Nhà ngoại tôi ở quê, đất đai rộng rãi, cây trái sum xuê, rau xanh bốn mùa tươi tốt. Mùa nào thức ấy, mảnh vườn nhỏ nhà ngoại không bao giờ thiếu rau xanh nào rau lang, rau dền, rau má, rau càng cua, rau răm, ngọn bí... đặc biệt là dậu mồng tơi quanh năm xanh tốt; dàn tre cậu làm sau nhà bên ảng nước không bao giờ thiếu quả, lúc thì giàn khổ qua, lúc thì giàn bí đao, lúc thì giàn bầu, giàn su su, giàn mướp hương...
Mỗi dịp về quê ngoại, tôi luôn thích thú với những món ăn "cây nhà lá vườn" do chính tay ngoại tôi chế biến. Cái thú vị nhất là được cùng ngoại cầm rổ tre đi dạo quanh vườn, thích ăn thứ gì thì tiện tay ngắt thứ ấy. Từ những thứ rau, thứ quả trong vườn nhà, nhiều món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê nhà hiện hữu trong những bữa cơm đạm bạc theo thời gian, năm tháng đã nuôi lớn mẹ tôi cùng các dì, các cậu trong những tháng ngày xưa đầy khó khăn, thiếu thốn. Mấy năm nay, ngoại đã già, mắt đã nhòa, chân yếu tay run nhưng với ngoại niềm đam mê được nấu ăn từ những thứ có sẵn trong vườn nhà không bao giờ thay dổi theo năm tháng, nhất là những dịp con cháu về tề tựu đông đủ. Tôi thương lắm dáng ngoại hao gầy dò dẫm quanh vườn gắt từng cộng rau, hái từng quả bầu, quả mướp... rồi cặm cụi ngồi nhặt, xắt gọt, xào nấu... với tất cả tình cảm thân thương của một người mẹ, một người bà gửi vào từng món ăn để cho con, cho cháu những bữa cơm ngon ngọt, đậm đà và dạt dào tình yêu thương.
Tôi đã được ăn nhiều món ăn của ngoại, món nào cũng ngon, cũng đáng nhớ nhưng nhớ nhất là món canh mướp nấu với mồng tơi và tôm hoặc tép. Món ăn không cầu kỳ, dễ chế biến nhưng mà ngon ngọt, đậm đà đến lạ. Ngoại thường chọn hái những lá mồng tơi tươi non lành lặn rửa sạch để ráo rồi tiện tay cắt hai ba quả mướp hương trên giàn gọt vỏ cắt miếng vừa ăn. Hôm nào nấu với tôm thì tôi thường giúp ngoại việc làm tôm còn hôm nào mua được mớ tép thì chỉ cần rữa sạch rồi cho vào nấu. Ngoại cho một ít dầu phụng quê và vài củ nén vào nồi rồi cho tôm hoặc tép đảo sơ qua cho thấm dầu. Khi gian bếp bắt đầu bốc mùi thơm ngào ngạt của mùi dầu phụng, mùi nén, mùi tôm được khử chín thì ngoại cho nước vào đun sôi. Nước sôi ngoại cho mướp vào rồi đun nhỏ lửa chờ sôi trở lại thì cho rau mồng tơi vào lúc này nên để lửa lớn hơn để tránh mướp bị đen và rau mồng tơi bị chín quá. Khi mướp, mồng tơi vừa chín, ngoại tỉ mỉ nêm nếm từng muỗng gia vị gồm muối, mắm và bột ngọt vừa ăn rồi thêm ít lá ngò ngai xắt nhỏ.
Điểm độc đáo nhất của nồi canh mướp mồng tơi của ngoại là mùi thơm là lạ rất quyến rũ. Hơn nữa, nước canh gồm mướp, mồng tơi cùng với tôm tép sóng sánh hòa quyện thật ngọt, thật đậm đà. Vào những ngày tiết trời oi bức, trong bữa cơm sum họp gia đình có món canh này của ngoại, cả nhà vừa no bụng và bao nhiêu mệt nhọc cứ thế tan biến lúc nào không hay....
Mai Hồng Lâm - Bảo tàng Quảng Nam