Nhiều tháng nay, nhà làng truyền thống - điểm sinh hoạt văn hóa tập trung của thôn Nước Lang xã Phước Xuân ngày nào cũng có khá đông người. Họ đến để hội họp, để bàn luận chuyện thôn chuyện làng, để vui chơi và họ đến để nghe thời sự, xem phim, xem các chương trình giải trí phát ra từ cái ti vi đặt trong nhà làng.
Nhường đất cho nhà nước xây dựng thủy điện, 27 hộ dân đã rời nơi ở cũ về khu tái định cư lập ra thôn nước Lang. Ngoài việc xây nhà, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, Ban quản lý dự án thủy điện đăkmy 4 cùng bà con xây dựng nhà làng truyền thống trị giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên qua thời gian, việc bảo quản và sử dụng không tốt, dẫn đến nhà bị hư hỏng, dột nát. Đứng trước thực tế nhà làng xuống cấp, mất điểm vui chơi sinh hoạt tập trung, cuối năm 2012, ông Hồ Văn Tí một người dân đã cùng cán bộ thôn vận động bà con góp công sức sửa chữa lại nhà. Để duy trì sự có mặt của thanh niên về ở tại nhà làng, ông hứa mua ti vi tặng thôn và câu chuyện về sự có mặt của chiếc ti vi đặt tại nhà làng truyền thống thôn Nước Lang ra đời từ đó.
Với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nhà làng truyền thống vốn là nơi sinh hoạt văn hóa tập trung của đồng bào, đây không chỉ là nơi làng tổ chức các hoạt động quan trọng liên quan đến đời sống mà nơi đây được bà con ví như là linh hồn của làng. Tuy vậy, trong sự phát triển chung hiện nay, việc sử dụng và bảo quản nhà làng có lúc có nơi không tốt, ngay cả truyền thống ngủ tại nhà làng của một bộ phận thanh niên không được duy trì thường xuyên. Chính vì vậy, sau khi được nhà nước đầu tư, cộng đồng chung sức xây dựng, qua thời gian nhiều ngôi nhà đã bị mối mọt, gió tốc làm hư hỏng. Nếu không muốn nói, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào thiểu số đang dần bị mai mọt. Việc tự bỏ tiền túi mua ti vi đầu chảo đặt tại nhà làng để phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin của bà con, để giữ gìn linh hồn của làng như ông Hồ Văn Tí là điều đáng trân trọng. Hồng Năm