Bài thơ sông núi
Ghi chép
I. Khởi hành:
Sau chuyến “giang hồ” bốn huyện miền núi tỉnh nhà vào mùa hè năm 2012 của nhóm bạn văn nghệ, nhà văn Lê Trâm “lẩy vui” cái tựa ghi chép Khúc Tây Hành của tôi rằng: Sang năm làm tiếp “Khúc trời hành…”! Sẽ thật như vậy ở một chừng mực nào đó. Đi, cái khao khát ấy nó rủ rê như lời níu gọi của tình yêu không kém phần mê hoặc, như lứa đôi đang kỳ thèm ấm nóng hơi nhau. Vậy là đến hẹn lại lên. Chúng tôi đi.
Từ thành phố Tam Kỳ, chúng tôi xuất phát vào sáng sớm ngày mùng 8 tháng 7 năm 2013 này, theo lộ trình đã được dự định, đón nhà thơ chuyên trị “bốn câu” Võ Bá tại ngã ba Cây Cốc, Thăng Bình. Từ đó theo QL 14E trực chỉ thị trấn Tân An của huyện Hiệp Đức. Thái Bảo Dương Đỳnh, Nguyễn Cường và cô sinh viên báo chí năm hai Thái Thị Xuân, nguyên học trò cũ của “Thầy Cường” đã đón đợi từ sớm. Đoàn làm ngược lại hành trình năm cũ tìm lên Khâm Đức. Để từ đó men theo dãy Trường Sơn hùng vỹ mà nhìn ngắm cho thỏa mộng lãng du quê xứ nước non mình. Đường xa vạn dặm thiên lý man man, mà lòng ham hố của con người thì không hạn định. Đành vậy, nên theo như kịch bản đã tạm thống nhất, chúng tôi dừng chân ăn trưa tại thôn mười Phước Hiệp, trong nhà người em cũng đặt điều thơ phú Nguyễn Tư Phú Đông của tôi. Đây là xã thuộc vùng thấp nhất của huyện Phước Sơn tiếp giáp với Hiệp Đức, một ngôi làng lẻ loi ốc đảo giữa núi rừng, chỉ khoảng dưới một trăm hộ rải rác men theo QL14E này và lẩn khuất những mái ngói đỏ nhấp nhô sườn núi trong miên man xanh của cây trái vườn nhà. Đa số là dân từ Hội An, Hiệp Đức, Quế Sơn lên lập làng, đời sống của cư dân đã may mắn vượt qua được cái đận gian khó đói cơm lạt muối bởi không có đường giao thông thuận tiện. Nay đây đó những ngôi nhà khang trang đẹp đẽ lần lượt được xây nên thay thế tranh tre dột nát một thời, ti vi xe máy đã lên đời, con em được hai buổi đến trường miệt mài “điện sách”. Bà con đang ngày càng nỗ lực vươn lên làm giàu bằng kinh tế vườn rừng, chăn nuôi và các dự án của nhà nước hỗ trợ. Nhưng để dừng chân ở đây, chúng tôi phải mở hàng bằng một cú lạc đường hết sức ngờ nghệch và bữa cười đau ruột ngay tại cửa ngỏ nhà mình!? Số là sau khi vào thăm khu căn cứ cách mạng và thắp hương viếng các Văn nghệ sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng giành độc lập mà bà con ta hay thân thương là “khu Ông Công” tại xã Sông Trà của huyện Hiệp Đức. Vì mê mải chụp hình nên nhà thơ Huỳnh Trương Phát, người không biết bao nhiêu lần đã đặt chân đến nơi này vẫn ngơ ngẩn cùng với cái ham hố mới mẻ Nguyễn Cường, các vị ngon trớn mà chạy vào tuyến Đông Trường Sơn đang thi công, đến khi không còn đường chạy nữa mới biết mình bị lạc. Báo hại anh em cứ nóng sôi bụng dạ mà chờ, mà điện thoại chẳng ai nghe, mà mất sóng số điện thoại này tạm thời không liên lạc được. Không lạc ngay từ cửa nhà mình mới là chuyện lạ, phần thì đường ngon như gái chưa chồng hơ hớ thế kia, phần thì rừng núi mang mang nỗi niềm đất nước. Cái nhìn đã mở ra khai phóng cảm xúc không lời không đầu không cuối bởi khí thế rạo rực của sự sung sướng được đi một chuyến, được rời bỏ những lo nghĩ vụn vặt đời thường vợ rầy con khóc của đám văn nghệ sỹ quen thói mộng mơ, chuyên thả hồn trên cõi không trọng lượng. Mà trước ta không thấy bóng đồng hành/ mà sau ta không còn ai để hỏi/ điện thoại a lô không có sóng/ ngẫm bao la kia mà run sợ. Thôi thì cứ cắm đầu cắm cổ mà chạy mà rủa thầm anh em sao nỡ bỏ bạn bè trong cơn tự sướng, ai ngờ đâu nỗi cô đơn kia chính là cái bẫy ngẩn ngơ mình tự gài mình.
Phước Sơn địa đầu vẫn còn nguyên mãn nhãn núi non hai bên đường, sự lãng mạn của tầm mắt đã được mở hết góc nhìn cho thỏa thuê cung đường cửa ngỏ dẫn vào phố núi Khâm Đức. Đây là cung đường của thi ca nhạc họa bởi những cung bậc gợi mở, những giai điệu núi đồi biến tấu nhẹ nhàng mà dìu dặt, những trầm thiết sắc màu miên man mà âu yếm mắt nhìn, sự hào phóng đất trời đã ban phát riêng cho một khoảnh núi non hữu tình thơ mộng này sự uyển chuyển và mềm mại đầy nữ tính, như những sơn nữ vừa thẹn thùng e lệ nấp sau lưng bạn mà ngạc nhiên trước thán phục của xì xầm khách lạ, lại vừa không giấu giếm nỗi tự hào khi khoe cái đẹp quyến rũ độc đáo chỉ riêng mình mới có. Một điểm nhấn bù trừ cho sự dữ dội và hùng vỹ, gãy gọn mà đột biến của đặc trưng núi rừng xứ Quảng. Xa kia, ngọn Xuân Mãi lừng lững đỉnh cao “Bài thơ nhờ độc giả Phước Sơn đặt đề” của Trinh Đường tiên sinh, câu thơ như ám vào lòng những con người cũng vì tội nợ văn chương mà đánh đường tìm thi tứ. “Xa em anh biết tựa vào đâu / Vắng em anh còn chưa tới nửa / Đêm nay ôm trọn Phước Sơn mình / Lấy cả núi rừng kê gối ngủ”. Ôi! Tiên sinh còn có núi rừng để kê gối chớ nhóm hậu thế chúng em chưa biết đêm nay sẽ gởi giấc mộng lòng của mình vào chốn nơi nào, bởi chưng đoàn VNS thực tế sáng tác lần này nằm ngoài kế hoạch và quy chế của tổ chức Hội VHNT tỉnh, lại sinh hoạt ở hai cấp quản lý khác nhau. Nói chữ là phong phú đa thành phần nhưng gọi thẳng ra lại là một nhóm quân có phần ô hợp. Hội tỉnh, hội thành, hội CLB kể cả hội viên của chả hội nào… Chẳng qua thèm đi quá mà thậm thụt rủ nhau thôi. Vậy nên ngoài cái giấy giới thiệu của Hội VHNT Quảng Nam cho trưởng đoàn tạm chọn và mấy tờ công văn giới thiệu của Văn nghệ Tam Kỳ thì đoàn coi như tự làm cuộc trường chinh bụi bặm thế thôi, không thật đủ điều kiện để liên hệ với chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ. Vậy mà hình như ông xanh kia cũng còn thương những lứa học trò ham vui tối dạ của Tố Như, nên chi đi đến bất kỳ một chốn nơi nào, gặp bất kỳ một ai cũng đều nhận được sự hậu đãi chí tình, khiến cả nhóm văn nghệ kỳ khu không ai không cảm động.
Nhận được tin của nhà thơ Thái Bảo Dương Đỳnh về việc có VNS đi thực tế sáng tác ghé ngang Khâm Đức, anh em Phòng VHTT huyện Phước Sơn đã nhiệt tình tiếp đón đoàn ngay tại cửa cơ quan Trung tâm VHTT huyện, sau tuần trà nước thân mật, anh Vinh trực tiếp dẫn đoàn lo chỗ nghỉ ngơi qua đêm tại nhà khách Bưu Điện rồi xúm xít hàn huyên trong bữa cơm tối thâm tình, cùng đến chung vui có các anh Tài, anh Tuấn bác sỹ và anh Thọ phó phòng, kèm theo cô bé Dung cao ráo đẹp người, vừa ra trường khoa báo chí khóa 32 trường Đại học Khoa học Huế. Nói chung đều là dân ít nhiều dính dáng đến văn hóa, văn nghệ cả. Chủ khách chuyện trò râm ran trong tiếng cười tiếng nói, chuyện quê chuyện xứ, chuyện đất chuyện người, rồi thì những kỷ niệm một thời tuổi trẻ và công tác cứ kéo dài mãi bên ly rượu ấm nóng. Để thuận tiện cho chuyến “công cán” có phần đặc biệt của chúng tôi, bằng quan hệ thân hữu, anh Vinh đã liên lạc với đồng nghiệp tại huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum “gởi gắm”. Chỉ vài cuộc a lô những tưởng đưa đẩy thế thôi mà chúng tôi đã nhận được biết bao nhiêu ấm áp ân tình và sự giúp đỡ vượt quá mong ước của một chuyến lữ hành. Ngồi viết lại những dòng này, ngoài cảm nhận về một chuyến đi đầy kỳ thú, còn là những gặt hái quý giá về tình người, tình quê hương, tình đồng nghiệp, những người làm công tác văn hóa văn nghệ, những tâm hồn biết yêu quý cái đẹp, yêu quý sự thiết tha nỗi đời nỗi người trong cuộc sống vẫn còn bộn bề gian khó, còn nhiều thử thách và nỗ lực để, làm cho cuộc đời ngày một đáng trân trọng thiết tha hơn.
Chia tay đoàn bịn rịn tại ngã ba địa đầu thị trấn Khâm Đức, anh Phạm Phú Vinh chúc chúng tôi có một chuyến thực tế sáng tác đạt được kết quả mỹ mãn. Tranh thủ làm mấy cú bấm máy lưu niệm giữa ngã ba đường, chúng tôi chào nhau trong bùi ngùi và mong có ngày gặp lại, mới thấy câu hát của cha ông mình ngày xưa vẫn mãi là bài học dặn dò không bao giờ cũ ”Khi xa chỗ ngõ cũng xa / Khi gần Vĩnh Điện La Qua cũng gần…”
II. Chiều mưa biên giới:
Vốn là người đã quen dịch chuyển bởi cái nghề cầu đường rày đây mai đó trước kia, nên chi bao giờ trong ba lô túi xách của tôi cũng tương đối đầy đủ đồ nghề cho những bận rời nhà, chẳng những bản đồ toàn tỉnh và bản đồ chi tiết thành phố Kon Tum, giấy bút lẫn ghi chép để “hành nghề” mà còn có cả kim chỉ linh tinh các thứ nữa…Bởi vậy, khi đoàn xe máy chúng tôi vừa qua khỏi địa giới hai tỉnh chưa được mấy nỗi, thì tất cả phải dừng chân bon bon trên đường thiên lý ngay khi bám đoạn đèo Lò Xo nổi tiếng thuở nào. Lạnh. Ở Quảng Nam mình đang khi thời tiết vào độ nóng bức kinh người thì giờ đây trên đỉnh Trường Sơn, nơi vừa mới mon men vào xứ Kon Tum núi rừng Tây nguyên cực bắc, cả nhóm đã chịu, không thể nào chạy xe được nữa. Tôi hể hả ráp hai tay của chiếc áo bành dày trục được chuẩn bị sẵn để thi gan cùng sương gió thì anh em ai nấy đành phải lôi những chiếc sơ mi mỏng mảnh đem theo để mặc vào vài ba lớp, có anh vỏn vẹn hai chiếc áo quá mỏng không đủ ấm người, đành phải chơi luôn cả quả đi mưa tiện lợi giữa trời trưa nắng đổ lửa trông ngô nghê đến tội, thế mới biết “đi một ngày đàng học một sàng khôn…”, tuy vậy cũng không hoài, con đèo quanh co trong chiến tranh đã thực sự được “kéo” ra cho bớt lò xo đi đúng như lời tuyên bố hùng hồn của tướng Đồng Sỹ Nguyên dạo ấy, nên có vẻ cũng đã bớt hung hiểm so với hình dung của chúng tôi và lời dặn dò cảnh báo của những người đã từng qua lại. Càng vi vu cái lạnh càng ngấm hơn, con đường trước mặt cứ thế quanh co giễu cợt và mời gọi, ngày càng nâng dần lên. Sự quyến rủ càng làm say sưa bao ánh nhìn, áp suất không khí đã bắt đầu làm ù tai những chàng “kỵ xa” tân thời. Mặc, thấm béo gì kia chớ khi lòng mình được mở ra hào sảng trước trời đất bao la và núi rừng phóng khoáng. Chúng tôi chạy xe qua khu vực của huyện Đak Glei này bằng tâm thế của những kẻ xa nhà tí chút. Đây cũng chính là quê hương của tục lệ “Củi hứa hôn” của đồng bào người Giẻ T’riêng. Khi nhà có con gái đến tuổi cập kê thì các cô bé ấy ngày ngày vào rừng lấy củi về để dành cho lễ bắt chồng. Cũng chính khu vực huyện Đăk Glei này, có ngã ba rẽ về hướng đông để đến được Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, nơi có giống sâm cực kỳ quý hiếm mà quê hương Quảng Nam cũng được hưởng phần ở mé đông bắc của ngọn núi hùng vỹ này. Rất tiếc thời gian và lộ trình đã không cho phép chúng tôi tìm đến, cũng như suốt chuyến đi đã phải nuối tiếc bỏ qua rất nhiều điểm đến đầy thèm muốn, đành hẹn lại một dịp mơ hồ khác. Nếu ví von tuyến đường xuyên sơn chiến lược này là trục xương sống của Tổ quốc, thì địa phận của mỗi địa phương cấp huyện mà nó băng qua có thể xem như là một đốt xương sống. Những tên làng tên đất Đăk Man, Đăk Pék, Đăk Kroong v.v…mới mẻ với chúng tôi hứa hẹn những phát hiện nhiều hấp dẫn, giống như những mạch máu li ti dẫn dinh dưỡng nuôi hình hài Tổ quốc thiêng liêng và bi tráng. Dừng xe ở một đoạn đường quá đẹp, cái hùng vỹ nên thơ gợi bao nỗi tự hào khi trong huyết quản của mình ấm nóng giòng máu con Hồng, cháu Lạc, truyền dẫn từ đời này sang đời khác tâm thức rằng ta, giòng giống mẹ Âu Cơ cha Lạc Long, hậu duệ của Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu duệ của Bà Trưng, Bà Triệu, của anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung Nguyễn Huệ, vụt lớn Phù Đổng đánh đuổi ngoại xâm giữ vững cõi bờ, đã đổi bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu núi xương sông máu dày công mở mang khai phá và gìn giữ gấm vóc non sông này. Lòng xúc động thật sự dẫu chưa vụt hiện thành một tứ thơ, một đoạn văn nào nhưng ở mỗi tâm tình sâu kín nhất của chúng tôi, đã chia sẻ tỏ bày tình yêu quê hương đất nước mình, tự tình dân tộc máu đỏ da vàng mình một cách chân thành nhất, như sẻ chia một nỗi niềm quý báu giữa bạn đồng hành. Ôi quê hương đất nước! Sao người đẹp và nên thơ đến vậy! Sao người thiêng liêng và hùng vỹ nhường kia! Chúng con muốn quỳ xuống đây, giữa rừng thiêng núi đỏ này mà hôn vào từng gốc cây ngọn cỏ, mà nâng niu từng nắm đất cha ông truyền lại, máu trong tim con làm một triện son, mỗi hơi thở con là một dòng ký tự ghi vào địa bạ văn bằng cương thổ, nguyện làm muôn một sở hữu chủ kế thừa di sản tiên tổ đã đắp bồi. Con muốn nằm xuống đây ngữa mặt nhìn trời, hỏi những mây trắng kia đâu là quê nhà, hỏi những cơn gió kia đâu là trú xứ. Ôi! những tưởng nỗi niềm này cụ thể đến cầm nắm được trong bàn tay của mình mà dâng tặng cho nhau…
Cơn mưa đầu mùa đón chúng tôi ở cuối xã Đăk Môn, đoạn chuẩn bị tiếp giáp với huyện Ngọc Hồi. Trời vừa mưa vừa nắng, từng dải nắng xuyên qua màn mưa trắng đục cứ chói chang vào một phần mặt, gió vùn vụt bên tai, những hạt mưa quất xối xả vào mắt, vào mũi. Mặc, cứ thế chúng tôi uốn lượn những vòng xe men theo những vách taluy sừng sững đỏ, men theo những vực thẳm hun hút phía bên dưới thung lũng kia mà trầm trồ sung sướng. Vút qua, vút qua quê hương mình, vút qua những bản làng của đồng bào dân tộc nằm khiêm tốn đến đáng yêu bên những cánh rừng, bên những sườn núi thoai thoải gợi ra bao cảnh yên bình mộc mạc, vút qua những địa danh hào hùng máu lửa một thời chiến trận. Cứ thế, hết mưa lại nắng, những cơn mưa nắng thất thường dạo đầu cho một mùa mưa Tây Nguyên đến sớm đón chúng tôi. Khi đoàn đến được thị trấn Plây Kần thì đã quá trưa, đây là trung tâm của huyện Ngọc Hồi, nơi có tiếng gà ba nước cùng nghe. Đã nhận lời giúp đỡ đoàn từ trước, anh Huỳnh Huy Quyền, một chàng trai Nghệ An, chuyên viên phòng VHTT huyện gặp chúng tôi tại một quán cà phê phố núi. Qua trao đổi, anh đưa ra nhiều đề xuất hết sức hấp dẫn, dẫu trong thâm tâm chúng tôi cũng đã nghĩ đến nhưng ngại làm phiền hà nên không dám ngỏ lời. Từ đó, Quyền làm một hướng đạo hết sức chu đáo và nhiệt tình, anh vui vẻ kể cho chúng tôi nghe nhiều thông tin quý giá về đất và người ở đây, về nền văn hóa bản địa đặc sắc giúp chúng tôi phần nào hình dung được nơi mình đang đặt chân đến. Đoàn xe nhằm hướng tây theo QL40 hướng về Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, nơi biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Kampuchia. Một trong những điểm đến thiêng liêng và đặc biệt của Tổ quốc. Trời ngày càng mưa to hơn, mặc dầu mỗi người đã trang bị đầy đủ áo đi mưa nhưng khi đến được ngã ba Đông Dương thì tất cả đã đẫm ướt, tuy vậy vẻ hớn hở mừng vui vẫn tràn trề lên từng khuôn mặt. Dừng chân thuyết minh về ý nghĩa lịch sử của ngã ba này, Quyền cùng chúng tôi chụp mấy pô hình kỷ niệm, có lẽ đây là một dấu ấn khó quên nhất của chúng tôi trong chuyến đi này. Rời ngã ba Đông Dương, chúng tôi càng lúc càng gần đến vùng biên cương của Tổ quốc, tiếng của Quyền vang trong mưa gió kể cho chúng tôi nghe về một tộc người được xem là dân tộc ít người nhất ở nước ta hiện nay trong cộng đồng 54 anh em chung sống trên đất nước hình chữ “S”. Theo số liệu điều tra tháng 12 năm 2012, cộng đồng người Brâu làng Đăk Mế cách ngã ba biên khoảng 2km về phía thị trấn Plei Kần, có 390 nhân khẩu trên 98 hộ, cùng chung sống với cộng đồng 6 tộc người thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Điều đặc sắc ở đây là đồng bào hình như còn giữ nguyên được vốn văn hóa khá độc đáo của mình, cũng theo anh Quyền, hiện nay còn một cụ bà duy nhất có hình xăm trên mặt, đó là những hoa văn đẹp chỉ riêng người Brâu mới có, và chỉ người phụ nữ uy quyền nhất, tài giỏi nhất, được cộng đồng già làng tín nhiệm thì mới được xăm mặt, coi như đó là một đẳng cấp cao quý đại diện cho cả tộc người. Tiếc rằng thời gian và cơn mưa đã không cho phép chúng tôi được đến thăm làng, cũng như làm một cuộc đến thăm cột mốc chính thức của ba nước. Tập trung tại trung tâm thương mại quốc tế Bờ Y tránh mưa và chờ làm thủ tục xuất cảnh, Quyền đưa chúng tôi qua bên kia biên giới, vào phần đất của bản Phu Cự, huyện Phu Veng, tỉnh A PaTư nước bạn Lào, một cụm quán vùng biên chìm trong màn mưa sẫm tối, chúng tôi thưởng thức món xôi Lào dẻo thơm trong những chiếc giỏ đan nho nhỏ xinh xắn nhiều màu, món dế đặc sản của bạn và ly bia Lào đậm đà sưởi ấm cơn lạnh một chiều mưa biên giới hết sức thi vị. Những câu thơ Quang Dũng thấp thoáng hiện về trong ngõ ngách vi tế run lên vì xúc động. Chúng tôi bật điện thoại để gọi về quê nhà nhưng không bắt được sóng, cảm giác mình rời xa quê hương đất tổ đã hiện hình, dẫu rằng nơi đây trên phần đất bạn bình yên và hiếu khách, vẫn có chút cảm giác gì đó gợn buồn không phải cho riêng mình mà còn cho cả những ai đã vì nhiều lý do sinh cơ lưu lạc, thì nỗi ngậm ngùi cố xứ kia hỏi sao không canh cánh bên lòng.
Để trao đổi được với bạn, chúng tôi đành phải qua thông dịch viên Quyền, và hóa ra trong đoàn chúng tôi có người biết nói và đọc được chữ Lào, số là nhà thơ Võ Bá đã từng có ba năm công tác ở nước bạn. Tuy những người dân biên giới này có thể nói rành được tiếng Việt, dẫu sao chúng tôi vẫn cảm thấy có một khoảng cách trong sự hiền lành và hiếu khách kia, đó chính là sự khác nhau về những ý tình dân tộc, mới thấy giá trị của những khái niệm về chủ quyền, về độc lập là những nghĩa lý hoàn toàn cụ thể và thiết thân như máu thịt. Chia tay những người bạn Lào hiền lành và rất mực đáng yêu, chúng tôi trở về trong màn mưa ngày càng “biên giới” hơn, gió biên giới kiêu hùng mà tiêu sái, chiều biên giới mờ xa ảm đạm làm vang lên trong vô âm câu thơ Đỗ Phủ ngậm ngùi. “ Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba gian thượng sử nhân sầu…”. Ai ai cũng nghe trong tâm hồn mình dấy lên những cảm thức bâng khuâng kỳ thú. Thì cũng núi rừng kia thôi, thì cũng cây lá kia thôi, cách nhau một cánh chim trời, một tầm hú gọi, nhưng cũng chỉ một lúc nữa thôi là ta lại về được tổ quốc yêu dấu của mình, như thể đã từng những tháng năm dài lênh đênh phương trời vô định. Một chuyến đặt chân qua khỏi vùng lãnh thổ nước non nhà mà đã cảm khái biết chừng nào. Chúng tôi xin phép đồn biên phòng của nước bạn để chụp hình cơ quan Cửa khẩu Quốc tế Phu Cự, các anh vui vẻ đồng ý, thế là trong màn mưa không phải của quê xứ ấy, chúng tôi thả lòng mình hân hoan với một chiều mưa xứ bạn. Trở về đến cột mốc Lào Việt, lại mưa, lại chụp hình lưu niệm, những cơn gió núi rừng thét gào hung hãn vẫn không làm nhụt chí, dễ gì có được lần nữa rong ruỗi phương này, chúng tôi chẳng còn ai sợ hư hỏng máy chụp hình mà trước đó cứ khư khư che chắn, hỏi ai có thể không tiêu vung một lần giữa đất trời này kia chứ. Võ Bá bật mấy câu sở trường tức cảnh “Cùng một sắc mây xanh cỏ biếc/ Hương rừng thơm gió cũng một màu/ Ở đây trời đất dường không biết/ Cột chủ quyền hai mặt khác nhau…”
Trong một quán cà phê xinh xinh mang tên Hương Trầm, đến chung vui với chúng tôi là anh Lê Huyên quê xã Duy Thu huyện Duy Xuyên, trưởng phòng VHTT huyện Ngọc Hồi, anh Bùi Viết Sỹ quê Bình Triều Thăng Bình, phó phòng, chúng tôi thăm hỏi nhau về gia đình và công việc, chưa kịp trình bày, anh Huyên đã mở lời rằng nhận được tin anh em quê nhà đi công tác nên anh đã sắp xếp mọi việc đâu vào đó rồi, nghĩa là anh hết sức thân tình và chu đáo khiến chúng tôi thật sự xúc động, không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn tấm lòng của một người đồng hương tốt bụng. Cũng chính nhờ các anh đã bố trí tất cả mọi việc cho chúng tôi trong thời gian dừng chân ở huyện này, từ việc phân công Quyền dẫn đường, đến việc liên hệ với hai đồn biên phòng cho phép chúng tôi chuyến qua Lào chiều nay, đến nơi ăn chỗ nghĩ tươm tất. Tự nhiên chúng tôi ai cũng thầm nghĩ rằng nếu chuyến đi này không thu hoạch được bài vở gì thì hóa ra phụ lòng không biết bao nhiêu bè bạn, phụ một tấm chân tình. Nhưng hỡi ơi! Sáng tác và tác phẩm là sự trêu ngươi đánh đố không lường, ai biết được điều gì chờ ta trước trang giấy trắng kia, nơi sẽ tái hiện lại tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước, những con người ngày ngày vẫn buồn vui sướng khổ bên ta, hay chỉ là những dằn vặt xót buốt về sự bất lực của chính mình. Vì vậy mà đi, mà tiếp tục những truy vấn không bao giờ ngưng nghỉ, như một duyên nghiệp éo le của định mệnh xúi giục ma muội mà cũng rất đỗi hạnh phúc tột cùng, như một mê say lỡ vướng đời vào thì suốt kiếp không thể nào còn mong gỡ bỏ.
( Còn tiếp)
Tam Kỳ ,7/2013
Nguyễn Đức Dũng
Nguyễn Đức Dũng
Bài thơ sông núi (phần II)
Ghi chép
III Dùi Chiêng bên sông Đăk Bla
Để có được những cung đường phẳng lỳ rộng thoáng, đẹp đến ngẫu hứng, cho chúng tôi thả hồn mình mộng mơ thụ hưởng khoái cảm tê người khi đôi tay miên man say cùng chiếc ghi đông xe máy nuốt từng dặm trường xứ núi này. Đất và người Kon Tum đã phải làm một hành trình 100 năm đầy biến động. Băng qua rừng thiêng nước độc, thú dữ và những bệnh tật núi rừng nhiệt đới thách thức niềm tin y học. Băng qua tù đày lao dịch khổ sai. Băng qua những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ. Đất và người Kon Tum đã viết nên trang huyết lệ riêng mình trong lịch sử chói ngời của dân tộc.
Hôm nay ta đi qua cứ điểm 601 kia, ai biết rằng đó là nơi từng được gọi là “Đồi Thịt Băm”. Chỉ riêng mỗi cái tên ấy thôi đã nói lên nhiều ám tượng mà sách vở khó có thể diễn đạt rốt ráo hơn. Chẳng biết ngoài Bazan thổ nhưỡng ra, dưới mảnh đất này còn tố chất dinh dưỡng nào nữa được tìm thấy mà mỏi mắt hai bên đường mơn mởn non tơ của sắn, là thăm thẳm sắc màu cao su. Xa kia, những cánh rừng trồng nhiều lớp tuổi cứ kế tục hứa hẹn sự sung túc hôm nay và giàu có cho một tương lai đã cận kề. Chỉ còn nghe vang vọng bên tai, lẫn trong tiếng gió vút là hình như còn cả tiếng máu lửa một trời Tân Cảnh, Đăk Tô thuở trước. Đây là một trong ba chiến trường khốc liệt nhất trên toàn miền nam vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Một chiến trường mang tính chiến lược để giải quyết cuộc chiến tranh đã kéo dài những hai mươi năm. Máu và nước mắt, chia ly và đoàn tụ được tính ra thì bằng cả cuộc tranh đấu dài lâu trên khắp đất nước này cộng lại. Hôm nay vẫn còn biết bao nhiêu nắm xương vô định đang âm thầm dưới từng gốc cây ngọn cỏ, dưới từng khe suối đáy sông, bên những thung lũng nhọc nhằn chưa quên ầm vang bom đạn, lẫn khuất bên những cánh rừng làm sao gọi lên được hết tên người, những núi đồi ì ầm tiếng pháo bầy, pháo chụp. Từng linh hồn ấy vẫn ngày đêm theo từng ngọn gió lãng vãng trong khuya khoắc đợi chờ ngày đoàn viên cố xứ. Vì vậy, trong từng sắc độ của phì nhiêu cây trái kia, làm sao rạch ròi cụ thể nổi giá trị của những năm tháng yên bình. Sự hàm ơn của lòng người hôm nay dứt khoát không được một phút giây nào phai nhạt. Dân tộc này, thử hỏi có một gia đình nào lại không góp phần mất mát hy sinh, để hôm nay đây đi giữa xứ sở này, lòng ta chợt dấy lên một truy vấn rằng mình phải sống làm sao cho xứng đáng.
Chúng tôi đến bên bờ sông Đăk Bla trời đã ngả sang chiều, trong ánh hoàng hôn một ngày đầu mùa mưa, phố núi dường như vương vấn chút buồn sơn cước. Nhìn từ xa, tổng thể không gian nơi đây làm ta liên tưởng đến một chiếc nỏ khổng lồ đã kéo căng hết cỡ, mà tay nỏ chính là cây cầu Đăk Bla hiện đại nối thông QL14 hướng về phía tỉnh Gia Lai. Thượng và hạ lưu giòng sông Đăk Bla ở hai bên cầu làm cánh nỏ uốn cong. Theo một đường tưởng tượng, thì khi ta bật mũi tên lao vút đi lại bung nở ra thành một trời pháo hoa nhiều sắc màu rực rỡ trước chiếc nỏ diệu kỳ ấy, đó là hoa viên đầy những kỳ hoa dị thảo phía bắc của cầu đang chen đua khoe gió. Giữa hoa viên, một đài phun nước ngày đêm miệt mài điểm xuyết cho sự thăng hoa sáng tạo của con người và thiên nhiên ở một điểm nhấn thú vị vừa hiện đại lại vừa mang chút sắc thái truyền thống bản địa.
Chúng tôi đến thăm Nhà Ngục Kon Tum trong cơn mưa đan le lói ánh chiều. Từ xa, trên nền trời phía tây, những đám mây sũng nước làm cho khung cảnh thêm thê thiết, gợi nhớ đến một thời lầm than nô lệ, một thời dân tộc đã lê bước chân xích xiềng nước mất nhà tan, trên vai nặng đầy sưu cao thuế nặng. Lòng tôi không thể nào vui lên được trước nỗi niềm này. Thì sờ sờ ra đó, những gông cùm cũ kỹ còn lưu giữ luôn nhắc ta, những roi vọt tù đày ấy làm sao một sớm một chiều có thể nguôi khuây trong nhớ nghĩ: “Cha tạo thân này trồng khoai cuốc đất/ Mẹ sinh đời này múa bút đề thơ/ Đời thuở nhà ai đẻ con đánh trận…/ Nhưng em ơi sóng ngàn đời nhắc ta/ Con đường lông ngỗng trắng/ Nước mắt rơi/ Giếng ngọc còn ngờ…/ Em ơi ta khắc vào xương ta ghim vào tủy/ Ta truyền vào gia phả/ Lời sóng dặn dò/ Lứa đôi còn tình tự trăng khuya/ Phải giỏi cuốc đất trồng khoai làm thơ và đánh giặc/ Bài học nằm lòng em ơi sóng nhắc/ Lệ muối này/ Thương tổ quốc/ Ngoài kia…”
Nhà Thờ Gỗ Kon Tum nhanh chóng hóa giải tâm trạng ngậm ngùi chúng tôi vừa trải. Từng miếng mảng nắng nghiêng sót lại hắt lên tường thánh đường bày ra trước mắt sự tài hoa của những người nghệ sỹ nhân dân trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đành rằng niềm tin tôn giáo kia là một nền văn minh triết học từ phương tây xa đến khó hình dung, nhưng khi du nhập vào tâm thế cư dân bản địa, đã tìm được cách thể hòa đồng, để hôm nay giữa thành phố núi này, thực thể tín ngưỡng ấy đã vượt khỏi giá trị riêng của mình, trở thành một di sản văn hóa bản địa hết sức độc đáo, có thể nói khó tìm ra phiên bản.
Chúng tôi ghé vào quán cà phê vỉa hè nghỉ chân. Nhà thơ Tạ Văn Sỹ đến ngay khi vừa nhận được tin, vẫn chiếc xe máy tàng tàng mà anh đã lang thang khắp mọi miền đất nước. Sau cú bắt tay, chưa đợi chúng tôi ê a, anh đã mau mắn hỏi kế hoạch cụ thể về thời gian, nơi ăn nghỉ khi đoàn ở lại thành phố này. Quả là cái tình văn nghệ đậm đà và thực tế đến xúc động. Nhà thơ xe ôm rút điện thoại “làm việc” trong khi chúng tôi nhắn và mời hai bạn thơ khác đến chơi, Trương Anh Tài, hội viên trẻ của Kon Tum vừa dự trại sáng tác Miền Trung – Tây Nguyên với nhà thơ Nguyễn Ngọc Chương của đoàn, và nhà thơ Từ Dạ Linh, con dân Thăng Bình Quảng Nam đang làm báo tại nơi này. Thôi thì không biết bao nhiêu là chuyện để nói, chỉ thiếu mỗi đọc thơ thôi là đủ một cuộc giao lưu thú vị. Bữa cơm tối đãi bạn không kém phần sang cả ở một quán ăn đặc sản phố núi do nữ sỹ Tạ Phúc Đoan, con gái rượu của Tạ thi nhân ồn ào một cách hết sức thân thương, bởi Đoan có lý do rất đáng yêu là “Dâu Quảng Nam”. Thì ra chồng Đoan quê Tiên Phước nhà mình, vậy đó, trái đất tròn té ra cũng có lý. Cuộc vui còn có mặt của nhà thơ Lại Hữu Kim, chủ tịch hội VHNT Kon Tum, anh Nguyễn Văn Long, chủ tịch Hội Nhà Báo Kon Tum, một anh Nguyễn Văn Long khác, chánh văn phòng UBND tỉnh. Cũng chính anh Long (ủy ban) này lại là người lo sắp xếp để đoàn được nghỉ đêm tại nhà khách sang trọng của tỉnh, anh Cư, Phó giám đốc Đài PTTH Kon Tum, quê Đại Lộc Quảng Nam và nhiều anh em bạn bè dâu rễ quê nhà đến dự. Những tưởng thế cũng quá thâm tình, ai dè anh Long (nhà báo) dứt khoát phải mời anh em dự “Tăng hai” ở một quán khác, thật ra là để tìm không gian phù hợp hơn với một đêm giao lưu văn nghệ bạn bè. Rồi thì thơ, thì nhạc, bài dân ca “Dùi Chiêng” của quê hương Hòn Kẽm – Đá Dừng do nhà thơ Nguyễn Cường lĩnh xướng lại vang vang hòa điệu chủ khách “Chiêng Dùi/ Chiêng - Chiêng Dùi/ Chiêng” trong tiếng đệm lanh canh chén đũa ấy nó mới tự hào thân thương và cảm động làm sao. Chuyện tiếu lâm, chuyện của đất và người Quảng Nam, Kon Tum. Quảng Ngãi, Bình Định…Những tiết mục mộc cứ thế nối nhau suốt một đêm bầu bạn không thể nào ấm áp hơn được nữa.
Sau buổi cà phê sáng thân mật bên dòng Đăk Bla hùng vỹ và thơ mộng. Chúng tôi đến thăm và chào từ biệt anh chị em văn phòng Hội VHNT, văn phòng Hội Nhà Báo Kon Tum, để tiễn chân, anh Long dẫn đoàn đến thăm cầu treo và nhà rông Kon klo của bà con Bana. Đây có thể nói là cây cầu treo đẹp nhất Kon Tum. Nhưng chưa hết, theo các anh, nhà rông này được xem như đẹp nhất Tây Nguyên. Mà thật, với kiểu dáng độc đáo hoành tráng và vút cao của mái lá, những trụ cột thẳng tắp bề thế thô mộc vết đẽo của rìu, những chồng chéo liên kết cực kỳ tinh xảo của hệ thống dàn rầm thượng níu đỡ mái nhà, phía trong rộng rãi và thoáng mát. Bên cạnh nhà rông, cây Kơ nia cành lá sum suê, hài hòa trong một cánh rừng nhỏ. Sau lưng, giòng sông Đăk Bla uốn quanh bao bọc. Tất cả cảnh trí ấy đã trở thành một biểu tượng chủ đạo của văn hóa tây nguyên độc đáo. Chưa chịu thỏa lòng, anh Long lại khoản đãi một vò rượu cần rồi cầm tay nhau mở vòng xoang múa hát vui thấu trời mới đủ bộ lệ. Chuyến đi này, chúng tôi nợ những người bạn Kon Tum một gánh ân tình, chẳng biết làm thế nào cho trọn. Chia tay nhau bên chân cầu thang của ngôi nhà chung Kinh Thượng ấy, chúng tôi trao gởi biết bao nhiêu hò hẹn ân tình, chỉ thiếu nỗi sụt sùi nữa thôi là đa đoan đủ nghĩa…
IV Thơ mộng Măng Đen và hoang liêu Violăc
Nhà thơ Tạ Văn Sỹ đưa đoàn đến tận cửa ngõ phía đông thành phố Kon Tum, nơi bắt đầu của QL24 đường xuống đồng bằng mới chào nhau ở giữa con đường (Bùi Giáng). Chúng tôi siết chặt tay nhau mong những lần hội ngộ. Từ đây, chuyến đổ dốc miên man không biết đến bao giờ mới thôi. Chúng tôi lại đi qua những thôn xóm đã ngày càng thay da đổi thịt, những núi đồi nhấp nhô xanh trong nắng gió. Lại những sắn là sắn, sắn cơ hồ tươm lên những giòng mật ấm no trên từng đọt lá non hồng hào bụ bẫm, từng phiến lá xanh ngời ngút ngát hứa hẹn biết bao nhiêu thu hoạch. Lại cao su, cơ man là cao su. Từng khoảnh rừng cao su dài vuông vắn và tăm tắp đội ngũ. Phía dưới xa kia, Măng đen, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp đang chờ, nghe nói môi trường và cảnh quan nơi đây được mọi người tự hào là một Đà Lạt thu nhỏ. Thật vậy, sau nhiều giờ chạy xe, qua con đèo Măng Đen hao hao Hải Vân nhưng có phần khiêm tốn hơn về mức độ. Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong đón chúng tôi bằng những cánh rừng thông đặc chủng tỏa bóng xuống hai bên đường. Những ngôi biệt thự im lìm nấp sau những cánh rừng kia cho thấy sự khả tín về một điểm đến hấp dẫn. Theo giới thiệu của nhà thơ Tạ Văn Sỹ, anh Đinh Su Giang, giáo viên trường PTDT Nội trú Măng Đen, Hội viên Văn học Kon Tum đón chúng tôi niềm nỡ như người bạn đã thân thiết tự khi nào. Giang đưa đoàn về khu nội trú của trường để sắp xếp cho việc nghỉ lại qua đêm. Làm một vòng quanh thị trấn, Giang đưa chúng tôi đến thăm tượng đài chiến thắng Măng Đen trong hoàng hôn sập tối, phía xa, từng vệt nắng cuối ngày tiếc nuối hắt lên bóng trời quang ảm đạm. Đêm Măng Đen se lạnh.
Cuộc rượu đạm bạc bày ra giữa nền nhà trong căn hộ tập thể nhỏ bé mà đáng yêu của vợ chồng Giang. Chàng nhà văn trẻ này lại tháo vát mượn về cây Guitar ấm tiếng và đẹp mắt, chắc chủ nhân của nó cũng là một nghệ sỹ sành sõi. Ngoài kia trời đã nhòa nhạt từng mảng sương nhẹ mỏng, như chiếc khăn duyên dáng choàng lên vai núi đồi, từng ngọn gió đêm len lỏi thổi qua những cánh rừng mơ màng ngủ. Chúng tôi lại chắp nối những khúc ca tha thiết một thời, những giai điệu tuy có phần “chẹp cheng” của nhà văn Huỳnh Văn Tiến do đã lâu ngày không tập dượt cũng đủ làm xuyến xao những đôi tai nghệ sỹ, tâm hồn mở ra với trời rộng đất dài, đêm tây nguyên chiêu đãi cơn lạnh ngọt ngào cho khách “thương hồ” xứ Quảng một bữa nhiều ấn tượng.
Khi ánh ngày chưa kịp hửng lên trọn vẹn trên mảnh đất này, chúng tôi lại lục tục chuẩn bị cho một buổi sáng thăm thú còn nhiều ham hố mong khai phá. Sau khi thưởng thức ly cà phê sớm se lạnh trong khu quán bày biện có phần hơi sang trọng. Giang đưa chúng tôi đi thăm thác PASỸ, còn gọi là Thác Tóc. Sở dĩ có tên gọi này là bởi từ độ cao khoảng mươi lăm mét, một con thác nước mỏng đều như sương đổ xuống và tỏa bay trong gió, nhìn xa như mái tóc thiếu nữ đẹp đến hoang sơ. Bên cạnh cổng vào thác là khu vườn tượng rộng lớn trên một ngọn đồi, ở đây trưng bày giữa trời, dưới những tàng cây rừng hàng trăm bức tượng gỗ mô tả con người và các loại chim thú, những con vật gần gũi với người. Những tác phẩm này đại diện cho nền nghệ thuật tạo hình của 54 cộng đồng dân tộc anh em. Tuy không rành về môn nghệ thuật độc đáo này, nhưng chúng tôi cũng tìm thấy được những nét biểu cảm hết sức thú vị trên từng khuôn mặt tượng, chứng tỏ nó được sáng tạo bởi những bàn tay nghệ sỹ tài hoa, của những tộc người tài hoa còn lưu giữ những vốn quý bao đời ông cha truyền lại.
Điểm nấn ná cuối cùng ở “xứ lạnh” này là khu du lịch tâm linh tượng Đức Mẹ Maria tọa lạc trên ngọn đồi bên cạnh QL24. Theo Giang, đây là tượng Đức Mẹ độc đáo nhất thế giới. Đó là một bức tượng khiêm tốn về khối lượng và thật sự độc đáo về nghệ thuật mô tả, Mẹ chỉ có chiều cao đâu chừng một mét, ngự trên một đài cao cũng khiêm tốn như vậy, khuôn mặt tượng thể hiện vẻ đau buồn với hai bàn tay bị cụt. Thế nhưng khói nhang nghi ngút và khách hành hương nườm nượp đến chiêm bái và cầu nguyện. Dưới tán rừng hàng trăm chiếc ghế đá do tâm thành muôn phương dâng cúng để tỏ lòng kính tín và ơn phước.
Ấn tượng thống khoái nhất trong chuyến đi này đối với chúng tôi có lẽ là khi xuôi xe xuống đèo Violăc. Không biết chiều dài thực sự của đoạn đường đèo này bao nhiêu cây số, chỉ biết bắt đầu từ khoảng gần trưa, thế mà với tốc độ trung bình khoảng 40 cây số giờ, thi thoảng dừng lại dăm ba phút bên những cánh rừng đẹp đến mê hồn, những đoạn uốn lượn tài tử để chụp hình lưu niệm, chúng tôi phải chạy xe đến hơn bốn giờ đồng hồ mới coi như tạm xuôi xuôi ở địa phận ngã ba Ba Tơ, Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi. Nỗi khoái cảm khi được mình tự cầm tay lái xe máy để đưa mình đổ dốc quanh co qua những cung đường, hun hút dưới những tán rừng hiu quạnh, là cái thú không thể diễn tả được, chỉ biết nó làm ta lâng lâng một cảm xúc mơ hồ mộng mỵ, gió cứ thổi qua không mệt mỏi, đường thì quạnh không một bóng người, không một bóng xe, đi như đi vào nơi chốn chưa từng ai khai phá, sự đơn độc lẻ loi ấy làm cho tâm hồn ta thực sự được trở về với chính bản ngã của mình, được là mình trọn vẹn nhất, không phải che đậy với ai, không phải đãi bôi, vờ vĩnh. Tôi đã đi qua nhiều đèo dốc nước non quê xứ. Nếu Đèo Krôngpa ở tuyến đường lên thành phố Đà Lạt, đoạn qua thủy điện Đa Nhim được dịch là đèo Ngoạn Mục bởi nó thật sự “ngoạn mục”, cũng thì quanh co và hết sức hiểm nguy khi các khúc quanh cùi chỏ có độ dốc lớn, nó làm cho ta cảm thấy mình bé nhỏ trước sự hun hút mắt nhìn khi đã vượt qua được cung đường căng thẳng nhất. Ngoài sự trầm trồ thán phục và kinh ngạc thì ngôn ngữ của con người coi như chẳng qua một tiếng “ồ” đầy cảm thán. Đèo Hải Vân được ngự ban danh xưng “Đệ Nhất Hùng Quan” giữa Huế và Đà Nẵng. Đó là một con đèo thật sự hoành tráng bởi mức độ thiết kế, xây dựng của con người và sự ban phát đặc biệt của trời đất. Qua đèo nhằm lúc trời mưa hoặc sương mù, thì cảm giác như ta lạc vào một tầng nào đó của âm ty địa ngục. Trời đất tối đen như mực, đi như đi trong mờ mờ nhân ảnh rợn lạnh hồn ma bóng quế, gió gào thét tung bờm sóng vào vách đá tưởng đâu tiếng của âm ba muôn nghìn quỷ dữ kêu đòi. Khi trời quang mây tạnh, dưới tầm mắt ta biển đông ngoài kia mênh mang, cho ta cảm khoái về non sông mình bao la và hùng vỹ. Ngược lại, đoạn đường đèo từ thành phố Đà Lạt đổ về Nha Trang 130km qua đèo Hòn Giao - Khánh Lê xuống huyện Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa, thì đó là sạn đạo man man của sức vóc và trí tuệ con người, sự hùng vỹ và dữ dội đã được đẩy lên đỉnh điểm. Có lẽ chỉ được trải thảm đỏ vị trí hàng đầu những con đèo trên đất nước. Khi xe đổ dốc trên đường đèo này, điều làm ta chợt nhớ đến lại là hành trình mà thầy trò Đường Tăng muôn dặm thỉnh kinh cầu Phật đạo. Hoặc giả là chợt nhớ đến Sạn đạo vào Hán Trung mà Ngụy Diên khuyên đốt trong tác phẩm Tam Quốc Chí của La Quán Trung. Nhiều lắm, nhiều lắm, rồi nào đèo Ngang thơ mộng của Huyện Thanh Quan nữ sỹ đã đi vào lịch sử thi ca và ngưỡng vọng hồn người, nào Mang Giang, An Khê trên tuyến QL19 từ Gia Lai đổ về Bình Định. Đèo Cù Mông, Đèo Cả, Đèo Rù Rì đoạn Bình Định Phú Yên vào Nha Trang trên QL1A.v.v… Mỗi con đèo trên đất nước này đều đẹp, đều nên thơ và hùng vỹ, khó có thể nói nơi nào đẹp hơn, thơ mộng hùng vỹ hơn. Điều có thể giải minh cho cái đẹp của Violăc có lẽ ở sự hoang sơ của nó, ở sự còn nghèo và khiêm tốn. Rừng thì vẫn trầm hùng đấy nhưng chưa đủ nghĩa đại ngàn, đường thì vẫn uốn lượn quanh co khúc khuỷu đấy nhưng vẫn còn chút mặc cảm thua thiệt. Cái đẹp của Violăc có thể ở chỗ nó hiu hắt và quạnh quẽ, khiêm tốn và nghèo khó. Nó làm ta chạnh nghĩ về con đường xuyên sơn của ông cha ta thuở nước non này vài trăm năm trước, lúc chỉ ngựa xe và võng cáng trên đường xa vạn dặm. Với làn đường rộng trung bình bốn mét, nó thiếu đi tính hoành tráng bởi sự can thiệp của bàn tay con người. hai bên đường lòa xòa lau lách làm cho sự hắt hiu càng thêm tác động đến tình cảnh thân đơn bóng chiếc đường xa. Bởi vậy ta thấy hình như nó đẹp một cách gần gụi mà cổ kính.
Hơn 700km đường thiên sơn vạn lý, mưa nắng thất thường, gió sương dầu dãi, đi qua bao làng mạc quê nhà, đi qua biết bao nhiêu yêu thương ấm áp. Tình đất tình người, với tròm trèm bốn đêm năm ngày làm cuộc nhàn du. Điều để lại trong nhớ nghĩ mỗi người chúng tôi chẳng thể nào đo đếm được. chẳng thể gọi tên cho đúng nghĩa ước mong mình, chỉ ôm ấp trong lòng một tình yêu ngày càng thiết tha hơn về bầu bạn, về con người và quê hương đất nước, như một tứ thơ ngân rung từng li ti mao mạch dẫn nguồn máu nóng ấm truyền lưu trong tâm hồn và huyết quản. Tiếc thay tài sơ trí mọn không thể tạo tác nên một bản trường ca đủ nghĩa hàm ơn bao thế hệ máu xương, đã hiến mình cho trời đất của ta hôm nay dài rộng nguy nga trong dáng hình giang sơn cẩm tú.
Tam Kỳ, 24/7/2013
Nguyễn Đức Dũng