Miền núi Quảng Nam là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc anh em như Cơ Tu, Xơ Đăng, Gié-Triêng, Cor... Dân tộc Cơ Tu cư trú ở các huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang; dân tộc Xơ Đăng với các nhóm địa phương là Ca Dong, Xteng, Mnâm, Tơđrá... cư trú ở huyện Nam Trà My; dân tộc Gié-Triêng với các nhóm địa phương là Ve, Tà Riềng, Bhơnoong cư trú ở huyện Nam Giang và Phước Sơn; dân tộc Cor cư trú ở huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Núi Thành...Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, các tộc người nơi đây đã sáng tạo và bảo lưu những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú và độc đáo. Những giá trị đó được thể hiện sinh động trong văn hóa mưu sinh, săn bắn, hái lượm, lao động sản xuất, nghề thủ công, trang phục, lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, cư trú, nghệ thuật trang trí... Và đặc biệt là âm nhạc, nhạc cụ truyền thống, diễn xướng dân gian... đã tạo nên một bản sắc riêng của tiểu vùng văn hóa Bắc Tây Nguyên, Nam Trường Sơn.
Do tác động mạnh mẽ và trực tiếp của điều kiện địa lý tự nhiên và sống trong tình trạng của một xã hội khép kín, các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam, trong quá trình tồn tại và phát triển đã tạo lập được một đời sống văn hóa ổn định và có nhiều sự khác biệt với đồng bào Kinh ở miền xuôi.
Các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam sống hồn nhiên giữa núi rừng, hòa nhập hoàn toàn với thiên nhiên, lại thường xuyên có những lễ hội liên quan đến sinh hoạt, sản xuất - lao động, tập quán, tín ngưỡng... nên họ có nhu cầu tất yếu là ca hát, diễn xướng. Đó là một sự giải tỏa tâm tình, là cách biểu lộ, bộc bạch về những ước mơ, những khát vọng chân thành trước thiên nhiên, trước thần linh và mọi người trong cộng đồng cư dân ít nhiều khép kín của họ. Đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam có thể ca hát, diễn xướng ở mọi nơi: hát trên đường, trên rẫy, hát khi làm việc, hát trong lễ hội, hát lúc vui chơi, hát cả nơi đám ma; hát ru con, ru em những khi ở nhà hay thông qua tiếng đàn, tiếng sáo để ướm tình, tỏ tình giữa những đôi trai gái trong không gian hoang sơ, lồng lộng giữa những dãy núi xanh ngút mắt của những cánh rừng đại ngàn trên dãy Trường Sơn hùng vỹ...
Các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam đều có vốn âm nhạc truyền thống đặc sắc. Không có dân tộc nào không có những nhạc cụ phong phú dưới những hình dạng khác nhau, bao gồm cả bộ gõ, bộ dây và bộ hơi; trong đó nổi bật nhất và được ưa chuộng nhất là bộ cồng chiêng và trống. Các nhạc cụ của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam nhiều khi giống nhau, hoặc tương tự nhau, dù có thể tùy theo từng tộc người, tên gọi của chúng khác nhau hoặc có sự khác biệt về số lượng... Người Cơ-tu thì có các loại nhạc cụ truyền thống như: đàn hai dây (Ân rưl), sáo dọc (Toát), sáo ngắn (Ahen), sáo (A luốt), tù và (T'Gê), đàn Abel (Abel), đàn bầu (Tâm Bréh), các loại trống như trống nhỏ (Ch'Gâr), trống trung (Pâr lư), bộ cồng chiêng ... Người Gié-triêng thì có sáo nhỏ (Đinh Bbăm), sáo dọc (Đinh Bul), đàn bầu (Đinh Đươl), đàn Ót Groong... Người Cor thì có đàn Và-ró, đàn Cà-đoóc, đàn R'ngoáy (đàn môi)... Người Xơ-đăng thì có các loại nhạc cụ như đàn đá (Coong Mo), đàn Klông Pút... Những loại nhạc cụ này là những vật không thể thiếu trong đời sống tinh thần, trong những dịp lễ hội lớn nhỏ, những cuộc vui chơi ca hát... của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi xứ Quảng. Đó là những lễ hội như hơmon (của người Xơđăng, Cadong), tabol (của người Cor), Bhmon, Cha Haroo Tamêê...(của người Cơtu), Kamonmon (của người Bhnoong), Cha-Kcha (của người Giẻ-triêng)... hay những lễ hội như lễ đâm trâu, lễ mừng nhà Gươl, lễ mừng lúa mới, lễ cúng máng nước, lễ đầu năm mới... và cũng có khi vào những dịp cưới hỏi, lễ kết nghĩa...
Cũng như các cộng đồng dân tộc anh em khác trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, âm nhạc truyền thống nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam là những giá trị đã tồn tại lâu đời, đã gắn kết với chính cuộc sống của các dân tộc thiểu số từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã trở thành tâm thức dân tộc, mà khi nào các tộc người này còn tồn tại thì những giá trị âm nhạc truyền thống, những giá trị văn hóa đó sẽ như mạch máu vẫn âm thầm chảy trong trong tâm hồn họ. Bài và ảnh: MAI HỒNG LÂM