Chúng tôi cùng các đồng nghiệp ở Đài PT-TH Quảng Ngãi lên núi Thiên Ấn thăm mộ chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng - người con quê hương sông Tiên chảy ngược, như cánh hạc an nhiên gửi thân nơi núi Ấn sông Trà, tỉnh Quảng Ngãi.
Con đường từ chân lên đỉnh Ấn sơn, nơi ngôi mộ chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc dài khoảng 2.000m, uốn lượn men theo triền dốc. Càng lên cao, sông nước, đồng ruộng, xóm làng, phố xá... càng trải ra bát ngát mênh mông. Tiếng chuông chùa Thiên Ấn loang theo vệt nắng chiều bảng lãng như sương khói, làm cho không gian núi Ấn sông Trà bình yên đến lạ!
Mộ cụ Huỳnh nằm phía tây núi, cách cổng Tam quang chùa Thiên Ấn khoảng 100m, được bao bọc bởi rừng cây và hướng mặt ra dòng sông Trà Khúc. Khuôn viên mộ thoáng rộng tương đối, nền được lát đá phẳng phiu, bên mộ là hai hàng cây đại (hoa sứ) tỏa hương ngan ngát quyện cùng trầm nhang. Trước mộ có hai khóm trúc lao xao gió bàng bạc cảnh làng quê rất đỗi thân quen, gần gũi...
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (sinh năm 1876, tại làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) thuở nhỏ đã nổi tiếng là văn hay chữ tốt. Năm Canh Tý 1900, cụ dự thi Hương và đậu Giải nguyên. Bốn năm sau, vào năm Giáp Thìn 1904, cụ đỗ Hội nguyên Hoàng giáp (tiến sĩ). Cụ Huỳnh giữ vai trò quan trọng trong Phong trào Duy Tân. Năm Mậu Thân 1908, cụ bị bắt rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921) mới được trả tự do. Cụ là người sáng lập kiêm chủ nhiệm và chủ bút báo Tiếng Dân. Năm 1946, tham gia chính phủ Liên hiệp với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, thời gian ngắn làm quyền Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 21-4-1947, trong khi làm đại diện Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đi kinh lý tại Quảng Ngãi, cụ Huỳnh mất tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành và được an táng trên núi Thiên Ấn theo tâm nguyện của cụ. Năm 1990, mộ cụ Huỳnh cùng với chùa và núi Thiên Ấn được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia...
Những thông tin trên là do ông Nguyễn Tạo (ở xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) tự nguyện thuyết minh khi chúng tôi đến viếng hương mộ cụ Huỳnh, với lòng kính trọng sâu sắc. Thắp nén tâm nhang, nghe những lời thuyết minh của lão ông râu tóc lơ thơ trắng xóa, chợt thấy những điều ghi trong sử sách, tài liệu nghiên cứu về cụ Huỳnh trở nên gần gũi: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”. Ông Nguyễn Tạo xúc động nhắc lại nội dung bức thư khóc cụ Huỳnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quốc dân đồng bào ngày 29-4-1947.
Chuyện về người “hướng dẫn viên đặc biệt” Nguyễn Tạo cũng khá lý thú. Đã đã bước sang tuổi 81 nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, đặc biệt là rất minh mẫn. Ông Tạo đã lên chăm nom và làm hướng dẫn viên cho khách tham quan mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng hơn 2 năm nay. Nắng cũng như mưa, mỗi ngày ông đều đạp xe đi gần 5km từ nhà đến chân núi Ấn, rồi leo gần 2km đường dốc lên núi để giới thiệu về di tích lịch sử núi Ấn sông Trà, giới thiệu chùa Thiên Ấn và kể tiểu sử của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng cho mọi người cùng nghe.
Chuyện về ông Nguyễn Tạo đã có nhiều người biết, nhiều người viết. Nhưng được gặp và chứng kiến những việc làm của ông mà thêm cảm phục. Từ cậu học trò nhỏ, ông Tạo đã được thầy cô giáo kể nhiều chuyện về chí khí, tấm lòng trung kiên với nước với dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng và những câu chuyện về núi Ấn sông Trà. Những câu chuyện ấy theo ông suốt thời niên thiếu đến bây giờ. Dịp tết năm 2011, ông Tạo rong ruổi lên núi Ấn thăm mộ cụ Huỳnh thắp hương khấn nguyện cụ cho phép ông hằng ngày lên đây chăm nom, quét dọn, thắp hương cho cụ và làm “bầu bạn” với du khách gần xa. Thế là từ đấy, người dân địa phương cũng như khách tham quan hằng ngày thấy một cụ già râu tóc bạc, đạp xe đạp mang theo bó nhang, chiếc võng, gói cơm, chai nước và... lận lưng vài cuốn sách viết về núi Ấn sông Trà, về cụ Huỳnh và chùa Thiên Ấn để thượng sơn tự nguyện hướng dẫn khách tham quan.
Không ít người nói là “lão gàn”, bị “hâm” hay làm “nổi” nhưng ông Nguyễn Tạo chỉ... cười. Đó là tâm nguyện của một con người đã đi đến cuối cuộc đời, mà có lẽ chỉ mình ông mới nhận ra chân được căn nguyên. Những đoàn khách đến rồi đi. Nhiều người trong số đó có ấn tượng rất tốt với con người mộc mạc, dễ gần và công việc rất đỗi bình thường nhưng “xưa nay hiếm” của ông Nguyễn Tạo. Những câu chuyện về núi Ấn sông Trà, về nhà chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng qua lời kể của ông Tạo có sức gợi của một người đọc nhiều, có phương pháp hệ thống hóa về tri thức, đặc biệt là có cái tình của người yêu quê hương xứ sở núi Ấn sông Trà và sự ngưỡng vọng đối với bậc có chí bền, đạo đức cao, “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” như cụ Huỳnh Thúc Kháng.
“Mỗi dịp lên núi Ấn thắp hương cho cụ Huỳnh mà không có ông Tạo hướng dẫn hay kể chuyện thì thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Chúng tôi dự định làm một cái phim về ông Nguyễn Tạo và công việc của ông tại di tích lịch sử quốc gia mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng dường như không có “cơ duyên” nên bộ phim chưa bấm máy. Với tôi, việc làm của một người ở tuổi như cụ Tạo thật đáng trân trọng!”. Anh bạn đồng nghiệp ở Đài PT-TH Quảng Ngãi cho biết. Trên một diễn đàn, anh Khải Nam, du khách viếng mộ cụ Huỳnh, chia sẻ: “Đối với du khách lẻ như tôi khi đến các khu di tích lịch sử hay thắng cảnh chỉ có thể nhìn, có khi đọc lướt rồi đi. Thông tin về những điểm du lịch tôi chỉ có thể tìm trên mạng, hoặc đọc sách báo… Có một người giới thiệu như ông Nguyễn Tạo tôi thấy rất hay và thú vị”.
Lên núi Thiên Ấn thắp nén tâm nhang tại mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi chụp cùng người “hướng dẫn viên đặc biệt” Nguyễn Tạo vài tấm hình làm kỷ niệm. Ông cười rung chòm râu bạc trắng. Chuông chùa Thiên Ấn vọng ngân thức cảm cả một khoảng trời xanh...
Bài và ảnh: Trịnh Ly Lan
Các ảnh kèm theo bài viết:
- THIEN AN 2: Mỗi ngày có hàng trăm khách đến viếng hương mộ cụ Huỳnh.