Chất độc da cam đã là nỗi đau của nhân loại, sau hai cuộc chiến tranh thì đất nước ta đã chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh để lại. Và nỗi đau dai dẳng nhất và đau khổ nhất vẫn là nỗi đau da cam. Có những nỗi đau theo thời gia sẽ xóa nhòa. Có những nỗi đau sẽ lành theo năm tháng. Nhưng có những vết thương đau đáu cả kiếp người.
Trong vòng có 10 năm từ năm 1961 đến 1971, Mỹ đã rải tổng cộng 80 triệu lít chất độc da cam trên một diện tích rộng 2.500.000 ha, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là đuổi các chiến sỹ ra khỏi rừng rậm, cắt đường mòn Hồ Chí Minh con đường vận chuyển lương thực, đạn dược và thuốc men. Đồng thời hành động này cũng truy bức dân làng vào các “ khu chiến lược”. Kết quả là hàng chục nghìn người chết tại chỗ. Từ 2 đến 4 triệu người sống sót nhưng thường xuyên có những biểu hiện của bệnh lý trầm trọng như ung thư, bệnh bạch cầu, tiểu đường rối loạn thần kinh, bệnh về da. Hậu quả của việc thải chất độc da cam là một gánh nặng khổng lồ cho Việt Nam.
Khi đất nước đang từng ngày đổi mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Thế nhưng bên cạnh những niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống mới thì đâu đó quanh ta vẫn còn ẩn chứa bao di họa của chiến tranh, nỗi đau tột cùng mà chiến tranh mang lại chính là thảm họa chất độc da cam. Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng thảm họa về chất độc da cam vẫn còn dai dẳng gây đau thương cho con người và môi trường sống. Gần 5 triệu người ở Việt Nam trở thành nạn nhân trực tiếp và và hàng chục triệu người là nạn nhân gián tiếp của chất độc da cam
Những người con Phước Sơn cũng theo tiếng gọi từ chiến trường, từng làng từng bản từ thanh niên trai tráng lần lượt ra chiến trận còn các cụ già thì vót chông làm bẫy… dù bằng cách làm nào họ vẫn đứng lên đấu tranh cho quê hương và tổ quốc. Họ là những dũng sĩ trước một kẻ thù hùng hổ cuồng bạo, hung hãn, vẫn hiên ngang bình tĩnh, gan góc đánh trả tìm mọi cách tiêu diệt chúng. Họ bất chấp bom đạn, bất chấp hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ họ ra đi cho Tổ quốc sống mãi. Đã chứng kiến mọi đau khổ và mất mát, mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Tưởng rằng hòa bình lặp lại họ sẽ được hưởng hạnh phúc, điều mà họ đáng được có. Thế nhưng cái mơ ước dường như là nhỏ nhoi ấy đã bị vùi lấp khi những đứa con của họ sinh ra đứa thì tật nguyền đứa dị hình dị dạng…nỗi đau chồng lên nỗi đau. Trên địa bàn huyện Phước Sơn có 68 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam, có những trường hợp gia đình có hoàn cảnh cùng cực, nghèo khổ. Những giọt nước mắt lăn dài khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh ấy, phải chống chọi với bệnh tật đau thương.
Nhằm xoa dịu nỗi đau cho những nạn nhân chất độc da cam, hàng năm Hội nạn nhân chất độc da cam thuộc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phước Sơn luôn phát động phong trào “ Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, đồng thời kêu gọi các cấp ban ngành, các đoàn thể, doanh nghiệp, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong địa phương luôn có những việc làm thường xuyên, thiết thực nhằm động viên, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam vơi đi những vất vả, khó khăn sớm ổn định cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.
Để có ngày hôm nay, tất thảy chúng ta đều không thể không nhớ tới những người lính đã ngã xuống cho quê hương cho tổ quốc thân yêu. Vì thế hãy hành động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn san sẻ những nỗi đau da cam. Đó như là một lời nhắc nhở đau đáu mãi trong lòng mỗi người dân chúng ta./ Trương lệ Lệ