chơi. Hơn nữa, tham gia các hoạt động hè của Đoàn, Đội tại địa phương sẽ giúp các em hiểu biết hơn về quê hương, đất nước, góp phần hoàn thiện nhân cách của các em.
Mùa hè được xem là học kỳ ba của các em học sinh. Những hoạt động bổ ích, thú vị của việc sinh hoạt hè được xem là bài học "chơi mà học" đáng nhớ của các em mỗi dịp hè về. Những say mê, náo nức ấy sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng của các em, tạo cho các em một tinh thần phấn khởi để tiếp tục bước vào năm học mới.
THẢO NGUYÊN (Hồ Thị Mộng Thu)