Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Bình luận thơ văn của tác giả Nguyễn Đức Dũng
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 12/08/2013 .Lượt xem: 796 lượt.

Đọc thơ:      
    “Miệng bình vôi“ - Tiếng chép miệng của Làng

       Đã mai vàng đã cúc vàng

       Đã luênh loang cải hoa tràn bãi xưa

       Xuân về em sắp về chưa

       Qua chiều qua sớm qua trưa tôi chờ…

      

      Lơ ngơ bắp đã trổ cờ

      Dại rùm lau cũng phất phơ bông rồi

      Lục bình tím ngẩn ngơ trôi

      Đò neo bến cũ tôi ngồi đợi em

       

     Kệ bầy con nít bu xem

     Mặc ai chỉ trỏ tiếng gièm tiếng pha

     Nhớ nhau cháy ruột gan mà

     Nghiêng nghiêng một chút cũng là tự nhiên

 

     Qua tháng chạp… qua tháng giêng

     Về đâu ơi lúm đồng tiền của tôi

     Tàn xuân vãn hội lâu rồi

     Lá trầu để  miệng bình vôi há hoài ?

                                                           Nguyễn Ngọc Hưng     

 

      Trong tập BÀI CA CON DẾ LỬA đầy đặn cả hai nghiã của từ này vừa được NXB - HNV phát hành còn tươi màu mực của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, có một sự đợi chờ hết sức ngơ ngẩn mà cũng không kém phần duyên dáng, gói gọn trong bốn khổ lục bát mượt mà ở bài thơ “Miệng bình vôi“.

      Ngay cái tựa bài thơ đã thấy bắt mắt rồi, thường thì đây là một biểu tượng rất gần gũi và thiêng liêng trong tâm thức của người Việt, nó làm ta nghĩ ngay đến Bà, đến Mẹ và ở một thời đoạn nào đó của một đời người, nó nói đến duyên số vợ chồng v.v…Bởi vậy bài thơ làm cho ta muốn “đọc” thử tác giả ví von điều gì, gởi gắm điều gì giữa một tập sách dày trang và điệp trùng câu chữ.

       “ Đã mai vàng đã cúc vàng/ Đã luênh loang cải hoa tràn bãi xưa/ Xuân về em sắp về chưa/ Qua chiều qua sớm qua trưa tôi chờ…”

       Thì ra lại là cái mong ngóng suốt “chiều, sớm, trưa” của người ở quê nhà đối với một người rất có vấn đề để mà chờ đợi, khi ngoài kia trời đất đã xuân rồi, cây lá đã xúng xính lộc cành bày hoa khoe sắc để đón một mùa xuân mới. Vậy mà người đi vẫn chưa tăm hơi, lại là “em” mới khổ. Ôi! cái đối tượng làm tình làm tội biết bao nhiêu trái tim và mỏi mòn cơ man ánh mắt, một cảm thức xưa như trái đất của trạng huống lứa đôi yêu thương mà ly biệt. Còn nhớ Đào Tấn từng than: “Ly biệt ly biệt/ Tơ bay đầy trời như tuyết”.

       “Lơ ngơ bắp đã trổ cờ/ Dại rùm lau cũng phất phơ bông rồi/ Lục bình tím ngẩn ngơ trôi/ Đò neo bến cũ tôi ngồi đợi em”. Đến đây thì ta vỡ vạt ra cái ngơ ngẩn của kẻ đợi chờ, đã thế còn cố công vớt vát ”Bắp trổ cờ, lau phơ phấtlục bình ngẩn ngơ” chớ “ tôi” có liên can gì đâu. Giỏi là đây mà tệ cũng chính chỗ này, giỏi là giỏi vụng chèo nhưng khéo chống khi cho rằng ba thứ phơ phất kia nó đã đến hạn, tức là giỏi bao biện mà cũng vụng bao biện vậy. Tự đời thuở nào thì cây lá vốn tự nhiên, đến thì hoa nở tới giờ trăng lên chớ hoàn toàn chẳng phải vì ai đó, lại càng không hề vì một “em” nào cụ thể xa quê chưa kịp về đón Tết khi buổi giao thời trời đất đã dần sang. Đấy chính là tác giả hay ít ra là anh chàng trong bài thơ tự trổ cờ lòng mình, tự ngơ ngẩn nỗi nhớ mong không chịu thấu và tự vuốt ve trôi dặt dìu kỷ niệm. Bởi cuối cùng rồi anh ta cũng đành thú nhận lòng mình bằng “Đò neo bến cũ…”.

        “Kệ bầy con nít bu xem/ Mặc ai chỉ trỏ tiếng gièm tiếng pha/ nhớ nhau cháy ruột gan mà/ Nghiêng nghiêng một chút cũng là tự nhiên”       

        Hình như có lời ra tiếng vào của bà con chòm xóm, đại thể như: “ A! Hơi đâu mà trông mà đợi cho hoài cho uổng, có khi nẫu đã yên bề nơi chốn ơ…v.v…”. Mặc kệ! Mọi đàm tiếu còn có nghĩa gì, khi yêu trái tim nó sai khiến mà, cho nên nhớ nên thương nên chờ nên đợi là cái sự đương nhiên. Tuy vậy có lúc cũng phải chống đỡ một cách yếu ớt cho có kẽo rồi ra người đời bia miệng biết đâu mình sẽ nãn lòng, nên chi cũng phân bua vài lời cho khí phách “Nghiêng nghiêng một chút cũng là tự nhiên”. Đến đây thì người ngoài cuộc đành thông cảm mà thương cảm cho kẻ tình si kia bằng một cái chép miệng kín đáo.

        Nhưng cuối cùng hình như kẻ đợi nhận ra sự vô vọng của mình, thời gian đã không chờ không đợi ai nữa, nó đã “Qua tháng chạp… qua tháng giêng/ Về đâu ơi lúm đồng tiền của tôi/ Tàn xuân vãn hội lâu rồi/ Lá trầu để miệng bình vôi há hoài ?”. Đây là lần thứ hai tác giả dùng dấu ba chấm, nó tố cáo sự hoài nghi cuả người chờ đợi rồi, sau khi ngay từ lần khẳng định bằng dấu ba chấm ở cuối câu thơ thứ tư của khổ thơ đầu “tôi chờ…” dấu ba chấm này như một dự báo mà chính người hết lòng trông ngóng kia cũng hơi thiếu niềm tin. Than ơi! Biết sao được, đành chờ thôi, chờ như chờ lòng yêu của mình vượt qua những thử thách nghiệt ngã địa lý phụ phàng địa ý, nó cũng như trái ổ qua vậy, miếng ngon chính là miếng đắng.

       Bốn câu cuối của bài thơ ngỡ ngàng buồn và đẹp, bởi sự ví von điệu nghệ mà thành khẩn. Hỏi sao ai không tiếc cái lúm đồng tiền nhỏ xinh trên má hường thiếu nữ mình mộng mơ tơ tưởng, đổ vào đấy biết mấy nhớ nhung thương quý cho đầy. Ai đã từng lâm trận mới thấm đòn cái biểu tượng chết người ấy. Nói nhỏ thôi chớ anh chàng trong bài thơ này khờ quá, như tôi đây dại nhiều lần rồi nên biết, mới thấy cái chép miệng của bà con ở làng trong tình cảnh này nó thấm thía lắm, hay như một câu nói văn vẻ mà tôi nghe lóm được thì “Niềm hân hoan bị đánh cắp.” Tội!. Nên chi sự than thân trách phận bằng cách tự ví mình như một bình vôi, vật thể có miệng vô thanh mà kêu đòi hờn oán lá trầu nồng không chịu thắm tình là một thú nhận đáng khâm phục.

         Miệng bình vôi là  bài thơ lời ít tình nhiều, chân thành thiệt bụng, mộc mà khéo. Có thể nói đây là một tác phẩm vừa HAY vừa GIỎI  của Nguyễn Ngọc Hưng.

                                                                  Tam Kỳ 14/01/2013

                                                                    Nguyễn Đức Dũng


 

PHẠM PHÚ HƯNG và Nửa vầng trăng ám ảnh

 

Nhớ một vầng trăng

Góc Trường Sơn năm ấy chỗ em nằm

Nửa vầng trăng em đêm nào cũng khuyết

Còn nửa trong anh soi tìm ký ức

Cõi vĩnh hằng nơi đó có trăng không?

 

Chuyện cũ rồi có mới mẻ gì đâu

Sao vết thương lòng vẫn còn đau âm ỉ?

Em nằm lại nơi chiến trường chống Mỹ

Trăng trong anh chẳng có một đêm rằm

 

Anh trọn lòng kỷ niệm của tháng năm

Đem giấu kín một góc chiều riêng biệt

Mùa trăng cũ mấy mươi năm trước

Vỡ tan rồi mảnh vụn bắn vào tim

 

Hình hài em đâu? Anh thắc thỏm đi tìm

Rừng lau lách cứa vào lòng rỉ máu

Xưa em nằm, dưới chân là con suối

Cây gạo đâu rồi, vắng cánh hoa rơi?

 

Bất chợt hoàng hôn buông tím mé đồi

Cõi u tịch chìm sâu trong bóng tối

Một ánh sao lẻ loi rơi vội

Anh bồn chồn khao khát một vầng trăng

Phạm Phú Hưng

                     (Trích trong BẾN XƯA - Hội VHNT Quảng Nam – 2005)


Không phải là nửa vầng trăng thượng tuần, hạ huyền vẫn đi theo chu kỳ trời đất. Cũng không phải là vầng trăng lung linh soi sáng dặm trường thơ ca như biểu tượng cho cái đẹp hằng thường và hằng nghĩ trong bất kỳ một đời thơ nào. Phạm Phú Hưng, “Thi sĩ không tên” (theo cách mà Đông Trình muốn gọi), đã viết về một vầng trăng kỳ niệm thời trận mạc anh hùng và bi tráng.

Góc Trường Sơn năm ấy chỗ em nằm

Nửa vầng trăng em đêm nào cũng khuyết

Còn nửa trong anh soi tìm ký ức

Cõi vĩnh hằng nơi đó có trăng không?

Ai hôm nay và mai sau có thể trả lời cho câu hỏi này?

Vài chục năm nữa là quãng thời gian đủ để làm quên lãng rất nhiều điều trong ký ức. Nhưng không thể và không bao giờ có thể phai mờ được những mất mát hy sinh.

Trong một đên trăng đẹp đến mơ hồ giữ núi rừng “Trường Sơn” hùng vĩ ấy. Không phải là một không gian hữu tình để lứa đôi hò hẹn mà lại là một “ký ức” hao “khuyết” cả đời người. Anh đã sáng “nửa” vầng trăng mình còn lại để tìm kiếm nơi “nửa vầng trăng em đêm nào cũng khuyết”. Anh “soi tìm” trong “ký ức”, hỏi cả “cõi vĩnh hằng nơi đó có trăng không?

Chuyện cũ rồi có mới mẻ gì đâu

Sao vết thương lòng vẫn còn đau âm ỉ?

Em nằm lại nơi chiến trường chống Mỹ

Trăng trong anh chẳng có một đêm rằm

Đành rằng đau thương này không chỉ của riêng ai khi cả dân tộc cùng ra trận, lấy máu xương bảo vệ toàn vẹn tự do độc lập lúc đất nước lâm nguy. Nhưng anh không thể yên lòng khi quê nhà đã im tiếng súng, cuộc sống đã thanh bình mướt mắt một màu xanh mà em của anh vẫn cứ mãi còn “nằm lại nơi chiến trường chống Mỹ”. Cứ mãi xốn xang trong một chuyện mình đã “”, một vết thương lòng còn tươi đỏ trong anh…

Anh trọn lòng kỷ niệm của tháng năm

Đem giấu kín một góc chiều riêng biệt

Mùa trăng cũ mấy mươi năm trước

Vỡ tan rồi mảnh vụn bắn vào tim

Kỷ niệm” là những gì còn lại sau sàng lọc nghiệt ngã “tháng năm”. Có kỷ niệm vui, có kỷ niệm buốn, dẫu thế nào cũng là điều trân trọng bởi đã không thể tự xoá mờ khi quá khứ lùi xa. Săm soi nhớ một thời trai trẻ. Nhưng. Kỷ niệm này của đôi ta về “mùa trăng cũ” ấy anh chỉ biết cất giữ riêng mình, như những trang đời đau thườn mà đẹp, mà oai hùng tháng ngày thanh xuân cầm súng lên đường đánh giặc, rồi em nằm lại vĩnh viễn với rừng xanh núi thẳm, thành một nửa vầng trăng hư ảo lung linh trong kỷ niệm riêng mình.

Hình hài em đâu? Anh thắc thỏm đi tìm

Rừng lau lách cứa vào lòng rỉ máu

Xưa em nằm, dưới chân là con suối

Cây gạo đâu rồi, vắng cánh hoa rơi?

Âm ỉ trong niềm đau “rỉ máu” anh “đi tìm” em, người đồng đội ngày xưa, đi tìm một nửa của riêng anh đã hy sinh vì đất nước. Chiến trường ngùn ngụt lửa khói mấy mươi năm về trước chính là nơi đây. Nơi “… dưới chân là con suối” “cây gạo” ấy “đâu rồi”? Dấu tích vẫn in hằn mồn một trong nỗi nhớ của anh sao tìm hoài không gặp? Mưa gió nào xoá mất vết ghi xưa…?

Bất chợt hoàng hôn buông tím mé đồi

Cõi u tịch chìm sâu trong bóng tối

Một ánh sao lẻ loi rơi vội

Anh bồn chồn khao khát một vầng trăng

Ghi thêm “Nhớ một vầng trăng” vào mảng đề tài viết về sự hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, khi đôi lứa yêu nhau nhưng không cùng được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn ngày đất nước thanh bình, như cô du kích “trẻ nhất làng” trong Núi Đôi của Vũ Cao hay cái màu tím hoa sim “tím chiều hoang biền biệt” của Hữu Loan. Nhưng bằng cách thật thà dung dị riêng của mình, Người - Yêu - Đồng - Đội - Đồng - Chí của Phạm Phú Hưng đã hoá thành một nửa vầng trăng ám ảnh, âm ỉ nỗi đau thúc giục kiếm tìm nắm di hài yêu thương cũ không làm sao nguôi ngớt như một thao thức trằn trọc suốt tháng năm trong lòng người còn lại.

Tôi chợt nghĩ rằng chưa thật ổn khi gọi anh là Thi Sĩ Không Tên. Bởi ngoài “Nhớ một vầng trăng” và một số đằm lưng vốn sáng tác khác ghi dấu ấn, Phạm Phú Hưng sau những miệt mài cũng kịp gửi tên mình vào bộ nhớ, vào lòng mến mộ của bạn bè văn nghệ và người yêu thơ khi chỉ cần qua mấy câu hết sức ấm áp, hết sức thật thà mà thuyết phục, ứ đẫm tình yêu quê xứ tưởng không dễ gì hay hơn, đẹp hơn mà một người thơ mong mỏi:

Đường về nhà anh chưa kịp đặt tên

Thường quen gọi ngã ba Kỳ Phú

Mẹ anh ở vẫn căn nhà không số

Chiều Tam Thanh bãi biển nhấp nhô người…

                                                 Nguyễn Đức Dũng


Đọc thơ:

    Còn sống trên đời ta bạn còn vui


Ta về lại Tam Kỳ cho đỡ nhớ

Bạn mời ta đặc sản cơm gà

Ta mời bạn uống cà phê quán

Thơ với đời xúm xít bạn và ta

 

Ta đã ra đi xa nơi quê quán

Sống tha phương một quãng đời dài

Bạn ở lại sơn khê cùng cốc

Bên quán chiều ly rượu lai rai

 

Lữ khách đêm mơ về cố quận

Tiễn điệu buồn theo khói thuốc bay

Bạn với chén rượu khà một tiếng

Cho hả lòng hả dạ cơn say

 

Cơm áo đã nửa đời phiêu dạt

Ngựa rũ bờm bên núi non xưa

Gác đao lại chôn rìu bên núi

Về đây năm mới cũ giao thừa

 

Về đây với chút tình bằng hữu

Thơ không còn bay bướm như xưa

Bạn đừng trách ta làm thơ dở

Thơ với đời như sớm nắng chiều mưa

 

Ta với bạn gặp đây cũng đủ

Vạn sự có may rủi hên xui

Dòng đời chảy mênh mang sinh tử

Còn sống trên đời ta bạn còn vui

                                   Vũ Khắc Tĩnh

                 ( Trích trong tập thơ  BÊN TRỜI SƯƠNG KHÓI

                               NXB Văn Nghệ - 2007)

 

     Đúng ra thì đây là một bài thơ chưa “thật sự hay“ như tác giả đã tự nhận: “Bạn đừng trách ta làm thơ dở / Thơ với đời như sớm nắng chiều mưa...” Nhưng “Còn sống trên đời ta bạn còn vui“ là một tâm tình cần ghi nhận :

            Ta về lại Tam Kỳ cho đỡ nhớ

            Bạn mời ta đặc sản cơm gà

            Ta mời bạn uống cà phê quán

            Thơ với đời xúm xít bạn và ta

     Phải nói là yêu Tam Kỳ và nhớ Tam Kỳ hung lắm mới viết được mấy câu rất thô nhưng lại rất tâm tình đến thế

     Ở đâu trên dặm dài đất nước này lại không mang máng như đoạn thơ trên? Và ở đâu trong những vùng miền của một dân tộc được coi là yêu thơ vào hạng thượng thừa này lại không có dáng dấp đã trình bày... Nhưng Tam Kỳ thì đặc biệt hơn, đúng y như đề cập.

      Từ ngày còn là một thị xã nhỏ cỡ lòng bàn tay nằm vào vị trí trung độ trên hành trình Nam Bắc. Tam Kỳ đã để lại không ít nguôi ngoai  cho những ai có dịp ghé qua và “dừng chân đứng giữa trời non nước..” ( bà H.T.Q ) ở Tam Kỳ bởi một quán Bà Tề thơm nức mũi người qua. Bởi một món Cơm Gà ngon nổi tiếng. Một cà phê Đợi, một Sanh Hưng hay bất kỳ một góc quán bình dân nào khi tạt vào nhâm nhi ly cà phê trong tay một sớm thiết tha nhạc Trịnh. Bởi những con người quê kiểng tình cảm, chân chất và hồn hậu. Bởi một vùng đất đai “có phố có làng”, có con sông nhỏ hiền hoà trong xanh và thơ mộng vắt ngang qua một đầu phố thị như lời nhắn nhủ thiết tha và lưu luyến. Rồi ra để lại nhiều nhớ nghĩ ở lòng người từ cái nơi chốn còn rất nghèo, rất “kỳ”, rất dễ thương dễ chịu và dễ sống này.

      Đó là với khách đường xa. Huống hồ...!

      Hai khổ thơ tiếp sau làm nhớ đến câu hát vui mà chỉ ở Tam Kỳ mới có và “chính xác đến trăm phần trăm chất lượng sản phẩm“ của những tay thích lai rai ba xị được cải biên từ một câu hát ru ông bà xưa để lại “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều / vợ con không nhớ mà nhớ Năm Rìu, Chín Ngư “...Tuy nhiên ở đây còn có một điều gì đó rất cảm khái :

               “ Bạn với chén rượu khà một tiếng

               “ Cho hả lòng hả dạ cơn say

       Sao mà nghe như tráng sĩ hề !

       Mà không tráng sĩ hề sao được khi máu giang hồ lãng tử một ngày bất chợt nổi lên lôi tuột người thơ của chúng ta “...ra đi nơi xa quê quán“ làm cuộc Hành phương nam ( N.B.) như nhiều tâm hồn vỗ cánh trẻ trai để rồi cũng bất chợt một ngày” Lữ khách đêm mơ về cố quận” thẩm thấu nỗi buồn tha hương cố lý

                “ Cơm áo đã nửa đời phiêu bạt

                “ Ngựa rũ bờm bên núi non xưa

       Té ra cũng bởi cuộc tồn sinh cơm áo thôi mà! Nhưng sự thể lại tình người không vẹn, nên khi nguội lạnh tang bồng và mòn hao niềm háo hức trời xa đất rộng, đã khuyết vẹt một mộng ban đầu du lãng. Mái xanh phủ màu sương gió giữa va đập xứ người và huyễn hoặc phù sinh. “Lão Mã” lại quay đầu về núi cũ, rung bờm bạc thếch mưa nắng phong trần mà ngân vang giọng hí quê hương lúc đất trời giao hoà và người xa lục tục hành trang hoàn cố xứ. Hỏi còn nỗi niềm nào ngậm ngùi hơn? Đây cũng chính là tâm sự mang mang tấc lòng tác giả. Tôi – Tin - Thế!

                “ Về đây với chút tình bằng hữu

                “ Thơ không còn bay bướm như xưa

       Và :  “Dòng đời chảy mênh mang sinh tử

                “ Còn sống trên đời ta bạn còn vui...

        Một – Quá -Trình - Tự - Nhận - Thức. Qua rồi cái thời màu mè câu chữ và hoa mộng trời xa. Điều còn lại chính là tình người sau những biến cải và sàng lọc thế nhân để nhận chân giá trị của đời người, quê hương và cuộc sống.

        Và như đã trình bày ở phần đầu bài viết nhỏ này, Tôi xin tô đậm suy nghĩ của mình về điều yêu mến ở bài thơ. Đó là một thái độ sống an nhiên tự tại, biết vui, biết quý, biết trân trọng những gì ta có được, còn được từ cuộc đời này, mà để tường tận ý nghĩa tưởng chừng đơn giản ấy, đôi khi phải đánh đổi bằng một cái giá không hề đơn giản

                                                                       

                                                                                            Quảng Nam 14/6/2007

                                                                                               Nguyễn Đức Dũng

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Thơ Huỳnh Trương Phát
Khi đàn bà lụy rượu…
Thơ của tác giả Võ Bá
Giật mình nhớ gọi nghe mòn tiếng quê
Mẹ và quê hương trong “Gió qua triền cát”
Thơ thiếu nhi của Trịnh Ly Lan
Cá lúi sông suối Quảng Nam
Ngọt thơm canh mướp mồng tơi
CÂY BỨA QUÊ MÌNH
NHỚ CON HẠC TRẮNG
    
1   2   3   4   5   6  
    
Các tin cũ hơn:
Thơ trào phúng : Loanh quanh chữ “Vàng”
Em gái Bhnoong - Huỳnh Đức Trung
Sắc Xuân (Thơ Lê Lam Giang)
Chí làm trai (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Khâm Đức xuân về (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Suy ngẫm cuộc đời (Thơ Colchichine)
Tết quê (Hoàng Chương)
Xuân về "Nghe em hát còn duyên" (Hoàng Chương)
Đọc Gia huấn ca, suy ngẫm về giáo dục con cái hiện nay (Hoàng Chương)
Nghĩa tình Phước Sơn (Thơ Lê Lam Giang)
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO