“Anh về trong câu hát xưa/ Nghe mẹ kể chuyện buồn cổ tích/ Mưa giăng giăng đêm dài tĩnh mịch/ Năm tháng mòn lời ru trẻ thơ...” (Đại Lộc ngày về). Mở đầu tập thơ “Gió qua triền cát” (NXB Thanh Niên-2009), Lê Văn Ri trải lòng mình bằng bài thơ viết về quê hương Đại Lộc dấu yêu. Quê hương có cánh cò lời mẹ ru con, có dòng nước Vu Gia xanh mát, có bãi cát bỏng chân khát khao những ước mơ, có nắng vàng rực rỡ nương dâu nà bãi, có vị ngọt lòn bon trong huyền tích của quê nhà... Không có sự chiêm nghiệm triết lý nhân gian, thơ của “gã trí thức nông dân” Lê Văn Ri là những rung cảm thuần hậu về mẹ, về quê hương yêu dấu và những đồng cảm, sẻ chia với biết bao thân phận anh đã từng gặp trong cuộc đời này.
Trong số 53 bài thơ trong “Gió qua triền cát”, tập thơ đầu tay của Lê Văn Ri, hình ảnh người mẹ và quê hương chiếm “dung lượng” khá lớn. Những cảm xúc dâng trào, mãnh liệt nhưng cũng chứa chan nỗi niềm. Ngày những đứa con ở làng quê nhọc nhằn vào đại học, mơ ước công danh sự nghiệp cũng chính là ngày mà “ông trạng, ông nghè” bắt đầu chuỗi ngày “sống li quê”: “Con đi để lại phía sau/ Mảnh vườn quê, bãi dưa rát bỏng/ Ký ức tuổi thơ xào xạc hoài mong/ Và bóng mẹ ngày đêm ngóng đợi” (Ký ức vọng về). Người con ấy ra đi mang theo lời mẹ dặn “No chữ rồi không thể đói đâu con”, để lại phía quê nhà người mẹ sớm hôm đi - về với bao nỗi nhọc nhằn, vất vả lo toan: “Lời buồn dạy! Bạn tôi đành bỏ học/ Tôi chắt chiu đánh vật đến trường/ Mẹ tần tảo hai sương một nắng/ Gánh chợ quê nhặt chữ cùng con” (Con chữ đời người).
Mẹ lúc nào cũng rộng lượng bao dung, tần tảo sớm hôm mong con thơ khôn lớn nên người. Nhưng “Mẹ già như chuối chín cây...”, một ngày chiều quê nhạt nhòa bóng mẹ, mỗi khi trở lại quê nhà, mỗi đứa con mới cảm nhận thế nào là “nỗi mồ côi” trong chính mảnh vườn con, căn nhà nhỏ thân yêu thuở nào. Những bài thơ như: “Ký ức vọng về”, “Chiều quê”, “Viếng mộ mẹ”... trong “Gió qua triền cát” gây xúc động lòng người. “Sống thời lai láng nồng say/ Chết thời tính tháng, kể ngày khổ đau/ Mẹ ơi! Đã chẵn trăm ngày/ Khói hương quặn thắt/ sum vầy còn đâu?” (Viếng mộ mẹ). Đó là lời tự vấn. Hay: “Khói rơm rạ gọi gió đồng/ Bâng khuâng một nỗi hư không tôi về/ Chiều tàn như một cơn mê/ Không còn dáng mẹ chiều quê chạnh buồn” (Chiều quê). Viết về mẹ, thơ Lê Văn Ri có những câu lục bát thổn thức những rung cảm sâu xa, phát xuất từ trái tim quặn thắt của những đứa con về sự biệt li tình mẫu tử, những hồi ức buồn đau ray rứt khôn nguôi...
“Ai đi xa vẫn đợi ngày về/ Tuổi thơ bỏng chân trần trên cát/ Day dứt mãi một thời khao khát/ Mơ đi xa để được nhớ quê nhà...” (Đại Lộc ngày về). Đọc những bài thơ viết về vùng quê Đại Lộc thân yêu, sẽ thấy tác giả của “Gió qua triền cát” đau đáu một nỗi niềm, thật thà chân chất đến mức đáng yêu: “Mơ đi xa để được nhớ quê nhà”! Không lộng ngôn nhưng lập tứ. Thơ của Lê Văn Ri ít nhiều đã “neo” người đọc ở những câu thơ như thế.
Quê hương cũng không ngoài nương dâu bãi mía, dòng sông con đò, cây đa giếng nước, cánh đồng lúa đương thì con gái thấp thoáng bóng người em bé nhỏ đáng yêu... được xác lập từ khúc ca dao, điệu hò khoan xứ Quảng. May sao, trong “Gió qua triền cát”, ngoài những “sáo mòn lối cũ”, lại có những câu thơ viết về quê hương với cảm nhận riêng: “Tuổi thơ ở quê/ ngập tràn nỗi nhớ/ năm tháng dại khờ/ khát vọng phồn hoa// Giờ ở phố xa/ nhớ quê da diết/ bao người không biết/ nẻo quê mà về!” (Hương quê). Không cam chịu “lạc loài” vì thiếu vắng hình bóng quê nhà, cũng chính là biết “giữ lửa” trong lòng những ký ức về làng quê yêu dấu. Đó là giữ lại hình ảnh thân thương mái rạ khói lam chiều, những ngày chăn trâu cắt cỏ, giữ lại bên lòng lời ru dòng sông trong - đục hai mùa, và chợt “giật mình” khi cảm nhận được cái “chợ quê mọc giữa tình quê” thao thiết nhớ: “Lục bình tím. Lục bình trôi/ Một cồn đất nổi, đứng ngồi nên phiên/ Đi qua bao nỗi ưu phiền/ Trong con vẫn một góc miền chợ quê” (Chợ quê).
Mơ đi xa để được nhớ quê nhà! Trong thơ Lê Văn Ri thường nhắc đến cụm từ “về thăm quê”. Cứ thế, anh “thả” nỗi nhớ ấy vào thơ với những rung cảm bàng bạc về tình quê yêu dấu của người con lâu ngày vắng xa. Những “Về thăm Đại Lộc”, “Thăm quê ngoại”, “Quê tôi”, “Chiều sông Thu”, “Tiếng quê”, “Nói với dòng sông”... đọng lại những da diết nhớ thương, tình quê nồng ấm ấy.
Gấp lại trang sách “Gió qua triền cát”, chợt nghe réo rắt đâu đó cơn gió yêu thương gọi ta về bên mái nhà xưa có giậu mồng tơi xanh ngắt, gọi ta về trên ruộng đồng với lưng áo mẹ nâu sồng. Ta gọi đó là quê hương - hai tiếng giản dị thân thương xâm chiếm hồn ta như một giấc mơ về...
Bài và ảnh: Trịnh Ly Lan
----------------------
Ảnh kèm theo: Bìa tập thơ “Gió qua triền cát” của Lê Văn Ri.