Khi còn sống, bà nội rất thích ăn trầu. Lúc nào nơi đầu giường của nội cũng có sẵn cơi trầu với mớ cau khô, bình vôi và ống ngoáy trầu. Bên hiên nhà nội dây trầu xanh mướt ôm lấy bờ tường leo lên đến tận mái... Những ngày gia đình có đám chạp, giỗ kỵ, các chú, các bác, các cô cùng con cháu xúm xít tề tựu về, nội thường rất vui, hóm hém ăn trầu, kể chuyện ngày xưa, hỏi thăm đứa này đứa nọ...
Bà nội mất, căn nhà nội vốn ở một mình nay bổng nhiên hiu quạnh. Còn đâu những hình ảnh quen thuộc khi nội ngồi cặm cụi ngoáy trầu, còn đâu cái hăng nồng vị đỏ mùi trầu nội hay nhai... Nội mất, dây trầu bên hiên nhà cũng được các bác, các chú cắt bỏ để khỏi ảnh hưởng đến tường nhà, căn nhà cũng không còn ai ở mà được dùng làm nơi thờ tự. Thương nội, tiếc dây trầu đã mấy chục năm gắn bó với thói quen nhai trầu của nội, cha tôi lặng lẽ thu lượm những dây trầu bị vứt chỏng chơi bên rào đem về dâm trồng. Cha kỳ công đi tìm và đào từng gốc cây gỗ tạp đem về trồng trong vườn rồi cần mẫn đem từng dây trầu dâm xuống. Từng rặng cây nẹp xung quanh thân trầu, từng gốc đất, luống hào được ba vun vén, chăm sóc rất cẩn thận.
Cứ đều đặn, ngày hai buổi sáng chiều cha cần mẫn vun xới, tưới nước cho từng gốc trầu, tỉa lọc kĩ càng từng lá trầu và không biết tự bao giờ cha xem những gốc trầu như tri kĩ, là thú điền viên khuây khỏa tuổi già lúc rãnh rỗi, nông nhàn. Những trưa hè nắng gắt, cha lo cho vườn trầu không chịu nổi cái nắng nóng miền Trung khắt nghiệt nên đã chặt cây làm giàn che nắng cho từng gốc trầu. Những tháng mưa tầm tả, cha thường mang tơi đội nón kiểm tra từng gốc trầu xem có bị đọng nước không để tháo nước ra tránh để dây trầu bị ngập úng. Cha quý vườn trầu đến nổi, mỗi khi đi đâu chơi vài ba ngày lại nhớ, lại lo ở nhà không ai tước nước, chăm sóc cho các gốc trầu. Mỗi lần như vậy cha thường dặn dò anh em tôi rất kỹ lưỡng, làm gì làm phải nhớ ngày ngày tưới trầu cho cha. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao cha quý vườn trầu đến vậy, cha lặng lẽ hướng ánh mắt đượm buồn nhìn về phía căn nhà nội ở trước đây. Thỉnh thoảng cha thường đọc cho anh em tôi nghe bài ca dao cha rất tâm đắc: Trồng trầu đắp nấm cho cao/Che cho sương nắng khỏi vào gốc cây/Nửa năm bén rễ bén dây/Khôn dầu bã đậu bón tay cho liền/Một mai trầu tốt bốc lên/Một sào trầu tốt bằng tiền mẫu ngô...
Tình cảm, sự nâng niu chăm sóc của ba vào từng gốc trầu rồi cũng được đền đáp với những dây trầu xanh mơn mởn, lá căng tràn nhựa sống phủ phê ôm lấy từng gốc cây. Cha thường chọn hái những lá trầu óng ả, xanh mượt để cúng cho nội những hôm rằm, mồng một hay những dịp đám chạp, giỗ kỵ... Rồi những lá trầu cũng theo cha trở thành những món quà dân dã tặng cho các dì, các bác lớn tuổi mỗi khi có dịp về quê ngoại. Thi thoảng cha cũng có đồng ra đồng vào để cá tấm bánh, cái kẹo cho cháu nhờ việc bán trầu cho người trong làng phục vụ đám hỏi, đám cưới. Bao lứa trai gái làng tôi nên duyên chồng vợ đều có "miếng trầu là đầu câu chuyện" từ những bó trầu xanh mướt được chăm trồng bởi bàn tay của cha tôi...
Mỗi khi có dịp về thăm cha, tôi thường tha thẩn dạo quanh vườn trầu để cảm nhận được cái hương trầu thoang thoảng, để cho lòng mình bình yên giữa màu xanh mướt của vườn trầu và để cho những cảm xúc yêu thương ùa về khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc của cha cặm cụi, cần mẫn bên những gốc trầu...
Mai Hồng Lâm