Khai thác keo thuê, một công việc mới tuy vất vả nhưng nhờ đó mà nhiều dân nghèo huyện ta có thêm khoản thu nhập ngoài công việc nương rẫy.
Hầu hết người dân Phước Sơn sống phụ thuộc vào nghề nông nghiệp và trồng rừng. Khoảng vài năm trở lại đây, nghề trồng keo phát triển mạnh, nhất là ở các địa phương vùng thấp, vùng trung. Mỗi khi đến đợt khai thác keo, không chỉ chủ vườn keo có khoản tiền kha khá mà người dân địa phương có thêm một công việc mới-công việc cưa keo, bóc vỏ và vận chuyển keo lên xe.
Nghề khai thác keo thuê hình thành những nhóm nhỏ, từ 8 đến 10 người. Đây là công việc đòi hỏi sức khỏe, chịu khó nên số lượng lao động thường không ổn định.
Đi dọc theo các tuyến đường từ Phước Xuân đến Phước Mỹ, thời điểm này đang rộ những đợt thu hoạch keo. Trên những triền đồi, từng nhóm người tất bật với công việc, tiếng máy cưa vang lên chát chúa tạo nên âm thanh quen thuộc nơi núi rừng.
Tại khu vực nước Trẻo, thị trấn Khâm Đức, chưa đầy hai cây số có khoảng bốn điểm khai thác keo. Gặp nhóm lao động do ông Trần Văn Ngọc khối 1 thị trấn Khâm Đức làm chủ đang tất bật dọn keo, chúng tôi cảm nhận được phần nào vất vả của công việc này.
Khu vực khai thác chỉ cách đường HCM khoảng một cây số nhưng phải đi bộ qua con suối. Ông Ngọc cho biết, thu hoạch keo không theo mùa. Hễ khi nào đến tuổi khai thác, các chủ vườn keo sẽ gọi bán. Công việc thu hoạch keo rất vất vả. Nếu mua được rẫy ở những địa điểm sát đường, đi lại dễ dàng, người mua sẽ giảm bớt được chi phí nhân công, vận chuyển. Đối với những khu vực khó đi lại, như trong rừng sâu hoặc trên các đỉnh núi, muốn khai thác phải mở đường để xe chuyên chở vào nơi gần nhất, nhằm rút ngắn công đoạn bốc vác cho lao động. Chỉ tay vào bãi keo đang nằm ngổn ngang dưới chân, ông nói: Vườn keo này chủ vườn bán cho ông với giá 40 triệu đồng. Để khai thác hết diện tích này ông thuê 7 lao động đảm nhận công đoạn bóc vỏ, chặt thân và bốc vác xuống nơi tập kết. Tính ra chi phí khai thác xong diện tích này mất khoảng 40 triệu đồng nữa. Trung bình mỗi tấn ông vận chuyển đem xuống nhập tại nhà máy là 10 triệu đồng. Do có máy cưa nên sau khi thu mua, ông đảm nhận luôn việc cưa keo. Theo ông, khi cưa phải chú ý quan sát và đoán hướng cây có thể ngã để đảm bảo an toàn cho người khác và theo ý đồ. Nếu thuê thì trả theo tấn hoặc theo ngày công. 50 ngàn đồng một tấn, 200 đến 300 ngàn đồng ngày công. Tuy nhiên, mức giá chung thường khoán theo tấn. Trung bình một lao động một ngày có thể cưa được từ 10 đến 13 tấn. Nhẩm tính công việc cưa keo sẽ đem về khoảng 500 đến 600 ngàn đồng một ngày. Tuy vất vả nhưng phải công nhận công việc khai thác keo đã đem lại cho gia đình ông một khoản thu nhập lớn cũng như tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
So với cưa keo, công đoạn bóc vỏ, vận chuyển keo xuống nơi tập kết để chất lên xe cũng không hề đơn giản. Sau khi cưa thân keo thành từng khúc, những người còn lại sẽ đảm nhận việc bóc vỏ. Công đoạn này chủ yếu là lao động nữ. Có hai cách tước vỏ. Có thể dùng thân cây đập dập phần vỏ hoặc dùng một đoạn sắt để đục thủng vỏ rồi dùng tay tước. Sau khi được làm sạch, đoạn keo được thả xuống sườn núi. Tiền công hiện nay là 160 ngàn đồng một ngày. “Công việc này cũng rất nguy hiểm. Vì phần lớn keo được trồng ở sườn dốc, hơn nữa sau khi bóc vỏ, thân keo rất trơn, nếu không cẩn thận rất dễ bị trượt chân hoặc thân cây va vào người. Bị bầm tím, chảy máu là chuyện khó tránh khỏi” - chị Lê Thị Mến, một lao động ở thị trấn Khâm Đức cho biết.
Tranh thủ thời gian nhàn rỗi trong dịp hè, em Hồ Thị Lam ở thôn 2 xã Phước Năng theo mẹ đi làm. Mỗi ngày, em cùng mẹ và em trai kiếm được gần 500 ngàn đồng. Công việc này có hơi quá sức với em nhưng khoản tiền kiếm được cũng đủ để em và em trai mua sách vở chuẩn bị cho năm học mới.
Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng công việc khai thác keo thuê đã và đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện ta. Thanh Thúy