Từ năm 2009 đến nay, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của chính phủ (gọi tắt Chương trình 30a) đã triển khai thực hiện tại các huyện nghèo Phước Sơn, Nam Trà My và Tây Giang. Đến nay, cả tỉnh đã đầu tư hơn 598,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương cấp để triển khai Chương trình 30A; trong đó, vốn đầu tư phát triển gần 515 đồng, vốn sự nghiệp hơn 83,6 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ để làm nhà theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở hơn 32,7 tỷ đồng để triển khai thực hiện được 1.345 nhà. Tổng dư nợ cho hộ nghèo vay để thực hiện các chính sách theo Chương trình 30a hơn 4,4 tỷ đồng.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình 30a ở Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cự. Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 2216/QĐ-UBND ngày 06/7/2009 phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện hoàn thành, đưa vào sử dụng 1.345 nhà, với tổng kinh phí từ các nguồn hơn 32,7 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Các địa phương đã giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng được 16.162,17 ha/1064 hộ, với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp đến 6.776 hộ dân nhận chăm sóc, bảo vệ rừng và các hộ nghèo vùng gíap biên giới 635,65 tấn gạo, kinh phí 7,2 tỷ đồng; hỗ trợ một lần cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao với tổng kinh phí 10,5 tỷ đồng; hỗ trợ cho 959 hộ phát triển chăn nuôi với kinh phí 1,25 tỷ đồng; thực hiện khai hoang 90 ha ruộng lúa, kinh phí hơn 662,6 tỷ đồng. Tăng cường cán bộ khuyến nông, lâm, ngư cho 97 thôn, kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng.
Về chính sách giáo dục, dạy nghề nâng cao dân trí, đã xây dựng hoàn thành 3 Trung tâm dạy nghề của 3 huyện nghèo và đi vào hoạt động, bước đầu đã có hiệu quả (Nam Trà My năm 2011; Phước Sơn và Tây Giang năm 2012), góp phần thực hiện chức năng đạo tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tăng thu nhập, giúp các địa phương giảm nghèo nhanh và bền vững.; thực hiện mua sắm, đóng mới 1.290 bộ bàn ghế, hỗ trợ sửa chữa 114 phòng học xuống cấp. Đào tạo nghề sơ cấp cho 90 lao động người dân tộc thiểu số, đã gửi 180 học viên đi đào tạo tại trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, Trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc miền núi. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều khóa đào tạo ngắn hạn cho 358 cán bộ thôn, xã (kế toán, địa chính...). Hỗ trợ tiền sinh hoạt phí, mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh cử tuyển, số lượng 103 em, hỗ trợ với mức 650.000 đồng/em (ngoài mức quy định của tỉnh) với tổng kinh phí gần 67 tỷ đồng. Hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho 356 học viên với tổng kinh phí 480 triệu đồng.
Theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, đã đưa 640 lao động sang làm việc tại Malaysia (Phước Sơn: 114 lao động; Nam Trà My: 428 lao động; Tây Giang: 98 lao động), hiện có 154 lao động đủ điều kiện chờ xuất cảnh (Phước Sơn: 51 lao động; Nam Trà My: 79 lao động; Tây Giang: 24 lao động). Chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo theo QĐ 70/2009/QĐ-TTg, các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang đã luân chuyển được 27 cán bộ về đảm nhận những công việc chủ chốt tại các xã với tổng kinh phí hỗ trợ là 692 triệu đồng; đề án 600 của trung ương đã bố trí đủ 30 trí thức trẻ cho 3 huyện nghèo (10 người/huyện).
Ngoài ra, Chương trình 30a còn tổ chức tuyên truyền pháp luật, kết hợp với đăng ký hộ tịch cho người dân, đặc biệt là các xã vùng giáp biên với mức kinh phí 93 triệu đồng; hỗ trợ tiêm phòng vắc xin Viêm gan B cho 17.728 lượt người với kinh phí là 625 triệu đồng; tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân 32 xã với kinh phí thực hiện là 167,480 triệu đồng. Trong 5 năm đã đầu tư 432 công trình cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất và dân sinh, với tổng số tiền gần 312 tỷ đồng. Thông qua việc thực hiện Chương trình 30a, tỷ lệ hộ nghèo ở 3 huyện Phước Sơn, Tây Giang và Nam Trà My giảm bình quân hàng năm khoảng 4,2%.
Tuy đạt được những kết quả khá khả quan, nhưng Chương trình 30a ở Quảng Nam vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Vì địa bàn các huyện miền núi rộng, địa hình đồi núi phức tạp nên việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng đến từng hộ dân gặp nhiều khó khăn, kinh phí thấp (200.000 đồng/ha), các khoản kinh phí khác như: lập hồ sơ thiết kế - dự toán, nghiệm thu không được hỗ trợ kinh phí và chưa có quy định cụ thể, nên các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Các danh mục được hỗ trợ về phát triển sản xuất còn hạn chế, chưa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân; hỗ trợ khai hoang, phục hóa tạo ruộng bậc thang để sản xuất, đa số là công việc thủ công, nhân dân tự làm được để tăng thu nhập, nhưng thủ tục thanh toán áp dụng theo quy định của nguồn vốn đầu tư phát triển là không phù hợp, gây khó khăn cho nhân dân. Cạnh đó, Trung ương mới phân cho tỉnh Quảng Nam 2 doanh nghiệp hỗ trợ cho 3 huyện nghèo, nhưng đến nay chỉ có Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) hỗ trợ đúng cam kết: Hỗ trợ 3,346 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho 478 hộ nghèo của huyện Nam Trà My, mỗi hộ 7 triệu đồng (đã giải ngân); hỗ trợ Dự án nâng cấp trường Trung học cơ sở Bán trú cụm xã Trà Nam tổng số vốn năm 2010 gần 4 tỷ đồng (đến nay đã chuyển 03 tỷ vào tài khoản của huyện); dự án nâng cấp Trạm Y tế xã Trà Don: Tổng số vốn dự kiến giai đoạn 2011 – 2015 là 1 tỷ đồng. Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cam kết hỗ trợ 8,83 tỷ đồng cho huyện Tây Giang và huyện Phước Sơn để làm nhà ở cho hộ nghèo, nhưng đến nay mới hỗ trợ cho huyện Phước Sơn 2 tỷ đồng, huyện Tây Giang 1 tỷ đồng và chưa có kế hoạch gì khác, điều nay gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Bài và ảnh: Trịnh Ly Lan
- CHUONG TRINH 30a 2: Nhiều hộ đồng bào được hỗ trợ làm nhà.